Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong tình hình mới In trang
04/06/2020 08:51 SA

          Trong những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức đối với hoạt động Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trọng tâm hướng về cơ sở, gần dân, sát dân, phù hợp với thực tiễn; Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội luôn chủ động đa dạng hóa các hình thức tập hợp đoàn viên, hội viên và vận động nhân dân; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên các lĩnh vực đời sống xã hội; huy động nhiều nguồn lực chăm lo tốt đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho nhân dân; kịp thời nắm và dự báo tình hình nhân dân, lắng nghe những phản ánh của cơ sở để tham mưu cấp ủy các giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả các vấn đề phát sinh từ thực tiễn; nâng cao vai trò giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị, nhất là tập trung giám sát một số lĩnh vực nhân dân quan tâm, bức xúc; chú trọng công tác sơ kết, tổng kết đánh giá các hoạt động phong trào; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước gắn với phong trào “Dân vận khéo” và các ngày kỷ niệm, ngày truyền thống của giới, góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh nhà.
          Sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận 62-KL/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Công văn số 2939-CV/TU, ngày 18/3/2010 về việc chỉ đạo thực hiện Kết luận 62-KL/TW của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh. Đồng thời ban hành nhiều chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, chỉ thị về dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Ngày 16/5/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 19-CT/TU về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong tình hình mới. Trên cơ sở chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc đã triển khai thực hiện, xây dựng nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Kết luận, Chỉ thị với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể; đề ra các chỉ tiêu phấn đấu phù hợp với đặc điểm tình hình, thực tiễn của từng ngành, địa phương, cơ sở. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh đã có kế hoạch cụ thể về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức mình, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn trong hệ thống xây dựng kế hoạch đổi mới nội dung, phương thức hoạt động đến tận chi, tổ hội, ban công tác Mặt trận với những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm; định hướng đổi mới phương thức, nội dung hoạt động thiết thực, hiệu quả phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng đoàn thể và tình hình thực tế của địa phương. 
          Qua triển khai thực hiện, công tác Mặt trận, đoàn thể nói chung và việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nói riêng đã đạt được những kết quả quan trọng. 
          Nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể có nhiều chuyển biến tích cực; đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đạt kết quả khá tốt; vai trò, vị trí của Mặt trận và các đoàn thể được củng cố, nâng lên. Chính quyền, các ban ngành đã phối hợp, tạo điều kiện cho Mặt trận, các đoàn thể hoạt động ngày càng hiệu quả. Sự phối hợp của các ban, ngành với Mặt trận và các đoàn thể được triển khai sâu rộng và chặt chẽ.
          Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, phát huy được tính độc lập, chủ động, sáng tạo triển khai các giải pháp đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được nâng cao thông qua các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, việc chăm lo, bảo vệ lợi ích hợp pháp và chính đáng của đoàn viên, hội viên, nhân dân. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã có sự chuyển biến tích cực cả về nội dung và phương thức hoạt động; đã chú trọng hướng về cơ sở, địa bàn dân cư; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để vận động, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân; thực hiện hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, Phát huy và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Công tác phối hợp hoạt động giữa Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể với các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, công an và phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể với nhau ngày càng đồng bộ, hiệu quả.             Qua hoạt động và các phong trào của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã khẳng định được vai trò cầu nối giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước; đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống; được nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
          Tuy nhiên, việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về việc thực hiện Kết luận 62-KL/TW có nơi có lúc chưa quan tâm đúng mức; nhận thức chưa đầy đủ về công tác Mặt trận, đoàn thể; tầm quan trọng của việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận đoàn thể trong tình hình mới. Hoạt động phối hợp giữa chính quyền, một số ngành các cấp với Mặt trận đoàn thể có nơi, có lúc chưa phát huy hết hiệu quả. Nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp tuy đã được chú trọng đổi mới nhưng chưa thực sự mạnh mẽ, toàn diện.  Việc nắm bắt, phản ánh, phối hợp tham mưu, chỉ đạo giải quyết tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; phân tích, dự báo diễn biến tình hình, nhất là những vấn đề bức xúc, phức tạp nổi cộm liên quan đến dân tộc, tôn giáo, an ninh nông thôn, có lúc, có nơi chưa kịp thời. Công tác tập hợp, vận động, đoàn kết các tầng lớp nhân dân về nội dung và hình thức ở một số nơi chưa đa dạng, phong phú, chưa sát với từng đối tượng nên hiệu quả có mặt còn hạn chế nhất là đoàn viên ở địa bàn dân cư, đoàn viên trong các doanh nghiệp…. Phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của Mặt trận Tổ quốc và một số đoàn thể nhiều nhưng hiệu quả tập hợp quần chúng chưa cao, chưa phát huy tốt vai trò lực lượng chính trị nòng cốt của đoàn viên, hội viên. Chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp chưa đáp ứng với yêu cầu và sự kỳ vọng của nhân dân. Tổ chức, bộ máy Mặt trận và các đoàn thể một số nơi tuy được củng cố, nhưng trình độ, năng lực cán bộ chuyên trách công tác Mặt trận và đoàn thể các cấp còn có những hạn chế nhất định…
          Trong những năm tới, với xu thế phát triển của thế giới và trong nước hiện nay vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, phức tạp và khó khăn; bản thân cơ chế vận hành của hệ thống chính trị đất nước cần phải thường xuyên tự đổi mới, tự nâng cao để thích ứng với tình hình mới và công tác Mặt trận đoàn thể cũng vậy. Cần phải khắc phục những hạn chế, yếu kém đồng thời thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp công tác hoạt động nhằm phát huy tối đa nguồn lực to lớn trong đoàn viên, hội viên và nhân dân. Muốn vậy, trong thời gian tới cấp ủy, chính quyền và MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội và hệ thống chính trị cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp như sau:
          1. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận 62-KL/TW, Chỉ thị số 19-CT/TU trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, thành viên của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; triển khai thực hiện tốt Quyết định 174-QĐ/TU ban hành về “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”, Chương trình hành động số 66-CT/TU về thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”… Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, cán bộ; tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc chính đáng của nhân dân; làm cho nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường mối quan hệ máu thịt của nhân dân với Đảng và Nhà nước; kiên quyết, kiên trì thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự chuyển biến, tự chuyển hóa làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh gắn với thực hiện hiệu quả Chỉ thị 05 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
          2. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở; kiện toàn củng cố, xây dựng tổ chức bộ máy cán bộ của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể vững mạnh; quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và nâng cao kỹ năng công tác dân vận, vận động quần chúng. Quan tâm công tác phát triển đảng trong đoàn viên, hội viên.
          3. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động. Thực hiện đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, tập hợp nhân dân, đoàn viên, hội viên phù hợp, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả; chú trọng xây dựng, củng cố liên minh công nhân, nông dân, trí thức. Tổ chức thực hiện hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định 217-QĐ/TW, Quyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Mở rộng dân chủ, phát huy vai trò nhân dân tham gia giám sát cán bộ, đảng viên thực hiện Chỉ thị 05 và  đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo Nghị quyết Trung ương 4. Nâng cao vai trò, trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, đoàn viên, hội viên; đổi mới công tác nắm bắt, dự báo tình hình tư tưởng các tầng lớp nhân dân; chủ động đề xuất, kiến nghị với cấp ủy, phối hợp với chính quyền giải quyết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng, những vấn đề bức xúc trong nhân dân, không để xảy ra điểm nóng, diễn biến tình hình phức tạp, nhất là trên lĩnh vực dân tộc, tôn giáo, học sinh, sinh viên, công nhân, lao động.
          4. Nâng cao chất lượng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, bám sát nhiệm vụ chính trị, nhu cầu, lợi ích chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân để xác định nội dung, cách thức phát động thi đua sát thực tế của địa phương, đơn vị theo tinh thần Chỉ thị số 17 –CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; chú trọng phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các phong trào do Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội phát động với nhiều hình thức phong phú, nội dung thiết thực, hiệu quả. Việc xây dựng, đánh giá tổng kết, nhân rộng các mô hình, điển hình cần đi vào chiều sâu, có tính bền vững; kịp thời khen thưởng, động viên cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong lao động, sản xuất và trong công tác. 
          5. Tăng cường công tác dân vận của chính quyền các cấp, thực hiện có hiệu quả các quy chế, chương trình phối hợp công tác giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội tăng thêm tính tự chủ, chủ động hơn trong hoạt động để gần dân, sát dân hơn. 
          6. Xây dựng, củng cố tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW. Tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động Mặt trận, đoàn thể nhất là cấp xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố. Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ cán bộ cấp cơ sở; chú trọng công tác phát triển đoàn viên, hội viên, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Ban công tác Mặt trận, chi hội, chi đoàn thôn, tổ dân phố. Thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, Chương trình về công tác dân vận, mặt trận đoàn thể. Định kỳ sơ, tổng kết kịp thời rút kinh nghiệm và đề ra các chủ trương, giải pháp phù hợp với thực tiễn.

Hiền Lương
 

Lượt xem: 1.381