a. Công tác dân vận của hai tỉnh Lâm Viên và Đồng Nai Thượng từ năm 1930 đến cách mạng tháng Tám năm 1945
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (03/02/1930), tại Lâm Đồng, tháng 4/1930, chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh Lâm Viên được thành lập để lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương. Để tập hợp lực lượng, các tổ chức Công hội đỏ, Hội tương tế, Hội Ái hữu đồng hương, Hội Phụ nữ, Hội Phản đế đồng minh được thành lập đã từng bước tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng đến nhân dân.
Từ 1936, Đảng ta chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất Dân chủ Đông Dương để tuyên truyền, tổ chức quần chúng, củng cố và phát triển tổ chức bí mật của Đảng. Trong 4 năm từ 1936 đến 1940 qua đấu tranh, giai cấp công nhân ngày càng trưởng thành, có tinh thần đoàn kết, tin tưởng vào sức mạnh của mình và lôi cuốn được các tầng lớp nhân dân tham gia. Từ năm 1941 đến 1945, nhiều tổ chức quần chúng được thành lập như Công nhân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc... để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, ảnh hưởng của Mặt trận Việt Minh và vận động thanh niên không đi lính cho Nhật.
Trong vòng 7 ngày từ 22/8 đến 28/8/1945 nhân dân các dân tộc hai tỉnh Lâm Viên và Đồng Nai Thượng đã tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, thành lập chính quyền cách mạng. Sau khi giành chính quyền, Mặt trận Việt Minh và Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời hai tỉnh Lâm Viên và Đồng Nai Thượng đã đề ra một số chủ trương và nhiệm vụ trước mắt để ổn định đời sống nhân dân, xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng non trẻ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Việt Minh và của Chính phủ trong các tầng lớp nhân dân.
b. Công tác dân vận trong thực hiện nhiệm vụ củng cố lực lượng, xây dựng các khu căn cứ giai đoạn 1946-1953
Ngày 28/01/1946, thực dân Pháp đã chiếm lại hai tỉnh Lâm Viên và Đồng Nai Thượng. Các cơ quan của Tỉnh, lực lượng vũ trang và một số đồng bào đã rút về Ninh Thuận và Bình Thuận để xây dựng căn cứ, chuẩn bị lực lượng trở về hoạt động ở tỉnh nhà. Nhằm tiếp tục tăng cường chỉ đạo và đẩy mạnh phong trào cách mạng ở thị xã Đà Lạt, Ủy ban kháng chiến tỉnh Lâm Viên tổ chức đường dây liên lạc theo đường hợp pháp, đưa truyền đơn, tài liệu, bố trí cán bộ, cơ sở lên hoạt động. Nhiều tổ chức quần chúng và hội biến tướng được củng cố và phát triển đều khắp các xã, phường. Nhiệm vụ của các đội vũ trang tuyên truyền là đi sâu, xây dựng cơ sở cách mạng trong quần chúng, vận động nhân dân chống xâu thuế, không đi lính cho địch. Công tác dân vận xác định “Chia vùng sau lưng địch thành hai vùng với phương châm hoạt động khác nhau, vùng tạm bị chiếm lấy xây dựng cơ sở, đấu tranh chính trị và kinh tế làm nội dung chính, kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị và kinh tế... Để thực hiện tốt nhiệm vụ và phương châm đó, cán bộ vùng địch phải nắm vững phương châm đoàn kết dân tộc, kháng chiến lâu dài, lấy công tác dân vận làm gốc”.
a. Công tác dân binh vận trong đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ, xây dựng lực lượng cách mạng, chống địch khủng bố giai đoạn 1954-1961
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, nhưng nước ta tạm chia cắt làm hai miền, miền Bắc tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, miền Nam tiếp tục đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Đảng ta chủ trương lấy việc tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ, phân hóa góp phần làm tan rã ngụy quân, ngụy quyền về chính trị, tư tưởng, tổ chức, thực hiện Công – Nông – Binh liên hiệp, làm thất bại âm mưu của địch. Công tác dân binh vận có tầm chiến lược để giữ vững và phát triển lực lượng cách mạng.
Công tác dân binh vận giai đoạn này xác định nhiệm vụ trọng tâm là phải bám trụ vững chắc trên các địa bàn từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, bám rễ trong dân để xây dựng và củng cố mạng lưới cơ sở cốt cán, tập hợp đông đảo quần chúng dưới mọi hình thức hợp pháp, nửa hợp pháp, tranh thủ ngụy, lập chính quyền theo kiểu “xanh vỏ, đỏ lòng”. Hình thành đường dây chặt chẽ từ tỉnh xuống cơ sở, lãnh đạo quần chúng dựa vào pháp lý Hiệp định đấu tranh chống “tố cộng”, đòi quyền dân sinh, dân chủ. Đối với vùng dân tộc, các đội vũ trang công tác tranh thủ tầng lớp trên, nhất là già làng, qua đó phân hóa hàng ngũ tề vệ, lôi kéo những người có cảm tình với cách mạng.
Tháng 8/1961 Tỉnh ủy Tuyên Đức được thành lập gồm 5 đồng chí, đồng chí Nguyễn Xuân Khanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy được phân công phụ trách công tác dân vận. Ngày 31/8/1961 Ban Cán sự Đảng tỉnh Lâm Đồng được thành lập. Từ đây, phong trào cách mạng tỉnh Lâm Đồng đã có sự chuyển biến tích cực. Phong trào được mở ra với tinh thần đồng khởi, cơ sở cách mạng được mở rộng, vùng căn cứ cách mạng được xây dựng tạo nên thế và lực mới.
b. Công tác dân binh vận trong đấu tranh chống chiến lược Chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ giai đoạn 1961-1965
Công tác dân binh vận ở 02 tỉnh Tuyên Đức và Lâm Đồng tuy chưa có hệ thống tổ chức riêng nhưng do cấp ủy Đảng trực tiếp chỉ đạo. Về công tác tuyên truyền giáo dục binh lính, thông qua các lần đột ấp tuyên truyền tổ chức mít ting, vũ trang tuyên truyền đã vạch trần âm mưu, sự suy yếu, thất bại của địch trên các chiến trường. Đồng thời, khẳng định sự trưởng thành của cách mạng. Đối với nhân dân, phổ biến chính sách binh vận, phổ biến lời kêu gọi của Mặt trận đối với binh sĩ, nhân viên ngụy quyền, vận động những người ở vùng địch bung ra làm ăn. Công tác xây dựng cơ sở nội tuyến vừa làm nhiệm vụ tuyên truyền cách mạng trong binh lính sĩ quan, vừa cung cấp tình hình, báo tin, tiếp tế, tìm cách bảo vệ, che chở cho sự đi lại, hoạt động của lực lượng cách mạng. Đặc biệt là đợt vận động cải cách dân chủ trong vùng căn cứ, triển khai 05 phong trào thi đua: phong trào tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm; phong trào du kích chiến tranh; phong trào thoát ly vào cơ quan, tham gia lực lượng vũ trang; phong trào đi dân công phục vụ phía trước, ủng hộ bộ đội; phong trào học tập văn hóa, vệ sinh phòng bệnh... đã tác động tích cực đối với nông dân, già làng, chủ đất.
c. Công tác dân binh vận trong đấu tranh chống chiến lược Chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ giai đoạn 1965-1968
Trong giai đoạn này, đối tượng của công tác dân binh vận là lực lượng dân vệ ở xã, ấp. Ở những địa bàn dân vệ hoạt động mạnh, ta tiến hành xây dựng cơ sở chính trị, cơ sở binh vận, từng bước tuyên truyền giáo dục và nắm bắt dân vệ. Đối với những địa bàn dân vệ hoạt động bình thường, thông qua gia đình, bà con để chủ yếu bằng thư từ và truyền đơn bằng những câu ca dao kêu gọi tinh thần yêu nước, tự hào về truyền thống dân tộc.
Từ năm 1965-1968, công tác dân binh vận thu được kết quả tốt, đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia đòi Mỹ phải tôn trọng độc lập, chủ quyền của Việt Nam, đòi giảm giá sinh hoạt, đòi tự do dân chủ, chống bắt lính, chống quân sự hóa học đường. Trong các cuộc đấu tranh, công tác binh vận đóng vai trò quan trọng trong việc vận động gia đình binh lính thuyết phục con em không đàn áp các cuộc biểu tình, tranh thủ bọn chỉ huy cho lính án binh bất động, thức tỉnh tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc. Đây là thời kỳ công tác dân binh vận phát triển có chiều rộng và chiều sâu, tạo được phong trào quần chúng tấn công binh vận và xây dựng, phát triển cơ sở nội tuyến trong các thứ quân.
d. Công tác dân binh vận chống chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, phục vụ tổng tiến công và nổi dậy giải phóng quê hương giai đoạn 1969-1975
Phát huy thắng lợi của 5 phong trào thi đua từ những năm trước, Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể vùng căn cứ tích cực hưởng ứng các cuộc phát động mới: Phong trào “bốn nhất” trong thanh niên, “ba đảm đang” trong phụ nữ... Thêm vào đó, vùng căn cứ nắm vững chính sách dân tộc của Đảng, ra sức xây dựng đội ngũ cán bộ cốt cán người dân tộc đủ khả năng đảm đương lãnh đạo các mặt, đẩy mạnh phong trào du kích chiến tranh, sản xuất, phòng chữa bệnh ở địa phương. Nâng cao đời sống các mặt cho nhân dân để động viên sức người, sức của nhiệm vụ cách mạng.
Hiệp định Paris được ký kết vào ngày 27/01/1973 đánh dấu bước ngoặt quan trọng cho cách mạng. Sau hiệp định Paris, công tác dân binh vận trong thời kỳ này là đẩy mạnh công tác tuyên truyền nội dung cơ bản của Hiệp định, đấu tranh buộc Mỹ phải thi hành hiệp định, tôn trọng quyền tự do, dân chủ, tập hợp quần chúng thành lực lượng chính trị mạnh mẽ. Với nhiều hình thức như vũ trang tuyên truyền, đi sâu luồn êm, ém lót, cải trang, làm ăn cùng dân để phát động từng gia đình, từng nhóm khu vực để tuyên truyền, giải thích nội dung Hiệp định và đường lối, chính sách của ta, vận động binh lính và sĩ quan địch bỏ ngũ về nhà làm ăn.
Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam (30/4/1975), thực hiện chủ trương giải thể cấp khu, hợp nhất một số tỉnh. Các tỉnh Lâm Đồng, Tuyên Đức, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Tuy được nhập lại thành tỉnh Thuận Lâm, tỉnh lỵ đặt tại Phan Rang. Tỉnh mới được thành lập, đời sống nhân dân gặp vô cùng khó khăn, hoạt động của tổ chức FULRO gây cho ta nhiều tổn thất nặng nề. Công tác dân vận tập trung vào ổn định tình hình thân nhân ngụy quân, ngụy quyền, chỉ rõ sự khoan hồng, nhân đạo của chính quyền cách mạng, tuyên truyền vận động quần chúng nâng cao ý thức làm chủ, tham gia tích cực vào thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, vận động nhân dân tham gia sản xuất, khắc phục khó khăn về lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu; ổn định đời sống xã hội; xây dựng và củng cố chính quyền. Tuyên truyền vạch rõ âm mưu, tội ác của bọn FULRO, phát động quần chúng đấu tranh chống lại sự xúi dục, lôi kéo đồng bào của bọn FULRO; tập trung xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kiên quyết đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng.
Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ I, ngày 18/4/1977, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Nghị quyết số 25-NQ/TU về việc thành lập Ban Dân vận – Mặt trận tỉnh, nhằm tăng cường công tác dân vận, mặt trận. Sau khi thành lập, Ban Dân vận – Mặt trận đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Vận động nhân dân tham gia phát triển sản xuất, phong trào hợp tác hóa trong nông nghiệp, trong cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công, thương nghiệp tư bản tư doanh; vận động nhân dân tham gia xây dựng chính quyền và các đoàn thể, đã phát động quần chúng phát huy quyền làm chủ, tham gia xây dựng chính quyền ở cơ sở; vận động nhân dân tham gia bảo vệ Tổ quốc, truy quét lực lượng FULRO và vận động thanh niên nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc tại hai cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam và phía Bắc, làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia.
Ngày 01/8/1983, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Quyết định 224-QĐ-NS/TU về việc thành lập Ban Dân vận Tỉnh ủy, là cơ quan tham mưu của Tỉnh ủy về công tác vận động quần chúng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Sau khi thành lập, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu, đề xuất nhiều chương trình, kế hoạch về công tác vận động quần chúng nhân dân. Củng cố, kiện toàn các đoàn thể nhân dân, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, tăng gia sản xuất, thi đua yêu nước, xây dựng nếp sống mới, chống các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, vận động định canh, định cư.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ IV là mốc đánh dấu sự lãnh đạo của Đảng bộ triển khai thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Công tác dân vận thời kỳ này với phương châm “lấy dân làm gốc” và “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã tập trung vận động nhân dân đẩy mạnh sản xuất lương thực; phát triển cây công nghiệp ngắn và dài ngày, phát triển chăn nuôi, giao đất, giao rừng... Về quốc phòng, an ninh, tiếp tục làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền, giáo dục quán triệt đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, giải quyết căn bản các vấn đề FULRO gắn với xây dựng toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sau 5 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận nhân dân được ổn định và cải thiện; sinh hoạt dân chủ trong xã hội ngày càng phát huy; tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội được củng cố và đổi mới; tình hình chính trị ổn định, an ninh cơ bản được giữ vững.
Công tác dân vận thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế tập trung vận động nhân dân nâng cao tỷ lệ sử dụng cơ giới và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến sau thu hoạch, chuyển đổi giống cơ cấu cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng theo hướng chuyên môn hóa; phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, du lịch trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; bảo vệ, tôn tạo và xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Tuyên truyền bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân. Thực hiện chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh thực hiện công tác dân vận chính quyền, tăng cường cải cách hành chính, xây dựng chính quyền phục vụ nhân dân, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành. Nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp theo hướng đưa nội dung, hoạt động về cơ sở; tăng cường vai trò của nhân dân trong giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Tổ chức phong trào thi đua Dân vận khéo và Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới.
Nhìn lại chặng đường 91 năm xây dựng, hình thành và phát triển ngành dân vận tỉnh Lâm Đồng; cùng với sự phát triển chung của hệ thống dân vận cả nước, Ban Dân vận Tỉnh ủy Lâm Đồng đã phát huy vai trò, trách nhiệm của một Ban tham mưu của Tỉnh ủy về công tác dân vận. Trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi công tác dân vận những thách thức mới, đòi hòi mới, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng. Ghi nhớ và thực hiện lời dạy của Bác Hồ: "Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công", hơn lúc nào hết, các cấp, các ngành, mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân phát huy cao độ tinh thần yêu nước, khát vọng vươn lên, tạo khí thế mới, quyết tâm mới, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, ra sức thi đua, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, vì sự phát triển phồn vinh của đất nước, vì cuộc sống an toàn, ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Hoàng Dương