Năm năm qua, công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Lâm Đồng có nhiều chuyển biến tích cực, đạt kết quả toàn diện. Nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận có nhiều đổi mới. Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm, coi trọng, ban hành nhiều văn bản tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận trong tình hình mới như Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 17/2/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 21/2/2017 về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 16/5/2017 về tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong thời gian tới; Quy định số 04-QĐ/TU ngày 01/02/2018 về trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng trong việc tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; các văn bản chỉ đạo đại hội các tổ chức chính trị - xã hội, về công tác hội quần chúng, về thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW, Quyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị, về phong trào thi đua “Dân dận khéo”, về “Năm Dân vận chính quyền” 2018, 2019, 2020...
Thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 27/02/2018 về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới, Kế hoạch số 135-KH/TU ngày 24/8/2015 về triển khai thực hiện Kết luận số 114-KL/TU ngày 14/7/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan Nhà nước các cấp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Quyết định số 1030/QĐ-UBND ngày 01/6/2018 của UBND tỉnh về ban hành Quy định tiêu chí, thang điểm và phương pháp đánh giá công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp được đẩy mạnh; đã tập trung thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tăng cường công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong nhân dân; quan tâm giáo dục đạo đức công vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; qua đó từng bước tạo dựng lòng tin của nhân dân vào vai trò quản lý, điều hành của chính quyền các cấp.
Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân, đoàn viên, hội viên; quan tâm triển khai thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; vai trò nòng cốt trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, được phát huy; các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được mở rộng về phạm vi và đối tượng, có sức lan tỏa trong các thành phần xã hội. Tiêu biểu như phong trào thi đua “Dân vận khéo” do Ban Dân vận Trung ương phát động được gắn với nội dung xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã góp phần thúc đẩy kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; hàng năm đều tổ chức biểu dương, khen thưởng động viên các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới; mở Chuyên mục “Dân vận khéo” trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh với thời lượng 1 số/1 tháng; Chuyên trang “Dân vận khéo” trên Báo Lâm Đồng mỗi tháng 02 kỳ nhằm biểu dương, tuyên truyền nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”. Vai trò làm chủ của nhân dân được phát huy, phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ” được tăng cường, góp phần xây dựng đồng thuận xã hội, tạo dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.
Tuy nhiên, công tác dân vận trong thời gian qua còn những hạn chế cơ bản là: Việc nắm bắt, dự báo diễn biến tình hình tư tưởng các tầng lớp nhân dân, dân tộc, tôn giáo chưa nhạy bén, kịp thời. Công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp thiếu quyết liệt trong tổ chức thực hiện. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội chưa toàn diện, đồng bộ ở các cấp.
Trong những năm tới bên cạnh những thuận lợi sẽ có nhiều khó khăn thách thức trong công tác vận động, tập hợp quần chúng. Sự phân hóa giàu nghèo giữa các vùng, miền và trong các thành phần xã hội sẽ tiếp tục diễn ra, có mặt gay gắt hơn, nhất là giữa vùng đô thị với vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Biến đổi khí hậu kèm theo thiên tai, dịch bệnh, môi trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo. Các thế lực thù địch tăng cường các hoạt động chống phá, kích động, xúi dục chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là trên lĩnh vực dân tộc, tôn giáo. Tình hình đồng bào dân tộc thiểu số bán đất, thiếu đất dẫn đến phá rừng, trở về buôn làng cũ, di dân tự do, tranh chấp khiếu kiện còn tiếp tục diễn ra. Các tôn giáo, đạo lạ, tà đạo gia tăng hoạt động, tích tụ đất đai, bổ nhiệm, luân chuyển chức sắc, lôi kéo tín đồ, gia tăng ảnh hưởng. Mạng xã hội với nội dung không lành mạnh và các vấn đề xã hội về quan liêu, tham nhũng, tội phạm, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm... tác động tiêu cực đến tư tưởng, tâm trạng các tầng lớp nhân dân. Những tác động khác từ tình hình thế giới và khu vực.
Từ bối cảnh đó, công tác dân vận trong thời gian tới cần đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, tập trung vào những vấn đề bức thiết của từng địa phương, cơ sở, trọng tâm là:
Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 66-CTr/TU ngày 29/10/2013 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, cán bộ; tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc chính đáng của nhân dân; làm cho nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường mối quan hệ máu thịt của nhân dân với Đảng và Nhà nước; kiên quyết, kiên trì thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự chuyển biến, tự chuyển hóa làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh gắn với thực hiện hiệu quả Chỉ thị 05 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thứ hai, tăng cường công tác dân vận của các cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp theo Kết luận số 114-KL/TW ngày 14/7/2015 của ban Bí thư Trung ương (Khóa XI) và Chỉ thị 24-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; trọng tâm là: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến phục vụ người dân, doanh nghiệp; thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch thủ tục hành chính theo quy định. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác cải cách thủ tục hành chính. Chú trọng phát huy quyền làm chủ, lấy ý kiến của Nhân dân trước khi quyết định các chủ trương, chính sách và quyền giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp. Tăng cường giáo dục đạo đức công vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ Nhân dân cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức thực sự là “công bộc” của Nhân dân, luôn lắng nghe ý kiến của Nhân dân, vì Nhân dân phục vụ. Tổ chức thực hiện hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện dân chủ, đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành, chống tiêu cực tham nhũng, gây phiền hà cho nhân dân. Tăng cường đối thoại, tiếp xúc trực tiếp với Nhân dân, giải quyết kịp thời những bức xúc, kiến nghị, nguyện vọng, lợi ích chính đáng và đơn, thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân.
Thứ ba, đổi mới mạnh mẽ, toàn diện tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội. Thực hiện đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, tập hợp nhân dân, đoàn viên, hội viên phù hợp, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả; chú trọng xây dựng, củng cố liên minh công nhân, nông dân, trí thức. Tổ chức thực hiện hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định 217-QĐ/TW, Quyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Mở rộng dân chủ, phát huy vai trò nhân dân tham gia giám sát cán bộ, đảng viên thực hiện Chỉ thị 05 và đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo Nghị quyết Trung ương 4. Nâng cao vai trò, trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, đoàn viên, hội viên; đổi mới công tác nắm bắt, dự báo tình hình tư tưởng các tầng lớp nhân dân; chủ động đề xuất, kiến nghị với cấp ủy, phối hợp với chính quyền giải quyết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng, những vấn đề bức xúc trong nhân dân, không để xảy ra điểm nóng, diễn biến tình hình phức tạp, nhất là trên lĩnh vực dân tộc, tôn giáo, học sinh, sinh viên, công nhân, lao động.
Thứ tư, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo; đẩy mạnh thực hiện các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với công tác tôn giáo; tập trung giải quyết các vấn đề liên quan công tác dân tộc, tôn giáo và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo; tập trung xây dựng cốt cán trong đồng bào dân tộc thiểu số, tín đồ, chức sắc tôn giáo.
Thứ năm, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác vận động, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cho đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; chú trọng việc quán triệt, tuyên truyền về công tác dân vận, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, cả hệ thống chính trị và nhân dân về vai trò, vị trí công tác dân vận trong tình hình mới
Thứ sáu, nâng cao chất lượng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, bám sát nhiệm vụ chính trị, nhu cầu, lợi ích chính đáng của nhân dân để xác định nội dung, cách thức phát động thi đua sát thực tế của địa phương, đơn vị theo tinh thần Chỉ thị số 17–CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; chú trọng phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các phong trào do Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội phát động với nhiều hình thức phong phú, nội dung thiết thực, hiệu quả. Việc xây dựng, đánh giá tổng kết, nhân rộng các mô hình, điển hình dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu cần đi vào chiều sâu, có tính bền vững; kịp thời khen thưởng, động viên cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong lao động, sản xuất và trong công tác.
Thứ 7, xây dựng, củng cố tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ Ban Dân vận, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW. Tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động Ban Dân vận các cấp, khối dân vận xã, phường, thị trấn, tổ dân vận thôn khu phố. Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ cán bộ cấp cơ sở; chú trọng công tác phát triển đoàn viên, hội viên, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Ban công tác Mặt trận, chi hội, chi đoàn thôn, tổ dân phố. Thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, Chương trình về công tác dân vận. Định kỳ sơ, tổng kết kịp thời rút kinh nghiệm và đề ra các chủ trương, giải pháp phù hợp với thực tiễn.
Hoàng Liên