Có thể khẳng định, chính sách dân tộc của Đảng ta luôn được quán triệt và triển khai thực hiện nhất quán trong suốt hơn 90 năm qua theo nguyên tắc“Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ trên tinh thần tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau, hướng tới mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Mỗi giai đoạn lịch sử, chính sách dân tộc của Việt Nam luôn được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và sự phát triển của đất nước.
Văn kiện Đại hội Đảng qua các thời kỳ đều xác định vấn đề dân tộc “có vị trí chiến lược lớn”, “luôn luôn có vị trí chiến lược”, “có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta”... Việc xác định vị trí chiến lược lâu dài của công tác dân tộc xuất phát từ đặc điểm của cộng đồng dân tộc ở nước ta.Vấn đề dân tộc vừa là vấn đề giai cấp, vừa là vấn đề quốc phòng an ninh và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trong điều kiện của một quốc gia đa tộc người, đa dạng về văn hóa như ở Việt Nam.
Thứ nhất, Đảng ta luôn quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đó là nhân tố quan trọng, có ý nghĩa then chốt đối với sự phát triển đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Chính sách dân tộc của chúng ta là nhằm thực hiện sự bình đẳng, giúp nhau giữa các dân tộc để cùng nhau tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng ta không chỉ hướng tới mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, mà còn phát huy các giá trị truyền thống quý báu của từng dân tộc, của mỗi thành viên trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, tạo thành sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc. Đó là cơ sở để thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách dân tộc của Đảng, là động lực mạnh mẽ trong công cuộc phát triển đất nước hiện nay.
Thứ hai, bình đẳng giữa các dân tộc là quyền ngang nhau của các dân tộc, không phân biệt dân tộc đó là đa số hay thiểu số, trình độ văn hóa, dân trí cao hay thấp, là bình đẳng trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và được bảo đảm bằng pháp luật. Trong đó, thực hiện chính sách bình đẳng giữa các dân tộc là cơ sở để bảo đảm công bằng xã hội giữa các dân tộc, tạo điều kiện cho mọi người, mọi cộng đồng và các dân tộc có cơ hội phát triển và sử dụng tốt năng lực, tiềm năng, thế mạnh của mình.
Thứ ba, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc là quan điểm xuyên suốt của Đảng trong thời kỳ đổi mới. Chính sách dân tộc được gắn với đường lối chính trị, với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước, với các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm cũng như hằng năm. Đảng ta chủ trương: “Đầu tư thêm và tập trung sự cố gắng của các ngành, các cấp; kết hợp với động viên tinh thần tự lực, tự cường của nhân dân các dân tộc để khai thác, bảo vệ và phát triển thế mạnh về kinh tế ở các vùng có đồng bào các dân tộc thiểu số cư trú. Thực hiện mục tiêu nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị của từng dân tộc; làm cho mỗi dân tộc được phát triển một cách toàn diện và bền vững. Từ đó, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân giữa các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Thứ tư, sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải gắn với đặc điểm riêng của từng dân tộc và điều kiện, đặc điểm của từng vùng; khai thác được thế mạnh của địa phương để làm giàu cho mình và đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Hội nghị Trung ương 7 khóa IX, Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003, “Về công tác dân tộc”được ra đời. Đây là nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng ta về công tác dân tộc trong thời kỳ đổi mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết khẳng định: “Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam”. Đây là luận điểm rất quan trọng, thể hiện tầm nhìn chiến lược và tư duy đổi mới của Đảng trong bối cảnh, tình hình trong nước và quốc tế có nhiều chuyển biến, thay đổi.
Đại hội XIII của Đảng, trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được, cũng như những hạn chế trong thực hiện chính sách về dân tộc. Đảng ta đề ra chủ trương: “Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững”. Việc áp dụng các chính sách cụ thể cho từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một bước tiến quan trọng, thể hiện sự đổi mới trong nhận thức của Đảng về sự công bằng trong phát triển giữa các dân tộc và các vùng, miền nói chung. Từ các tiêu chí phân chia vùng, miền (khu vực bước đầu phát triển, khu vực ổn định và khu vực khó khăn), Nhà nước đã có những chính sách đầu tư thích hợp cho mỗi nhóm đối tượng, theo đó, những khu vực khó khăn hơn sẽ nhận được những ưu đãi đặc biệt về quy mô đầu tư, để giúp cho những khu vực này nhanh chóng theo kịp trình độ phát triển chung của cả nước.
Từ chủ trương của Đảng về vấn đề dân tộc, xác định rõ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi phải gắn với những vấn đề đổi mới cơ cấu kinh tế và tổ chức sản xuất theo hướng chuyển sang sản xuất hàng hóa phù hợp với đặc điểm kinh tế của từng vùng, tiểu vùng, dân tộc; gắn phát triển kinh tế - xã hội với giải quyết vấn đề dân tộc và quốc phòng an ninh. Với mục tiêu thu hẹp khoảng cách về phát triển giữa các nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, phần lớn các chương trình của Nhà nước tập trung vào hỗ trợ sinh kế và tạo cơ hội xóa đói, giảm nghèo, như: Chương trình 143 (Chương trình xóa đói, giảm nghèo và tạo việc làm giai đoạn 2001 - 2005, được phê duyệt theo Quyết định số 143/2001/QĐ-TTg, ngày 27/9/2001, của Thủ tướng Chính phủ); Chương trình 135 (Chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa, được phê duyệt theo Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg, ngày 31/7/1998, của Thủ tướng Chính phủ); Chương trình 134 (một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn, theo Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg, ngày 20/7/2004, của Thủ tướng Chính phủ); Chương trình phân bổ đất rừng và trồng rừng; các chính sách về giáo dục, y tế... Trong giai đoạn 2011 - 2018, có 205 chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi được ban hành. Riêng giai đoạn 2016 - 2018, đã ban hành 41 chương trình, chính sách về công tác dân tộc(có 15 chính sách trực tiếp cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và 36 chính sách chung có ưu tiên cho đồng bào các dân tộc thiểu số)trong các lĩnh vực: giảm nghèo, phát triển sản xuất trong nông - lâm nghiệp - thủy sản, giáo dục - đào tạo, văn hóa, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt… nhằm ổn định đời sống cho người dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn; ổn định cuộc sống cho người dân tộc thiểu số di cư tự phát; phát triển kinh tế - xã hội cho các dân tộc thiểu số rất ít người; phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số, người có uy tín trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; tuyên truyền và phổ biến, giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Đến cuối năm 2021, có 118 chính sách đang có hiệu lực triển khai thực hiện ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (có 54 chính sách trực tiếp cho các đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, 64 chính sách chung có ưu tiên cho đồng bào các dân tộc thiểu số). Ngoài những chính sách tác động trực tiếp đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi, hiện nay còn 21 chương trình mục tiêu có nội dung gián tiếp tác động đến vùng này.
Đến nay, hệ thống chính sách dân tộc được ban hành khá đầy đủ, bao phủ toàn diện trên các lĩnh vực, nhằm hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; phát triển giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa; phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Các chương trình đã đem lại những hiệu quả tích cực về đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số nước ta. Từ năm 2003 đến năm 2020, Nhà nước đã tập trung bố trí đầu tư, hỗ trợ kinh phí nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, với tổng kinh phí: giai đoạn 2003 - 2008 là khoảng 250.000 tỷ đồng, giai đoạn 2011 - 2015 là 690.000 tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2020 là 998.000 tỷ đồng để tập trung xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng(đường giao thông, công trình thủy lợi, hệ thống điện, công trình nước sạch, trường học, lớp học, trạm y tế, nhà văn hóa, trung tâm cụm xã...); hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho dân tộc thiểu số rất ít người; hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất... Nhờ vậy, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đã có sự phát triển mạnh mẽ hơn, phong phú và đa dạng hơn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt so với trước thời kỳ đổi mới, trên tất cả các phương diện: ăn, ở, mặc, đi lại, học hành, chăm sóc sức khỏe, nghe, nhìn. Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giảm trung bình 3,5%/năm.
Thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa IX) về công tác dân tộc.Tại Lâm Đồng, các cấp uỷ đảng, chính quyền đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các chính sách dân tộc phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với sự quyết tâm cao, người dân tích cực tham gia; tập trung ưu tiên thực hiện chính sách dân tộc ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tiếp tục ban hành các chính sách nhằm giải quyết kịp thời những khó khăn ở vùng đồng bào DTTS. Cụ thể như chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo; chính sách trợ giá giống cây trồng; chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS; hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh; Chương trình 135. Ngoài ra, các ngành, địa phương trong tỉnh còn tập trung chăm lo đến đời sống văn hóa tinh thần cho bà con vùng DTTS như thực hiện chính sách theo Quyết định 2085/QĐ-TTg về “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015 - 2025”, “Triển khai các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với đồng bào DTTS gắn với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội vùng DTTS”...
Hiện nay, diện mạo của vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Lâm Đồng đã có bước thay đổi khá toàn diện, kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số có bước phát triển; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được quan tâm đầu tư, hoàn thiện, hệ thống đường liên xã và giao thông nông thôn được cứng hóa; 100% số xã có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ dùng điện ở nông thôn đạt trên 97%. Tự do, tín ngưỡng vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đảm bảo; giáo dục và đào tạo có sự chuyển biến tiến bộ; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng, dịch bệnh được kiểm soát; chất lượng hệ thống chính trị cơ sở ngày càng được nâng lên; quốc phòng, an ninh được bảo đảm; quyền làm chủ của nhân dân được phát huy; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố, mở rộng. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng vững mạnh.Chương trình xây dựng nông thôn mới đã trở thành động lực có tác động tích cực, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 108/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong 10 huyện và 2 thành phố trực thuộc tỉnh Lâm Đồng, có 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 2 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019. Toàn tỉnh còn 4.488 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,32% (hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn 2.793 hộ, chiếm tỷ lệ 3,58%); hộ cận nghèo còn 11.390 hộ, chiếm tỷ lệ 3,34% (hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn 6.728 hộ, chiếm tỷ lệ 8,63%).
Tuy nhiên, so với sự phát triển của đất nước nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn là vùng chậm phát triển và còn nhiều khó khăn. Một số chính sách thiếu tính cụ thể, khả thi, chưa phù hợp với thực tiễn. Bộ máy tổ chức thực hiện còn thiếu đồng bộ, đội ngũ cán bộ vùng đồng bào các dân tộc thiểu số còn thiếu và yếu. Trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa các dân tộc không đồng đều. Một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có nhiều khó khăn trong việc tiếp nhận và ứng dụng những thành tựu của khoa học - công nghệ nên đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để vươn lên, chưa sử dụng hiệu quả vốn đầu tư. Chính sách dân tộc hiện nay vẫn chủ yếu là các chính sách hỗ trợ trực tiếp; chưa có nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ có điều kiện, với mục đích cung cấp kỹ năng, tự tạo sinh kế bền vững cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Bởi vậy, trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều người vẫn còn mang tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa vươn lên để thoát nghèo.
Để thực hiện tốt chính sách dân tộc trong tình hình mới, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
1. Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” và các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đến cán bộ, đảng viên, nhân dân.. Tập trung nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng dân tộc thiểu số. Xác định công tác đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng dân tộc thiểu số là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân.
2. Hoàn thiện các văn bản pháp luật về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc; đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương. Đào tạo, bố trí, sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc ở các cấp.
3. Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách dân tộc phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội, đặc trưng văn hóa của từng vùng, miền, đặc điểm của từng dân tộc, từng địa phương. Thực hiện các chính sách dân tộc có trọng điểm, hiệu quả, dứt điểm. Nhất là, đối với những chính sách quan trọng, cấp bách, phù hợp với mỗi dân tộc, mỗi địa phương để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay.
4. Nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách dân tộc là công việc quan trọng, cơ bản, thường xuyên, lâu dài, đòi hỏi phải được tiến hành có lộ trình, kiên trì, nhất quán và không ngừng đổi mới, hoàn thiện. Các chính sách dân tộc được xây dựng và ban hành phải là động lực trực tiếp thúc đẩy bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc và phát huy vai trò, tiềm năng thế mạnh của mỗi dân tộc./.
Huy Tuấn