Công tác dân vận chính quyền trong việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án vùng đồng bào DTTS In trang
13/10/2014 12:00 SA

Công tác dân vận trong vùng đồng bào DTTS là một trong những nội dung, nhiệm vụ chủ yếu trong quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Trong phạm vi bàn về công tác dân vận trong việc thực hiện các chương trình, dự án vùng đồng bào dân tộc, từ thực tiễn công tác cho thấy cần tập trung vào các vấn đề sau:

Thứ nhất, cơ quan tham mưu hoạch định chính sách dân tộc, trong đó bao gồm các chương trình, dự án cần nghiên cứu kỹ, nhu cầu bức xúc cũng như nguyện vọng tha thiết của người dân thụ hưởng chính sách để lựa chọn các chương trình, dự án phù hợp đặc điểm, tập quán, tâm lý, tình cảm của đồng bào; nhằm đảm bảo phát huy hiệu quả tốt nhất các chương trình, dự án cho cộng đồng dân cư, tránh lãng phí tiền của của Nhà nước. Song song với chính sách thì cơ chế thực hiện chính sách cần thể hiện tính đặc thù riêng đối với chính sách dân tộc, đó là đơn giản về thủ tục, dễ thực hiện, linh hoạt trong triển khai gắn với trách nhiệm góp sức của cộng đồng thụ hưởng nhưng vẫn đảm bảo về mặt quản lý tài chính.

Thứ hai, khi triển khai thực hiện các chương trình, dự án cần bàn bạc thống nhất giữa chính quyền, đoàn thể ở cơ sở, đơn vị thực hiện và đại diện người dân địa phương cùng phối hợp triển khai, làm sao để địa phương có công trình, người dân có việc làm và thu nhập cùng tham gia giám sát và quản lý sử dụng sau khi công trình hoàn thành. Sự tham gia của người dân sẽ làm cho các chương trình, dự án không chỉ sát với nhu cầu thực tế mà còn gắn trách nhiệm của người thụ hưởng sau khi hoàn thành.

Thứ ba, đối với cơ quan chính quyền và cán bộ công chức nhà nước, nhiệm vụ dân vận phải thể hiện rõ việc quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa những quan điểm của Đảng về công tác dân tộc và đoàn kết dân tộc; đi sâu điều tra, nghiên cứu thực tế đặc thù của vùng dân tộc cùng những vấn đề đặt ra trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, quốc phòng an ninh... để từ đó đề xuất, xây dựng các chương trình, dự án khả thi, thiết thực, phù hợp với sự phát triển đi lên ở vùng dân tộc, nhất là ở những địa bàn xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở, cải cách thủ tục hành chính; giáo dục nâng cao đạo đức công vụ và tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân của cán bộ công chức; thực hiện tốt phong cách dân vận theo phương châm: “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu kiện, tranh chấp của đồng bào liên quan đến các chương trình, dự án trong vùng DTTS.

Thứ tư, phát huy vai trò của người uy tín, nhân sỹ trí thức, già làng trưởng dòng họ trong đồng bào DTTS trong công tác tuyên truyền vận động bà con thực hiện các chương trình, dự án, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất để nâng cao thu nhập, đổi mới cách làm ăn. Chính quyền cần giúp cho người dân xây dựng các mô hình trong phát triển kinh tế, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tập quán tốt đẹp, chung sức xây dựng nông thôn mới vùng DTTS. Biểu dương, tôn vinh những thôn, buôn, cá nhân sản xuất giỏi, tiêu biểu trong việc tuyên truyền vận động bà con khắc phục tư tưởng tự ty, ỷ lại vươn lên trong cuộc sống, chống lại nghèo nàn, lạc hậu.

Phương thức công tác dân vận chính quyền trong việc thực hiện các chương trình, dự án vùng DTTS cũng vận dụng theo quy trình cụ thể hóa phương châm công tác dân vận, đó là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát và dân hưởng”. Trước hết, phải tuyên truyền, giải thích cho dân hiểu được chủ trương và lợi ích của các chương trình, dự án, những giá trị đích thực đem lại cho người dân để cùng với chính quyền tổ chức thực hiện; những chương trình hỗ trợ trực tiếp thì người thụ hưởng phải được vận động để hợp tác cùng chính quyền giám sát việc triển khai thực hiện bảo đảm công bằng, minh bạch, đúng chính sách. Sau bước tuyên truyền, giải thích, chính quyền cần có kế hoạch để khuyến khích cho người dân tham gia thực hiện các chương trình, dự án trên địa bàn dân cư như xây dựng giao thông nông thôn, hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ thoát nghèo, các công trình dân sinh trong cộng đồng… Tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và biểu dương những nhân tố tích cực trong cộng đồng dân cư sau khi thực hiện.

Huỳnh Mỹ - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh

Lượt xem: 757