Điểm nổi bật trong thực hiện Chương trình phối hợp công tác dân vận giữa Ban Dân vận Tỉnh ủy và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2017 – 2021 In trang
21/11/2022 03:33 CH

Sau 5 năm triển khai Chương trình phối hợp thực hiện công tác dân vận giữa Ban Dân vận Tỉnh ủy với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, giai đoạn 2017 - 2021, đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang về công tác dân vận; tạo sự đồng thuận, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Sau khi ký kết Chương trình phối hợp, Ban Dân vận Tỉnh ủy và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh cụ thể hóa, quán triệt và triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác dân vận và nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh. Phối hợp chỉ đạo hệ thống dân vận, Ban Chỉ huy Quân sự ở địa phương và các đơn vị Quân đội đóng quân trên địa bàn tham gia làm tốt công tác dân vận; phối hợp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, chỉ đạo hệ thống chính trị triển khai và tổ chức thực hiện công tác dân vận, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; củng cố hệ thống chính trị địa phương, cơ sở vững mạnh, tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai, xây dựng nông thôn mới, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, củng cố mối quan hệ đoàn kết quân dân...

Thông qua thực hiện Chương trình phối hợp, các cơ quan, đơn vị đã nâng cao khả năng phối hợp giải quyết các vụ việc từ cơ sở, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo; chủ động, tích cực trong công tác phòng, chống thiên tai, khắc phục sự cố, đối phó với dịch bệnh, giữ gìn ổn định xã hội; nâng cao đời sống nhân dân gắn với củng cố quốc phòng, an ninh vững chắc; đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, phối hợp nhân rộng gương điển hình tiêu biểu, trao đổi về nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành công tác dân vận phù hợp với thực tiễn; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm công tác dân vận.

Để đạt được kết quả trên, hằng năm hai cơ quan đã xây dựng kế hoạch phối hợp thực hiện công tác dân vận gắn với chức năng, nhiệm vụ được giao, đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo Ban CHQS các huyện, thành phố ký kết chương trình, kế hoạch phối hợp với Ban Dân vận cấp ủy cùng cấp thực hiện công tác dân vận; tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo, củng cố kiện toàn khối Dân vận, Mặt trận, các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương. Đồng thời, chỉ đạo sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết về công tác dân vận, công tác dân tộc, tôn giáo ở các cấp, xem xét khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích. Phối hợp, tham mưu thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua yêu nước ở địa phương gắn với đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt”, “LLVT tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới”, “LLVT tỉnh chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; phát động phong trào thi đua đặc biệt “Chống dịch cứu dân trong LLVT tỉnh”; tham gia xây dựng hệ thống cơ sở chính trị vững mạnh, thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, gắn với củng cố quốc phòng - an ninh; phối hợp thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19…

Điểm nổi bật trong thực hiện Chương trình phối hợp đó là việc thực hiện phong trào thi đua “Lực lượng vũ trang tỉnh Lâm Đồng chung sức xây dựng nông thôn mới” và thực hiện các Chương trình phối hợp hoạt động công tác dân vận giữa Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nhân đạo mà đồng chí Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy là Trưởng ban chỉ đạo (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 502 tỉnh). Từ năm 2017 đến nay, Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với Bộ CHQS tỉnh, các ban ngành, đoàn thể và cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức 05 đợt công tác dân vận tập trung tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn của tỉnh với tổng trị giá hơn 16,5 tỷ đồng, toàn bộ nguồn kinh phí này được cụ thể hóa bằng các công trình, hạng mục, mô hình, phần việc cụ thể thiết thực đến bà con nhân dân vùng khó khăn. Đó là hỗ trợ xây dựng hơn 86 căn Nhà Tình thương, Nhà đại đoàn kết, Nhà tình nghĩa quân-dân…; 42 giếng nước sạch, hệ thống làm sạch nước; lắp đặt các tuyến đường điện “Thắp sáng đường quê”; đường bê tông liên thôn; sân chơi cho thiếu nhi; xây nhà vệ sinh; trang bị cơ sở vật chất cho hội trường thôn; nhà sinh hoạt cộng đồng; là các đợt thăm, khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người nghèo; các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cây trồng cho nông dân; tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho gia đình chính sách, người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, người có hoàn cảnh khó khăn; huy động hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ, dân quân, tự vệ tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn khắc phục hậu quả thiên tai, làm đường nông thôn mới... Cán bộ, chiến sĩ LLVT luôn có mặt kịp thời, vượt qua khó khăn, hiểm nguy, tích cực cứu hộ cứu nạn giúp nhân dân sơ tán, phòng tránh, khắc phục hậu quả, ổn định đời sống và sản xuất cho người dân... Góp phần cùng địa phương giảm nghèo, ổn định cuộc sống nhân dân tại những nơi vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng còn nhiều khó khăn nhất của tỉnh, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, gắn với xây dựng đô thị văn minh.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã phối hợp với Bộ CHQS tỉnh và các cơ quan, đơn vị địa phương làm tốt công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Phối hợp hỗ trợ hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, phương tiện vận chuyển, ngày công hỗ trợ cho tuyến đầu phòng chống dịch và các địa phương chịu ảnh hưởng nặng bởi đại dịch Covid-19 với tổng trị giá hàng chục tỷ đồng; phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị các khu cách ly phòng, chống dịch Covid-19 bảo đảm an toàn và tổ chức cách ly y tế cho công dân trở về địa phương; tổ chức triển khai hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh tích cực tham gia làm nhiệm vụ tại 75 chốt kiểm dịch bệnh Covid-19, duy trì hoạt động 06 khu cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh.

Việc thực hiện Chương trình phối hợp giữa Ban Dân vận Tỉnh ủy và Bộ CHQS tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, đạt được nhiều kết quả thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ an ninh quốc phòng trong thời gian qua. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Chương trình phối hợp vẫn còn những khó khăn, tồn tại, hạn chế nhất định. Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác dân vận trong thời gian tới, Ban Dân vận Tỉnh ủy và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cần phối hợp thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

1. Quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả công tác dân vận phù hợp với tình hình mới theo tinh thần Quyết định số 23-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; Quyết định số 456-QĐ/TU, ngày 19/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Lâm Đồng; Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; Kết luận số 120-KL/TW, ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI về công tác dân vận…

2. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác dân vận; tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh. Nhất là trên các địa bàn trọng điểm, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào theo tôn giáo.

3. Đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận phù hợp với tình hình mới. Bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; chủ động đánh giá, dự báo những vấn đề tiềm ẩn có thể phát sinh phức tạp, đề xuất giải quyết tốt các vấn đề phức tạp ngay từ cơ sở, không để hình thành “điểm nóng”.

4. Phối hợp đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi “dân vận khéo”, cuộc vận động; chú trọng xây dựng, phát hiện, khen thưởng, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, “Đơn vị dân vận tốt” trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện gắn kết hiệu quả giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững mạnh, trọng tâm là xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.

5. Phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân vận cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ. Trọng tâm là bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng công tác dân vận, công tác dân tộc, tôn giáo cho cán bộ, chiến sĩ tiến hành công tác dân vận.

6. Phối hợp hướng dẫn kiểm tra, sơ kết, tổng kết chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận. Thường xuyên trao đổi thông tin hai chiều; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phối hợp giữa Ban Dân vận Tỉnh ủy và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh giai đoạn 2022 - 2026; kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các tập thể và cá nhân điển hình trong thực hiện công tác dân vận.

Quang Tuyền

Lượt xem: 1.081