Trong thời gian qua, thành phố Đà Lạt đã triển khai thực hiện tốt, đồng bộ các nhiệm vụ về thực hiện quy chế dân chủ gắn với cải cách thủ tục hành chính, thể hiện rõ nét trên các phương diện, cụ thể:
1. Tuyên truyền, quán triệt và triển khai các văn bản của các cơ quan có thẩm quyền về thực hiện quy chế dân chủ, về công tác CCHC ở cơ sở đến cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị định số 04/2015/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập đặc biệt là triển khai thực hiện QCDC gắn với công tác CCHC.
2. Chỉ đạo công khai, minh bạch những việc phải công khai theo quy định, nhất là công khai về quy trình giải quyết TTHC lĩnh vực nội vụ.
3. Thực hiện công tác cải cách hành chính, chấn chỉnh lề lối làm việc, tác phong phục vụ Nhân dân của công chức, viên chức và người lao động: Thực hiện các Kế hoạch về công tác CCHC hàng năm của UBND tỉnh Lâm Đồng, UBND thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành và cụ thể hóa việc triển khai thực hiện công tác CCHC nhằm tiếp tục thực hiện tốt công tác CCHC, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành; đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên cơ sở các kế hoạch CCHC của thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện tại cơ quan, đơn vị.
Ban hành văn bản tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấn chỉnh lề lối làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức trong thực thi công vụ của CCVC, xử lý nghiêm CCVC có hành vi vi phạm trong thi hành nhiệm vụ; chấn chỉnh, phê bình các cơ quan, đơn vị, CBCCVC thực hiện không nghiêm túc, có hành vi vi phạm trong thi hành nhiệm vụ. Trong 06 tháng đầu năm 2022 đến nay: Có 01 công chức và 01 viên chức vi phạm bị xử lý kỷ luật (hình thức khiển trách); tiến hành thanh tra công vụ tại 05 cơ quan, đơn vị.
4. Tổ chức khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân: Lập danh sách các tổ chức, cá nhân đã tham gia giải quyết TTHC trong năm 2021. Qua điều tra của Sở Nội vụ, kết quả đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân về giải quyết TTHC tại thành phố Đà Lạt đạt 33,30/35 điểm (95,14%), tăng 2,51% so với năm 2020 (tiếp tục duy trì xếp hạng 01/12 huyện, thành phố về mức độ hài lòng của người dân về cung cấp dịch vụ công).
Thực hiện điều tra xã hội học phục vụ cho việc đánh giá Chỉ số CCHC cấp xã năm 2021 (tại UBND 13 phường, xã với 3.484 phiếu điều tra). Qua điều tra, kết quả đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân về giải quyết TTHC tại UBND các phường, xã đạt 32,97/35 điểm (94,19%).
Tiếp tục thực hiện tốt việc khảo sát ý kiến và đo lường sự hài lòng của tổ chức, cá nhân; thường xuyên tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân liên quan đến việc giải quyết TTHC; bố trí quầy cấp phát phiếu hướng dẫn hồ sơ, các mẫu đơn thường xuyên phát sinh hồ sơ chủ yếu trên lĩnh vực đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh.
5. Công tác kiểm soát thủ tục hành chính
Tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung CCHC, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tham mưu, thực hiện nhiệm vụ nêu tại Công văn số 4011/UBND-VX ngày 15/6/2021, Công văn số 1071/UBND-VX ngày 23/02/2022 của UBND tỉnh Lâm Đồng; đã ban hành văn bản triển khai thực hiện công tác kiểm soát TTHC.
Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục siết chặt việc giải quyết hồ sơ TTHC gắn với xử lý trách nhiệm CBCCVC trong giải quyết hồ sơ TTHC trễ hạn; kịp thời xin lỗi các tổ chức khi giải quyết hồ sơ trễ hạn theo quy định tại khoản 9, Điều 19, Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của tỉnh Lâm Đồng và UBND thành phố Đà Lạt.
Thường xuyên niêm yết công khai, minh bạch kịp thời và giải quyết TTHC theo đúng nội dung do Bộ ngành Trung ương công bố được đăng tải trên Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về TTHC theo quy định tại Điều 15, Thông tư số 02/2017/TT-VPCP, tại Bộ phận Một cửa, trên trang thông tin điện tử thành phố và trên ứng dụng Đà Lạt trực tuyến.
Quá trình thực hiện QCDC gắn với CCHC ở các đơn vị, địa phương trong thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả cao. Về cơ bản, đã giải quyết được các vấn đề bức xúc ở địa phương, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; hạn chế những khiếu nại, tố cáo vượt cấp; tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện QCDC góp phần nâng cao đạo đức công vụ, cải tiến lề lối, phong cách làm việc của cán bộ, công chức, ngày càng trọng dân, gần dân, sâu sát với nhân dân, hạn chế tình trạng quan liêu, qua đó tạo điều kiện để các cơ quan thực hiện tốt công tác CCHC. Mối quan hệ giữa cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân ngày càng gắn bó. Nhân dân thẳng thắn góp ý cán bộ, đảng viên, phát hiện những cán bộ, đảng viên vi phạm để báo cáo tổ chức xem xét, góp phần làm trong sạch tổ chức Đảng và chính quyền các cấp; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, nâng cao tinh thần, trách nhiệm phục vụ nhân dân.
Công tác tuyên truyền việc tiếp nhận và giải quyết TTHC mức độ 3, 4, hướng dẫn cá nhân, tổ chức tìm hiểu và thao tác thực hiện để sử dụng dịch vụ công trực tuyến khi liên hệ giải quyết công việc. Các TTHC được niêm yết công khai tại Bộ phận một cửa, trên trang thông tin điện tử thành phố tạo điều kiện thuận lợi giúp cá nhân, tổ chức dễ dàng tra cứu, tìm hiểu thông tin để thực hiện đúng, đủ theo yêu cầu giải quyết của TTHC.
Bên cạnh kết quả đạt được còn có một số tồn tại hạn chế: Việc thực hiện QCDC và CCHC vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến xây dựng và thực hiện QCDC, CCHC của một số cấp ủy, chính quyền chưa thường xuyên, chưa đi vào chiều sâu, nhất là ở cơ sở; công tác kiểm tra, giám sát việc xây dựng, thực hiện QCDC ở một số cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên, hiệu quả. Trong 06 tháng đầu năm 2022, mặc dù tỷ lệ giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức lĩnh vực Xây dựng đạt tỷ lệ 98,58% (tăng 0,12% so với cùng kỳ năm 2021) nhưng vẫn chưa đạt tỷ lệ theo mục tiêu chất lượng của UBND thành phố đề ra trong năm 2022. Hồ sơ lĩnh vực đất đai có tình trạng pháp lý phức tạp, không rõ ràng về thời điểm và quá trình sử dụng cũng như thời điểm tạo lập nhà ở, liên quan đến tiền sử dụng đất, do đó nhiều trường hợp phải xác minh nhiều lần về nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất, nhà ở để giải quyết đúng quy định. Do đó tỷ lệ giải quyết hồ sơ thủ tục Đăng ký và Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu (lĩnh vực đất đai) đạt 94,20% - giảm 4,49%;
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế vừa nêu, nhưng tập trung chủ yếu do: Nhận thức của một số địa phương, cơ quan về thực hiện QCDC và CCHC chưa đầy đủ, sâu sắc; công tác chỉ đạo thực hiện chỉ thị, nghị quyết của các cấp chưa được quan tâm đúng mức và thường xuyên; công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện còn thiếu đồng bộ. Năng lực, trình độ chuyên môn, nhận thức, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế; phương pháp tổ chức thực hiện chưa phù hợp, bên cạnh đó, việc tổ chức họp dân ở một số nơi rất khó khăn (nhất là những thôn có quy mô trên 500 hộ), nhân dân ít tham gia sinh hoạt nên việc triển khai thực hiện QCDC chưa đạt hiệu quả cao.
Trong thời gian tới, để thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ gắn với cải cách thủ tục hành chính cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Tiếp tục quán triệt sâu sắc các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện QCDC gắn cới công tác và CCHC. Phát huy hơn nữa dân chủ trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, đẩy mạnh CCHC gắn với phân cấp quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Nhà nước “của dân, do dân và vì dân”.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên trong thực hiện QCDC và CCHC. Cấp ủy, tổ chức Đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo để đưa việc xây dựng, thực hiện QCDC và CCHC trở thành nề nếp. Chỉ đạo thực hiện dân chủ gắn với thực hiện chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện.
Công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan, đơn vị, địa phương về chủ trương, chính sách, pháp luật; nội dung quy định và quy chế làm việc của cơ quan nhà nước, thủ tục hành chính và quy trình giải quyết thủ tục hành chính... để nhân dân biết và thực hiện quyền giám sát đối với các hoạt động của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức.
Nâng cao năng lực quản lý, điều hành, xây dựng bộ máy chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh, bảo đảm cho chính quyền các cấp thực sự là chính quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tích cực sửa đổi lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng dân chủ, minh bạch. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong công tác, nhất là trong việc nắm chắc chủ trương, chính sách, pháp luật để giải thích cho dân rõ, gương mẫu chấp hành cho dân theo; tiếp xúc, tổ chức đối thoại, tiếp thu ý kiến phê bình của nhân dân; xây dựng và thực hành phong cách công tác “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính. Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, xếp loại công tác CCHC, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khách quan; làm cơ sở để đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.