Tỉnh Lâm Đồng qua 5 năm thực hiện Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở (Phần 2) In trang
26/10/2021 03:12 CH

Những kết quả đạt được trong việc thực hiện QCDC ở cơ sở đã góp phần quan trọng đưa kinh tế - xã hội của tỉnh nhà ngày càng phát triển. Hoạt động của chính quyền các cấp có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, cải cách thủ tục hành chính đã có sự cải thiện tích cực. Công tác giảm nghèo ngày càng bền vững, xây dựng nông thôn mới đạt nhiều thành quả khả quan. Qua đó đã nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Nhất là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khối đại đoàn kết nhân dân các dân tộc trong tỉnh được giữ vững, ổn định; tình tình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Bên cạnh những kết quả đem lại thì vẫn còn tồn tại một số hạn chế như:

Một số cấp ủy, chính quyền chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC. Nhất là người đứng đầu; thiếu kiểm tra, đôn đốc trong quá trình thực hiện QCDC ở cơ sở.

Hoạt động giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội ở một số địa phương, cơ sở. Nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn lúng túng, hiệu quả chưa cao. Công tác tuyên truyền, vận động tập hợp và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân còn hạn chế.

Công tác cải cách thủ tục hành chính chưa đạt hiệu quả cao. Một số địa phương, tỉ lệ giải quyết thủ tục hành chính trễ hạn còn cao.

Nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện tốt QCDC, chưa thực hiện tốt các chế độ tiền lương, tiền thưởng và một số quyền lợi đối với người lao động. Một số doanh nghiệp còn nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Chất lượng TƯLĐTT ở một số doanh nghiệp còn hình thức; việc tổ chức lấy ý kiến người lao động và thương lượng trước khi ký kết và công khai thỏa ước chưa được chú trọng. Các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn, chưa thực hiện thương lượng và ký thỏa ước lao động với Ban Chấp hành Công đoàn cấp trên trực tiếp.

Hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở trong một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa cao; thiếu tính chủ động, hoạt động còn hình thức. Các thành viên Ban Chỉ đạo chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo thực hiện và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện QCDC ở cơ sở; chưa xác định rõ trách nhiệm của các thành viên.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện QCDC ở cơ sở theo Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI). Trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần tăng cường thực hiện nghiêm túc một số nhiệm vụ sau:

1.Tiếp tục tổ chức quán triệt các văn bản của Trung ương, Quốc hội và của Chính phủ về thực hiện QCDC ở cơ sở để không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về dân chủ và thực hành dân chủ. Những vấn đề “dân biết, dân bàn, dân giám sát” phải được cụ thể hóa thực hiện nghiêm túc trên mọi lĩnh vực của đời sống. Mở rộng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân đi đôi với giữ gìn kỷ cương, trật tự.

2. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền với việc đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc lãnh đạo thực hiện QCDC ở cơ sở, kết hợp thường xuyên chỉ đạo kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện, đưa nội dung này vào để xét tổ chức đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh hàng năm.

3. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng ngày càng sát dân, tôn trọng ý kiến của nhân dân với phương châm “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Tạo điều kiện để nhân dân tham gia hoạt động giám sát. Kịp thời giải quyết những yêu cầu chính đáng của nhân dân tránh để xảy ra khiếu kiện đông người, vượt cấp và kéo dài gây “điểm nóng”.

4. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong việc đẩy mạnh thực hiện QCDC.Nâng cao vai trò giám sát, phản biện xã hội của các cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với việc ban hành và thực hiện các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến quyền, nghĩa vụ công dân. Xem đây là một nội dung quan trọng trong việc thực hiện QCDC ở cơ sở.

5. Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban TTND, Ban GSĐTCĐ ở xã, phường, thị trấn.Tạo cơ chế và bố trí kinh phí phù hợp để Ban TTND và Ban GSĐTCĐ triển khai thực hiện đúng và đầy đủ chức năng giám sát của mình theo quy định của pháp luật. Nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở cơ quan, đơn vị.

6. Xây dựng cơ chế huy động các nguồn lực xã hội và sức dân, đảm bảo dân chủ, tôn trọng lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các tầng lớp nhân dân.Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về thông báo, công khai để nhân dân biết; những nội dung nhân dân bàn và quyết định; những nội dung phải lấy ý kiến nhân dân trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định; những nội dung nhân dân giám sát… Đưa các nội dung này đến với từng khu dân cư nhằm đảm bảo quyền dân chủ thực sự của người dân, làm cơ sở phát huy sự tham gia của nhân dân trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

7. Thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn chỉ đạo củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở các cấp đủ số lượng, nâng cao chất lượng.Gắn trách nhiệm của từng cá nhân được phân công phụ trách với từng địa phương, đơn vị. Tăng cường tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo đẩy mạnh việc thực hiện dân chủ ở các loại hình.

8. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở. Chú trọng những ngành, lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp; thực hiện kiểm ra đột xuất, kiểm tra, giám sát theo chuyên đề, lĩnh vực. Đề cao việc tự kiểm tra của các địa phương, cơ quan, đơn vị; kịp thời chấn chỉnh sai phạm; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dân chủ, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân. Hàng năm, tiến hành sơ kết, tổng kết, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở./.

Ngọc Bích

 

Lượt xem: 999