Những bài học kinh nghiệm được rút ra sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 27/02/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng In trang
21/07/2023 03:10 CH

Dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của đất nước, là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Công tác dân vận là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị. Đảng lãnh đạo trực tiếp công tác dân vận; các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thực hiện hiệu quả công tác dân vận; nêu cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu đối với công tác dân vận; thường xuyên học tập, quán triệt tư tưởng, đạo đức và thực hiện phong cách dân vận “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thực hiện quan điểm trên, thời gian qua việc triển khai, thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 27/02/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng “Về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới” được các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh quan tâm tổ chức, tuyên truyền, quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức bằng nhiều hình thức phong phú như: Tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt; các cuộc họp, hội nghị tập huấn về công tác dân vận, quy chế dân chủ ở cơ sở; tuyên truyền, quán triệt trong các hội nghị giao ban cơ quan, đơn vị và trong sinh hoạt chi bộ. Đồng thời, sao gửi văn bản đến các tổ chức đảng cơ sở, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội để triển khai học tập, quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và tuyên truyền rộng rãi đến các tầng lớp Nhân dân. Sau 05 năm triển khai, đến nay, tỷ lệ đảng viên được học tập, quán triệt Chỉ thị đạt 99%; đoàn viên, hội viên và Nhân dân được tuyên truyền, quán triệt đạt trên 90%. Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã cụ thể hóa, ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới.

Sau 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác dân vận của các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến rõ nét và đạt được những kết quả tích cực. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và thái độ phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngày càng được nâng cao. Công tác phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng chặt chẽ, hiệu quả; nhiều cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước được triển khai sâu rộng; công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình dân vận khéo được quan tâm chú trọng. Nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về công tác dân vận ngày càng được nâng lên; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước các cấp từng bước được nâng cao theo hướng kiến tạo, vì nhân dân phục vụ; ý thức, trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức từng bước được nâng lên; dân chủ được mở rộng, quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được phát huy; duy trì tốt công tác tiếp công dân, đối thoại với nhân dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, củng cố được lòng tin, tạo được đồng thuận cao trong Nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, giữ vững lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn tỉnh.

Sơ kết 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 27/02/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận chính quyền; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt để nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về quan điểm của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận.

Hai là, quan tâm bố trí cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, uy tín và kinh nghiệm phụ trách công tác dân vận, đồng thời tạo điều kiện, chăm lo bồi dưỡng, học tập nâng cao trình độ về mọi mặt để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác dân vận.

Ba là, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; công khai minh bạch các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của công dân; duy trì tốt công tác tiếp công dân, đối thoại giải quyết kịp thời, hiệu quả các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của công dân, chú trọng hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở.

Bốn là, trong chỉ đạo và điều hành của chính quyền các cấp cần ban hành kịp thời các cơ chế chính sách phù hợp với thực tiễn, đảm bảo quyền và lợi ích của người dân, tạo mọi điều kiện để Nhân dân tham gia đóng góp ý kiến và coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện.

Năm là, thực hiện tốt việc phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước đóng vai trò trung tâm phối hợp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt trong công tác vận động quần chúng; nơi nào có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội thì nơi đó làm tốt công tác dân vận, phát huy tốt quyền làm chủ của Nhân dân trong việc tham gia quản lý xã hội.

Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; tiến hành sơ kết, tổng kết các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh về công tác dân vận; làm tốt công tác thi đua, khen thưởng gắn với biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt…

Để công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh ngày càng có thêm nhiều kết quả và thành tích mới, những bài học trên đây cần được tiếp tục vận dụng sáng tạo, hiệu quả, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước; tăng cường và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện thật tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

QT

Lượt xem: 4.242