Công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng để xây dựng hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện Đạ Tẻh In trang
24/11/2023 09:29 SA

Công tác dân vận, thực hiện dân chủ, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong việc giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng kết cấu, hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện có ý nghĩa và tầm quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh tại địa phương. Công tác giải phóng mặt bằng là một khâu, một công đoạn then chốt có ý nghĩa quan trọng trong quá trình triển khai các dự án đầu tư, là điều kiện bảo đảm cơ bản, là thước đo sự sẵn sàng, quyết tâm của huyện, đòi hỏi sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng và quyết liệt vào cuộc của các tổ chức, cá nhân liên quan, sự đồng thuận cao của nhân dân và doanh nghiệp. Xác định làm tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình dự án, đặc biệt là những dự án trọng điểm, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện, của tỉnh. Bên cạnh đó, góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và ổn định cuộc sống cho người dân bị thu hồi đất, giảm thiểu tình trạng tranh chấp, bất đồng, khiếu nại, tố cáo trong Nhân dân.

Trong những năm qua, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng được sự chỉ đạo quyết liệt của Thường trực Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện và đặc biệt là sự đồng tình hưởng ứng của người dân đã làm thay đổi bộ mặt của huyện; hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông đi lại thuận tiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Hiện nay, trên địa bàn huyện Đạ Tẻh đang triển khai công tác GPMB đối 07 dự án: Xây dựng đường nội thị thị trấn Đạ Tẻh (chi phí GPMB: 50 tỷ); đầu tư nâng cấp đường ĐT.721 đi vào khu dân cư tập trung Tổ dân phố 3A, 3B; xây dựng đường giao thông Tổ dân phố 2C, 2D thị trấn Đạ Tẻh (chi phí GPMB: 17,65 tỷ); xây dựng đường giao thông đi từ đường 3/2 đến đường 26/3, thị trấn Đạ Tẻh (chi phí GPMB: 10,2 tỷ); xây dựng đường liên xã Triệu Hải - Đạ Pal (chi phí GPMB: 3,4 tỷ); xây dựng đường giao thông đi từ đường ĐT.725 vào đường liên xã Quốc Oai - Mỹ Đức - Quảng Trị (chi phí GPMB: 4,5 tỷ); xây dựng cầu thôn 7 thị trấn Đạ Tẻh đi mỏ vẹt, xã Đạ Kho (chi phí GPMB: 3 tỷ); nạo vét suối Tân Lập, huyện Đạ Tẻh (chi phí GPMB: 3,8 tỷ).

Đường giao thông nông thôn tại huyện Đạ Tẻh
Đường giao thông nông thôn tại huyện Đạ Tẻh

Để thực hiện tốt các dự án nêu trên, năm 2023, UBND huyện đã lập các đoàn kiểm tra do Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND huyện trực tiếp kiểm tra tại các dự án, ban hành các kết luận chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn công tác GMPB để thực hiện các dự án. Thành lập Tổ hỗ trợ đền bù GPMB để hỗ trợ chủ đầu tư trong công tác lập phương án GPMB; tham mưu UBND huyện chỉ đạo công tác GPMB; thành lập Hội đồng định giá đất; tổ giúp việc Hội đồng định giá đất và triển khai công tác đền bù GPMB. UBND huyện thường xuyên chỉ đạo công tác GPMB, làm việc với chủ đầu tư và cơ quan liên quan, đề nghị chủ đầu tư xây dựng bảng tiến độ GPMB từng dự án để theo dõi, chỉ đạo. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền vận động, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn và MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia giải phóng mặt bằng. Trong một số trường hợp cụ thể, khó khăn về cơ chế chính sách, UBND huyện đã nghiên cứu vận dụng để hỗ trợ các đối tượng thuộc diện giải phóng mặt bằng vừa đảm bảo quy định đồng thời cũng có thêm điều kiện để người dân ổn định cuộc sống, như: kết hợp các chính sách; vận động đơn vị thi công hỗ trợ thêm; vận động mạnh thường quân hỗ trợ gia đình khó khăn...

Qua quá trình tuyên truyền vận động, đa số Nhân dân ủng hộ chủ trương, tự nguyện hiến đất cho thực hiện dự án. Cụ thể: Dự án đường GT từ đường 3/2 đến 26/3 có 301 hộ liên quan GPMB, trong đó chỉ có 02 hộ tại các nút giao đề nghị đền bù, số còn lại 279 hộ tự nguyện hiến đất; Dự án đường liên xã Triệu Hải - Đạ Pal có 222 hộ phải GPMB, trong đó có 07 hộ đề nghị hỗ trợ đền bù; 215 hộ được vận động tự nguyện hiến đất... Tiêu biểu gia đình ông Lăng Thế Minh tại thị trấn Đạ Tẻh đã hiến đất để thi công dự án đường nội thị giai đoạn 3 trị giá khoảng 1,6 tỷ đồng.

Có thể khẳng định rằng, trong những năm qua công tác GPMB của huyện đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện như: Công tác tuyên truyền vận động còn hạn chế; thông tin cho người dân chưa kịp thời và chưa đầy đủ; cán bộ làm công tác GPMB thiếu kỹ năng tuyên truyền, vận động dẫn đến người dân hiểu sai chủ trương của Nhà nước trong công tác thu hồi đất. Một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo công tác tuyên truyền vận động GPMB đối với dự án trên địa bàn; trách nhiệm người đứng đầu của một số địa phương, đơn vị chưa được phát huy, còn tình trạng giao khoán cho cán bộ, nhân viên nên khi tham gia tuyên truyền vận động chưa tạo được niềm tin của người dân. Một số cán bộ, công chức, viên chức chưa gương mẫu thực hiện chủ trương GPMB phục vụ các dự án; một số người dân còn hoài nghi về việc thực hiện khung chính sách đền bù GPMB, cố tình gây khó khăn, đòi hỏi thêm về lợi ích. Công tác quản lý hạ tầng giao thông còn chưa thực hiện nghiêm, hành lang đường giao thông từ đường quốc lộ, tỉnh lộ đến đường liên xã một số trường hợp cho xây dựng các công trình kiên cố gây ảnh hưởng tới việc nâng cấp, mở rộng đường sau này. Công tác khảo sát, thiết kế, phóng tuyến các đường giao thông của đơn vị thiết kế còn chưa sâu sát đến thực tế địa bàn dẫn tới không thực hiện được công tác GPMB phải điều chỉnh dự án ảnh hưởng tới tiến độ dự án.

Mô hình ngày chủ nhật cùng nhân dân
Mô hình ngày chủ nhật cùng nhân dân

          Ngoài ra, trong quá trình thực hiện GPMB, một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến nguồn gốc đất, tranh chấp quyền sử dụng đất..., nên việc quy chủ, kiểm kê, xây dựng phương án bồi thường rất khó khăn; việc điều chỉnh, chỉnh lý biến động diện tích, thay đổi chủ sở hữu sau thu hồi không được tiến hành kịp thời, đúng trình tự thủ tục nên khi giải phóng mặt bằng lại xảy ra tranh chấp thậm chí khiếu nại, tố cáo. Cơ quan làm công tác GPMB còn thiếu về nhân lực; đội ngũ cán bộ kỹ thuật được giao thực hiện công tác GPMB ở địa phương còn thiếu kinh nghiệm, chuyên môn nghiệp vụ về công tác giải phóng mặt bằng quá trình thực hiện còn chậm. Cơ chế, chính sách đền bù còn một số bất cập dẫn đến người dân trong diện phải GPMB chưa hài lòng.

Mộ số bài học kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới:

Một là, Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy; hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền; phát huy vai trò, sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Hai là, Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, xây dựng cơ bản; làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư cho các dự án trước khi đề xuất phê duyệt kế hoạch vốn.

Ba là, Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân nắm được chủ trương triển khai dự án; các chính sách liên quan, sẵn sàng ủng hộ thực hiện dự án.

Bốn là, Quá trình triển khai công tác hỗ trợ đền bù GPMB cần xem xét đánh giá kỹ những tác động ảnh hưởng đối với đối tượng trong diện phải GPMB; áp dụng đúng các quy định. Đối với những trường hợp đặc biệt cần nghiên cứu kết hợp các quy định liên quan hoặc vận động các nguồn lực ngoài ngân sách để hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống.

Năm là, Kiện toàn đội ngũ làm công tác GPMB có trình độ, năng lực; phát huy trách nhiệm người đứng đầu địa phương, đơn vị; làm tốt công tác phối hợp các lực lượng làm công tác tuyên truyền vận động GPMB.

Sáu là, Kịp thời khen thưởng những nhân tố tích cực để khích lệ phong trào; xử lý cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu.

Bảy là, Rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các quy định liên quan đến khung chính sách đền bù còn bất cập, ảnh hưởng tới công tác GPMB.

 

Phòng Dân vận các cơ quan nhà nước, dân tộc và tôn giáo

 

Lượt xem: 629