Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong giai đoạn hiện nay In trang
08/05/2020 10:45 SA

             Tỉnh Lâm Đồng với diện tích tự nhiên gần 10.000 km2, hiện có 12 đơn vị hành chính cấp huyện (02 thành phố và 10 huyện), với 142 đơn vị hành chính cấp xã, dân số trên 1,2 triệu người, 43 dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 24,1%. Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng có các tôn giáo được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân là: Phật giáo, Công giáo,Tin Lành, các hệ phái Cao Đài, Ba Ha’i, Giáo hội Phật đường Nam Tông Minh Sư đạo, Phật giáo Hòa Hảo… với khoảng 792.756 tín đồ (chiếm khoảng 65% dân số toàn tỉnh), 2.563 chức sắc, 435 cơ sở thờ tự hợp pháp. Với những đặc điểm về điều kiện tự nhiên, dân số như vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã có nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tăng cường và thường xuyên đổi mới công tác dân vận trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay, Công tác dân vận tỉnh nhà đã đạt được những kết quả căn bản và toàn diện. Nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động nhân dân được đổi mới; đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Công tác dân vận các cơ quan nhà nước có sự đổi mới và đạt được nhiều kết quả tích cực thể hiện rõ nhất là trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, thực thi công vụ... Mặt trận, đoàn thể và hội quần chúng đã tăng cường thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tập trung hướng mạnh về cơ sở; thực hiện tốt vai trò là người đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên; thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW và Quyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị bước đầu đạt được một số kết quả thiết thực, phát huy khá tốt vai trò của nhân dân trong giám sát, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Công tác dân tộc, tôn giáo luôn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm. Hệ thống chính trị cơ sở trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được củng cố, nâng cao. Các phong trào thi đua yêu nước nhất là Phong trào thi đua “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được các cấp ủy đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đi vào nề nếp và từng bước nâng cao chất lượng. Tổ chức, bộ máy Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. 
            Tuy nhiên, trong xu thế phát triển mới của thế giới và trong nước hiện nay vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, phức tạp và khó khăn; bản thân cơ chế vận hành của hệ thống chính trị đất nước cần phải thường xuyên tự đổi mới, tự nâng cao để thích ứng với tình hình mới và công tác dân vận cũng vậy. Cần phải khắc phục những hạn chế, yếu kém đồng thời thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp công tác dân vận nhằm phát huy tối đa nguồn lực to lớn trong nhân dân, làm cho nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường niềm tin và sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Muốn vậy, trong thời gian tới cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp như sau:
            1. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 66-CTr/TU ngày 29/10/2013 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, cán bộ; tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc chính đáng của nhân dân; làm cho nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường mối quan hệ máu thịt của nhân dân với Đảng và Nhà nước; kiên quyết, kiên trì thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự chuyển biến, tự chuyển hóa làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh gắn với thực hiện hiệu quả Chỉ thị 05 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
            2. Tăng cường công tác dân vận của các cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp theo Kết luận số 114-KL/TW ngày 14/7/2015 của ban Bí thư Trung ương (Khóa XI) và Chỉ thị 14-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; trọng tâm là: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến phục vụ người dân, doanh nghiệp; thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch thủ tục hành chính theo quy định. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác cải cách thủ tục hành chính. Chú trọng phát huy quyền làm chủ, lấy ý kiến của Nhân dân trước khi quyết định các chủ trương, chính sách và quyền giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp. Tăng cường giáo dục đạo đức công vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ Nhân dân cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức thực sự là “công bộc” của Nhân dân, luôn lắng nghe ý kiến của Nhân dân, vì Nhân dân phục vụ. Tổ chức thực hiện hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện dân chủ, đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành, chống tiêu cực tham nhũng, gây phiền hà cho nhân dân. Tăng cường đối thoại, tiếp xúc trực tiếp với Nhân dân, giải quyết kịp thời những bức xúc, kiến nghị, nguyện vọng, lợi ích chính đáng và đơn, thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân.
            3. Đổi mới mạnh mẽ, toàn diện tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội. Thực hiện đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, tập hợp nhân dân, đoàn viên, hội viên phù hợp, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả; chú trọng xây dựng, củng cố liên minh công nhân, nông dân, trí thức. Tổ chức thực hiện hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định 217-QĐ/TW, Quyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Mở rộng dân chủ, phát huy vai trò nhân dân tham gia giám sát cán bộ, đảng viên thực hiện Chỉ thị 05 và  đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo Nghị quyết Trung ương 4. Nâng cao vai trò, trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, đoàn viên, hội viên; đổi mới công tác nắm bắt, dự báo tình hình tư tưởng các tầng lớp nhân dân; chủ động đề xuất, kiến nghị với cấp ủy, phối hợp với chính quyền giải quyết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng, những vấn đề bức xúc trong nhân dân, không để xảy ra điểm nóng, diễn biến tình hình phức tạp, nhất là trên lĩnh vực dân tộc, tôn giáo, học sinh, sinh viên, công nhân, lao động.
           4. Thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo; đẩy mạnh thực hiện các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo; tập trung giải quyết các vấn đề liên quan dân tộc, tôn giáo và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo; tập trung xây dựng người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, tín đồ, chức sắc tôn giáo.
           5. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác vận động, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cho đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; chú trọng việc quán triệt, tuyên truyền về công tác dân vận, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, cả hệ thống chính trị và nhân dân về vai trò, vị trí công tác dân vận trong tình hình mới
           6. Nâng cao chất lượng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, bám sát nhiệm vụ chính trị, nhu cầu, lợi ích chính đáng của nhân dân để xác định nội dung, cách thức phát động thi đua sát thực tế của địa phương, đơn vị theo tinh thần Chỉ thị số 17 –CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; chú trọng phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các phong trào do Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội phát động với nhiều hình thức phong phú, nội dung thiết thực, hiệu quả. Việc xây dựng, đánh giá tổng kết, nhân rộng các mô hình, điển hình dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu cần đi vào chiều sâu, có tính bền vững; kịp thời khen thưởng, động viên cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong lao động, sản xuất và trong công tác. 
           7. Xây dựng, củng cố tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ Ban Dân vận, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW. Tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động Ban Dân vận các cấp, khối dân vận xã, phường, thị trấn, tổ dân vận thôn khu phố. Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ cán bộ cấp cơ sở; chú trọng công tác phát triển đoàn viên, hội viên, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Ban công tác Mặt trận, chi hội, chi đoàn thôn, tổ dân phố. Thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, Chương trình về công tác dân vận. Định kỳ sơ, tổng kết kịp thời rút kinh nghiệm và đề ra các chủ trương, giải pháp phù hợp với thực tiễn.
           Tỉnh Lâm Đồng đang cùng với cả nước đang trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tích cực tham gia hội nhập quốc tế; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân; từ thực tiễn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn cùng với việc thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới ở cơ sở, việc tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp công tác dân vận trên địa bàn tỉnh là yêu cầu bức thiết, quan trọng nhằm tăng cường và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh ở địa phương.

 

Hiền Lương
 

Lượt xem: 1.338