Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới (phần 2) In trang
12/12/2022 02:44 CH
  1. Sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới

Sự tham gia của người dân vào việc xây dựng nông thôn mới được coi như nhân tố quan trọng, quyết định sự thành bại của Chương trình. Khi tham gia vào quá trình xây dựng nông thôn mới với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân tại các cộng đồng dân cư, nhất là vùng nông thôn từng bước được tăng cường kỹ năng, năng lực về quản lý nhằm tận dụng triệt để các nguồn lực tại chỗ và bên ngoài, từng bước hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Những kết quả bước đầu trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo sự chuyển biến về nhận thức đối với các cấp, các ngành, đặc biệt đã khơi dậy vai trò chủ thể, tạo niềm tin, tự giác tham gia của người dân địa phương trong xây dựng nông thôn mới:

- Người dân là lực lượng trực tiếp đóng góp và đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới đi vào cuộc sống;

- Người dân là nguồn nhân lực to lớn và quan trọng trong việc tiến hành chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiến tới xây dựng một cơ cấu kinh tế hợp lý theo hướng phát triển mạnh nông nghiệp, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và các hoạt động dịch vụ. Qua đó người dân có điều kiện nâng cao thu nhập, tích lũy vật chất, ổn định cuộc sống và góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, tạo cơ sở cho việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp.

- Người dân là lực lượng trực tiếp xây dựng, giữ gìn và bảo vệ kết cấu hạ tầng nông thôn. Khi người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng đường giao thông trong phát triển kinh tế - xã hội, người dân đã tự giác đóng góp xây dựng cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, của địa phương. Bằng nhiều hình thức, hoạt động phong phú, người dân các địa phương đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng, hàng triệu ngày công, hiến nhiều diện tích đất để làm mới, sửa chữa và nâng cấp đường giao thông, cũng như các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn khác. Đồng thời, người dân cũng chính là chủ thể trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo quản, giữ gìn và tăng cường công tác quản lý của chính quyền địa phương đối với những công trình đó.

- Người dân là người trực tiếp tham gia đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội. Người dân không chỉ là những người trực tiếp tham gia xây dựng mà còn là người bảo vệ hệ thống chính trị cấp cơ sở.

- Người dân là chủ thể chủ yếu tham gia giữ gìn an ninh, trật tự tại các địa phương, cơ sở; và cũng là chủ thể chủ yếu xây dựng và giữ gìn đời sống văn hóa tinh thần tại địa phương, cơ sở (Trong thời gian qua, nhân dân đã và đang tích cực thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng gia đình văn hóa, tham gia xây dựng làng, xã văn hóa; thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội...)

Rõ ràng, xây dựng nông thôn mới được xác định là “của dân, do dân và vì dân”, nhưng trong quá trình triển khai, không phải nơi nào, địa phương nào cũng làm được điều này, chủ yếu là do cách làm, phương pháp làm đôi lúc, đôi nơi còn chưa đúng, chưa phát huy hết dân chủ, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của dân. Trong đó một trong những tồn tại quan trọng nhất vẫn là việc thực hiện chương trình đâu đó vẫn xuất phát từ mong muốn của các cấp chính quyền, sự tham gia của người dân từ khâu đề xuất những công trình thiết yếu cho đời sống sản xuất... đến việc quản lý, điều hành còn rất yếu, nhiều nơi người dân vẫn còn thờ ơ với các hoạt động tham gia, chỉ đóng góp khi được vận động, thuyết phục, do đó nhiều công trình, hạng mục chưa xuất phát từ nhu cầu bức xúc của nhân dân nên khi hoàn thành xong không được đưa vào sử dụng một cách hiệu quả. Một số công trình giao thông, dân hiến đất, hiến cây nhưng lại không tham gia chỉnh trang, tu tạo lại đường khi đã giải tỏa xong, người dân vẫn chưa thực sự nhiệt tình trong việc tham gia thực hiện các tiêu chí của Chương trình xây dựng nông thôn mới...

III. Giải pháp phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới

Cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy chỉ có phát huy vai trò chủ thể  của người dân mới đảm bảo sự thành công trong xây dựng nông thôn mới. Để làm được điều này đòi hỏi các cấp chính quyền ở địa phương phải không ngừng đổi mới, sáng tạo thực hiện hiệu quả các giải pháp sau:

Thứ nhất, Cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trrị - xã hội ở địa phương phải thực hiện tốt công tác dân vận. Đẩy mạnh các hoạt động thông tin truyền thông, vận động để nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới (người dân vừa là người thực hiện vừa là người thụ hưởng), về mục tiêu và ý nghĩa của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hướng tới phát triển nông thôn toàn diện, bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của chính người dân nông thôn. Do đó, cần khơi dậy ở người dân tinh thần chủ động, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.

Thứ hai, để người dân thực sự là chủ thể, cần khẳng định và tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để người dân chủ động tham gia. Thực hiện tốt các nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch, thực sự quan tâm đến lợi ích thiết thực của dân trong việc quyết định lựa chọn nội dung, quản lý, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện chương trình. Người dân phải được tham gia ngay từ đầu việc lựa chọn những nội dung, công trình được cộng đồng cho là bức xúc nhất liên quan đến đời sống và sản xuất. Khi đó người dân trong cộng đồng mới thấy mình là người chủ thực sự đối với các hoạt động phát triển trong cộng đồng, từ đó sẽ tự nguyện, chủ động đóng góp các nguồn lực để thực hiện các hoạt động đó.

Thứ ba, đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Tăng cường hiệu lực quản lý điều hành của chính quyền cơ sở. Củng cố tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở nông thôn. Nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức địa phương. Cán bộ chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương phải gương mẫu trong việc đóng góp tiền của, ngày công trong xây dựng nông thôn mới; đồng thời phải huy động sức dân một cách vừa phải, từng bước, phù hợp với điều kiện từng hộ gia đình, tránh tình trạng áp đặt hay nóng vội.

Thứ tư, xây dựng và thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở để nâng cao vai trò của người dân. Chú trọng các quy định những điều dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra cả về nội dung và phương thức thực hiện, trong đó cần tập trung nhiều hơn, cụ thể và rõ ràng hơn vào  nội dung kinh tế. Những vấn đề về công khai, thu chi ngân sách, về những khoản đóng góp của dân, về đầu tư, hỗ trợ phát triển của Nhà nước qua các chương trình dự án phải được sáng tỏ, minh bạch qua các kênh thông tin cho dân biết, kể cả việc các đại biểu do dân trực tiếp cử ra để tham gia thường xuyên vào các hoạt động triển khai dự án ở nông thôn. Cần phải xử lý công khai, nghiêm túc những trường hợp vi phạm, tuyệt đối không có ngoại lệ với những sự bao che... gây mất lòng tin trong nhân dân.

Thứ năm, tiếp tục tổ chức và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua “Dân vận khéo”, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; “phong trào sản xuất kinh doanh giỏi”, “chung sức xây dựng nông thôn mới” với các hình thức hiệu quả. Đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; tổ chức thực hiện hiệu quả các đợt dân vận tập trung với chất lượng cao hơn, toàn diện hơn, thu hút được đông đảo nhân dân tham gia hơn. Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra các nội dung xây dựng đời sống văn hóa ở từng địa phương. Tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình, điển hình dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới; biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới.

Thứ sáu, nâng cao chất lượng và hiệu quả các thiết chế văn hóa, khuyến khích, động viên các lực lượng tham gia, kịp thời phê phán các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, xây dựng đời sống văn hóa mới lành mạnh, bảo vệ thuần phong mỹ tục ở nông thôn. Tăng cường xã hội hóa, quán triệt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để huy động mọi nguồn lực đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục. Xây dựng môi trường văn hóa, đội ngũ cán bộ văn hóa thông tin cơ sở,… thực hiện dân chủ hoá đời sống tinh thần ở nông thôn. Duy trì thường xuyên các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao. Quản lý khai thác tốt các thiết chế văn hóa truyền thống, nâng cao chất lượng và hiệu quả khám chữa bệnh cho nhân dân, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái xanh - sạch - đẹp, hiện đại giữ vững an ninh trật tự và an toàn xã hội, nhất là ở nông thôn./.

Ngọc Bích

Lượt xem: 2.131