Lâm Đồng: Hiệu quả từ việc xây dựng và nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) In trang
13/05/2024 03:43 CH

Thời gian qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã lan tỏa sâu rộng, mang lại hiệu quả thiết thực trên các lĩnh kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh. Xác định việc xây dựng mô hình, điển hình “dân vận khéo” trong vùng đồng bào DTTS là một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong thực hiện và hoàn thành các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào DTTS, Ban Dân vận Tỉnh ủy ban hành Công văn số 570-CV/BDVTU ngày 30/3/2018 về xây dựng mô hình “Dân vận khéo” trong vùng đồng bào DTTS; Công văn số 90-CV/BDVTU ngày 26/4/2021 về tiếp tục xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong đồng bào DTTS. Đồng thời, hướng dẫn quy trình, thủ tục đăng ký và triển khai thực hiện mô hình, điển hình dân vận khéo để hệ thống dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở triển khai, thực hiện. Kết quả, từ năm 2018 cho đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 309 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong vùng đồng bào DTTS, trong đó 249 mô hình tập thể, 60 mô hình cá nhân có sức lan tỏa sâu rộng trên các lĩnh vực. Nhiều tấm gương, mô hình, điển hình “Dân vận khéo” làm kinh tế giỏi của đồng bào DTTS đã được ghi nhận, biểu dương, tiêu biểu như: Anh K’Brooke, dân tộc Cơ ho, thôn Lăng Kú, xã Gung Ré, huyện Di Linh trong phát triển mô hình nông nghiệp truyền thống nuôi heo đen, lập trang website Koho.vn để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm truyền thống của đồng bào DTTS Tây Nguyên; hộ Jơ Jê Ha Mi người Cơ ho, thôn Ða Kao 1, xã Ðạ Tông, huyện Ðam Rông làm giàu bằng sản xuất rau sạch; anh Lưu Lập Ðức người dân tộc Tày, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Ðức Trọng với Công ty AGRI Ðức Tiến chuyên cung cấp cho thị trường khoảng 20 tấn nông sản mỗi ngày (top 100 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc toàn quốc năm 2021); hộ Cơliêng Rolan dân tộc Cơ ho, xã Lát, huyện Lạc Dương với mô hình tiêu biểu khởi nghiệp thành công về sản phẩm cà phê sạch “K’Ho Coffee”; Mô hình liên kết phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS ở địa phương của Bà K’Niếu, thôn Chi Rông, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng…

Mô hình tiêu biểu khởi nghiệp thành công về sản phẩm cà phê sạch “K’Ho Coffee”
Mô hình tiêu biểu khởi nghiệp thành công về sản phẩm cà phê sạch “K’Ho Coffee”

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong vùng đồng bào DTTS đã làm thay đổi nhận thức của nhiều hộ đồng bào DTTS, đã từng bước thay đổi biết tận dụng đất đai, lao động, các điều kiện khác để đầu tư phát triển sản xuất, đa dạng về sản phẩm nông nghiệp; giảm bớt tính ỷ lại, trông chờ vào sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước; thay đổi tập quán sản xuất; biết nghiên cứu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và đời sống; chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Tạo ra nhiều vùng chuyên canh nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa: Rau, hoa, cà phê, chè, cây ăn quả, dâu tằm; chăn nuôi cá, gia súc (bò sữa, bò thịt, heo), gia cầm… mang lại giá trị kinh tế cao. Nhiều tấm gương điển hình “Dân vận khéo” trong vùng đồng bào DTTS đã phát huy tốt vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, chủ động hiến đất làm đường, đóng góp tiền của, ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa thôn, xây dựng cảnh quan môi trường… góp phần hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, đô thị văn minh.

Từ đó, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS đã có nhiều khởi sắc, diện mạo nông thôn mới có nhiều chuyển biến tích cực, kết cấu hạ tầng được đầu tư, cơ bản hoàn thiện; sản xuất nông nghiệp ổn định và phát triển. Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt và rộng khắp. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS ngày càng được cải thiện và nâng cao.

Tuy nhiên, việc đăng ký triển khai thực hiện mô hình, điển hình dân vận khéo trong vùng đồng bào DTTS còn một số hạn chế nhất định. Công tác tuyên truyền, vận động đạt kết quả chưa cao, chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân; chưa thu hút được đông đảo đồng bào DTTS tham gia xây dựng mô hình. Một số địa phương đăng ký mô hình nhưng thiếu đầu tư xây dựng và hướng dẫn cụ thể để thực hiện hoặc không tổ chức thẩm định, đánh giá nên hiệu quả chưa cao. Công tác phối kết hợp ở một số nơi chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ, còn hình thức. Việc biểu dương, nhân rộng, khen thưởng các mô hình, điển hình chưa thường xuyên; chưa thật sự lan tỏa và bền vững trong cộng đồng.

Để phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong vùng đồng bào DTTS đạt hiệu quả cao hơn nữa, trong thời gian tới các cấp, các ngành cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, Thực hiện tốt chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, tiếp tục triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong vùng đồng bào DTTS gắn với việc thực hiện tốt các chính sách dân tộc. Huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong việc hướng dẫn, tuyên truyền, vận động, xây dựng và nhân rộng các điển hình, mô hình “Dân vận khéo” phát triển kinh tế, giảm nghèo; vận động đồng bào DTTS giữ gìn, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, bài trừ tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, các hủ tục lạc hậu.

Các tổ chức chính trị xã hội cùng lực lượng vũ trang phối hợp làm công tác dân vận tập trung
Các tổ chức chính trị xã hội cùng lực lượng vũ trang phối hợp làm công tác dân vận tập trung

Hai là, Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cần tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện toàn diện, sâu rộng hơn nữa phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Hướng dẫn số 02-HD/BDVTU, ngày 06/10/2022 của Ban Dân vận Tỉnh ủy về xây dựng mô hình và nhân rộng điển hình “Dân vận khéo” giai đoạn 2022 - 2025.

Ba là, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của Trung ương, của tỉnh và địa phương phát động gắn với thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Phát huy vai trò của già làng, người có uy tín vùng đồng bào DTTS trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS xây dựng và nhân rộng mô hình, điển hình “Dân vận khéo”.

Bốn là, Các cơ quan, đơn vị và từng địa phương kịp thời nắm bắt tình hình đời sống vật chất, tinh thần, tâm tư nguyện vọng của đồng bào DTTS. Chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền và phối hợp các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, nổi cộm. Chú trọng đến việc đánh giá, sơ kết, tổng kết; kịp thời động viên, khen thưởng những gương người tốt việc tốt, những điển hình tiên tiến trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”.

QT

Lượt xem: 568