Tư tưởng công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập trong tác phẩm “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật, số 120, ngày 15/10/1949. Nói về đối tượng phải làm công tác dân vận Người chỉ rõ “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh...) đều phải phụ trách dân vận”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng về tư tưởng, phong cách dân vận và công tác dân vận. Tư tưởng và phong cách dân vận của Người không những được thể hiện trong những trang viết, lời nói mà nó còn được thể hiện trong hoạt động thực tiễn của Người. Phong cách ấy được thể hiện rõ nét ở tinh thần trọng dân, gần dân, lắng nghe ý kiến và tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Trong vòng 10 năm cuối cuộc đời (1955-1965), không quản tuổi cao, công việc bề bộn, Bác Hồ đã thực hiện khoảng 700 lượt đi thăm các địa phương, đơn vị bộ đội, từ đồng bằng đến miền núi, hải đảo để thăm hỏi đồng bào và chiến sĩ, xem xét tình hình, kiểm tra công việc. Người gần gũi với các cụ già, trẻ thơ, thăm hỏi ân cần những người dân lương thiện, lao động cần cù, một nắng hai sương, an ủi họ, tạo mọi điều kiện để họ có cơ hội sống tốt, sống khoẻ, sống vì mình, vì người, vì cộng đồng của 54 dân tộc anh em. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, ở đâu, bất cứ cương vị nào, trong thực hành công tác dân vận Người luôn “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, Đảng gắn bó máu thịt với nhân dân và là cội nguồn sức mạnh của Đảng trong mọi giai đoạn cách mạng. Người luôn khẳng định công tác vận động quần chúng là một nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa quyết định cho sự thành bại của cách mạng trong bất cứ điều kiện và hoàn cảnh nào. Cách mạng muốn thành công phải dựa vào sức mạnh của nhân dân. Tư tưởng “dân là gốc”, trọng dân, tin dân, dựa vào sức mạnh nhân dân, bao nhiêu lợi ích đều vì dân... quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân được Người vận dụng triệt để trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Ngay sau khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất, hội nông dân, hội phụ nữ, đoàn thanh
niên…nhằm vận động, tập hợp các giai cấp, tầng lớp, thành phần xã hội tiến hành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, nhân dân. Cách mạng Tháng Tám thành công, Người và Đảng lãnh đạo bầu cử toàn dân, ra đời Nghị viện nhân dân (Quốc hội) và ban hành Hiến pháp đầu tiên của đất nước (năm 1946), mở ra lịch sử chính quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tập hợp, lãnh đạo toàn dân chống giặc đói, giặc dốt, kháng chiến kiến quốc, chống Pháp, đuổi Mỹ, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước (1975). Người thường nói: Chính phủ là công bộc của dân, cán bộ, đảng viên là đầy tớ của dân. Các công việc của chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người. Cho nên chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh. Ðảng phải chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị thấm nhuần lý tưởng chính trị vì dân, chăm lo vun đắp đạo đức của người cán bộ, đảng viên rèn luyện suốt đời phấn đấu vì lợi ích của dân, của nước, vừa là người lãnh đạo, vừa là đầy tớ thật trung thành của dân. Ðảng phải có đường lối cách mạng đúng, các chính sách và cách thức lãnh đạo các tầng lớp xã hội trong nhân dân phù hợp, đội ngũ cán bộ, đảng viên gương mẫu, được lòng dân, đi vào lòng dân, cùng sướng khổ với dân mới khơi dậy và phát huy tính tích cực, sáng tạo của mỗi con người để họ có thể đóng góp nhiều nhất sức người, sức của thực hiện đường lối, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước. Trước khi đi vào thế giới vĩnh hằng, trong Di chúc, Người căn dặn “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Thấu suốt tư tưởng công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và Di chúc thiêng liêng của Người, Đảng ta luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước; là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành nhiều chủ trương về công tác dân vận, tiêu biểu như: Nghị quyết số 8B “Về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân”; Quyết định số 290-QĐ/TW, ngày 25/2/2010 về “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”; Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Kết luận 114-KL/TW ngày 14/7/2015 của Ban Bí thư về “nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp”; Chỉ thị 49-CT/TW ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Chỉ thị 18-CT/TW, ngày 10/01/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới; Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 16/5/2016 về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”… Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (2016), Đảng khẳng định “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân” nhằm phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nghị quyết đưa ra ba mục tiêu rất rõ của công tác dân vận: “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới nhằm củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân; tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo thành phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Thực hiện tư tưởng của Bác và văn bản chỉ đạo của Trung ương, những năm qua Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác dân vận trong tình mới. Qua đó, công tác dân vận đạt được những kết quả căn bản và toàn diện. Nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động nhân dân được đổi mới. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về vai trò, vị trí công tác dân vận trong tình hình mới có nhiều chuyển biến tích cực và nâng lên rõ nét. Công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp được đẩy mạnh; thực hiện có hiệu quả cải cách thủ tục hành chính; quan tâm giáo dục đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nêu cao tinh thần phục vụ và ý thức trách nhiệm trước nhân dân trong quá trình thực thi công vụ; tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả những bức xúc chính đáng của nhân dân. Mặt trận, đoàn thể và hội quần chúng tăng cường thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tập trung hướng mạnh về cơ sở; thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên và nhân dân; vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được phát huy; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố, tăng cường. Các phong trào thi đua yêu nước nhất là phong trào thi đua “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới” gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được triển khai thực hiện và từng bước nâng cao chất lượng. Nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đã thực sự lan tỏa trên mọi mặt đời sống xã hội. Tổ chức, bộ máy Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Trong những năm tới bên cạnh những thuận lợi sẽ có nhiều khó khăn thách thức trong công tác vận động, tập hợp quần chúng. Sự phân hóa giàu nghèo tiếp tục diễn ra, nhất là giữa vùng đô thị với vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Biến đổi khí hậu kèm theo thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường đã, đang và sẽ tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân. Các thế lực thù địch tăng cường các hoạt động chống phá, kích động, xúi dục chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các vấn đề xã hội về quan liêu, tham nhũng, tội phạm... tác động tiêu cực đến tư tưởng, tâm trạng các tầng lớp nhân dân.
Trong bối cảnh tình hình đó, các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên càng phải thấu suốt tư tưởng, quan điểm của Bác, của Đảng “công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị”, cần tập trung thực hiện tốt các nội dung chủ yếu sau:
Một là, từng tổ chức Đảng, từng cơ quan Nhà nước, từng tổ chức chính trị - xã hội, từng cán bộ, đảng viên, công chức viên, viên chức, lực lương vũ trang phải thấm nhuần sâu sắc nội dung về dân vận và công tác dân vận trong bài báo “Dân vận” của Bác để vận dụng trong công việc, trong cuộc sống; đây chính là hành động cụ thể học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.
Hai là, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, cán bộ; tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc chính đáng của nhân dân; làm cho nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường mối quan hệ máu thịt của nhân dân với Đảng và Nhà nước; kiên quyết, kiên trì thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự chuyển biến, tự chuyển hóa gắn với thực hiện hiệu quả Chỉ thị 05 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ba là, tăng cường công tác dân vận của các cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp theo Kết luận số 114-KL/TW ngày 14/7/2015 của Ban Bí thư Trung ương (Khóa XI) và Chỉ thị 24-CT/TU ngày 27/2/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; trọng tâm là: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến phục vụ người dân, doanh nghiệp; thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch thủ tục hành chính theo quy định. Phát huy quyền làm chủ, lấy ý kiến của Nhân dân trước khi quyết định các chủ trương, chính sách và quyền giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp. Tăng cường giáo dục đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ Nhân dân cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức thực sự là “công bộc” của Nhân dân, luôn lắng nghe ý kiến của Nhân dân, vì Nhân dân phục vụ. Tổ chức thực hiện hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện dân chủ, đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành, chống tiêu cực tham nhũng, gây phiền hà cho nhân dân. Tăng cường đối thoại, tiếp xúc trực tiếp với Nhân dân, giải quyết kịp thời những bức xúc, kiến nghị, nguyện vọng, lợi ích chính đáng và đơn, thư khiếu nại, tố cáo của Nhân dân.
Bốn là, đổi mới mạnh mẽ, toàn diện tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội. Thực hiện đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, tập hợp nhân dân, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả; chú trọng xây dựng, củng cố liên minh công nhân, nông dân, trí thức. Tổ chức thực hiện hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Mở rộng dân chủ, phát huy vai trò nhân dân tham gia giám sát cán bộ, đảng viên thực hiện Chỉ thị 05 và đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo Nghị quyết Trung ương 4. Nâng cao vai trò, trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, đoàn viên, hội viên; đổi mới công tác nắm bắt, dự báo tình hình tư tưởng các tầng lớp nhân dân; chủ động đề xuất, kiến nghị với cấp ủy, phối hợp với chính quyền giải quyết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng, những vấn đề bức xúc trong nhân dân, không để xảy ra điểm nóng, diễn biến tình hình phức tạp, nhất là trên lĩnh vực dân tộc, tôn giáo, học sinh, sinh viên, công nhân, lao động. Thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo; đẩy mạnh thực hiện các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với công tác tôn giáo; tập trung giải quyết các vấn đề liên quan công tác dân tộc, tôn giáo và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo.
Năm là, nâng cao chất lượng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, theo tinh thần Chỉ thị số 17-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các phong trào do Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội phát động. Quan tâm xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực đời sống xã hội.
Nguyễn Thị Lệ -UVBTV, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy