Phong trào Dân vận khéo trong phòng, chống dịch Covid - 19 phát huy hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu kép In trang
08/10/2021 09:58 SA

          Với quyết tâm “Chống dịch như chống giặc” và bằng phương châm “phòng thủ chặt, tấn công thần tốc”, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và mạnh mẽ các phương án, biện pháp phòng, chống dịch để vượt qua khó khăn, chiến thắng dịch bệnh. Đến nay, tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát và đạt được  những kết quả khả quan, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, ghi nhận và đánh giá cao. Đó là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đồng thuận của nhân dân, trong đó có sự đóng góp quan trọng của phong trào thi đua “Dân vận khéo trong phòng, chống dịch Covid 19”.

          Phong trào thi đua “Dân vận khéo trong phòng, chống dịch Covid - 19” được Ban Dân vận Tỉnh ủy phát động trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid - 19 đang có những diễn biến hết sức phức tạp trong cả nước và trên địa bàn tỉnh; hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chỉ thị số 10-CT/TU, ngày 02/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác phòng, chống dịch Covid - 19. Trong đó, xác định phong trào thi đua “Dân vận khéo trong phòng, chống dịch Covid 19” phải là phong trào thi đua sâu rộng trong cả hệ thống chính trị các cấp, trong các lực lượng đang thực hiện công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh; từng địa phương, cơ quan, đơn vị tùy tình hình thực tế và nhiệm vụ cụ thể để đề ra những nội dung thi đua thiết thực, phù hợp. Phong trào đã được hệ thống chính trị các cấp, cùng đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng và đạt nhiều kết quả khả quan, góp phần tích cực trong công tác phòng, chống dịch Covid - 19 trên địa bàn tỉnh.

Chuyến xe yêu thương của Khối Mặt Trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh.
Chuyến xe yêu thương của Khối Mặt Trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh.

Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp xác định công tác phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phải được ưu tiên hàng đầu nhằm ngăn ngừa, không để dịch bệnh lây lan, đồng thời ưu tiên các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, hướng tới các giải pháp nhằm thực hiện “mục tiêu kép” phòng chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân.

Các Tổ Covid cộng đồng, Đội hình tình nguyện, Tổ phản ứng nhanh Covid... hoạt động ngày càng hiệu quả, chất lượng, đảm bảo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” với “tôn chỉ” dân vận khéo trong thực hiện nhiệm vụ. Qua đó, đã phát huy tốt vai trò của mình, thực sự là cầu nối chủ động về công tác phòng, chống dịch của cấp ủy đảng, chính quyền đến với nhân dân, giúp người dân yên tâm, tin tưởng và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch. Số lượng đoàn viên, hội viên, thanh niên tình nguyện tham gia các tổ, đội, nhóm phòng chống dịch ngày càng tăng, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao. Hiện toàn tỉnh duy trì hoạt động của 2.313 Tổ Covid - 19 cộng đồng; 808 Tổ nhân dân tự quản “Giữ chặt vùng xanh”; 67 “Tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân”; 156 đội hình tình nguyện hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại địa bàn dân cư với hơn 2.900 đoàn viên, thanh niên tham gia; 01 đội hình thanh niên tình nguyện phản ứng nhanh; thành lập 7 đội hình tình nguyện tham gia chống dịch tại các tỉnh Bình Dương, Tp. Hồ Chí Minh và tại các huyện có dịch trên địa bàn tỉnh với hơn 358 đoàn viên, thanh niên tham gia.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tham gia thu gom rau tặng bà con Bình Dương chống dịch.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tham gia thu gom rau tặng bà con Bình Dương chống dịch.

Công tác vận động ủng hộ Quỹ hỗ trợ phòng, chống dịch Covid - 19 được các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân trên địa bàn tỉnh đồng thuận hưởng ứng[1]. Nguồn quỹ đã góp phần quan trọng vào tiến trình mua vắc xin ngừa Covid 19 và đảm bảo các điều kiện cần thiết trong phòng, chống dịch hiệu quả.

Đặc biệt, dân vận khéo trong phòng, chống dịch Covid - 19 được thể hiện rõ nét thông qua các hoạt động và các mô hình hiệu quả cụ thể: đó là mô hình những “Chuyến xe yêu thương” và nhiều hoạt động hỗ trợ của khối Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh[2]; là “Triệu túi an sinh[3]” của tổ chức Đoàn thanh niên tỉnh; các điểm cấp phát lương thực, thực phẩm, rau, củ, quả, nhu yếu phẩm miễn phí; siêu thị 0 đồng, tủ bánh mỳ 0 đồng, bếp tình thương... gửi đến lực lượng tuyến đầu chống dịch, bà con nhân dân, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn và người dân các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Bên cạnh đó, trong các tổ chức tôn giáo cũng đã đồng hành và có nhiều đóng góp tích cực cho công tác phòng, chống dịch Covid - 19 như: tuyên truyền, vận động đến các tín đồ và người dân chấp hành nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch[4]; đồng thời vận động, kêu gọi, quyên góp ủng hộ tiền, rau củ và nhu yếu phẩm... hỗ trợ các tỉnh, thành phố gặp khó khăn, nhất là Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh lân cận[5]....

Qua một số kết quả tích cực bước đầu cho thấy phong trào dân vận khéo đã góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và đảm bảo an sinh xã hội; tuyên truyền, vận động nhân dân nghiêm túc chấp hành quy định chống dịch theo đúng phương châm "mỗi gia đình là một pháo đài", "mỗi người dân là một chiến sĩ", đồng thời góp sức, góp của, chung sức, đồng lòng cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện “mục tiêu kép” phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.

 Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, khó khăn như: nhận thức về nội dung phong trào “Dân vận khéo trong phòng, chống dịch Covid - 19” ở một số địa phương, đơn vị chưa sâu sắc, chưa được quan tâm đúng mức; việc tổ chức thực hiện có lúc, có nơi chưa đồng bộ, thiếu thường xuyên, chưa đáp ứng được nhiệm vụ chính trị cũng như công tác phòng dịch của địa phương, đơn vị; công tác tuyên truyền, quán triệt một số nơi chưa tốt, chưa tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ; công tác biểu dương, nhân rộng mô hình đôi lúc, đôi nơi còn chưa kịp thời...

Đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Khối các cơ quan nhà nước tham gia thu rau gửi thành phố Hồ Chí Minh.
Đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Khối các cơ quan nhà nước tham gia thu rau gửi thành phố Hồ Chí Minh.

Trước tình hình dịch bệnh Covid 19 diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay, để góp phần chung tay cùng tỉnh nhà thực hiện thành công “mục tiêu kép” chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Đồng thời, để phong trào “Dân vận khéo trong phòng, chống dịch Covid - 19” tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ, thực sự phát huy hiệu quả, cũng như nhận được sự đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, các địa phương, cơ quan, đơn vị cần quan tâm, triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

1. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai tinh thần nội dung phong trào thi đua “Dân vận khéo trong phòng chống dịch Covid - 19” sâu rộng tới cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mà trước hết mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên phải là người tiên phong trong nhận thức và hành động tạo được sự chuyển biến tích cực về ý thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức cùng chung tay thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid - 19. Xác định công tác phòng chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trên tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, với phương châm “lấy xã, phường, thị trấn làm pháo đài, người dân là chiến sĩ trong phòng, chống dịch” gắn với thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các phong trào thi đua, các cuộc vận động và các quy định về công tác phòng, chống dịch Covid - 19. 

2. Xác định trọng tâm của phong trào thi đua “Dân vận khéo trong phòng, chống dịch Covid 19” là xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình dân vận khéo là các tập thể, cá nhân từ cấp cơ sở, trong các khu dân cư, những lực lượng, cá nhân, tổ chức... trực tiếp làm việc, thường xuyên tiếp xúc, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia chống dịch và có những thành tích, đóng góp quan trọng, thiết thực, cụ thể, có ý nghĩa tích cực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

3. Từng địa phương, cơ quan, đơn vị phải căn cứ tình hình thực tế, nhiệm vụ của mình trong công tác phòng chống dịch Covid - 19 để kịp thời cụ thể hóa, đề ra nội dung cụ thể cho phong trào thi đua “Dân vận khéo trong phòng, chống dịch Covid - 19” thiết thực, phù hợp. Trong đó, quan tâm phát động, kêu gọi, huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid - 19; tăng cường các hoạt động an sinh xã hội, chung tay chia sẻ cùng cộng đồng chăm lo sức khỏe và đời sống nhân dân, trong và sau dịch, nhất là những đối tượng yếu thế, các trường hợp cụ thể bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch; duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các Tổ Covid cộng đồng, Đội hình tình nguyện, Tổ phản ứng nhanh Covid, các chốt kiểm soát, bảo vệ vùng xanh... thực sự “dân vận khéo” trong thực hiện nhiệm vụ.

4. Các địa phương, cơ quan, đơn vị phải có sự chủ động, linh hoạt trong đổi mới cách thức triển khai để phù hợp với tình hình thực tế và nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Tập trung, ưu tiên triển khai “Dân vận khéo trong phòng, chống dịch Covid-19” trên cơ sở kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa “Dân vận khéo” trong phòng chống dịch Covid - 19 và trong xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội; căn cứ tình hình thực tiễn từng địa phương, cơ quan, đơn vị để lựa chọn ưu tiên chú trọng đẩy mạnh công tác “Dân vận khéo trong phòng, chống dịch Covid - 19” hoặc kết hợp giữa “Dân vận khéo” trong phòng chống dịch và xây dựng nông thôn mới.

5. Quan tâm công tác đánh giá, sơ, tổng kết; kịp thời biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các mô hình tiêu biểu, điển hình tiên tiến trong công tác phòng, chống dịch Covid-19./.

Ngọc Bích

 

[1] Tính đến 01/10/2021, Quỹ hỗ trợ phòng, chống dịch Covid 19 đã tiếp nhận của 610 tập thể, cá nhân ủng hộ với số tiền 74.197.829.959 đồng.

[2] Hội Nông dân tỉnh vận động cán bộ, hội viên nông dân đóng góp ủng hộ 532,9 tấn rau, củ, quả; 56,9 tấn gạo; 700,6 triệu đồng tiền mặt và các nhu yếu phẩm khác trị giá 416,6 triệu đồng ủng hộ hỗ trợ bà con vùng dịch thăm chốt kiểm dịch; các cơ sở cách ly tập trung; những hộ khó khăn tại nơi cư trú. 

Hội phụ nữ tỉnh vận động, quyên góp ủng hộ Quỹ vắc xin phòng, chống dịch; chuyến xe yêu thương đi các tỉnh Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận, Long An, Phú Yên,... hỗ trợ nấu ăn tại các chốt kiểm dịch, khu cách ly, các phần quà cho hội viên, phụ nữ, nhân dân, học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh với tổng trị giá khoảng 3,5 tỷ đồng.

[3] Với hơn 2.070 túi an sinh trao tặng cho bà con nhân dân tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa, Bình Dương...

[4] Tòa Giám mục Đà Lạt phát trực tiếp lễ hằng ngày trên  kênh Youtube “Giáo xứ Chánh Tòa Đà Lạt” để các tu sỹ, tín đồ theo dõi, cầu nguyện. Một số cơ sở tự viện Phật giáo tổ chức lễ Phật đản, Vu Lan theo hình thức trực tuyến để Phật tử theo dõi, hành lễ tại gia. Hội thánh Tin Lành Việt Nam (MN) chi hội Đà Lạt mở kênh Youtube “Hội Thánh Tin Lành Đà Lạt” để giảng kinh thánh và cầu nguyện hàng ngày...

             [5]Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các huyện, thành phố và các cơ sở Phật giáo vận động tăng ni, phật tử quyên góp, ủng hộ các tỉnh, thành đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 và các khu cách ly tập trung tại địa phương rau, củ, quả và nhu yếu phẩm ước trên 5 tỷ đồng.

           Tòa Giám mục Đà Lạt ủng hộ 01 tỷ đồng, 350 tấn rau, củ, quả và nhu yếu phẩm. Ban Bác ái - Xã hội (Caritas Đà Lạt) ủng hộ 250 tấn rau, củ. Ngoài ra, nhiều giáo xứ cùng chung tay quyên góp ủng hộ người dân vùng dịch.

Lượt xem: 1.845