Công tác dân vận của hệ thống chính trị trong nữa nhiệm kỳ vừa qua đạt được những kết quả khá toàn diện. Nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động nhân dân được đổi mới, bám sát yêu cầu thực tế của địa phương. Có nhiều chủ trương, chính sách đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội trong tình hình khó khăn chung. Công tác dân vận các cơ quan nhà nước có sự đổi mới và đạt được nhiều kết quả tích cực. Thực hiện có hiệu quả cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính. Công tác tiếp dân được thực hiện nghiêm túc, tăng cường công tác đối thoại trong giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân góp phần tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc chính đáng của nhân dân.
Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng tăng cường đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tập trung hướng mạnh về cơ sở. Thực hiện tốt vai trò là người đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên; giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Việc thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW và Quyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị đã phát huy khá tốt vai trò của nhân dân trong giám sát, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được các cấp ủy đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đi vào nề nếp và từng bước nâng cao chất lượng. Công tác dân tộc, tôn giáo luôn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm. Hệ thống chính trị cơ sở trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được củng cố, chất lượng tổ chức cơ sở đảng ở thôn, buôn được nâng cao.
Để đạt được những kết quả nổi bật nêu trên, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ, trong nữa nhiệm kỳ vừa qua Ban Dân vận Tỉnh ủy luôn sáng tạo, đổi mới nội dung, bám nắm tình hình cơ sở, triển khai công tác dân vận sát với tình hình thực tế địa phương; có nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo phục vụ công tác dân vận của hệ thống chính trị. Từ năm 2021, có nhiều mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo như:
Năm 2021, Dịch bệnh Covid -19 đã ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà. Đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các đối tượng yếu thế, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, lao động tại các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, lâm nghiệp, nguy cơ tái nghèo cao. Trước tình hình đó, Ban Dân vận Tỉnh ủy chỉ đạo tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid -19 trong tình hình mới. Tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành văn bản tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2021 - 2025, tăng cường công tác phối hợp với UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, các cơ quan báo đài trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo, hướng dẫn hệ thống dân vận các cấp tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào dân vận khéo trong toàn tỉnh. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã phát động phong trào “Dân vận khéo trong phòng, chống dịch Covid-19”. Sau khi phong trào được phát động, đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân trong toàn tỉnh góp phần quan trọng trong thực hiện “mục tiêu kép” của địa phương trong bối cảnh đại dịch và đạt nhiều kết. Hưởng ứng phong trào thi đua “Dân vận khéo trong phòng chống dịch Covid 19”, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã tích cực hưởng ứng bằng những việc làm thiết thực như: ngừng sinh hoạt tôn giáo tập trung, chuyển qua sinh hoạt trực tuyến (kể cả các lễ trọng của các tôn giáo); vận động các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia ủng hộ quỹ văcxin phòng Covid, quỹ phòng chống Covid, quyên góp rau, củ quả, nhu yếu phẩm và vật tư y tế thiết yếu góp phần cùng tỉnh hỗ trợ các địa phương trọng điểm và bà con nhân dân trong tỉnh gặp khó khăn do Covid….Với những kết quả thiết thực trên, nhiều mô hình “Dân vận khéo trong phòng chống Covid” đã được các cấp, các ngành biểu dương khen thưởng. Ban Dân vận Tỉnh ủy đã thống nhất chọn 15 mô hình tiêu biểu đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bằng khen.
2. Hướng dẫn về xây dựng và nhân rộng điển hình Dân vận khéo
Ban Dân vận Tỉnh ủy đã xây dựng Hướng dẫn số 02-HD/BDVTU, ngày 06/10/2022 về xây dựng mô hình và nhân rộng điển hình “Dân vận khéo” giai đoạn 2022 – 2025. Trong đó, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã hướng dẫn các nội dung xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực đời sống xã hội (Phát triển kinh tế, Văn hóa-xã hội, Quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị). Đồng thời, đưa ra các tiêu chí, cách thức, quy trình xây dựng, công nhận mô hình “Dân vận khéo”, tuyên dương, khen thưởng và nhân rộng điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu thống nhất từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh. Kết quả, 12/12 huyện, thành trong toàn tỉnh đều đã thống nhất xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Qua kiểm tra và đánh giá cuối năm, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã thống nhất đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen đối với 12 điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu năm 2022 trong tổng số 2.073 mô hình toàn tỉnh.
3. Triển khai thực hiện Đổi mới hoạt động Ban Chỉ đạo các chương trình phối hợp giữa lực lượng vũ trang với các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Lâm Đồng (Ban Chỉ đạo 502 tỉnh).
Những năm qua, Ban Chỉ đạo 502 tỉnh đã tổ chức thành công nhiều đợt công tác dân vận tập trung tại các địa phương. Qua triển khai tổ chức các đợt công tác dân vận tập trung đã góp phần tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế hộ gia đình, xây dựng xã hội đồng thuận, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở, xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay, Ban Chỉ đạo 502 tỉnh phối hợp cùng hệ thống chính trị các cấp, các địa phương, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức thực hiện nhiều đợt công tác dân vận tại nhiều địa phương trong tỉnh. Giao Ban Chỉ đạo các huyện chủ trì, triển khai thực hiện các nội dung, phần việc trong đợt ra quân làm công tác dân vận tập trung, Ban chỉ đạo tỉnh hỗ trợ. Có 6/12 địa phương đã đăng ký và triển khai thực hiện, gồm: Lạc Dương, Đức Trọng, Đam Rông, Lâm Hà, Bảo Lâm và Di Linh. Ban Dân vận Tỉnh ủy sẽ tiếp tục làm cầu nối phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo, hướng hoạt động về vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2023, Ban Chỉ đạo 502 tỉnh đã vận động hỗ trợ xây dựng hơn 45 căn nhà (mỗi căn 50 triệu đồng) làm nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa Quân -Dân…; trang bị cơ sở vật chất cho hội trường các thôn; nhà sinh hoạt cộng đồng; tổ chức thăm, khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người nghèo; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cây trồng cho nông dân...; hỗ trợ sinh kế cho bà con DTTS và các hộ nghèo, xây dựng 02 mô hình trồng dâu nuôi tằm, xây dựng vườn ươm thanh niên, xây dựng các tuyến đường thanh niên và tặng hơn 200 phần quà cho bà con nghèo… Thời gian tới, Ban Dân vận Tỉnh ủy tiếp tục triển khai linh hoạt, thiết thực và phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh.
4. Giới thiệu và nhân rộng mô hình: “Ngày chủ nhật cùng nhân dân”
Mô hình “Ngày Chủ nhật cùng nhân dân do huyện Đạ Tẻh phát động đầu tiên đã được Ban Dân vận Tỉnh ủy thống nhất nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay, 10/12 huyện, thành đã đồng loạt ra quân thực hiện mô hình “Dân vận khéo” trong vận động cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động cùng Nhân dân trong tôn tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường trong các ngày chủ nhật hàng tháng. Các lực lượng tham gia được chia thành nhiều tổ, thực hiện nội dung các công việc như: tham gia chăm sóc cây xanh, dọn dẹp vệ sinh môi trường, làm cỏ, phát quang bụi rậm; thực hiện nạo vét, khơi thông dòng chảy tại các tuyến kênh, mương …Qua đó, góp phần nâng cao ý thức người dân trong xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả công tác dân vận về cơ sở; nâng cao nhận thức, trách nhiệm và vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị, huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện công tác dân vận. Đặc biệt là sự tham gia trực tiếp của cán bộ, đảng viên và người dân trong việc tạo cảnh quan môi trường, góp phần thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và đô thị văn minh. Đây là đợt làm công tác dân vận có ý nghĩa, nhằm khơi dậy tinh thần tham gia tích cực trong phong trào xây dựng đô thị văn minh, xây dựng cảnh quan môi trường đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức mỗi người dân không vứt rác thải bừa bãi, cùng chung tay bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp. Đồng thời, tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tạo mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân trên địa bàn.
Kết quả thực hiện các mô hình hay, cách làm sáng tạo trong công tác dân vận Tỉnh Lâm Đồng thời gian qua đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho đoàn viên, hội viên và nhân dân, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Thực hiện các phong trào, cuộc vận động góp phần củng cố, nâng lên chất lượng tổ chức đoàn thể, thu hút quần chúng vào tổ chức, phát triển đoàn viên, hội viên; phát huy tốt hơn vai trò, uy tín của Mặt trận, đoàn thể, hội quần chúng trong thực tiễn đời sống xã hội; khơi dậy lòng yêu nước, hăng hái thi đua trên mọi lĩnh vực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên và nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh.