Lâm Đồng: 10 năm thực hiện phong trào thi đua Dân vận khéo In trang
18/11/2019 03:15 CH

Phong trào thi đua Dân vận khéo và Dân vận khéo trong xây dựng Nông thôn mới ở tỉnh Lâm Đồng thời gian qua được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể. Nhiều mô hình, điển hình Dân vận khéo qua phong trào đã rút ra được những cách làm sáng tạo, hiệu quả, những kinh nghiệm hay trong công tác vận động quần chúng… góp phần cùng địa phương hoàn thành các chỉ tiêu về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, thực hiện an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Hội nghị tổng kết công tác dân vận năm 2018 và khen thưởng mô hình dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới năm 2018
Hội nghị tổng kết công tác dân vận năm 2018 và khen thưởng mô hình dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới năm 2018


Việc triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” thời gian qua đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về công tác dân vận của Đảng. Thông qua phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã giúp các cấp ủy nắm chắc diễn biến tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân để kịp thời giải quyết tốt những vấn đề bức xúc của nhân dân; tích cực tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng; tạo sự đồng thuận trong nhân dân cả về nhận thức và hành động để từ đó vận động nhân dân phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc tham gia thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. 
Hầu hết các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giáo dục, y tế, văn hoá, giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình, điển hình với cách làm sáng tạo, hiệu quả, những kinh nghiệm hay trong công tác vận động quần chúng đã được nhân rộng góp phần phát triển kinh tế, xã hội; đảm bảo quốc phòng an ninh; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh…Từ đó, diện mạo nông thôn mới trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống, thu nhập của nhân dân được nâng lên rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm; kinh tế tăng trưởng bền vững, an ninh chính trị ổn định; chất lượng đời sống của người dân tiếp tục được nâng cao; môi trường có nhiều chuyển biến đáng kể, nhiều vùng nông thôn đã xây dựng và hình thành mô hình cảnh quan xanh, sạch, đẹp… nhân dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền. 
Thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" và phong trào thi đua "dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới", Ban Dân vận Tỉnh ủy cùng với các cấp, các ngành vận động nhân dân tham gia đóng góp 1.752,81 tỷ đồng cùng với nhà nước thực hiện xây dựng nông thôn mới, huy động ngày công lao động, hiến đất… để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp đường giao thông nông thôn, công trình thủy lợi, điện, đường, trường trạm và các thiết chế văn hóa phục vụ đời sống của nhân dân… góp phần thực hiện đạt kết quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đến nay, có 90/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới, cơ bản 02 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 02 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Cùng với các phong trào thi đua trong toàn tỉnh, phong trào thi đua "dân vận khéo" và "dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới" trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả to lớn; thu nhập bình quân đầu người năm 2018 (GDP) đạt khoảng 37 triệu đồng/ người/năm tăng gần 3 lần so với năm 2010; giá trị sản xuất ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng nhanh, hạ tầng kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi, được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa đáp ứng nhu cầu của người dân; giải quyết việc làm cho 263.297 người lao động; chính sách an sinh xã hội được quan tâm; tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, tính đến tháng 6/2019, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 9.046 hộ, chiếm 2,85% giảm 3,82% so với năm 2016 (giai đoạn 2016 đến nay tính theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều), trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 6.008 hộ, chiếm tỷ lệ 8,5% giảm 10,61% so với năm 2016…. đã góp phần cùng địa phương thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Trong quá trình triển khai thực hiện phong trào, trên địa bàn tỉnh tiếp tục xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu trên lĩnh vực văn hóa – xã hội. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được tổ chức thường xuyên mang lại hiệu quả thiết thực. Thông qua các phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trọng tâm xây dựng "gia đình văn hóa", "thôn văn hóa"...; tính đến năm 2018, toàn tỉnh có 266.480/301.105 hộ đạt gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 88,5%, tăng 11,8% so với năm 2010. Công tác chăm sóc sức khỏe, y tế được quan tâm, nhiều mô hình hay, hiệu quả như: Mua bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, xây dựng các bếp ăn tình thương tại các bệnh viện… do Hội Chữ thập đỏ phát động, tuyên truyền về chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em… được quan tâm thực hiện; tính đến nay có 1.083.390 người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (đạt trên 82,6%). Các mô hình, điển hình về bảo vệ môi trường được xây dựng, nhân rộng, mang lại hiệu quả cao; nổi bật mô hình, điển hình "Khu dân cư kiểu mẫu về môi trường", "Khu dân cư bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm", "5 không 3 sạch", "Tuyến đường hoa", "Trồng cây bóng mát đường quê", "Đoạn đường sáng, xanh, sạch, đẹp", "Khu dân cư sáng, xanh, sạch, đẹp, gắn với 3 không", mô hình "Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau gắn với bảo vệ môi trường", "thu gom thuốc bảo vệ thực vật"…đã vận động đoàn viên, hội viên và các hộ gia đình nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, thu gom, vận chuyển rác đúng quy định, xây dựng các tuyến đường, khu dân có cảnh quan môi trường cư sáng, xanh, sạch, đẹp...
Qua 10 năm thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo" trên lĩnh vực quốc phòng – an ninh, đã xây dựng và nhân rộng 2.220 mô hình, điển hình (1.369 điển hình tập thể và 851 điển hình cá nhân); nhiều mô hình hiệu quả được phát huy như: Mô hình “camera an ninh” tại thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc; “Tiếng kẻng an ninh” tại huyện Đức Trọng và “Tổ tuần tra dân cử, dân nuôi” tại huyện Lâm Hà, “Tổ an toàn” tại  huyện Đạ Tẻh … Hầu hết các địa phương đều triển khai các mô hình khu dân cư “Bảo đảm an ninh trật tự và an toàn giao thông”, “Khu dân cư lành mạnh không có tội phạm, tệ nạn xã hội”, thành lập, củng cố và duy trì các mô hình, các tổ chức tự quản về an ninh trật tự như: Tổ hòa giải, Tổ an ninh nhân dân, các câu lạc bộ…nhằm tập hợp, vận động nhân dân tham gia phòng chống tội phạm, ma tuý, tệ nạn xã hội, bảo đảm an toàn giao thông; tham gia hòa giải, giải quyết những tranh chấp mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân ngay từ cơ sở, nhằm hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật, xảy ra điểm nóng, phức tạp... góp phần hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật, không để xảy ra điểm nóng trên địa bàn.
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Lâm Đồng khẳng định: phong trào thi đua Dân vận khéo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thời gian qua đã đi vào cuộc sống một cách thiết thực, hiệu quả và có sức lan tỏa mạnh mẽ. 10 năm qua, toàn tỉnh xây dựng và nhân rộng được 8.641 mô hình, điển hình dân vận khéo trên tất cả các lĩnh vực, trong đó, có 316 mô hình, điển hình cấp tỉnh đã được công nhận. Ban Dân vận Tỉnh ủy đã chủ động tham mưu và phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tỉnh tổ chức khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua dân vận khéo và dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới; cấp tỉnh có 207 điển hình tập thể và 109 điển hình cá nhân; cấp huyện có 1.215 điển hình tập thể và 1.171 điển hình cá nhân được khen thưởng từ các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của huyện, tỉnh và Trung ương. Thời gian tới, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân về công tác dân vận theo nội dung Nghị quyết 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Chương trình hành động 66-CTr/TU của Tỉnh uỷ về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; gắn việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Huỳnh Thảo
 

Lượt xem: 735