“Dân vận khéo” trong vận động người lớn học tập, nâng cao chất lượng cuộc sống In trang
19/12/2023 08:54 SA

Khái niệm xã hội học tập xuất hiện vào những năm 70 của thế kỷ XX với luận điểm “Học để tồn tại - Học để làm người”, sau đó là hội thảo mang tính toàn cầu của các nhà khoa học và xã hội học với nội hàm “Học suốt đời” và “Xã hội học tập”.

Bước vào thế kỷ XXI, UNESCO nêu ra tuyên ngôn về giáo dục “Học tập, một kho báu tiềm ẩn”, nhằm tạo nên xu thế giao lưu mở rộng, khoa học và công nghệ phát triển nhanh; trong đó, giáo dục là đòn bẩy để phát triển kinh tế - xã hội, phải đầu tư vào tài năng con người, mở rộng những cơ hội giáo dục thực hiện sứ mạng của UNESCO đề ra “Giáo dục cho mọi người”.

Dưới góc độ triết học và xã hội học, các nhà nghiên cứu cho rằng, trong xu thế phát triển kinh tế tri thức, giáo dục phải thu hút không chỉ trẻ em mà còn tất cả người lớn vào học tập, đồng thời gia tăng vai trò của giáo dục đại học trong mọi lĩnh vực hoạt động. Đưa giáo dục về từng gia đình (giáo dục tại gia). Tại gia giáo dục gắn bó hữu cơ vốn thông tin giáo dục, áp dụng rộng rãi các phương pháp học với tự học từ xa trên cơ sở áp dụng công nghệ thông tin và viễn thông mới nhất.

Trong quá trình phát triển kinh tế tri thức, xã hội học tập luôn hướng tới đào tạo con người vừa có trình độ khoa học, kỹ thuật và tinh thần khoa học vừa có tố chất văn hóa và tinh thần nhân văn nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền văn minh loài người. Cho nên, xây dựng xã hội học tập về thực chất, là một cuộc cách mạng giáo dục, bởi nó phải khắc phục mục tiêu đào tạo con người phục vụ kinh tế công nghiệp với những khiếm khuyết đã bộc lộ, tạo ra những nhân cách toàn diện,  đáp ứng được 2 nguyên tắc cơ bản của sản xuất trong nền kinh tế tri thức là “Nguyên tắc bền vững xã hội và nguyên tắc ứng biến hoạt động”.

Sự thịnh vượng của một  quốc gia nói riêng và ở cấp độ toàn cầu nói chung phụ thuộc vào trình độ tri thức và tay nghề của cư dân. Là những con người cần để vận hành nền kinh tế mới phức tạp hơn nhiều so với nền kinh tế công nghiệp. Do vậy, nền giáo dục cho dù chính quy hay không chính quy đều phải cung cấp những kỹ năng để điều hành có hiệu quả nền kinh tế. Trên thực tế, những tiến bộ của công nghệ đang tiếp tục làm thay đổi hình thái, bản chất và tính phức tạp của các tiến trình kinh tế. Tính phức tạp đang gia tăng, buộc lực lượng lao động phải được định hướng thiên về mặt kỹ thuật.

   Ở nước ta, chủ trương xây dựng xã hội học tập được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đề ra, phải xây dựng xã hội học tập để tạo điều kiện đi vào nền kinh tế tri thức. Triển khai chủ trương đó, ngày 18/5/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 112/2015/QĐ-TTg về xây dựng XHHT giai đoạn 2005-2010. Đây là giai đoạn đặt những viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp xây dựng đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng xã hội học tập với mục tiêu “Nâng cao dân trí, phát triển nhân lực và bồi dưỡng nhân tài”.

   Sau khi tổng kết, đánh giá xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 - 2010, ngày 9/01/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 89/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020; ngày 20/2/2014, tiếp tục phê duyệt Quyết định 281/QĐ-TTg, Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập trong gia đình, dòng họ, cộng dồng đến giai đoạn 2011 -  2020”, giao cho Hội khuyến học Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo và các bộ, ngành liên quan thực hiện. Bốn mô hình học tập: “Gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập và đơn vị học tập” được triển khai thực hiện trong phạm vi cả nước đạt được nhiều thành quả tốt đẹp, rút ra bài học kinh nghiệm về lí luận và thực tiễn của các mô hình học tập, làm sáng tỏ con đường xây dựng xã hội học tập ở nước ta. Đây là những mô hình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc được các tầng lớp Nhân dân đồng tình hưởng ứng.

Bước vào giai đoạn 2021 - 2030, Thủ tướng Chính phủ ban hành các Quyết định và Chỉ thị  quan trọng: Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030”; Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25/5/2021 về đẩy mạnh  công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030; Quyết định số 387/QĐ-TTg ngày 25/3/2022 phê duyệt Chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021 - 2030”; Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 03/6/2022 phê duyệt Chương trình “Xây dựng mô hình Công dân học tập giai đoạn 2021 - 2030”. Việc xây dựng các mô hình học tập kết hợp với Chương trình chuyển đổi số quốc gia theo Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện cải cách giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao do nền kinh tế tri thức đặt ra, đó là nguồn nhân lực có năng lực sáng tạo và khả năng học hỏi không ngừng trong suốt cuộc đời, kỹ năng sử dụng máy tính và internet để thích ứng với yêu cầu của những công việc luôn thay đổi.

Vấn đề giáo dục con người nói chung và giáo dục công dân nói riêng đều là nhân vật trung tâm của xây dựng xã hội học tập giai đoạn hiện nay. Những yêu cầu đặt ra với việc học tập suốt đời của người lớn dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 và định hướng tiếp cận với chương trình chuyển đổi số quốc gia theo hướng “mở” trên cơ sở các thiết bị kỹ thuật số của cán bộ, công chức, viên chức và Người lao động. Vấn đề học tập của người lớn không phải là nội hàm mới, mà đã có từ lâu đời với nhiều tấm gương tự học của người lớn đã thành công trong sự nghiệp. Tư tưởng học tập của người lớn đã được Lê Nin  đề ra “Học, học nữa, học mãi”; Bác Hồ nêu lên chân lý “Học không bao giờ cùng”, “Học thường xuyên, học suốt đời”, “Càng làm cán bộ càng phải học”. Mục đích của những hoạt động này là tạo điều kiện thiết yếu cho người lớn hiểu biết truyền thống và tư tưởng ảnh hưởng tới xã hội, tới những nền văn hóa khác, làm cơ sở cho sự giao tiếp.

Một thực trạng, từ trước đến nay ở nước ta là sự học của người lớn chưa được quan tâm đúng mức, ngoài giờ lao động chính thức thì rất ít đến người lớn quan tâm đến sự học của mình dưới mọi hình thức để nâng cao kiến thức và cải tạo cuộc sống, điều này trái ngược với mục tiêu “Nâng cao dân trí, phát triển nhân lực và bồi dưỡng nhân tài”, chúng ta phải “Tham mưu tốt, dân vận vận khéo”: Tham mưu cho các cấp ủy Đảng và chính quyền ban hành các chủ trương, kế hoạch. Dân vận khéo là tuyên truyền, vận động, người lớn tham gia học tập thường xuyên, học tập suốt đời dưới mọi hình thức: Học ở nhà, học ở cơ quan, học ở trường, lớp, ở các trung tâm học tập cộng đồng… nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nhận thức đày đủ và tầm quan trọng của việc học tập và rèn luyện bản thân, sắp xếp thời gian để học tập, tự học đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số với công việc đang làm, phấn đấu đạt tiêu chí “Công dân học tập, Gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập và đơn vị học tập”, thực hiện thành công chủ trương xây dựng xã hội học tập mà nghị quyết của Đảng đề ra.

Phòng Dân vận các cơ quan nhà nước, dân tộc và tôn giáo

 

Lượt xem: 539