Tỉnh Lâm Đồng qua 5 năm thực hiện Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở (Phần 1) In trang
22/10/2021 10:54 SA

          Xác định quy chế dân chủ ở cơ sở có vai trò và vị trí quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm, có tính quyết định đến việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương. Do đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm tới công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị trên địa bàn toàn tỉnh. Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được thể chế hóa trên tất cả các lĩnh vực đời sống của xã hội, góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp trong nhân dân tham gia xây dựng đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh nhà.

          Để thực hiện sớm Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến thực hiện QCDC ở cơ sở: Công văn số 382-CV/TU ngày 01/3/2016 về việc thực hiện Kết luận 120-KL/TW của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 27/02/2018  về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới; Công văn số 2868 -CV/TU, ngày 19/9/2018 về tiếp tục thực hiện Kết luận số 120 -KL/TW của Bộ Chính trị. Cấp ủy các cấp đã chú trọng nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện QCDC ở cơ sở. 100% cấp ủy địa phương phân công đồng chí Phó Bí thư, Chủ tịch UBND làm Trưởng Ban chỉ đạo QCDC ở cơ sở. Hàng năm, Ban Chỉ đạo QCDC ở cơ sở các cấp đều xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và kiểm tra việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở; tham mưu cấp ủy chỉ đạo thực hiện và đưa vào chương trình kiểm tra của cấp ủy về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Các cơ quan hành chính nhà nước đều phân công lãnh đạo và phòng chuyên môn trực tiếp theo dõi, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận chính quyền và QCDC ở cơ sở của cơ quan, đơn vị. Qua đó, đã nâng cao hiệu quả thực hiện QCDC, phát huy quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân ở cơ sở.

Công tác tuyên truyền, quán triệt, phổ biến Kết luận số 120 -KL/TW và các văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở được chú trọng và phát huy hiệu quả. Thu hút sự quan tâm, giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tiếp cận nhanh và nắm vững các nội dung cũng như văn bản liên quan về xây dựng QCDC ở cơ sở. Từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tích cực trong nhận thức và hành động của các tổ chức trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về dân chủ và thực hiện quyền dân chủ.

Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC ở cơ sở được tiến hành thường xuyên. Trong 5 năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập 2 đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra tại 3 huyện. Các tổ công tác của Ban Chỉ đạo QCDC ở cơ sở tỉnh đã thành lập 16 đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra tại 131 địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Liên Đoàn lao động tỉnh lồng ghép kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc trong các doanh nghiệp tại 328 lượt doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thanh tra các cấp, các ngành đã ban hành kết luận và quyết định xử lý 600 cuộc (trong đó, có 510 cuộc theo kế hoạch và 90 cuộc thanh tra đột xuất); 3.436 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Hoạt động thanh tra đã phát hiện và kiến nghị khắc phục nhiều bất cập trong cơ chế, chính sách hiện hành, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực.

Việc thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn (theo Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11) có nhiều chuyển biến tích cực, đảm bảo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.  Thông qua việc triển khai thực hiện hiệu quả 11 nội dung cần phải công khai cho nhân dân biết; những nội dung quy định dân bàn và quyết định; những nội dung nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định; những nội dung nhân dân giám sát; trách nhiệm của chính quyền, cán bộ, công chức cấp xã, thôn, tổ dân phố, của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và của nhân dân trong việc thực hiện dân chủ ở cấp xã. Hình thức công khai được niêm yết tại UBND các xã, phường, thị trấn. Nhiều nơi còn được niêm yết tại các điểm sinh hoạt cộng đồng ở từng khu dân cư, thông báo trên hệ thống truyền thanh tại cơ sở… Nhiều nội dung, quy định về các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước được chính quyền tổ chức họp dân và thông báo rộng rãi… tạo điều kiện cho nhân dân được tiếp cận và nắm bắt thông tin, phản ánh những băn khoăn, thắc mắc trong việc triển khai thực hiện của chính quyền cơ sở. Trong đó, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm chỉ đạo với nhiều giải pháp đồng bộ và đạt được kết quả tích cực, góp phần đưa các xã sớm hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới. Từ việc làm cho “dân hiểu”, người dân đã đồng thuận, tự nguyện, tích cực tham gia thực hiện và đóng góp các nguồn lực xây dựng nông thôn mới.

Công tác hòa giải tại cơ sở luôn được quan tâm, chú trọng thực hiện. Toàn tỉnh có 1.341 tổ hòa giải cơ sở. Các tổ hòa giải được thành lập ở từng thôn, tổ dân phố. Đa số các hòa giải viên luôn được bồi dưỡng nghiệp vụ cơ bản về pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và uy tín trong cộng đồng dân cư thuận lợi cho hoạt động hòa giải trong nội bộ nhân dân. Công tác hòa giải ở cơ sở từng bước được nâng cao về chất lượng, tổ chức và hoạt động ngày càng nền nếp, có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.Từ đó, đã hạn chế tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo tại các địa phương.

Hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân (TTND) và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng (GSĐTCĐ) ở xã, phường, thị trấn được cấp ủy, chính quyền, MTTQ quan tâm hướng dẫn, chỉ đạo và tạo điều kiện hoạt động tương đối hiệu quả. Từ năm 2016 đến nay, các Ban TTND đã tổ chức giám sát, kiểm tra 289 vụ việc. Ban Giám sát đầu tư cộng đồng đã tổ chức giám sát 1.273 công trình, dự án đầu tư xây dựng từ các nguồn vốn do nhân dân đóng góp, vốn Nhà nước và nhân dân cùng làm và một số công trình 100% vốn Nhà nước đầu tư; được nhân dân ủng hộ, từng bước củng cố niềm tin của nhân dân; góp phần đảm bảo chất lượng và tính hiệu quả của các công trình được đầu tư xây dựng ở xã, phường, thị trấn.

Việc thực hiện dân chủ trong các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 04/2015/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư số 01/2016/TT-BNV của Bộ Nội vụ gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ chuyên môn và vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu được thực hiện nghiêm túc và ngày càng đi vào quy nền nếp. 100% các cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức,viên chức, người lao động đảm bảo theo quy định của pháp luật. Công tác cải cách hành chính của tỉnh được tập trung chỉ đạo quyết liệt và chuyển biến tích cực, góp phần làm tăng tính minh bạch, giảm bức xúc trong các tầng lớp nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp cho các cơ quan, đơn vị, địa phương.Trong đó, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ được giao.Từng bước triển khai có hiệu quả Đề án kiện toàn tổng thể bộ máy, CBCCVC các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh; xây dựng Đề án xác định vị trí việc làm, Đề án tinh giản biên chế trong tất cả các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập…

UBND tỉnh đã ban hành 94 quyết định cập nhật, bổ sung các thủ tục hành chính theo quy định của cấp có thẩm quyền; có 1.898 thủ tục hành chính đã được công bố.Trong đó, cấp tỉnh 1.438 thủ tục, cấp huyện 316 thủ tục và cấp xã 144 thủ tục.

Thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh và chỉ đạo củng cố, kiện toàn Bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã, tạo sự chuyển biến tích cực trong giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” đã được triển khai thực hiện tại 100% cơ quan hành chính từ tỉnh đến cấp xã. Thực hiện chuyển giao việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của nhiều thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công tại các sở, ngành, địa phương cho cơ quan bưu điện thực hiện. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về đạo đức công vụ, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có tính chuyên nghiệp, đáp ứng tốt nhu cầu của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.

Định kỳ hàng tháng Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức tiếp dân tại trụ sở Ban Tiếp công dân tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các Sở, ban, ngành của tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố đã tổ chức tiếp công dân, đối thoại với nhân dân trên tinh thần dân chủ, công khai, lắng nghe ý kiến, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân. Tại các cuộc tiếp dân nhiều nội dung khiếu nại, tố cáo của công dân đã được xem xét và trả lời trực tiếpối với những vụ việc có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, ngành của tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng liên quan, xem xét và giải quyết theo quy định. Trong 05 năm, toàn tỉnh đã tiếp 14.402 lượt công dân với 17.916 người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.Trong đó, tiếp thường xuyên 9.443 lượt/11.101 người; tiếp định kỳ 4.959 lượt/6.815 người. Nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chủ yếu tập trung trong lĩnh vực đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, về môi trường, chế độ, chính sách đối với người có công… Toàn tỉnh đã tiếp nhận 24.777 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.Trong đó, 17.100 đơn đủ điều kiện xử lý (4.641 đơn khiếu nại, 935 đơn tố cáo và 11.524 đơn kiến nghị, phản ánh).

Việc thực hiện dân chủ tại nơi làm việc theo Nghị định số 60/2013/NĐ-CP và Nghị định số 149/2018/NĐ-CP được các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục quan tâm triển khai và có nhiều chuyển biến tích cực trong các loại hình doanh nghiệp. Hàng năm, có khoảng 90% doanh nghiệp tổ chức Hội nghị người lao động theo Nghị định số 149/2018/NĐ-CP.Trong đó, phần lớn doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động đúng định kỳ, phát huy được dân chủ trong doanh nghiệp; tỷ lệ CĐCS doanh nghiệp tham gia xây dựng QCDC cơ sở đạt 100%; có 368/368 (100%) doanh nghiệp thực hiện đối thoại tại nơi làm việc.

Các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đã phối hợp với ban giám đốc tổ chức Hội nghị người lao động. Nội dung chủ yếu của Hội nghị người lao động: bàn biện pháp thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đánh giá việc thực hiện TƯLĐTT, chế độ bảo hộ lao động, cải thiện điều kiện làm việc; trực tiếp bầu Ban Thanh tra nhân dân, xây dựng quy chế về tiền lương, tiền thưởng, quy chế an toàn vệ sinh lao động, nội quy lao động, quy chế sử dụng các quỹ phúc lợi, khen thưởng và các chỉ tiêu liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động. Đa số doanh nghiệp đã tổ chức đối thoại với người lao động và xây dựng quy chế đối thoại theo quy định. Trong các cuộc đối thoại những thắc mắc của người lao động đều được lãnh đạo doanh nghiệp phối hợp với công đoàn xem xét, phân tích, giải quyết kịp thời, xây dựng mối quan hệ lao động đồng thuận, hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.Tổ chức công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp đã phát huy vai trò là người đại diện, phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; phối hợp chặt chẽ với người sử dụng lao động thực hiện quy chế dân chủ tại doanh nghiệp.  (còn tiếp)

Ngọc Bích

Lượt xem: 1.580