Đổi mới nội dung, phương thức vận động nhằm phát huy tính tích cực, ý chí tự lực tự cường của đồng bào DTTS trong phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng In trang
20/06/2023 02:59 CH

Lâm Đồng có diện tích tự nhiên 976.334 ha. Có 12 đơn vị hành chính cấp huyện (02 thành phố, 10 huyện), 142 đơn vị hành chính cấp xã, với 47 dân tộc cùng sinh sống. Dân số toàn tỉnh có trên 1.3 triệu người. Đồng bào dân tộc thiểu số có 77.917 hộ với 338.318 người. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên là 39.792 hộ với 196.061 người, chiếm 15%.

Với quan điểm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển. Kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đất nước đến nay. Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của người dân, trong đó có sự nỗ lực, vượt khó vươn lên của đồng bào DTTS đã tạo tiền đề đột phá trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian qua. Bên cạnh đó, việc thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 được các cấp ủy đảng, chính quyền đặc biệt quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt nhiều kết quả.

Hiện nay, kinh tế - xã hội vùng DTTS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng từng bước được đầu tư hoàn thiện, diện mạo của nông thôn vùng DTTS đã có nhiều khởi sắc[1]; sản xuất nông nghiệp ổn định và phát triển; công tác giáo dục - đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội được chú trọng. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS không ngừng được cải thiện, nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm nhanh[2]. Kết cấu hạ tầng nông thôn, vùng đồng bào DTTS được đầu tư, cơ bản hoàn thiện: 100% số xã có trạm y tế; 91,32% đồng bào DTTS có thẻ BHYT; 100% thôn, buôn có điện; 98,2% số hộ được dùng điện lưới quốc gia; 92% số hộ được dùng nước hợp vệ sinh; 100% đường trục liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa; 90% đường trục liên thôn được nhựa hóa, bê tông hóa; 110/111 xã đạt tiêu chí về giao thông (xã Đưng K’nớ chưa đạt); 97% thôn buôn có thiết chế văn hóa (trong đó có 100% xã vùng đồng bào dân tộc có thiết chế văn hóa;); 100% xã, phường, thị trấn có nhà trẻ, mẫu giáo; 100% số xã được phủ sóng phát thanh truyền hình; hệ thống trường, lớp được đầu tư, đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào DTTS ở các cấp học. Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện đồng bộ, rộng khắp, đời sống vật chất tinh thần của đồng bào DTTS không ngừng được cải thiện, nâng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như:

Kinh tế - xã hội vùng DTTS phát triển còn chậm, đời sống của đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, tập quán sản xuất còn lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, trình độ, năng lực sản xuất thấp, chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm phát triển chậm; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao, công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững, vẫn còn nguy cơ tái nghèo. Việc ứng dụng, chuyển giao khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và đời sống chưa nhiều, người dân chưa mạnh dạn đầu tư sản xuất. Một số phong tục, tập quán lạc hậu trong vùng DTTS chậm loại bỏ.

Xuất phát điểm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp so với bình quân chung của cả tỉnh. Một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước. Ý thức bảo quản các công trình được Nhà nước đầu tư còn kém, hiệu quả sử dụng thấp; ý thức vươn lên trong học tập, tổ chức sản xuất và chăm lo cuộc sống gia đình chưa được khai thác triệt để; chưa phát huy hết nguồn lực trong cộng đồng dân cư vùng đồng bào DTTS.

Những tác động của biến đổi khí hậu và tình hình dịch bệnh, nhất là dịch bệnh Covid-19 đã gây những khó khăn đến sản xuất, đời sống của các hộ đồng bào DTTS. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào DTTS còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp…

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời phát huy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào DTTS trong phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cần đổi mới nội dung và phương thức vận động, tập trung vào những vấn đề sau:

Một là: tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc Tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào DTTS; Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 03/6/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022 - 2030; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN tại tỉnh Lâm Đồng gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết đại hội Đảng các cấp và các nội dung liên quan đến công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc.

Hai là: lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các chương trình, dự án, chính sách đang triển khai ở vùng đồng bào DTTS; trọng tâm là Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào DTTS. Tạo mọi điều kiện để đồng bào các dân tộc thiểu số được tiếp cận với các điều kiện sống của khu vực thành thị, góp phần đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Tập trung lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ phát triển sản xuất; tránh trùng lặp, chồng chéo, khoảng trống giữa 03 Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi. Tập trung chuyển dần các chính sách cho không sang các chính sách hỗ trợ, cho vay có điều kiện để đồng bào DTTS khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước.

Huy động tổng hợp các nguồn lực đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS hướng đến mục tiêu phát triển bền vững; phát huy tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đào tạo nghề nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ vay vốn sản xuất, cây, con giống trong sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đồng bào DTTS chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương. Thực hiện tốt công tác giao khoán, quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; giải quyết nhu cầu đất sản xuất cho các hộ thiếu đất sản xuất nhằm ổn định cuộc sống, giảm nghèo bền vững. Chú trọng các chính sách về giáo dục đào tạo, đào tạo nghề, tạo việc làm; công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho nhân dân trong vùng đồng bào DTTS.

Tăng cường các hoạt động bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và xây dựng đời sống mới. Khuyến khích các nghệ nhân phổ biến, truyền dạy nghề truyền thống cho thế hệ trẻ; gìn giữ và phát huy những sản phẩm văn hóa độc đáo, hấp dẫn, hình thành các làng nghề truyền thống, các sản phẩm du lịch đặc trưng góp phần phát triển các loại hình văn hóa - du lịch. Tăng cường xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; vận động từng bước xóa bỏ các phong tục, tập quán không còn phù hợp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS không bán đất, tái đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng đất để phục vụ sản xuất và chăn nuôi.

Ba là: lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác dân vận, vận động đồng bào DTTS trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Lấy mục tiêu nâng cao thu nhập, đời sống của đồng bào DTTS là thước đo hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Phát huy nội lực tại chỗ, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động nhằm hạn chế tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” của dân tộc Việt Nam nói chung và đồng bào DTTS nói riêng.

Quá trình thực hiện công tác vận động trong vùng đồng bào DTTS phải kiên trì, thận trọng, vững chắc bởi đối tượng vận động là đồng bào các DTTS có trình độ phát triển nhiều mặt còn thấp, tâm lý, tư tưởng có những đặc điểm riêng. Nội dung vận động phải cụ thể, thiết thực, nói đi đôi với làm, tránh tình trạng nói một đằng làm một nẻo, gây mất lòng tin trong đồng bào dân tộc. Tùy từng hoàn cảnh cụ thể, từng địa bàn, từng dân tộc, có thể vận dụng thêm các phong tục, tập quán tiến bộ của đồng bào DTTS để đạt được hiệu quả cao trong quá trình thực hiện công tác dân vận.

Xây dựng, củng cố tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội vùng đồng bào DTTS đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Quan tâm bồi dưỡng, bố trí người có uy tín vào tổ chức chính trị xã hội, tổ chức hòa giải hoặc cơ cấu vào HĐND, MTTQ các cấp; phân công, bố trí cán bộ có năng lực, trình độ, hiểu biết về phong tục tập quán, về tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là hiểu tiếng nói của đồng bào, phong cách gần gũi, gắn bó, tận tâm với nhiệm vụ, có kinh nghiệm, được đồng bào tin cậy trong các hoạt động vận động nhân dân vùng đồng bào DTTS

Bốn là: tiếp tục phát huy vai trò và đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Hướng các hoạt động về cơ sở, bám địa bàn dân cư. Thực hiện đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, tập hợp nhân dân, đoàn viên, hội viên trong vùng đồng bào DTTS phù hợp, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả.

Xây dựng và phát huy vai trò của người có uy tín, già làng, trưởng thôn trong tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; tạo môi trường thuận lợi cho người có uy tín tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Kịp thời thăm hỏi, động viên già làng, người có uy tín, nhân sĩ trí thức, chức sắc tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số. Thường xuyên nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của đồng bào DTTS để tham mưu, đề xuất với Đảng, chính quyền giải quyết.

Tăng cường đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong vùng đồng bào DTTS, tập trung vào những vấn đề phát triểnkinh tế, văn hóa - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh… Đồng thời khơi dậy tính chủ động, tự chủ trong việc tạo sinh kế cho bản thân và gia đình; phát huy quyền làm chủ và khơi dậy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường, truyền thống tốt đẹp vốn có của đồng bào DTTS, giúp đồng bào nỗ lực vươn lên, thay đổi cách nghĩ, cách làm, biết cách làm ăn, tích lũy để cải thiện cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc hơn, đủ đầy hơn.

Năm là: tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức vận động nhân dân trong vùng đồng bào DTTS đổi mới cách tiếp cận, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền vận động, giải thích, thuyết phục, cổ vũ để tạo sức lan tỏa, sự đồng thuận của đồng bào DTTS trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các chương trình, dự án ở vùng đồng bào DTTS. 

Thường xuyên tổ chức các hội nghị, tọa đàm, gặp mặt, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đại diện các tầng lớp nhân dân trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn toàn tỉnh để thông tin về những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Nhất là các thông tin để đồng bào DTTS nhận diện được rõ âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động tư tưởng ly khai, tự trị dân tộc. Động viên đồng bào DTTS tích cực tham gia vào phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh phòng chống tội phạm; không để kẻ địch và các thế lực phản động lợi dụng kích động chống đối trong lĩnh vực “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền”. Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc../.

                                                                     PHÒNG DVCCQNN, DT - TG

 

[1] Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 109/111 xã (98,2%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 75/77 xã vùng DTTS đạt chuẩn nông thôn mới; 45/49 xã và 80/129 thôn đặc biệt khó khăn đã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn III; công tác bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do được các địa phương triển khai thực hiện (triển khai 07 dự án, quy mô bố trí ổn định 1.411 hộ với tổng nguồn vốn 515 tỷ đồng), tạo thuận lợi cho các hộ dân được cấp hộ khẩu, đăng ký tạm trú để hưởng các chính sách an sinh xã hội; hạ tầng đường giao thông, kiên cố hóa trường lớp học, công trình y tế, thiết chế văn hóa, hệ thống cấp nước sinh hoạt, điện chiếu sáng vùng DTTS được triển khai đầu tư; thực hiện có hiệu quả các chương trình dự án đầu tư phát triển vùng DTTS (giai đoạn 2016 - 2020, tổng các nguồn vốn đầu tư vùng DTTS cả tỉnh là 3.700 tỷ đồng, trong đó Vốn NSNN đầu tư trực tiếp 1.900 tỷ đồng); tiếp tục thực hiện chính sách giao khoán quản lý bảo vệ rừng với trên 12.458 hộ đồng bào DTTS được hưởng lợi, diện tích 311.000 ha.

[2] Đến cuối năm 2021 giảm còn 8,55% (6.739 hộ, theo tiêu chí mới). Cuối năm 2022, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh còn 6.636 hộ, chiếm 1,94% số hộ toàn tỉnh (hộ nghèo đồng bào DTTS 4.549 hộ, chiếm 5,65% số hộ đồng bào DTTS toàn tỉnh).

Lượt xem: 1.136