Đầu tư xây dựng cơ bản có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần xây dựng hoàn thiện, đồng bộ kết cấu hạ tầng,thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Do đặc điểm của hầu hết dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là dự án giao thông, thủy lợi có liên quan đến việc thu hồi đất, ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân, nhất là các hộ bị tác động trực tiếp, do đó cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, gắn với bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Trên địa bàn huyện Cát Tiên trong thời gian được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của các cấp ủy, chính quyền địa phương, đã bố trí nguồn lực rất lớn để tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, như: 100% trường học, cơ sở y tế, trụ sở làm việc của các cơ quan Nhà nước được kiên cố hóa; 100% khu dân cư có điện lưới quốc gia, có sóng viễn thông; 100% đường giao thông từ huyện đến xã và từ trung tâm xã đến khu dân cư được bê tông hóa; hệ thống kênh mương thủy lợi đưuợc kiên cố hóa 202/255km, đạt tỷ lệ 79,2% ...
Triển khai công tác dân vận tham gia trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tái định cư trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 85/QĐ-UBND ngày 14/01/2015 của UBND tỉnh Lâm Đồng; Huyện ủy, UBND huyện Cát Tiên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rà soát toàn diện và thực hiện đồng bộ các khâu công tác liên quan, như: xác định dự án đầu tư xây dựng phải tuân thủ quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chất lượng hồ sơ khảo sát, thiết kế phải đảm bảo; thực hiện tốt các khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng gắn với việc công khai và tập trung thông tin tuyên truyền để người dân nắm, hiểu, tạo sự đồng thuận đối với dự án, từ đó tích cực tham gia … tùy theo tính chất phức tạp của từng dự án, UBND huyện còn Quyết định thành lập Tổ công tác để tuyên truyền, vận động từng hộ gia đình về ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án đối với sự phát triển của địa phương; tuyên truyền về các cơ chế, chính sách hỗ trợ, bồi thường GPMB; vận động các hộ gia đình cùng tham gia dự án nhằm giảm chi phi từ ngân sách; nắm tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn vướng mắc để phản ánh, đề xuất, kiến nghị giải quyết kịp thời. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong quá trình thực hiện, một số dự án điển hình, như: Dự án đường vành đai ven sông Đồng Nai, huyện Cát Tiên đã thực hiện thu hồi đất để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng dự án đường vành đai ven sông Đồng Nai đối với 95 hộ và 02 tổ chức với tổng diện tích đất dự kiến thu hồi là 16.362,6 m2. Trong đó, đã vận động được tất cả 95 hộ dân hiến đất với tổng diện tích dự kiến 12.362,6m2; hộ hiến nhiều nhất 1.186.5 m2; Dự án Đường 3L và đường 3K, thị trấn Cát Tiên đã thực hiện thu hồi đất để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng đường 3L, 3K với tổng diện tích thu hồi 17.748,7 m2/24 hộ, trong đó đường 3L có 17 hộ/10.681,4 m2 và đường 3K có 07 hộ/ 7.067,3 m2 (diện tích đất thu hồi vĩnh viễn: 8.702,1 m2; diện tích đất thu hồi tạm thời: 9.046,6 m2). Đã vận động 17 hộ hiến đất thuộc diện tích thu hồi vĩnh viễn là 5.783 m2; hộ hiến nhiều nhất 1.309,7m2; Đường vào khu 5, khu 10, thị trấn Cát Tiên đi xã Mỹ Lâm (đường ĐH.90), huyện Cát Tiên. Dự án đã thu hồi tổng diện tích: 89.790,7 m2của Xã Nam Ninh/25 hộ; Thị trấn Cát Tiên 51 hộ và vận động nhân dân hiến đất toàn bộ.Trong đó, hộ hiến nhiều nhất 2.033,2 m2. Dự án xây dựng kè chống sạt lở sông Đồng Nai đoạn qua trung tâm huyện Cát Tiên đã thu hồi đất để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng với tổng diện tích đất thu hồi: 7.444,6m2 /55 hộ và 04 tổ chức (Trong đó: diện tích thu hồi vĩnh viễn: 5.735,1 m2; diện tích thu hồi tạm thời: 1.709,5 m2). Đã vận động nhân dân hiến toàn bộ đất thu hồi vĩnh viễn, trong đó hộ hiến nhiều nhất 720.2 m2…
Quá trình tổ chức thực hiện, hầu hết các dự án được Nhân dân đồng tình, ủng hộ và việc triển khai, thực hiện nhanh chóng, thuận lợi. Tuy nhiên, cũng có dự án, đã phát sinh đơn thư khiếu nại kéo dài, như: dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ Tiên Hoàng đi xã Đồng Nai Thượng, dự án Hồ chức nước Đạ Sị, dự án cầu 2 cô, dự án đường Lô 2...
Một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân chủ yếu, như:
- Một bộ phận nhân dân chưa chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về bồi thường, giải phóng mặt bằng; một bộ phận các hộ gia đình thực hiện việc tách nhập hộ khẩu, lấn chiếm, mua bán đất đai trong vùng dự án nhằm trục lợi. Một số trường hợp cố tình cản trở quá trình thu hồi đất, không chịu bàn giao mặt bằng khi đã có thông báo thu hồi đất; đã nhận tiền đền bù nhưng không chịu bàn giao mặt bằng, thậm chí cản trở tiến độ thi công công trình; một số trường hợp cương quyết không nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng, không nhận đất tái định cư hoặc tiền tự lo tái định cư.
- Chính sách bồi thường, hỗ trợ GPMB có sự thay đổi có lợi hơn trước, đã làm cho những người bị thu hồi đất trước đây cảm thấy bị thiệt thòi nên đã có đơn, thư khiếu kiện đòi được bồi thường, hỗ trợ theo chính sách mới. Việc quy định xác định giá đất sát với giá thị trường là một khó khăn, người bị hồi đất có nhiều ý kiến, kiến nghị giải quyết quyền lợi.
- Công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân có lúc, có việc chưa thật sự tập trung, hoặc nội dung chưa sát, chưa hiệu quả.
Bài học kinh nghiệm và một số giải pháp nâng cao hiệu quả trong thời gian tới để thực hiện có hiệu quả công tác vận động người dân hiến đất và bồi thường, giải phóng mặt bằng khi triển khai các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện, cụ thể như sau:
Một là, về cơ chế chính sách: Cần xây dựng chi tiết khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn huyện phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Khi lập kế hoạch và thực hiện giải phóng mặt bằng phải đảm bảo trình tự, thủ tục quy định và đúng thực tế từng dự án, đồng thời vận dụng linh hoạt giữa các bước trong trình tự để rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng nhưng vẫn đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Về công tác quản lý, quy hoạch đất đai: Các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn và các cơ quan, ban ngành để quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, ngăn chặn việc lấn chiếm, xây dựng trái phép và hạn chế việc tranh chấp, đảm bảo cơ sở xác định đúng hiện trạng, nguồn gốc và thời gian sử dụng đất, phục vụ tốt việc lập phương án bồi thường, hỗ trợ một cách chính xác, đúng quy định.
Việc đo đạc địa chính phục vụ giải phóng mặt bằng, luôn lựa chọn kỹ đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm để hợp đồng đo đạc và tổ chức nghiệm thu đúng theo quy định, tránh thực hiện không đúng quy trình, thủ tục dẫn đến những sai sót, mất thời gian điều chỉnh, từ đó làm gián đoạn, làm chậm tiến độ thực hiện dự án.
Hai là, củng cố bộ máy làm công tác bồi thường: Xác định công tác Bồi thường, GPMB phục vụ cho dự án là nhiệm vụ trọng tâm, do đó để làm tốt công tác này, trong thời gian tới huyện cần phải kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; quản lý tốt công tác giao đất, giao rừng cho các tổ chức, hộ gia đình; thực hiện tốt chính sách và quy trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên nguyên tắc đúng pháp luật và bảo đảm quyền lợi cho người bị thu hồi đất; tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đẩy mạnh công tác thi đua khen thưởng trong lĩnh vực bồi thường, GPMB, có biện pháp xử lý nghiêm những người cố tình chây ỳ hoặc làm sai gây hậu quả xấu cho xã hội...
Ba là, công tác vận động, tuyên truyền: Xác định dân vận phải bắt đầu từ cơ sở, từ chủ trương này khi các địa phương có dự án triển khai, Đảng ủy các xã, thị trấn cần ban hành nghị quyết chuyên đề về GPMB, trong đó nhấn mạnh vai trò của các Tổ dân vận. Địa phương thành lập các Tổ dân vận phối hợp với Ban công tác Mặt trận, Ban quản lý thôn, tổ dân phố, các tổ chức đoàn thể tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, tặng cây để mở đường nhất là với các hộ có đất mà trục đường đi qua. Với nhiệm vụ được giao, từng thành viên Tổ dân vận cộng đồng chịu trách nhiệm tuyên truyền, vận động người thân, đồng thời tiên phong hiến đất, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng; tổ chức họp dân để lắng nghe ý kiến, phản ánh, kiến nghị của người dân đối với chủ trương GPMB thực hiện các dự án; thực hiện tốt phương châm “mưa dầm thấm lâu”, “đối tượng nào, phương pháp ấy”.
Trong thời gian tới, nhằm tăng cường công tác dân vận trong bồi thường, GPMB các công trình, dự án, đầu tư phát triển KT-XH, Chủ đầu tư và địa phương tiếp tục phối hợp, thực hiện nghiêm túc quy trình, công khai, minh bạch gắn với thực hiện nghiêm Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong tất cả các dự án ngay từ đầu. Tăng cường công tác đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận.
Kịp thời lan tỏa phong trào hiến đất, mở đường trong nhân dân, tăng cường công tác tuyên truyền các gương sáng trên hệ thống truyền thanh cơ sở; đồng thời tranh thủ các nguồn lực để hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng sẵn sàng hiến đất.
Tiếp nhận, xác minh làm rõ và giải quyết kịp thời, không để dây dưa kéo dài, đặc biệt là các kiến nghị của các đối tượng bị ảnh hưởng của các dự án, nhằm kịp thời khắc phục những thiếu sót, giải quyết chặt chẽ, đúng quy định pháp luật đồng thời đảm bảo được quyền lợi cho người dân. Kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc, đề xuất hướng xử lý, giải quyết đúng theo yêu cầu, làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Bốn là, bên cạnh các giải pháp trên cũng đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành quy định rõ về các khoản chi phí được sử dụng trong 2% chi phí làm công tác bồi thường trong công tác chi phí bồi thường GPMB. Theo đó, đề xuất UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh ủy quyền cho chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ huyện làm công tác đo đạc diện tích đất thu hồi làm dự án, có như thế thì mới đẩy nhanh được tiến độ công tác GPMB.
Phòng Dân vận các cơ quan nhà nước, dân tộc và tôn giáo