Đó là phát biểu kết luận của đồng chí Huỳnh Đức Hòa, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại hội nghị tổng kết thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở năm 2010 và triển khai nhiệm vụ năm 2011 do Tỉnh ủy tổ chức tại TP Đà Lạt vào ngày 18/3.
Theo báo cáo tổng kết việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở năm 2010 của tỉnh, trong năm qua, trên cơ sở đề ra các chủ trương, biện pháp sát với yêu cầu thực tế của địa phương, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Mặt khác, năm 2010 là năm thực hiện “Năm dân vận chính quyền” và phong trào thi đua “Dân vận khéo”, gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo; các cấp, các ngành, các địa phương tích cực hưởng ứng thực hiện cũng là những nhân tố quan trọng tác động tích cực đến việc thực hiện có hiệu quả Quy chế dân chủ cơ sở tại địa phương. Nhờ đó, tạo động lực thúc đẩy KT-XH tiếp tục phát triển, bảo đảm an ninh quốc phòng và thực hiện phòng chống tham nhũng, lãng phí tại địa phương. Cụ thể, phần lớn các chỉ tiêu KT-XH đều đạt và vượt so với kế hoạch, tăng trưởng GDP đạt 13,3%; thu ngân sách đạt 3.250 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho trên 30.000 lao động, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,97%; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 80%, số hộ nông thôn được sử dụng điện là 90%; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đời sống mọi mặt của đại bộ phận nhân dân được cải thiện đáng kể…
Đến dự và phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Phú Bình, Phó Vụ trưởng vụ 1, Ban dân vận Trung ương cũng đã đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Lâm Đồng đã đạt được trong việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở trong các năm qua. Nhất là vai trò, trách nhiệm pháp lý của chính quyền các cấp đã thể hiện rõ nét trong công tác lãnh chỉ đạo triển khai thực hiện, đưa quy chế dân chủ nhanh chóng đi vào cuộc sống và ngày càng có hiệu lực hơn. Đồng thời, Lâm Đồng cũng đã gắn việc phát huy Quy chế dân chủ với tiềm lực trong nhân dân để thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng văn hóa, an ninh trật tự và kinh doanh sản xuất của các doanh nghiệp.
Dịp này, tỉnh Lâm Đồng cũng đã biểu dương và khen thưởng cho 37 tập thể, cá nhân điển hình có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở năm 2010. Trong đó, khối phường xã có 13 tập thể và 2 cá nhân; khối cơ quan và doanh nghiệp có 12 tập thể và 2 cá nhân đã được tỉnh khan tặng Bằng khen. |
Tuy nhiên, để Quy chế dân chủ cơ sở tại Lâm Đồng được tăng cường và thực hiện có hiệu quả hơn, đồng chí Huỳnh Đức Hòa, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ cơ sở của tỉnh cũng đã thẳng thắn chỉ ra một số mặt tồn tại cần sớm được khắc phục, đặc biệt là việc thực hiện Quy chế dân chủ trong khối doanh nghiệp đến nay vẫn chưa được chú trọng. Bên cạnh việc chỉ ra những mặt hạn chế, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai trong năm 2011, trong đó cần nâng cao nhận thức của việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở trong toàn bộ hệ thống chính trị trong lãnh đạo Đảng, trong thi hành pháp luật và các tổ chức đoàn thể của địa phương. Đây là việc làm cần thiết, cấp bách trước mắt cũng như lâu dài. Tăng cường sự lãnh, chỉ đạo, sự phối hợp thực hiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền và mặt trận các đoàn thể trong việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Quán triệt sâu sắc hơn về nội dung thực hiện dân chủ cơ sở theo đúng tinh thần Chỉ thị 30 của Bộ chính trị, đẩy mạnh thực hiện một cách thường xuyên, liên tục và ngày càng phát triển cao hơn. Tiếp tục sơ kết, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm để chúng ta nâng cao chất lượng thực hiện chỉ thị 30 của Bộ Chính trị. Dân chủ phải thực chất hơn, nội dung dân chủ phải thiết thực và đúng pháp luật. Làm sao nội dung đưa ra bảo đảm phải thực hiện được và phải sát với từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương. Phấn đấu tất cả mọi nơi đều phải có quy chế, chấn chỉnh sửa đổi bổ sung một số nơi chưa hợp lý trong thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Đặc biệt, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở phải gắn với cải cách thủ tục hành chính, với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với cuộc vận động thi đua yêu nước, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và các cuộc vận động cách mạng khác ở địa phương. Đồng thời, phải kiện toàn được ban chỉ đạo quy chế dân chủ ở tất cả các địa phương, tổ chức hoạt động có kế hoạch, có họp định kỳ, kiểm tra đôn đốc và sơ kết, tổng kết để rút kinh nghiệm.
Thụy Trang - baolamdong.vn