Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân vì mục tiêu xây dựng tỉnh Lâm Đồng giàu, mạnh, văn minh (kỳ 1) In trang
20/06/2023 03:02 CH

Lâm Đồng là tỉnh miền núi thuộc khu vực Nam Tây Nguyên, có tổng diện tích đất tự nhiên là 9.781,2 km2. Dân số toàn tỉnh là trên 1,3 triệu người, có 12 đơn vị hành chính cấp huyện, 142 đơn vị hành chính cấp xã, với 47 dân tộc anh em sinh sống. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 25,72% dân số, có 16 tổ chức tôn giáo, tổng số tín đồ các tôn giáo là 796.710 người chiếm 60% dân số toàn tỉnh. Nhận thức đầy đủ và sâu sắc đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và phát triển đất nước nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng.

Trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đã cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách, quy định của Nhà nước về đại đoàn kết dân tộc. Từ đó phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng của nhân dân để xây dựng và phát triển tỉnh nhà. Đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, khơi dậy khát vọng phát triển, củng cố niềm tin để tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước. Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU, ngày 28/5/2003 thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; Kế hoạch số 72-KH/TU, ngày 03/3/2010 về thực hiện Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW.

Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy luôn nhận thức rõ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng đối với việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tại các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh luôn xác định “dân là gốc”“phát huy quyền làm chủ của nhân dân và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân” là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Đặc biệt, vấn đề phát huy quyền làm chủ của Nhân dân tiếp tục được khẳng định tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Đại hội xác định “Phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân; củng cố lòng tin của Nhân dân với Đảng, chính quyền; tăng cường đại đoàn kết toàn dân, xây dựng xã hội dân chủ, đồng thuận, tuân theo pháp luật, kỷ cương, đoàn kết, văn minh...”; đây là một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong tình hình mới; chương trình hành động thực hiện nghị quyết, chỉ thị về xây dựng giai cấp công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, trí thức, người cao tuổi, dân tộc, tôn giáo. Đồng thời, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh cụ thể hóa, tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Trong đó đặc biệt chú trọng phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu xây dựng tỉnh Lâm Đồng giàu, mạnh, văn minh.

Công tác vận động, phát huy khối đại đoàn kết trong tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước phát động luôn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo. Từ đó,  Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh chủ động đổi mới nội dung, phương thức công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp đoàn kết các tầng lớp nhân dân; củng cố, tăng cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với nhiều nội dung, hình thức phong phú, có trọng tâm, trọng điểm nhằm đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp, đoàn kết nhân dân như: Tổ chức phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên, người tiêu biểu trong các dân tộc, tôn giáo và các tầng lớp nhân dân các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong tình hình mới... Tập trung công tác vận động, mở rộng tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, mở rộng kết nạp tổ chức thành viên, các cá nhân tiêu biểu trong các tầng lớp nhân dân. Thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn tổ chức, phát huy vai trò của các tổ chức thành viên, các vị ủy viên, các hội đồng, ban tư vấn và các vị chức sắc tôn giáo, già làng, nhân sỹ, trí thức, người có uy tín trong cộng đồng,… làm nòng cốt để tuyên truyền, vận động tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân.

Từ năm 2003 đến nay, Mặt trận Tổ quốc các cấp chủ trì, phối hợp tổ chức tốt “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” hàng năm, với nội dung và hình thức phong phú, thiết thực. Kịp thời tổng kết các phong trào thi đua, các cuộc vận động ở khu dân cư, biểu dương, khen thưởng, thăm hỏi gia đình chính sách, hỗ trợ người nghèo gắn với phát động phong trào thi đua, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân và cán bộ, công chức, viên chức tham gia, góp phần tăng cường đoàn kết, động viên, cổ vũ các tầng lớp nhân dân nỗ lực thực hiện tốt các phong trào thi đua, cuộc vận động trên địa bàn khu dân cư. Đề cao tính tự quản, phát huy sức mạnh đoàn kết của Nhân dân xây dựng cộng đồng, khu dân cư vững mạnh. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 907/1.376 thôn, tổ dân phố đạt khu dân cư tiêu biểu, 328 thôn, tổ dân phố đạt khu dân cư kiểu mẫu. Hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn xã hội tham gia xóa nhà tạm cho các hộ nghèo” cả hệ thống chính trị tỉnh đã vào cuộc tích cực, huy động sự tham gia, ủng hộ của cán bộ, công chức, viên chức, các tổ chức tôn giáo, các hội quần chúng, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với gần 30 tỷ đồng để hỗ trợ giúp đỡ cho các hộ nghèo nhà ở còn tạm bợ, dột nát xây dựng nhà ở mới.

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” (nay là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”) thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ, tự nguyện tham gia đóng góp tiền, ngày công, hiến đất, vật tư làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng. Từ năm 2003 đến nay, nhân dân trong tỉnh đã đóng góp trên 1.250 tỷ đồng, hiến 1.829.113 m2  đất, huy động 710.000 ngày công lao động... để tập trung các nguồn lực tham gia xây dựng các công trình phúc lợi, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng ở cơ sở, cộng đồng dân cư, xây dựng các công trình phúc lợi, phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; tham gia giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng gia đình, khu dân cư an toàn, sáng, xanh, sạch, đẹp, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, cùng với cấp ủy, chính quyền thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Mặt trận Tổ quốc các cấp chủ động phối hợp với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn rà soát, bổ sung và hoàn thiện hương ước, quy ước ở khu dân cư; tổ chức đăng ký gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đúng chức năng nhiệm vụ, bảo đảm các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, tỉnh và đạt được kết quả đáng khích lệ.

Đến cuối năm 2022, có 91% hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa; 95% thôn, buôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa; 88,3% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 98% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Cùng với đó, Ban Chỉ đạo các Chương trình phối hợp giữa lực lượng vũ trang  với các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh (gọi tắt là BCĐ 502 tỉnh) từ năm 2008 đến nay, đã tổ chức thành công 09 đợt công tác dân vận tập trung với tổng trị giá các đợt công tác dân vận đạt hơn 30 tỷ đồng, toàn bộ nguồn kinh phí này được cụ thể hóa bằng các công trình, hạng mục, mô hình, phần việc cụ thể thiết thực đến bà con nhân dân vùng khó khăn, đó là hỗ trợ xây dựng hơn 142 căn nhà Tình thương, Nhà đại đoàn kết, Nhà tình nghĩa Quân-Dân; sửa chữa, chỉnh trang hàng trăm căn nhà cho hộ nghèo…; hơn 45 giếng khoan, hệ thống làm sạch nước; lắp đặt các tuyến đường điện “Thắp sáng đường quê”; đường bê tông liên thôn; sân chơi cho em; xây nhà vệ sinh; trang bị cơ sở vật chất cho hội trường thôn; tổ chức các đợt thăm, khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người nghèo… Điểm nhấn tạo nên thành công qua các đợt dân vận tập trung chính là đã phát huy được vai trò, sức dân trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương; người dân đồng lòng, tự nguyện góp công sức và tiền của cùng với Nhà nước trong xây dựng các công trình, từ đó tạo được những kết quả ấn tượng nêu trên.

Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đã tích cực vận động Nhân dân tham gia các phong trào thi đua, yêu nước, các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước phát động như: Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” và phong trào thi đua “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”. Hàng năm, tổ chức phát động, tuyên truyền, vận động, tiếp nhận, quản lý và phân bổ, sử dụng Quỹ “Vì người nghèo” và các nguồn quỹ: Quỹ Cứu trợ, Quỹ ủng hộ Trường Sa, Quỹ hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19… Qua đó, tiếp nhận hàng trăm tỷ đồng, kịp thời hỗ trợ, chăm lo giúp đỡ người nghèo, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, dịch Covid-19, thực hiện an sinh xã hội. Trong đó: Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh đã tiếp nhận được hơn 262 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng mới 8.430 căn nhà, sửa chữa 3.438 căn nhà Đại đoàn kết, kịp thời hỗ trợ phát triển sản xuất, giúp đỡ học sinh, sinh viên, bệnh nhân nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ Tết cho người nghèo hàng năm. Đồng thời, phối hợp tiếp nhận hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ công tác an sinh xã hội, góp phần thực hiện tốt chương trình giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Quỹ cứu trợ tỉnh vận động được hơn 52,4 tỷ đồng, kịp thời phân bổ ủng hộ đồng bào bị thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, góp phần giúp đỡ Nhân dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống; “Quỹ ủng hộ Trường Sa” tỉnh vận động hơn 16,8 tỷ đồng, kịp thời hỗ trợ cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân huyện Đảo Trường Sa xây dựng công trình nhà ở cho bộ đội trên đảo Sơn Ca và thăm hỏi, hỗ trợ cán bộ, chiến sỹ tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Năm 2020, 2021, đã huy động Quỹ ủng hỗ phòng chống, dịch bệnh Covid-19 tỉnh được 85,426 tỷ đồng tiền mặt; 26.938 tấn rau, củ, quả; 472 tấn gạo và nhiều trang thiết bị, nhu yếu phẩm khác để kịp thời hỗ trợ Nhân dân trong và ngoài tỉnh gặp khó khăn do dịch bệnh và hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh. Để công tác giảm nghèo ngày càng thiết thực, hiệu quả và bền vững, MTTQ và các đoàn thể tỉnh triển khai hiệu quả mô hình “hỗ trợ sinh kế người nghèo” với nhiều mô hình thiết thực như: Trồng chuối Laba, trồng dâu nuôi tằm, trồng cây ăn quả… tạo động lực để các hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được MTTQ Việt Nam các cấp triển khai thực hiện từ năm 2009 đến nay. Qua đó, chủ trì, phối hợp phát huy trách nhiệm của các tổ chức thành viên cùng với cả hệ thống chính trị tổ chức tuyên truyền, vận động sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, ưu tiên sử dụng hàng Việt. Phối hợp với cơ quan chính quyền tuyên truyền thực hiện Đề án “Phát triển thị trường trong nước”, hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Nhất là thương hiệu “Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.

Các phong trào thi đua đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế được triển khai rộng khắp trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, dân tộc, tôn giáo và cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Phong trào phát huy sáng kiến, sáng tạo, nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ được phát triển, lan tỏa khắp các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, góp phần quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng công tác, lao động, chiến đấu, sản xuất, kinh doanh phục vụ đời sống Nhân dân như: Nông dân với phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; Phụ nữ với cuộc vận động “5 không, 3 sạch”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; Công nhân thực hiện phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; Đoàn thanh niên với phong trào “Xây dựng giá trị hình mẫu Thanh niên Việt Nam thời kỳ mới”, “Học tập sáng tạo vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, “Sáng tạo trẻ”; Hội Cựu chiến binh có phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu”, “Cựu chiến binh giúp nhau làm kinh tế”; Hội Chữ thập đỏ triển khai cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”; Hội Khuyến học xây dựng phong trào “Thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời”; Hội Người cao tuổi triển khai “Chương trình người cao tuổi tham gia bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Tuổi cao gương sáng”... Nhiều mô hình, điển hình sáng tạo được kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, quảng bá, giới thiệu, công nhận, biểu dương, tôn vinh, khen thưởng và phổ biến nhân rộng.

Từ những định hướng chính sách của tỉnh và sự vào cuộc của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong những năm qua, kinh tế tỉnh nhà liên tục phát triển, tốc động tăng trưởng ổn định, quy mô và chất lượng nền kinh tế được nâng lên. Sản xuất nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng cao so với bình quân chung của cả nước; ngành công nghiệp, xây dựng và lĩnh vực thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển; kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh; lượng khách du lịch, nhất là khách quốc tế, khách qua lưu trú tăng khá. Năng suất lao động, GRDP bình quân đầu người tăng nhanh, cao hơn bình quân chung cả nước (GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 75,3 triệu đồng/người, tăng gấp 20,3 lần so với năm 2002). Thu ngân sách hàng năm đều đạt và vượt so với chỉ tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh.

Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2022 đạt trên 13.000 tỷ đồng (Trong đó, thu ngân sách bình quân gđ 2002-2005 đạt 823,47 tỷ đồng, gđ 2006-2010 đạt 1.110,4 tỷ đồng (tăng 1,35 lần), gđ 2011-2015 đạt 4.949 tỷ đồng (tăng 6 lần), gđ 2016-2020 đạt 7.809 tỷ đồng (tăng 9,5 lần). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2022 đạt 27.365 tỷ đồng, gấp 19,2 lần so với năm 2002. Tổng kiêm ngạch xuất khẩu ước đạt 886,67 triệu USD. Khách qua lưu trú khoảng 07 triệu lượt, khách quốc tế 150 nghìn lượt.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo 74%. Tỷ lệ thất nghiệp dưới 1,2%. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 1,94%, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS còn 5,65%. Tỷ lệ trường công đạt chuẩn quốc gia 82%. Tỷ lệ gia đình đạt chuẩn văn hóa là 91%; 100% số xã có điện lưới quốc gia; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi được cả hai mùa khô và mùa mưa, nhiều xã vùng sâu, vùng xa có đường bê tông nhựa. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh, phúc lợi xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng nâng lên.

Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 109/111 xã (98,2%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (40 xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao, 14 xã đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu); 05/10 huyện được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới; thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, ổn định. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được tiến hành toàn diện trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện và đạt được những kết quả tích cực.

Có thể nói rằng, để đạt được những kết quả như trên, trong những năm qua, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy luôn luôn xác định rõ xây dựng, củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức đảng, quản lý điều hành của chính quyền, công tác tuyên truyền, vận động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, xây dựng vững chắc mối quan hệ máu thịt giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước; Tập trung phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, giải quyết tốt quan hệ lợi ích giữa các giai cấp, tầng lớp xã hội, kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và toàn xã hội. Chăm lo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, công bằng xã hội gắn với phát huy dân chủ, phát huy vai trò làm chủ thực sự của nhân dân trên mọi mặt của đời sống xã hội. Có cơ chế, chính sách phù hợp phát huy vai trò của các giai cấp, tầng lớp, thành phần xã hội, củng cố vững chắc liên minh công - nông - trí. Thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, doanh nhân. Tạo sự đồng thuận xã hội vì mục tiêu chung xây dựng quê hương phát triển bền vững, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Phát huy vai trò nòng cốt trong tập hợp, vận động nhân dân của các tổ chức chính trị - xã hội, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên. Đồng thời, thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, sâu sát quần chúng, cơ sở, quan tâm đến quyền lợi chính đáng của người dân, là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, góp phần làm cho mối liên hệ giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân ngày càng khăng khít, đảm bảo “ý Đảng lòng dân”. Nâng cao tinh thần cảnh giác, sự nhạy bén trong nhận diện và kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ngay từ địa bàn dân cư.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc còn một số hạn chế như:

Chênh lệch về đời sống vật chất, tinh thần giữa thành thị và vùng sâu, vùng xa còn khoảng cách lớn, phân hóa giàu nghèo trong các thành phần xã hội vẫn còn cao. Công tác nắm bắt, phản ánh, phối hợp tham mưu, chỉ đạo giải quyết tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; phân tích, dự báo diễn biến tình hình. Nhất là những vấn đề bức xúc, phức tạp nổi cộm liên quan đến dân tộc, tôn giáo, an ninh nông thôn, có lúc, có nơi chưa cụ thể, chính xác, kịp thời, thiếu chặt chẽ và đồng bộ. Mặc dù đời sống một bộ phận nhân dân ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào DTTS được quan tâm nhưng vẫn còn nhiều khó khăn; kết cấu hạ tầng một số địa phương còn chưa đồng bộ.

Việc phát huy vai trò của chính quyền trong thực hiện chính sách đại đoàn kết có nơi, có lúc hiệu quả chưa cao. Công tác dân vận chính quyền có sự chuyển biến tích cực nhưng chưa đáp ứng với yêu cầu và sự kỳ vọng của nhân dân. Công tác cải cách thủ tục hành chính và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở còn nhiều bất cập. Vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, gây phiền hà, khó khăn cho các tổ chức và cá nhân khi đến liên hệ công việc.

Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn yếu. Nhất là việc cụ thể hoá các chủ trương, nghị quyết của Đảng ở địa phương có nơi còn lúng túng, bị động, chưa đủ sức giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh từ cơ sở. Chất lượng hoạt động của HĐND cấp huyện, cấp xã còn hạn chế. Việc quản lý điều hành của chính quyền cơ sở theo pháp luật còn lúng túng, hiệu quả chưa cao. Một số đối tượng còn lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo để truyền đạo trái phép, tuyên truyền, lôi kéo quần chúng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

                                                      BAN DÂN VẬN TỈNH ỦY

Lượt xem: 1.285