Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Công tác dân vận là một bộ phận quan trọng trong công tác của Đảng và các cấp chính quyền, nếu thiếu hoặc làm không tốt, sẽ không tập hợp và huy động sức mạnh của quần chúng, bởi “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào. Thành công của Đảng ta là ở nơi Đảng ta đã tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân”.
Thấm nhuần và vận dụng những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận. Sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới (viết tắt là Nghị quyết số 25-NQ/TW), Tỉnh ủy Lâm Đồng đã kịp thời ban hành Chương trình hành động số 66-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW (viết tắt là Chương trình hành động số 66-CTr/TU). Trên cơ sở đó, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh thực hiện quán triệt, tuyên truyền và ban hành các kế hoạch, chương trình thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW và Chương trình hành động số 66-CTr/TU. Đặc biệt, UBND tỉnh đã ký kết Quy chế phối hợp số 01-QCPH/UBND-BDVTU ngày 21/3/2014 với Ban Dân vận Tỉnh ủy về việc “Phối hợp thực hiện công tác dân vận giữa UBND tỉnh và Ban Dân vận Tỉnh ủy”.
Hàng năm, UBND tỉnh phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch liên tịch phối hợp thực hiện công tác dân vận. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, quán triệt và thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận trong tình hình mới gắn với thực hiện nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19; chú trọng xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch; gắn công tác dân vận với việc triển khai nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh; xây dựng đảng – hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, UBND tỉnh và Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tổ chức tổng kết quy chế phối hợp thực hiện công tác dân vận giai đoạn 2014 -2021 và ký kết Chương trình phối hợp công tác dân vận giữa Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và Ban Dân vận Tỉnh ủy giai đoạn 2021 -2026 theo chỉ đạo của Ban Dân vận Trung ương.
Với sự nỗ lực và quyết tâm cao của chính quyền các cấp, các ngành cùng với sự đồng thuận của Nhân dân trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kinh tế - xã hội của tỉnh có sự tăng trưởng cao, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định và được giữ vững. An sinh xã hội, công tác giảm nghèo được quan tâm, hiện nay toàn tỉnh có 18.237 hộ nghèo và cận nghèo, tỷ lệ nghèo đa chiều chiếm 5,34%; trong đó, hộ nghèo 6.636 hộ, chiếm tỷ lệ 1,94%; hộ cận nghèo 11.601 hộ, chiếm tỷ lệ 3,4% tổng số hộ toàn tỉnh. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới hoàn thành vượt mục tiêu đề ra: có 05 huyện, 02 thành phố đạt chuẩn NTM; 107/111 xã đạt chuẩn NTM, 33 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 09 xã đạt NTM kiểu mẫu. Kịp thời giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; không để xảy ra điểm nóng phức tạp; phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng và giải quyết kịp thời các ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Trong những năm qua, công tác dân vận của các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Việc quán triệt, tuyên truyền về công tác dân vận chính quyền gắn với triển khai thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) đã giúp cho cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở có nhận thức đúng đắn về công tác dân vận. Hoạt động của bộ máy chính quyền từ tỉnh đến cơ sở ngày càng đi vào chiều sâu, đảm bảo công khai, dân chủ, hiệu quả, phục vụ lợi ích thiết thực của Nhân dân, được Nhân dân đồng tình ủng hộ. Công tác cải cách hành chính được chú trọng và đạt được nhiều kết quả tích cực. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không ngừng được chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ, được nâng cao nhận thức, trách nhiệm phục vụ Nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Việc xếp loại chỉ số CCHC cấp tỉnh ngày càng được cải thiện, vị trí năm sau cao hơn năm trước.
Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Nhiều vụ việc đã được tập trung chỉ đạo giải quyết đảm bảo đúng quy định của pháp luật, góp phần trong việc ngăn chặn các điểm nóng về tranh chấp đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng, giải quyết các vấn đề mà Nhân dân đặt ra theo đúng pháp luật. Tuyên truyền, vận động để Nhân dân hiểu rõ về chính sách, quan điểm của Đảng và Nhà nước trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, các chương trình về việc làm, dạy nghề. Hằng năm đã giải quyết việc làm cho hơn 28.000 người. Trung bình mỗi năm có hơn 600 lao động được xuất khẩu đi làm việc tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Trung Đông…
Mối quan hệ phối hợp giữa chính quyền với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội được củng cố, tăng cường, tạo thuận lợi trong vận động Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Công tác dân vận của chính quyền được gắn kết với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị; chăm lo, ổn định, cải thiện đời sống, vật chất, tinh thần của Nhân dân, nhất là đồng bào nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Triển khai và thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua “Dân vận khéo”; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Trong 10 năm, chính quyền các cấp đã ban hành 162 văn bản chỉ đạo thực hiện và có 3.433 mô hình điển hình dân vận khéo; ban hành 256 văn bản chỉ đạo triển khai và có 253 mô hình điển hình trong các phong trào thi đua khác do các cấp triển khai thực hiện, góp phần thay đổi diện mạo vùng nông thôn, sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh; tạo được đồng thuận cao trong Nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và giữ vững lòng tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp còn những hạn chế, bất cập. Nhận thức của một số cán bộ, công chức, viên chức về công tác dân vận có lúc, có nơi chưa đầy đủ. Sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị chưa thường xuyên; việc lồng ghép triển khai nhiệm vụ chính trị với công tác dân vận có nơi chưa hiệu quả. Công tác cải cách hành chính; tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo ở một số nơi còn hạn chế. Một số cán bộ, công chức, viên chức chưa nâng cao đạo đức công vụ, ý thức phục vụ Nhân dân.
Trong bối cảnh phát triển mới, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng hội nhập quốc tế đã và đang mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng có nhiều thách thức cho đất nước nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng. Xây dựng chính quyền trong môi trường chuyển đổi số tiếp tục được xem là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị chứ không chỉ của các lực lượng chuyên trách. Đồng thời, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu, với quan điểm tiếp cận toàn dân, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể trong công tác dân vận, chăm lo và phục vụ cần được quan tâm và phát huy.
Phát huy thành tựu đạt được trong 10 năm qua, góp phần đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đi vào cuộc sống. Để tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chủ yếu sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, các chủ trương của Trung ương, của Tỉnh về công tác dân vận, gắn với triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII, XIII). Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác dân vận gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; đưa kết quả thực hiện công tác dân vận vào tiêu chí để xét tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh hàng năm.
Hai là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở trên các loại hình, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tạo điều kiện để Nhân dân tham gia giám sát việc xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị. Phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính.
Ba là, đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, giảm các thủ tục hành chính gây phiền hà cho tổ chức và công dân. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo, những kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, không để vụ việc phức tạp kéo dài, khiếu kiện đông người. Thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức công vụ, văn hóa công sở, tác phong làm việc, quy tắc ứng xử. Kiên quyết xử lý những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu, hách dịch, cửa quyền và năng lực, phẩm chất kém.
Bốn là, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp công tác dân vận giữa Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và Ban Dân vận Tỉnh ủy giai đoạn 2021 -2026; tăng cường mối quan hệ phối hợp với MTTQVN và các tổ chức chính trị, xã hội trong triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chế độ, chính sách, bảo đảm an sinh xã hội, chính sách đối với người có công, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội; kịp thời báo cáo, đề xuất điều chỉnh, sửa đổi những quy định không còn phù hợp.
Năm là, Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực, nhất là phong trào thi đua “Dân vận khéo” nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững quốc phòng - an ninh; xây dựng Đảng – hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Kịp thời khen thưởng, nhân rộng những mô hình, điển hình dân vận khéo,…
Sáu là, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát và hướng dẫn nghiệp vụ công tác dân vận. Quan tâm bồi dưỡng, tập huấn về công tác dân vận chính quyền cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để nâng cao trình độ, tinh thần trách nhiệm cùng vận động Nhân dân thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách Đảng và Nhà nước. Định kỳ sơ kết, tổng kết và đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác dân vận, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm trong triển khai thực hiện công tác dân vận.
Tư Lê