Khẩu hiệu "Tự do - Bình đẳng - Bác ái" của cách mạng Pháp với việc ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành In trang
25/05/2021 06:49 SA

1. Tự do - Bình đẳng - Bác ái, khẩu hiệu đã làm rung động trái tim Bác Hồ thời niên thiếu

Nguyễn Tất Thành, thời thơ ấu tên là Nguyễn Sinh Cung (19/5/1890), sinh ra trong một gia đình nhà Nho yêu nước, lớn lên trong truyền thống tốt đẹp của quê hương, hiếu học, cần cù lao động, tình nghĩa trong cuộc sống và bất khuất trước kẻ thù. Những chuyến đi cùng cha, Nguyễn Tất Thành được chứng kiến cuộc sống lầm than, cực khổ đến cùng cực của người dân mất nước và tiếp xúc với lý tưởng của các sĩ phu yêu nước, đã góp phần định hướng cho người thiếu niên yêu nước sớm có hoài bão lớn.

 Khoảng tháng 9-1905, Nguyễn Tất Thành  được cha xin cho theo học lớp dự bị của Trường tiểu học Pháp - bản xứ ở thành phố Vinh. Ngày nào tới lớp học, Nguyễn Tất Thành cũng trông thấy hai hàng chữ Pháp ở hai bên vách lớp, trong đó, có 03 từLiberté, Égalité, Fraternité (Tự do - Bình đẳng - Bác ái). Học lịch sử nước Pháp, nhất là lịch sử Cách mạng tư sản Pháp (1789); nghe thầy giáo nhắc nhiều đến ba từ thiêng liêng đó, Nguyễn Tất Thành càng muốn đi sâu tìm kiếm nguồn gốc phát sinh và ý nghĩa sâu xa của nó. Với Nguyễn Tất Thành, những chữ: “Tự do - Bình đẳng - Bác ái”, lúc đó thật là mới mẻ, nhưng chưa thể hiểu nổi. Người muốn xem những thứ đó ở nước Pháp ra sao? Người kể lại với nhà văn Liên Xô Ôxíp Manđenxtam rằng: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp“Tự do - Bình đẳng - Bác ái”. Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy”.

Năm 1908, Nguyễn Tất Thành học ở Trường Quốc học Huế, được tiếp xúc với nhiều sách, báo Pháp; chịu ảnh hưởng của những thầy giáo yêu nước như Hoàng Thông, Lê Văn Miến... ý muốn đi sang phương Tây để tìm hiểu tình hình các nước và học hỏi thành tựu văn minh nhân loại đã từng bước lớn dần lên trong tâm trí của Nguyễn Tất Thành.Đến năm 1909- 6/1910, Người học tại trường tiểu học Pháp - Việt Quy Nhơn.Năm 1910 - 2/1911, khi làm thầy giáo ở trường Dục Thanh (Phan Thiết), lần đầu tiên Nguyễn Tất Thành được đọc Tân thư dịch sang chữ Hán trong gia đình cụ Nguyễn Thông, được tiếp cận với tư tưởng tiến bộ của các nhà khai sáng Pháp như Rútxô (J.J. Rousseau), Montesquieu (Ch. De Montesquieu), Vônte (Fr. Voltaire)…Được tiếp cận với những đỉnh cao mới của văn hóa nhân loại, tri thức của Nguyễn Tất Thành càng dồi dào phong phú.

Tuy vậy, còn nhiều vấn đề làm Người khó hiểu. Còn bao nhiêu dấu hỏi buộc Người phải tiếp tục tìm hiểu. Tại sao Vônte lại ca ngợi đất nước Nga của Pie đại đế, còn Môngtéxkiơ lại ca tụng chế độ đại nghị của nước Anh? Khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”, thực chất nghĩa là thế nào?Phải chăng những kẻ mệnh danh là người phất cao lá cờ “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” lại đang làm trái ngược lý tưởng đó ở khắp nơi trên đất Đông Dương? Kể sao cho hết những bằng chứng hùng hồn để vạch trần tội ác của những người đi “khai hóa văn minh” trên bán đảo này?Càng tìm hiểu những gì ẩn giấu đằng sau những từ “Tự do - Bình đẳng - Bác ái”, Nguyễn Tất Thành càng đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào, càng băn khoăn, day dứt về vận mệnh dân tộc Việt Nam.Bao nhiêu cuộc nổi dậy đều bị dìm trong máu lửa. Nước mất thì nhà cũng tan, dân nô lệ… Làm thế nào để giành lại giang sơn đất nước? Làm thế nào để có độc lập, tự do, bình đẳng, bác ái thực sự?

Những dấu hỏi lớn như những cái móc xoáy vào tâm trí Tất Thành, đã tác động đến chí hướng của Nguyễn Tất Thành, thôi thúc mạnh mẽ ý chí của Người thanh niên ấy, để rồi đưa ra một quyết định chính xác và táo bạo là xuất dương tìm đường cứu nước.

2. Hành trình qua 3 đại dương, 4 châu lục và gần 30 quốc gia “tìm con đường cứu nước”

Với khát vọng giải phóng dân tộc và được kế thừa các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, ngày 05/6/1911, trên con tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvin, từ bến cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh),  Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước.

Người đã tận dụng mọi cơ hội để được đến nhiều nơi trên thế giới. Bàn chân của Người đã từng in dấu trên nhiều nước thuộc các đại lục Âu, Á, Phi, Mỹ. Đặc biệt Người đã dừng chân khảo sát khá lâu ở ba nước đế quốc lớn nhất thời đó là Mỹ, Anh và Pháp - được coi là những nước dân chủ bậc nhất. Tại Pháp, được chứng kiến ở Pháp cũng có những người nghèo như ở Việt Nam, Người nhận thấy có những người Pháp trên đất Pháp tốt và lịch sự hơn những tên thực dân Pháp ở Đông Dương.Tại Mỹ, Người được đọc bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Mỹ, nhận thức nạn phân biệt chủng tộc; Người viết dưới chân tượng Nữ thần tự do “Ánh sáng trên đầu Thần Tự Do tỏa rộng khắp trời xanh, còn dưới chân Tượng Thần Tự Do thì người da đen đang bị chà đạp. Bao giờ người da đen được bình đẳng với người da trắng? Bao giờ có sự bình đẳng giữa các dân tộc? Và bao giờ người phụ nữ được bình đẳng với nam giới?”. Tiếp sau đó, Người sang Anh và rút ra kết luận về cách mạng dân chủ tư sản,đằng sau những ngôn từ tự do, bình đẳng, bác ái là sự phản bội, lừa bịp nhân dân của chính quyền tư sản, là nỗi đau khổ tột cùng của người dân lao động bị áp bức, bóc lột. Đó là những cuộc cách mạng vĩ đại, nhưng chưa đến nơi. Nó đã phá tan gông xiềng phong kiến cùng những luật lệ hà khắc và những ràng buộc vô lý để giải phóng sức lao động của con người. Cách mạng tư sản đã xây dựng lên một chế độ mới tiến bộ hơn xã hội phong kiến. Nhưng cách mạng xong rồi dân chúng vẫn khổ, vẫn bị áp bức, bóc lột và vẫn mưu toan làm cách mạng. 

Nguyễn Tất Thành với tinh thần làm việc, làm bất cứ việc gì để sống và để đi. Người đã đi qua 3 đại dương, 4 châu lục và gần 30 quốc gia, bao gồm cả các nước đế quốc (Anh, Pháp, Mỹ...) và các nước thuộc địa (Angiêri, Tuynidi, Cônggô, Đahômây, Xênêgan, Rêuyniông, Máctiních, Urugoay và Áchentina …). Đến đâu Người cũng thấy cảnh khổ cực của người lao động dưới sự áp bức bóc lột dã man, vô nhân đạo của bọn thống trị. Người rút ra một kết luận quan trọng: “ở đâu bọn đế quốc thực dân cũng tàn bạo độc ác, ở đâu người lao động cũng bị bóc lột dã man”và “dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột”.

Khi Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 thành công, Nguyễn Tất Thành về Pháp và tham gia các hoạt động chính trị. Năm 1919, Người gia nhập Đảng Xã hội Pháp, một chính đảng tiến bộ nhất lúc đó ở Pháp. Khi được hỏi vì sao vào Đảng, Người trả lời: Vì đây là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: "Tự do, Bình đẳng, Bác ái". Tháng 6/1919, Nguyễn Tất Thành lấy tên là Nguyễn Ái Quốc gửi đến Hội nghị Vécxây (Pháp) bản Yêu sách của nhân dân An Nam gồm 8 điểm phản ánh nguyện vọng của nhân dân An Nam, song không được Hội nghị xem xét. Qua việc bản Yêu sách không được chấp nhận, Nguyễn Ái Quốc nhận thấy:"Chủ nghĩa Uynxơn chỉ là một trò bịp bợm lớn" và "Muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình".

Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc được đọc bản sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin đăng trên báo Nhân đạo. Trong văn kiện này, Lênin phê phán mọi luận điểm sai lầm của những người cầm đầu Quốc tế II, về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa, lên án mạnh mẽ tư tưởng sô vanh, tư tưởng dân tộc hẹp hòi, ích kỷ, đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ của các đảng cộng sản là phải giúp đỡ thật sự phong trào cách mạng của các nước thuộc địa và phụ thuộc, nhấn mạnh sự đoàn kết giữa giai cấp vô sản các nước tư bản với quần chúng cần lao của tất cả các dân tộc để chống kẻ thù chung là đế quốc và phong kiến. Tác phẩm của Lênin đã giải đáp cho Nguyễn Ái Quốc con đường giành độc lập cho dân tộc và tự do cho đồng bào. Sau này, khi kể lại sự kiện quan trọng đó, Người đã nói: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta! Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”.

3. Lựa chọn con đường cứu nước đúng đắn - con đường “Cách mạng vô sản”

Với thiên tài trí tuệ và nhãn quan chính trị sắc bén giúp Nguyễn Tất Thành nhận thấy, trong các phong trào cứu nước của ông cha đều có những hạn chế. Phong trào Đông Du tan rã, chứng tỏ không thể dựa vào Nhật để đánh Pháp, điều đó chẳng khác gì “đuổi hổ cửa trước, rước beo cửa sau”. Thất bại của phong trào Duy tân cũng cho thấy việc trông chờ vào thiện chí của người Pháp để được trao trả nền độc lập cũng chẳng khác gì “xin giặc rủ lòng thương”. Khởi nghĩa của Hoàng Hoa Thám tuy có phần thực tế hơn, “nhưng vẫn mang nặng cốt cách phong kiến". Chính vì thế, mặc dù rất khâm phục tinh thần cứu nước của ông cha, nhưng Nguyễn Ái Quốc không đi theo con đường của họ, mà quyết tâm ra đi tìm một con đường mới, mà trước mắt là con đường xem xét, học hỏi.

Một lần trả lời nhà văn Mỹ Anna Luyxơtơrông, Nguyễn Ái Quốc nói: “Nhân dân Việt Nam, trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”.

Cuộc hành trình qua 3 đại dương, 4 châu lục, đến gần 30 quốc gia trong suốt 30 năm trường, đã đưa Nguyễn Ái Quốc đến với Chủ nghĩa Mác - Lênin, học thuyết Cách mạng tiên phong của thời đại. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc tham dự đại hội với tư cách là đại biểu chính thức và duy nhất của các nước thuộc địa Đông Dương, đã bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế III Quốc tế Cộng sản, trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, và Người cũng trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên.

Cũng từ thực tế lao động, học tập, thâm nhập đời sống những người lao động, phân tích tình hình chính trị thế giới, tiếp cận với chủ nghĩa Mác - Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn con đường cứu nước đúng đắn, đó là con đường cách mạng vô sản mà sau này Người đã đúc kết:“Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

Như vậy, chính chủ nghĩa yêu nước đã đưa Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc tìm đến lý tưởng cao quý của chủ nghĩa Mác - Lênin, với khát vọng mang lại hòa bình cho dân tộc, Người đưa ra những thông điệp mang giá trị vĩnh hằng, đó là những thông điệp về hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc, dân chủ, đó chính là: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội - con đường Người lựa chọn suốt 110 năm qua, nay vẫn là sợi chỉ đỏ, là kim chỉ nam cho hoạt động cách mạng Việt Nam.

Hoàng Dương

Lượt xem: 64.151