Thực trạng và giải pháp trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện Đạ Huoai In trang
24/11/2023 08:40 SA

Trong thời gian qua, huyện Đạ Huoai chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng từng bước hoàn thiện. Với vị trí giao thông thuận lợi có đường QL20, TL 721 đi qua. Được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực cố gắng của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và Nhân dân trong toàn huyện, trong những năm qua tình hình kinh tế - xã hội của huyện có bước phát triển nhanh và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Dân chủ được mở rộng và phát huy, được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, thu nhập bình quân trên đầu người, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.

Xác định mục tiêu đẩy mạnh phát triển hạ tầng theo hướng bền vững, huyện luôn tập trung xác định giải phóng mặt bằng là khâu then chốt. Công tác giải phóng mặt phải đi trước một bước, giải phóng mặt bằng có nhanh thì mới tranh thủ nguồn vốn bố trí cho dự án. Bên cạnh đó, làm tốt các bước trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và ổn định cuộc sống cho người dân bị thu hồi đất, giảm thiểu tình trạng tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trong Nhân dân.

GPMB luôn là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, tác động trực tiếp đến đối tượng sử dụng đất, các thành phần kinh tế, đặc biệt là đến đời sống của người dân, hộ gia đình. Huyện đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng. Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ và Nhân dân, tạo thuận lợi trong quá trình triển khai các dự án, bàn giao mặt bằng đúng thời hạn. Địa phương đã xây dựng Kế hoạch chi tiết để giải phóng mặt bằng, Quy chế phối hợp, Thành lập Ban chỉ đạo, Tiểu ban giúp việc, Thành lập các tổ tuyên truyền vận động nhân dân, Tổ giúp việc…

Quá trình thực hiện như sau: Xác định phạm vi thi công công trình ngoài thực địa. Họp công bố chủ trương, quy mô, thông số dự án, thành phần là cán bộ, đảng viên, quần chúng gương mẫu nhằm nâng cao nhận thức về trách  nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi trong việc chấp hành chủ trương của Nhà nước để thực hiện dự án. Sau đó họp dân công bố chủ trương, quy mô, thông số dự án, lấy ý kiến nhân dân về dự án, tiếp thu, giải trình, hiệu quả mà dự án mang lại (chênh lệch địa tô, giao thông thuận lợi, tạo nền móng cho thế hệ sau, phát triển kinh tế nhân dân và địa phương, tạo kết nối các khu vực, giữ vững an ninh quốc phòng). Triển khai ký biên bản họp dân, biên bản cam kết hiến đất, bàn giao mặt bằng. Đối với trường hợp chưa đồng thuận: Đến từng hộ dân tập trung công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến chính sách, pháp luật về đất  đai, bồi thường và hỗ trợ, tái định cư cũng như mục đích, ý nghĩa của dự án tới các đối tượng có liên quan, trước hết là cán bộ, đảng viên, quần chúng gương mẫu nhằm nâng cao nhận thức về trách  nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi trong việc chấp hành chủ trương thu hồi đất của Nhà nước để thực hiện dự án. Tổ vận động của địa phương chịu trách nhiệm chính về công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu rõ chủ trương xây dựng dự án là nhà nước và nhân dân cùng làm, để từ đó nhân dân đồng thuận và tự nguyện hiến đất, cây trồng và kiến trúc có trên đất thu hồi xây dựng dự án. Ngoài ra, Tổ vận động còn có trách nhiệm phối hợp với UBND và Chủ đầu tư tuyên truyền, vận động các hộ dân có đất thu hồi hiện đang thường trú tại địa bàn khác. (Tổ vận động gồm Đảng ủy, UBND, Mặt trận, Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Tư pháp, địa chính,… những người có uy tín, trách nhiệm, có kinh nghiệm để tham gia vận động nhân dân như: Già làng, trưởng bản, người có tiếng nói, tin cậy trong khu vực…).

Trong thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thường trực Huyện ủy, BTV Huyện ủy, UBND huyện, cùng với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và đặc biệt là sự đồng tình hưởng ứng của người dân đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn trên toàn huyện, giao thông đi lại thuận tiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội chung của toàn huyện. Đến thời điểm này, đã thu được kết quả như sau (các dự án tiêu biểu): 1. Dự án Xây dựng đường Mađaguôi đi Đạ Oai (ĐH.5). Tuyến đường đi qua địa bàn 02 xã: Xã Mađaguôi (chiều dài 7.268m): tuyến đi qua 183 hộ dân, diện tích cần thu hồi khoảng 7,4ha, qua triển khai công tác vận động đến nay có 183/183 hộ dân đồng ý hiến đất, cây trồng, vật kiến trúc (đạt tỉ lệ 100%).  Xã Đạ Oai (chiều dài 600m): tuyến đường đi qua 09 hộ dân, diện tích thu hồi khoảng 0,19ha, qua triển khai vận động, có 09/9 hộ đồng ý hiến đất, cây trồng, vật kiến trúc (đạt tỉ lệ 100%). Tiết kiệm cho nhà nước 12,2 tỷ đồng. 2. Dự án Xây dựng tuyến đường từ Điện Biên Phủ đến đường vào Hồ Đạ Li Ông có chiều dài tuyến đường 631,98m, thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị TCVN 104-2007, chiều rộng nền 16m, chiều rộng mặt đường 9m, vỉa hè mỗi bên 3.5m. Diện tích đất cần giải phóng mặt bằng 10.192m2, số hộ bị ảnh hưởng 18 hộ và 01 cơ quan. Số hộ hiến đất, cây trồng, vật kiến trúc: 18 hộ (đạt tỉ lệ 100%) để xây dựng công trình. Tiết kiệm cho nhà nước 4,5 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trên địa bàn còn gặp phải những khó khăn, vướng mắc như: Hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng chưa đồng bộ, nhiều quy định mới thay thế chưa phù hợp, chưa kịp thời, đơn giá bồi thường, hỗ trợ còn chậm điều chỉnh chưa phù hợp với tình hình thực tế; sự hiểu biết về pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, một số nơi người dân còn có tư tưởng tranh thủ chính sách đòi hỏi thêm quyền lợi. Việc chỉnh lý giấy chứng nhận QSDĐ của các hộ dân còn gặp nhiều khó khăn và kéo dài do vướng các thủ tục pháp lý.

Một số bài học kinh nghiệm:

Một là, cần xác định công tác giải phóng mặt bằng là việc làm khó, phức tạp, do đó cần có sự tập trung vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền, sự vào cuộc của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, triển khai đồng bộ, nhất quán, kịp thời, nhất là trong công tác tuyên truyền vận động Nhân dân.

Hai là, tích cực tuyên truyền vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; tăng cường đoàn kết, phát huy dân chủ, quan tâm đảm bảo lợi ích chính đáng của Nhân dân, đi đôi với nâng cao ý thức trách nhiệm, tạo sự đồng thuận cao của Nhân dân đối với công tác giải phóng mặt bằng với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Ba là, để tạo lòng tin của Nhân dân trong việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, cần tăng cường kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm các vi phạm. Đồng thời, giải quyết thỏa đáng, kịp thời các trường hợp khiếu nại, tố cáo để đảm bảo an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội.

Bốn là, chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, quyết liệt trong chỉ đạo, quản lý, điều hành, linh hoạt trong xử lý tình huống. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch. Quan tâm đến công tác giải quyết việc làm cho người lao động trong diện phải thu hồi đất.

Một số giải pháp trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng trong thời gian tới:

1. Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, phát huy vai trò, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

- Tập trung cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở trong việc tuyên truyền vận động, thuyết phục nhân dân thực hiện các chủ trương, các quy định có liên quan đến giải phóng mặt bằng.

- Người đứng đầu cấp ủy, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm về kết quả công tác GPMB của địa phương, đơn vị mình. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện trước, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên không gương mẫu trong việc chấp hành quy định pháp luật.

- Tăng cường trách nhiệm và sự vào cuộc cả hệ thống chính trị trong công tác GPMB, đưa việc lãnh đạo công tác GPMB là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên cần tập trung chỉ đạo thực hiện.

2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước

          - Các cơ quan chuyên môn tham mưu cho UBND huyện có giải pháp đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác đền bù, GPMB để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; bố trí cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, kinh nghiệm làm công tác này.

          - Rà soát các quy hoạch về đất đai, giao thông, xây dựng và các quy hoạch khác có liên quan, các công trình, dự án trên địa bàn. Đối với các quy hoạch, công trình, dự án còn phù hợp thì cần có biện pháp công khai, minh bạch; thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai.

          - Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân cần tuân thủ, thực hiện đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm phải sát thực tiễn.

          - UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt việc xét duyệt nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất, tạo lập tài sản; xác định loại đất cũng như đối tượng, điều kiện bồi thường, hỗ trợ. Quá trình thực hiện cần tuân thủ pháp luật, phát hiện kịp thời các nội dung không phù hợp để kiến nghị, điều chỉnh đúng quy định, tránh gây thiệt hại cho Nhà nước, cho tổ chức, cá nhân.

          - Tăng cường công tác kiểm tra, huy động sự giám sát của cộng đồng nhằm phát hiện kịp thời các vi phạm; xử lý, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các vi phạm về đất đai, đầu tư, xây dựng, công trình công cộng.

          3. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến kiến thức pháp luật về đất đai đến mọi tầng lớp nhân dân

          - Cấp ủy đảng và hệ thống chính trị các cấp phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo phổ biến, quán triệt sâu sắc cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của công tác GPMB. Phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân và ý thức nêu gương của cán bộ, đảng viên thực hiện tốt Luật dân chủ ở cơ sở; chấp hành chủ trương thu hối đất, GPMB các dự án đầu tư trên địa bàn huyện.

          - Thường xuyên thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước và quy định của tỉnh về quy hoạch, dự án, chính sách GPMB, nhất là về công tác đền bù, hỗ trợ, tái định cư bằng nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả.

 

Phòng Dân vận các cơ quan nhà nước, dân tộc và tôn giáo

Lượt xem: 3.675