Dấu ấn Lâm Đồng qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 08/6/2010 của Ban Bí thư In trang
08/06/2020 09:23 SA


          Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 08/6/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam”, Lâm Đồng đã đạt nhiều kết quả quan trọng; tạo nhiều dấu ấn đậm nét nhân văn và lan tỏa sâu rộng tinh thần nhân đạo trong cộng đồng xã hội, đóng góp tích cực cùng cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân tỉnh nhà.
          Phát triển tổ chức, nâng tầm vị thế Hội
         Xác định xây dựng đội ngũ cán bộ Hội là giải pháp then chốt trong công tác xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, quyết định chất lượng của hoạt động công tác Hội, do đó hàng năm, các cấp Hội tổ chức rà soát quy hoạch theo đúng quy định, đánh giá đúng thực trạng về tình hình chất lượng tổ chức bộ máy, cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ trên địa bàn, trên cơ sở đó bổ sung, thay thế những cán bộ chuyển công tác, những đồng chí không đủ tiêu chuẩn để bổ nhiệm, kịp thời củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy cán bộ đủ năng lực, khả năng thực hiện các hoạt động chữ thập đỏ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, chú trọng phát triển tổ chức Hội, nâng cao chất lượng và phát triển hội viên theo các loại hình hoạt động, địa bàn dân cư, trong trường học, cơ quan, bệnh viện, trong cơ sở tôn giáo.

           

Hội Chữ Thập đỏ tỉnh với công tác từ thiện, nhân đạo
Hội Chữ Thập đỏ tỉnh với công tác từ thiện, nhân đạo


          Song song đó, nhằm đảm bảo yêu cầu, nhiệm vụ công tác nhân đạo trong tình hình mới, hàng năm Hội Chữ thập đỏ tỉnh và các huyện, thành phố đã phối hợp với Trường Chính trị tỉnh và Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thành phố tổ chức được hơn 410 lớp tập huấn cho 39.215 lượt cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên chữ thập đỏ tham dự. Đồng thời cử 856 lượt cán bộ Hội tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực do Trung ương Hội tổ chức thông qua các chương trình, dự án.Qua công tác đào tạo, huấn luyện đã giúp cán bộ Hội các cấp có thêm kiến thức, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu công tác hội trong thời kỳ mới. 
          Toàn tỉnh hiện có 12 huyện, thành Hội; 04 chi hội trực thuộc;142/142 xã, phường, thị trấn có tổ chức Hội; 1.720 Chi hội thôn, tổ dân phố; 657 Chi hội khối trường học, cơ quan, doanh nghiệp với 71.496 hội viên đang sinh hoạt, chiếm 5,4% so với dân số. Có 1.047 Đội thanh thiếu niên xung kích với hơn 37.130 thanh thiếu niên; 193 Đội tình nguyện viên với hơn 3.810 tình nguyện viên.Về biên chế cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống Hội: toàn tỉnh có 190 cán bộ Hội chuyên trách; trong đó mỗi huyện, thành Hội trung bình 03 biên chế; tỉnh Hội có 12 biên chế; cơ sở Hội xã, phường, thị trấn được bố trí đảm bảo có 03 cán bộ phụ trách. Hầu hết cán bộ, công chức Hội Chữ thập đỏ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Hội, phát huy được vai trò, nâng cao uy tín và khả năng đoàn kết, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân tham gia công tác nhân đạo, xã hội tại địa phương, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chung tay xây dựng nông thôn mới.

         

Hội Chữ Thập đỏ tỉnh với công tác nhân đạo, từ thiện
Hội Chữ Thập đỏ tỉnh với công tác nhân đạo, từ thiện


          Đa dạng phương thức tuyên truyền, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động về công tác nhân đạo
        Trong 10 năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy Đảng, trách nhiệm của chính quyền các cấp, sự phối hợp triển khai của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, Chỉ thị số 43-CT/TW, ngày 08/6/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã phát huy hiệu lực, hiệu quả trên địa bàn tỉnh. 
        Việc triển khai học tập, quán triệt Chỉ thị được các cấp ủy Đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội chú trọng tổ chức thực hiện nghiêm túc, bằng nhiều hình thức đa dạng, thiết thực đến cán bộ, đảng viên, hội viên và quần chúng nhân dân trong tỉnh. Qua đó, đã nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với hoạt động của Hội Chữ thập đỏ, xem công tác nhân đạo từ thiện là bộ phận quan trọng trong công tác dân vận của Đảng, là nhiệm vụ của mỗi cấp ủy Đảng, chính quyền góp phần giáo dục, đoàn kết các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện các chính sách xã hội của Đảng.
        Hàng năm, Hội Chữ thập đỏ tỉnh xây dựng kế hoạch, phổ biến, quán triệt thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với việc thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ cơ sở xã, phường, thị trấn, trường học; các buổi sinh hoạt chi hội, tổ hội, qua các câu lạc bộ kết hợp với hình thức tuyên truyền miệng; thông qua sử dụng hệ thống thông tin đại chúng, mạng xã hội; các hình thức trực quan như khẩu hiệu, panô, áp phích, tờ rơi; thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, tổ chức lễ hội truyền thống; các hoạt động tham quan thực tế, báo cáo điển hình, học tập gương người tốt, việc tốt...Từ việc đa dạng các hình thức tuyên truyền, quán triệt đã thu hút sự quan tâm, giúp cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tiếp cận nhanh và nắm vững các nội dung Chỉ thị, quan điểm của Đảng về công tác nhân đạo từ thiện, tạo sự chuyển biến trong nhận thức về công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, sự quan tâm, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc cùng chung tay trong công tác nhân đạo, từ thiện, an sinh xã hội góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển chung của tỉnh nhà.
          Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tạo hiệu quả thiết thực, hướng tới sự phát triển bền vững
        Trong những năm qua, các cấp Hội đã chú trọng đổi mới nội dung, phương thức, đưa các hoạt động về cơ sở, theo hướng dựa vào cộng đồng, mang đậm nét nhân văn, sát hợp với nhu cầu của cộng đồng dân cư, đã đưa công tác nhân đạo trở thành phong trào thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Do đó, trong những năm gần đây các hoạt động của Hội có nhiều chuyển biến tích cực, phát triển nhanh, mở rộng cả về quy mô lẫn hình thức, tổng giá trị trợ giúp và đối tượng được giúp đỡ được nhân lên theo từng năm, đúng mục đích, đúng đối tượng, theo hướng phát triển bền vững, từng bước đáp ứng được nhu cầu cần thiết của các đối tượng yếu thế trong xã hội. Đặc biệt, hoạt động vận động hỗ trợ đang chuyển dần từ hỗ trợ nhu yếu phẩm sang xây dựng các công trình phục vụ dân sinh, mang lại hiệu quả thiết thực,hướng tới sự phát triển bền vững. 

         

Hội Chữ Thập đỏ tỉnh với hoạt động Chợ Nhân đạo
Hội Chữ Thập đỏ tỉnh với hoạt động Chợ Nhân đạo


        Những con số thống kê kết quả các hoạt động, phong trào thi đua, cuộc vận động lớn của Hội trong 10 năm qua đã minh chứng cụ thể cho hiệu quả thiết thực mà công tác nhân đạo đã đóng góp, hỗ trợ cho người nghèo, người yếu thế trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, cụ thể: các cấp Hội đã vận động duy trì giúp đỡ trên 13 nghìn lượt địa chỉ, tổng trị giá trên 26 tỷ đồng; vận động trên 473 nghìn suất quà, tổng trị giá trên 142 tỷ đồng; tiếp nhận trên 105 nghìn đơn vị máu, kịp thời cấp cứu và điều trị cho các bệnh nhân, với tổng trị giá gần 15 tỷ đồng; tiếp nhận hàng nghìn đoàn từ thiện trong và ngoài tỉnh đến địa phương trao tặng, hỗ trợ cho hơn 1,1 triệu lượt người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trị giá trên 303 tỷ đồng; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho trên 646 nghìn lượt người, trị giá trên 41,2 tỷ đồng; tổng giá trị vận động trong Tháng nhân đạo 2 năm gần đây, đạt hơn 9 tỷ đồng, trợ giúp hơn 29.225 lượt người dễ bị tổn thương, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội, trong đó gần 3.000 lượt địa chỉ nhân đạo được giúp đỡ; Đặc biệt, trong thời gian đại dịch, Hội đã vận động hỗ trợ dưới nhiều hình thức cho các đối tượng người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch với tổng trị giá trên 2,9 tỷ đồng… Tổng giá trị hoạt động nhân đạo, xã hội của các cấp Hội trong 10 năm qua, bình quân hàng năm tăng gấp 6 lần so với ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho 3 cấp Hội (365 tỷ đồng hoạt động nhân đạo/62 tỷ đồng ngân sách).
        Những kết quả nêu trên đã góp phần tích cực vào việc thực hiện các chính sách xã hội, nhân đạo của Đảng và Nhà nước, phát huy được truyền thống nhân ái của dân tộc, tổ chức Hội xứng đáng là lực lượng nòng cốt, cầu nối, điều phối trong các hoạt động xã hội, nhân đạo, tự nguyện vì cộng đồng.
         Với những kết quả mang lại trong 10 năm qua, Hội Chữ thập đỏ đã được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng cờ thi đua đơn vị xuất sắc dẫn đầu năm 2013 và 2015; Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng cờ thi đua giai đoạn 5 năm 2010 - 2015, giai đoạn 3 năm (2011-2013, 2014-2016, 2017-2019); Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua đơn vị xuất sắc năm 2013; Chủ tịch Nước tặng Huân chương lao động Hạng nhất năm 2014.
 

Ngọc Bích

Lượt xem: 1.042