Hiệu quả việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại các xã trên địa bàn huyện Đam Rông In trang
17/10/2022 03:29 CH

Được sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, chính quyền, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, việc triển khai và tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ tại các xã trên địa bàn huyện Đam Rông đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Việc thực hiện Quy chế dân chủ đã góp phần khắc phục tình trạng quan liêu, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân; tạo được sự đồng thuận, xây dựng và củng cố mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Các kết quả nổi bật khi triển khai thực hiện quy chế dân chủ tại các xã trên địa bàn huyện cụ thể như:

Một là, trong những năm qua, cấp uỷ, chính quyền các cấp luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và tổ chức thực hiện dân chủ tại xã; xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong tổ chức triển khai, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương. 8/8 xã đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, kịp thời kiện toàn đảm bảo về số lượng, cơ cấu và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Chủ động xây dựng quy chế hoạt động, chương trình công tác, kế hoạch kiểm tra định kỳ và đột xuất, duy trì tốt chế độ giao ban hàng tháng; chủ động tham mưu giúp cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề phức tạp từ cơ sở. Các đơn vị đã cụ thể hoá các văn bản thực hiện dân chủ ở cơ sở thành quy chế, quy định của địa phương, thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.

Hai là, các xã, đã thực hiện nghiêm túc việc công khai, những nội dung cần công khai cho nhân dân như: kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, công trình đầu tư và thứ tự ưu tiên, tiến độ thực hiện; phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án; quy hoạch kế hoạch sử dụng đất chi tiết và phương án điều chỉnh, quy hoạch khu dân cư trên địa bàn xã; các chủ trương, kế hoạch vay vốn để phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo; phương thức, kết quả bình xét hộ nghèo, trợ cấp xã hội, cấp thẻ bảo hiểm y tế, xây dựng nhà tình thương, nhà ở cho hộ nghèo; việc quản lý và sử dụng các loại quỹ, khoản đầu tư, tài trợ, các khoản huy động đóng góp của nhân dân; kết quả bầu và lấy phiếu tín nhiệm chủ tịch và phó chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch và phó chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp xã... Tùy theo tính chất, mức độ quan trọng của từng nội dung mà việc công khai có thể thông qua một hay nhiều hình thức để chuyển tải đến nhân dân được biết.

Ba là, phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân trong bàn, quyết định về các phương án, kế hoạch, mức đóng góp xây dựng đường giao thông trong thôn, bình chọn các đối tượng được hưởng chính sách xã hội, xây dựng các công trình phúc lợi liên quan trực tiếp đến người dân; bàn, tham gia ý kiến việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm trưởng thôn, thành viên Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, thực hiện đúng các bước, dân chủ, đúng pháp luật. Tổ chức các buổi họp thônđể nhân dân được bàn bạc, thảo luận, tham gia ý kiến, để nhân dân phát huy trí tuệ, chung tay góp sức hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của địa phương, các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện có 4/8 xãđược công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Bốn là, các địa phương tập trung chỉ đạo đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân cấp xã, phát huy dân chủ bằng hình thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp để nhân dân tham gia xây dựng chính quyền. Các xã tạo điều kiện cho nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể trong sạch, vững mạnh; đóng góp ý kiến cho cán bộ, đảng viên và công chức về đạo đức, lối sống; tham gia bàn bạc, thống nhất các nội dung xây dựng hương ước, quy ước ở thôn. Hằng năm tiến hành họp bình xét các gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa để biểu dương, khen thưởng vào ngày hội đại đoàn kết toàn dân, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc thực hiện nếp sống văn hóa, phát huy tinh thần đoàn kết, tự quản ở các khu dân cư.

Năm là, vai trò giám sát của nhân dân được thực hiện thông qua hoạt động của ban thanh tra nhân dân và ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở các địa phương được thành lập, thường xuyên kiện toàn, đảm bảo số lượng, chất lượng hoạt động; được tập huấn nghiệp vụ, định kỳ tổ chức giao ban nắm tình hình, thu thập thông tin, tổng hợp ý kiến, phối hợp, đề xuất, kiến nghị với cấp uỷ, chính quyền giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến thực hiện và thực thi chính sách, pháp luật; trực tiếp giám sát các công trình được đầu tư của địa phương, các công trình do nhân dân huy động nguồn đóng góp. Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khoá XI), Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, đăng ký với cấp uỷ cùng cấp và tổ chức thực hiện một số nội dung giám sát, phản biện xã hội. Phối hợp tổ chức giám sát việc thực hiện chủ trương, chế độ của nhà nước cho các đối tượng chính sách; các nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên.

Sáu là, thực hiện dân chủ trong xây dựng nông thôn mới, các địa phương đã chỉ đạo thực hiện công khai, minh bạch các chủ trương, cơ chế, các nguồn lực, các khoản huy động đóng góp của nhân dân. Nhân dân được thảo luận, bàn bạc, tham gia ý kiến và thống nhất xây dựng phương án làm đường giao thông nông thôn, việc thu các loại quỹ, phí, hiến đất làm đường giao thông nông thôn, giao thông thuỷ lợi nội đồng, tạo điều kiện để nhân dân phát huy trí tuệ, chung tay, góp sức tham gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện có 4 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, lộ trình đến năm 2025 8/8 đạt chuẩn nông thôn mới. Do thực hiện tốt việc công khai, dân chủ các nội dung trong xây dựng nông thôn mới nên không có nơi nào xảy ra khiếu kiện, tố cáo, sai phạm liên quan đến xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn.

2. Những mặt còn hạn chế

-  Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm về dân chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở một số nơi còn hình thức.

-Việc tổ chức để nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tham gia góp ý cho cán bộ, đảng viên có nơi chưa đảm bảo yêu cầu. Chất lượng các cuộc họp thôn có nơi chưa cao. Một bộ phận nhân dân chưa phát huy hết công sức, trí tuệ tham gia xây dựng nông thôn mới, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ của cấp trên.

- Phát huy dân chủ chưa thực sự gắn với thực hiện kỷ cương, pháp luật. Một bộ phận nhân dân còn lợi dụng dân chủ, vi phạm pháp luật, gây trở ngại tới việc triển khai một số nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, nhất là trong việc đền bù giải phóng mặt bằng.

- Hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở một số đơn vị chưa thực sự hiệu quả, còn thiếu cơ chế, kinh nghiệm, phương pháp hoạt động còn lúng túng.

3. Giải pháp thực hiện thời gian tới.

Để giải quyết những vướng mắc trong việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở xã trong thời gian tới, địa phương tiếp tục thực hiện giải pháp cụ thể như:

Thứ nhất, các cấp uỷ Đảng và chính quyền các cấp phải có nhận thức đúng, xác định việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác thực hiện quy chế dân chủ ở cấp xã, phường, thị trấn là nhiệm vụ chính trị có tầm quan trọng hàng đầu; coi việc tổ chức, thực hiện là những nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị cơ sở và của toàn dân.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với việc triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước liên quan đến việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở; các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước như: “Dân vận khéo”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”... đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

Ba là, tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính; chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành; công khai, minh bạch các quy định, quy trình, cơ chế, chính sách; chấn chỉnh phong cách, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Thường xuyên kiểm tra và bám sát cơ sở, tăng cường đối thoại, giải quyết kịp thời những bức xúc, đơn thư khiếu nại, tố cáo công dân tránh để xảy ra khiếu kiện đông người, vượt cấp và kéo dài.

Bốn là, phát huy tốt vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, trách nhiệm của chính quyền trong việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, bảo đảm an sinh xã hội. Tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải phát huy tính tiên phong, gương mẫu thực hiện quy chế dân chủ, tạo niềm tin trong Nhân dân.

Năm là, kịp thời củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở sau đại hội đảng và bầu cử đại biểu HĐND các cấp. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Trong thực hiện quy chế dân chủ ở cấp xã, phường, thị trấn cần đưa tiêu chí kết quả thực hiện quy chế làm tiêu chuẩn thi đua để đánh giá xếp loại của từng đơn vị, cá nhân

Bên cạnh đó, muốn cho dân chủ trở thành nề nếp trong đời sống hàng ngày của xã hội, phải coi việc thực hiện quy chế dân chủ ở cấp xã là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và thường xuyên, lâu dài của tổ chức Đảng, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận tổ quốc và đoàn thể các cấp; phải gắn việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, từng mặt công tác và trách nhiệm của từng cá nhân, nhất là của người đứng đầu./.

Lượt xem: 14.415