Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, quan điểm xây dựng nhà nước và hệ thống pháp luật thật sự vì dân, do dân và của dân đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta nhất quán thực hiện. Các quyết sách chú trọng đến vai trò của người dân trong việc cùng tham gia bàn bạc, xây dựng, kiểm tra, giám sát... đã thiết thực thực hiện tốt quy chế dân chủ. Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện quy chế dân chủ được xem là “chìa khóa” để phát triển kinh tế - xã hội, ổn định và nâng cao đời sống mọi mặt của đồng bào...
Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Ảnh: Văn Báu
Chỉ thị 30 và Pháp lệnh 34 - Cụ thể hóa tính pháp lý của quy chế dân chủ cơ sở
Hơn 15 năm trước, ngày 18.2.1998, Bộ Chính trị (khóa VIII) ban hành Chỉ thị 30- CT/TW về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Tiếp đó, ngày 20.4. 2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI ban hành Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
Trong Chỉ thị 30 - CT/TW, việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân được xác định vừa là mục tiêu, vừa là động lực để thực hiện thắng lợi quá trình cách mạng, công cuộc đổi mới. Kể từ Chỉ thị này, quy chế dân chủ ở cơ sở có tính pháp lý, yêu cầu mọi người, mọi tổ chức ở cơ sở đều phải nghiêm chỉnh thực hiện. Chỉ thị xác định: “Khâu quan trọng và cấp bách trước mắt là phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở, là nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, là nơi cần thực hiện quyền dân chủ của nhân dân một cách trực tiếp và rộng rãi nhất”.
Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 ra đời được ví như một “luồng gió mát” với những nội dung quy định thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở rất gần gũi, cụ thể. Trong đó có các nhóm nội dung xác định rõ vai trò của nhân dân trong quá trình thực hiện là: những nội dung phải công khai để dân biết; những nội dung dân bàn và quyết định trực tiếp; những nội dung dân bàn, biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định; những nội dung nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định; những nội dung nhân dân giám sát. Đồng thời, pháp lệnh nêu rõ trách nhiệm của chính quyền, cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn, thôn, làng, ấp..., của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và của nhân dân.
Thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW và Pháp lệnh 34/2007 PL-UBTVQH11 tại địa bàn có 43 đồng bào các dân tộc cùng quần cư như Lâm Đồng, trong 15 năm qua, công tác tuyên truyền và triển khai đã được cả hệ thống chính trị thực hiện. Với đặc điểm của vùng kinh tế vẫn còn những khó khăn nhất định, dân cư phân bố rải rác trong điều kiện địa hình phức tạp, phong tục tập quán của đồng bào khá đa dạng, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở giúp đồng bào hiểu biết sâu hơn các chủ trương, chính sách; giúp cán bộ gần dân và hiểu dân; từ đó các quyết sách có thể đi vào đời sống nhanh chóng và mạnh mẽ hơn. Theo ông Hà Phước Toản - UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy thì việc xác lập, tôn trọng các quyền “được biết, được bàn, được tham gia ý kiến và kiểm tra, giám sát” của nhân dân ở cơ sở, mở rộng các hình thức tiếp xúc, trao đổi và lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng chính đáng của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) đã được quan tâm và thực hiện thường xuyên. Đồng thời, những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào DTTS đã được thực hiện nghiêm túc, từ đó tạo điều kiện cần thiết đảm bảo cho việc thực hành dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn đã thành lập Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng; có 1.586 tổ hòa giải ở cơ sở (bình quân mỗi thôn, tổ dân phố có một tổ hòa giải từ 3 - 5 người); các công trình đầu tư, xây dựng hạ tầng, các dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS... đều được kiểm tra, giám sát...
Tiếp tục phát huy quyền làm chủ của nhân dân
Thôn Hawoai, xã Tu Tra, Đơn Dương có gần 300 hộ đồng bào DTTS. Khái niệm “quy chế dân chủ ở cơ sở” có lẽ không tường tận lắm với một số bà con nhưng việc được cùng bàn bạc, kiểm tra, giám sát cách xây dựng đường giao thông và các công trình chung thì bà con thấy rất quen thuộc. Ông K’ Bia - Trưởng thôn Hawoai cho hay từ mấy năm nay, khi xây dựng bất cứ công trình nào, thôn đều tổ chức họp dân để lấy ý kiến của mọi người, khi bà con “thông cái đầu và ưng cái bụng” rồi thì sẽ cùng góp sức, góp của để làm, làm đến đâu dân lại cùng kiểm tra đến đó và đóng góp ý kiến kịp thời. Nhờ vậy, qua những công trình được xây dựng và sử dụng, bà con hồ hởi lắm và giờ đây, những buổi họp dân ngày càng đông hơn, có những ý kiến sôi nổi hơn và theo K’ Bia thì đó chính là hiệu quả đạt được bởi nhân dân được cùng tham gia trong nhiều công việc cụ thể.
Có thể nói, quá trình thực hiện quy chế dân chủ trong vùng đồng bào DTTS đã tạo được những chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động. Về với cơ sở, các hoạt động như: bầu trực tiếp trưởng thôn, xây dựng quy chế tự quản ở cộng đồng dân cư (gần đây nhất là mô hình “Tiếng kẻng an ninh”) hay thu hút bà con tham gia vào các tổ chức đoàn thể tại địa phương... đã diễn ra sôi nổi hơn, hạn chế dần tính chiếu lệ, hình thức. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Dân vận Tỉnh ủy thì trong quá trình thực hiện, vẫn còn những hạn chế như: việc tuyên truyền và triển khai nội dung của quy chế chưa sâu; hệ thống chính trị ở cơ sở một số nơi trong vùng đồng bào DTTS chưa vững mạnh; năng lực, trình độ thực hành dân chủ của cán bộ có nơi còn yếu; tâm lý bình quân, e ngại, cào bằng đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện quy chế dân chủ. Bởi vậy, trong thời gian tới, yêu cầu về đổi mới việc thực hiện quy chế dân chủ trong vùng đồng bào DTTS một cách sáng tạo, phù hợp với từng địa bàn dân cư rất quan trọng, phải làm sao để công tác tuyên truyền thật sự gần gũi, khơi gợi được sự đồng cảm và tham gia tích cực của người dân. Bên cạnh đó, cần vận động để bà con xóa bỏ những phong tục tập quán không còn phù hợp (vô hình chung trở thành lực cản trong quá trình phát huy dân chủ). Vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội là một kênh thiết thực để thực hiện quy chế dân chủ trong vùng đồng bào DTTS thật sự hiệu quả. Đặc biệt, việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, bồi dưỡng và nâng cao trình độ công tác cho đội ngũ cán bộ tại cơ sở... là điều kiện quan trọng để việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở phát huy hiệu quả cao nhất.
HẢI YẾN - baolamdong.vn