Lan tỏa “Dân vận khéo” vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo In trang
28/04/2020 04:21 CH

          "Công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đóng vai trò quan trọng góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, quốc phòng; phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi, vùng sâu, vùng xa". 

          Xác định tầm quan trọng đó, năm 2018, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo triển khai Ban Dân vận các huyện ủy, thành ủy, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở trong việc xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo. Qua 2 năm triển khai thực hiện, toàn tỉnh, có 87 mô hình “Dân vận khéo” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo. Nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” được xây dựng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo có sức lan tỏa sâu rộng trên các lĩnh vực như: mô hình trong liên kết sản xuất, chuyển đổi cây trồng, trồng rau, hoa ứng dụng công nghệ cao, trồng dâu nuôi tằm, tái canh cây cà phê; vận động nhân dân hiến đất làm đường bê tông tại thôn đồng bào dân tộc thiểu số; đóng góp xây dựng hội trường thôn; vận động giáo dân đóng góp xây dựng nhà cho hộ nghèo. Mô hình tuyến đường không rác, xanh - sạch - đẹp; trồng hoa cỏ lạc; xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số; không sinh con thứ ba, không có trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học, không rải vàng mã; xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số; bàn đèn thắp sáng ước mơ; truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ; mô hình nuôi dạy con tốt của phụ nữ dân tộc thiểu số; gia đình chấp hành pháp luật không có người phạm tội; tổ già làng tự quản, tổ tuần tra tự quản. Mô hình tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; giáo xứ an toàn về an ninh trật tự...

          Nhờ “khéo vận động” mà nhiều công trình phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế ở địa phương đã được xây dựng; góp phần nâng cao đời sống vật chất và văn hóa, tinh thần của người dân, bảo đảm an ninh xã hội, xóa bỏ tập tục lạc hậu. Các mô hình “Dân vận khéo” đã khơi dậy truyền thống yêu nước, phát huy tinh thần trách nhiệm, quyền làm chủ của nhân dân, tích cực tham gia bảo vệ an ninh trật tự, làm thất bại nhiều âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch; từng bước đẩy lùi tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh và cuộc sống bình yên của nhân dân. Qua đó, làm chuyển biến nhận thức, động viên đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo hăng hái tham gia, phát triển cuộc sống ngày càng tốt hơn.

          Trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa chất lượng phong trào “Dân vận khéo” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo, các cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống chính trị từ tỉnh đến địa phương, cơ sở cần có sự quan tâm hơn, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”; Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 08/10/2018 của Tỉnh ủy về “Phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030”; Công văn số 4134-CV/TU ngày 25/12/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, đây là yếu tố quan trọng, quyết định đến sự thành công của công tác dân vận nói chung và dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo nói riêng. 

          Bên cạnh đó, cần chú trọng tăng cường và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng về công tác dân tộc, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số; xác định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách; là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị. Phát huy vai trò nòng cốt của hệ thống dân vận trong việc tham mưu với cấp ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua, xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới và các phong trào thi đua yêu nước; bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương; giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở cơ sở; xuất phát từ lợi ích, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số.

          Có thể nói, các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào tôn giáo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được xây dựng trong thời gian qua chính là cầu nối của các cấp ủy và chính quyền địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở cơ sở. Hầu hết các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, tạo ra sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống.

                                                                   Phan Tuấn Huy

                                                                            

Lượt xem: 2.867