Suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Bác Hồ và Đảng ta luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước; là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Đoàn công tác dân vận của Ban Chỉ đạo 502 gặp gỡ, trò chuyện với già làng Điểu K’Kheng. Ảnh: Hồng Thắm
Trong bài báo “Dân vận” của Bác Hồ đăng trên Báo Sự thật, số 120, ngày 15/10/1949 (bút danh X.Y.Z), Người viết “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ Đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh...) đều phải phụ trách dân vận”. Trong các văn kiện của Đảng đều khẳng định nhất quán quan điểm công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Xác định rõ tầm quan trọng của công tác dân vận, những năm gần đây, Trung ương Đảng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo mang tính chiến lược về công tác dân vận. Tại Lâm Đồng, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Trung ương bằng việc ban hành các văn bản để triển khai thực hiện như Chương trình hành động số 66 của Tỉnh ủy về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, Chỉ thị 24 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường công tác dân vận trong các cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp..." Trên cơ sở đó, công tác dân vận của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với công tác vận động nhân dân được đổi mới; đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Từ đó xuất hiện nhiều hình thức hoạt động vận động nhân dân, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước... Quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên được chăm lo, bảo vệ; công tác tập hợp, phát triển đoàn viên, hội viên được chú trọng; công tác giáo dục thế hệ trẻ được quan tâm...
Công tác dân vận thời gian qua đã góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Tuy nhiên, hiện nay, công tác dân vận của không ít cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp vẫn còn những hạn chế, cần khắc phục. Đó là, việc xây dựng và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận có lúc, có nơi chưa kịp thời; chưa dự báo, nắm bắt được những diễn biến, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân để có biện pháp xử lý phù hợp. Việc thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác dân vận còn chậm; công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận chưa được quan tâm đúng mức. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo, quản lý còn thiếu gương mẫu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân. Phương pháp vận động, tập hợp quần chúng chưa phù hợp với từng đối tượng, đặc biệt là đối với đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, thanh niên, người theo đạo. Việc chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận chưa đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt, sự phân hóa giàu - nghèo, phân tầng xã hội, cùng với tệ quan liêu, tham nhũng, xâm phạm quyền làm chủ của nhân dân là thách thức không nhỏ đối với công tác dân vận và mối quan hệ máu thịt giữa nhân dân với Đảng.
Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, đòi hỏi cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận phù hợp với yêu cầu của thực tiễn; phải thấu suốt tư tưởng của Bác Hồ và quan điểm của Đảng: “Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Trong đó, Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt”.
HOÀNG LIÊN
Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy