Đam Rông là huyện vùng sâu, vùng xa với 22 dân tộc cùng sinh sống, chiếm 65% dân số toàn huyện. Là một địa phương với những ngày đầu mới thành lập còn nhiều khó khăn, nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp manh mún, lạc hậu; cơ sở hạ tầng thiếu thốn, giao thông đi lại khó khăn; trường học còn thiếu và tạm bợ, lợp bằng tranh tre, nứa lá; không có cơ sở khám chữa bệnh; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, tỷ lệ gia tăng dân số cao; 8/8 xã đều thuộc diện đặc biệt khó khăn; phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện vẫn trong tình trạng lạc hậu, có mức sống thấp; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao hơn mặt bằng chung của tỉnh và cả nước; nhiều phong tục tập quán lạc hậu chưa được xóa bỏ, tạo hệ lụy nặng nề cho gia đình và xã hội.
Từ một góc nhìn của huyện Đam Rông
Trong khi huyện vẫn đang là huyện nghèo, việc định canh định cư, xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống cho người dân tại chỗ gặp nhiều khó khăn thì huyện Đam Rông chịu nhiều áp lực do dân di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào.
Trước tình hình đó, Đảng bộ huyện Đam Rông đã tích cực chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành chức năng triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp trên trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội; đề ra các giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội; luôn coi việc phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở.
Nhờ việc triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp trên mà kinh tế, xã hội huyện Đam Rông đã đạt được những thành tựu quan trọng trên các mặt, các lĩnh vực. Cụ thể:
Về kinh tế: tốc độ tăng trưởng khá và ổn định qua các năm (bình quân hàng năm đạt 12%), các chỉ tiêu kinh tế đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Trong sản xuất nông nghiệp đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh với nhiều mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa có giá trị thu nhập cao; nhiều mô hình điển hình của người đồng bào DTTS sản xuất có hiệu quả và được nhân rộng trong cộng đồng.
Về hạ tầng cơ sở thiết yếu được đầu tư xây dựng đồng bộ. Đến nay, đường từ trung tâm huyện đến các xã đều được nhựa hóa, 70% đường giao thông thôn liên thôn, liên xã đã được cứng hóa, 30% đường vào khu vực sản xuất tập trung đảm bảo xe cơ giới đi lại thuận tiện cả hai mùa mưa và nắng. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 98%; sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 92%. Các công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng mới và kiên cố hóa đáp ứng phục vụ nhu cầu tưới, tiêu cho nhân dân.
Công tác xoá đói, giảm nghèo đạt kết quả ấn tượng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 61,59% (năm 2005) xuống còn 7.45% năm 2020. Đã có 6/8 xã thoát khỏi xã khu vực III, 34/53 thôn ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí quốc gia về NTM. Đời sống vật chất, tinh thần đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện.
Giáo dục, y tế, văn hóa xã hội tiếp tục phát triển. Hệ thống trường lớp, trang thiết bị dạy học từng bước được đầu tư, xây dựng theo hướng chuẩn hóa. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng, phát triển cả về mạng lưới, trang thiết bị và đội ngũ; chất lượng khám chữa bệnh có chuyển biến tích cực. Hiện nay 8/8 xã đều có Trạm y tế được xây dựng kiên cố. Thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng, 53/53 thôn có Nhà sinh hoạt cộng đồng. Hệ thống loa truyền thanh, mạng intenet đã phủ sóng đến tận các thôn, bản; đã xây dựng và phát sóng chương trình phát thanh tiếng Cơ Ho trên hệ thống loa truyền thanh của huyện đến các khu dân cư. Chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống, văn hóa cồng chiêng của các dân tộc thiểu số tại chỗ. Tình hình an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số được giữ vững; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường, niềm tin của đồng bào các dân tộc thiểu số với Đảng và Nhà nước ngày càng được củng cố.
Bên cạnh những kết quả đạt được việc phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn huyện Đam Rông thời gian qua vẫn còn một số mặt khó khăn, hạn chế. Đó là: Nhìn chung kinh tế phát triển còn chậm. Đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Kết cấu hạ tầng tuy được chú trọng đầu tư nhưng còn thiếu và chưa đồng bộ. Việc sắp xếp, bố trí ổn định dân cư cho đồng bào dân tộc Mông còn khó khăn. Kinh tế tập trung vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Mặc dù tốc độ giảm nghèo nhanh, nhưng tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo vẫn còn cao so với bình quân chung của tỉnh, một bộ phận hộ dân đã thoát nghèo song tính bền vững chưa cao, vẫn có nguy cơ cao tái nghèo. Một số cán bộ người DTTS còn hạn chế về năng lực, trình độ. Sự chuyển biến về nhận thức, tư tưởng của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn chậm, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa có ý thức tự vươn lên. Việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống của các dân tộc còn hạn chế.
Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, tăng cường và đổi mới công tác dân vận của đảng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo tinh thần của Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức cho Nhân dân các dân tộc thiểu số về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là các chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó góp phần làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững.
Hai là, xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo. Tập trung thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030… triển khai đồng bộ và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư để lồng ghép thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ba là, tiếp tục đầu tư, củng cố mạng lưới y tế cấp xã; đào tạo đội ngũ cán bộ y tế thôn, bản đạt chuẩn. Nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Bốn là, đẩy mạnh phong trào“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; hoàn thiện cơ bản các thiết chế văn hóa cơ sở, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; trong đó, tập trung bảo tồn các nghề truyền thống, như dệp thổ cẩm, văn hóa cồng chiêng. Quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hệ thống viễn thông, phát thanh, truyền hình đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa.
Năm là, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; xây dựng khối đại đoàn kết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phát động sâu rộng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong vùng dân tộc và miền núi. Ngăn chặn các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để lôi kéo, kích động đồng bào các dân tộc thiểu số, phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc; đấu tranh, ngăn chặn, không để các đạo lạ xâm nhập vào địa bàn.
Hy vọng trong thời gian tới, với những giải pháp, cách làm mới và mô hình hiệu quả, huyện Đam Rông sẽ tiếp tục phát huy nội lực, đoàn kết, chung tay thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng quê hương ngày phát triển giàu đẹp.
Phan Tuấn Huy