Ý nghĩa lý luận, thực tiễn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc In trang
13/07/2022 02:54 CH

Phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là nội dung quan trọng trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ý chí tự lực, tự cường và khát vọng về quyền sống chân chính của dân tộc đã bồi đắp tư tưởng, sự nghiệp cách mạng của chủ tịch Hồ Chí Minh và lan tỏa trong mọi giai tầng xã hội Việt Nam. Nói cách khác, chính sức mạnh của lòng yêu nước, của chủ nghĩa dân tộc và quá trình khảo nghiệm thực tiễn cách mạng thế giới đã hình thành và phát triển tư tưởng của Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, đưa Người đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường cách mạng vô sản, đặt nền móng cho sự phát triển tư tưởng mácxít ở Việt Nam, tạo ra những điều kiện cốt lõi đưa đến những thành công của cách mạng nước nhà.

  1. Những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường
  • Ý chí tự lực, tự cường là độc lập, tự chủ, không trông chờ, ỷ lại, phụ thuộc vào bên ngoài, có quan điểm độc lập trong quan hệ quốc tế. Người từng nhấn mạnh “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng có được độc lập”, Người tin tưởng với ý chí, khát vọng mãnh liệt, bất khuất vì độc lập, tự do thì cách mạng các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam hoàn toàn có thể dành thắng lợi, không phụ thuộc vào việc cách mạng ở chính quốc có giành thắng lợi hay không - thực tiễn đã chứng minh quan điểm của chủ tịch Hồ Chí Minh là đúng đắn.
  • Ý chí tự lực, tự cường trong tư tưởng của Người là nhận thức rõ sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc với chủ nghĩa quốc tế trong sáng.Nhân tố mang tính quyết định của cách mạng giải phóng dân tộc là sức mạnh của toàn dân tộc. Nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, tự cường “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” nhưng “phải củng cố tinh thần đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân ta và các nước bạn, nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới. 
  • Muốn tự lực, tự cường là đặc biệt chú trọng phát huy vai trò, sức mạng của Nhân dân. Người luôn nhấn mạnh phải động viên lực lượng của toàn dân. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân; muốn làm được cách mạng, quần chúng nhân dân phải được vận động, rèn luyện và tổ chức nhằm huy động, tập hợp, phát huy cao nhất vai trò, sức mạnh của mọi lực lượng quần chúng trên cùng một mặt trận, biến sức mạnh quần chúng thành sức mạnh cách mạng.
  • Ý Chí tự lực, tự cường là sự chủ động, chuẩn bị mọi mặt các điều kiện của cách mạng. Người cho rằng, muốn có được sức mạnh của ý chí tự lực, tự cường dân tộc thì phải có sự tổ chức chặt chẽ, có phương pháp cách mạng đúng đắn dưới sự lãnh đạo của Đảng “để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thi liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy”. Chính nhờ có phương pháp cách mạng đúng đắn, sự chuẩn bị các điều kiện kỹ lượng, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân làm cách mạng dành chính quyền vào 8/1945 và xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
  • Người khẳng định không chỉ tự lực, tự cường trong đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước mà còn phải tự lực, tự cường trong bảo vệ , giữ gìn nền độc lập dân tộc. Với các tinh thần “không gì quý bằng độc lập, tự do”, “nhất định không chịu mất nước”, “nhất định không chịu làm nô lệ”.
  1. Những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
  • Xây dựng, phát triển đất nước giàu mạnh, cường thịnh, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài. Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn xây dựng đất nước giàu mạnh, mang lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Người đặc biệt chú trọng việc nâng cao dân trí, phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước giàu mạnh. Bên cạnh việc nâng cao dân trí, Người cũng chỉ ra nhiệm vụ quan trọng trrong kiến thiết đất nước là bồi dưỡng nhân tài.
  • Thực hiện khát vọng đất nước giàu mạnh, cường thịnh trong điều kiện Đảng cầm quyền, xây dựng chế độ mới, mưu cầu hạnh phúc, ấm no cho Nhân dân. Trong tư tưởng của Người, hạnh phúc của người dân đơn giản là quyền sống, không có bóc lột, hoàn toàn mới mẻ và đầy tính nhân văn. Người coi trọng các chính sách kinh tế nhằm đạt tới sự ổn định và phát triển xã hội, đem lại hạnh phúc cho con người. Người khẳng định Đảng ta, Nhà nước ta từ nhân dân mà ra, vừa là người lãnh đạo, vừa là đầy tớ của nhân dân, không có lợi ích nào khác lợi ích của nhân dân.
  • Xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc, thực hiện một cách có kế hoạch với sự đồng lòng của Chính phủ và người dân. Hiện thức khát vọng đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tư tưởng Hồ Chí Minh là xây dựng chế độ chính trị dân chủ, tiến bộ, thật sự vì dân, xây dựng đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội văn minh, tiến bộ với những giá trị đạo đức tốt đẹp. Muốn vậy, phải xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc, có kế hoạch thực hiện với sự đồng lòng của chính phủ, người dân.
  • Phát huy tối đa nội lực dân tộc, tranh thủ ngoại lực, có chính sách mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài. Vấn đề nội lực dân tộc là một điểm quan trọng trong tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần “đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Đồng thời, sau ngày tuyên bố độc lập, Người tuyên bố “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trên mọi lĩnh vực”, “Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình”.
  • Luôn xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể của đất nước, vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn để đưa ra những quan điểm, chủ trương phù hợp; không giáo điều, máy móc trong học tập kinh nghiệm của nước khác.
  1. Ý nghĩa lý luận, thực tiễn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Từ thuở bình minh, sơ khai trong lịch sử dân tộc, các thế hệ ông cha ta sớm đã hình thành ý chí, khát vọng phát triển quốc gia, dân tộc. Trải qua quá trình lịch sử, ý chí, khát vọng độc lập và hùng cường dân tộc đã được nuôi dưỡng, hun đúc trở thành giá trị truyền thống, lẽ sống và sức mạnh Việt Nam, là cơ sở để khơi dậy, phát huy, nhân lên sức mạnh tổng thể, sự nỗ lực của cả dân tộc trong tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Kế thừa truyền thống lịch sử - văn hóa của dân tộc, tinh thần độc lập, tự chủ, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc ởChủ tịch Hồ Chí Minh bắt nguồn từ nhận thức đúng đắn về con người, hạnh phúc của nhân dân, của quốc gia, dân tộc, ở Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.

Người quan niệm chủ nghĩa xã hội là chế độ tốt nhất mang lại hạnh phúc cho mọi người. Hạnh phúc ấy là do chính con người tạo dựng với sự lãnh đạo, định hướng của đảng cộng sản, đảng cách mạng chân chính. Hạnh phúc ấy bắt đầu từ những mục tiêu cơ bản nhất, mọi người đều thoát khỏi cảnh đói nghèo, được ăn, ở, học hành, có đời sống văn hóa vật chất, tinh thần tốt đẹp, lành mạnh. Từ hạnh phúc căn bản đó mà tạo ra từng gia đình hạnh phúc, nhân rộng thành cộng đồng hạnh phúc, đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng dân tộc đã đạt nhiều kỳ tích chói lọi, làm nên Cách mạng tháng Tám, khai sinh nền độc lập, mở ra thời đại mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, khẳng định sự lựa chọn con đường cách mạng của Đảng và dân tộc ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, thực tiễn đất nước và xu hướng phát triển của thời đại.

Hiện nay, công cuộc đổi mới đã và đang mang lại những thay đổi lớn lao, là một trong những nguyên nhân căn bản là do chúng ta biết quy tụ, khơi dậy, phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, trở thành nguồn sức mạnh nội sinh to lớn, tiếp tục phục vụ đắc lực sự nghiệp cách mạng dân tộc trong giai đoạn mới.

Bài học kinh nghiệm quý giá của công cuộc đổi mới chính là dựa vào sức dân, phát huy tinh thần và ý chí khát vọng của nhân dân trong xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường hòa bình. Thành tựu của công cuộc đổi mới trên các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội đã thể hiện rõ nét hiệu quả của việc phát huy ý chí, khát vọng phát triển đất nước của toàn nhân dân ta, dân tộc ta.

Điều này đã được Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Đất nước ta đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Có thể nói, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã và đang, tiếp tục là điểm tựa quan trọng để Đảng và Nhà nước ta hoạch định đường lối chiến lược phát triển đất nước trong bối cảnh quốc tế hiện nay, tiếp tục dẫn dắt dân tộc tiến bước trên con đường phát triển và tiến bộ xã hội.

Hoàng Dương

Lượt xem: 15.283