Chuyên đề: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc, thực hiện một cách có kế hoạch với sự đòng lòng của Chính phủ và người dân”. In trang
19/12/2022 02:03 CH

Nội dung “Xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc, thực hiện một cách có kế hoạch với sự đồng lòng của Chính phủ và người dân” là một trong những nội dung cơ bản trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đây là chuyên đề học tập toàn khóa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, bộ tài liệu đã được Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn và phát hành. 

Phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc là nội dung quan trọng trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Người “là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Người là kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại”. Trọn cuộc đời, Người hiến dâng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Di sản tư tưởng Người để lại có ý nghĩa lịch sử và thời đại sâu sắc, đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp, góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự nghiệp đổi mới đất nước; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy tinh thần yêu nước, ý chí và khát vọng phát triển vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đại hội đã xác định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045, định hướng và lãnh đạo, chỉ đạo toàn bộ các hoạt động của Đảng, Nhà nước và xã hội. Trong quan điểm chỉ đạo thực hiện đường lối đổi mới giai đoạn tới, Nghị quyết Đại hội đã khẳng định: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Đồng thời chỉ rõ: “Động lực và nguồn động lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Nội dung “Xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc, thực hiện một cách có kế hoạch với sự đồng lòng của Chính phủ và người dân” đó là:

- Hiện thực khát vọng đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tư tưởng Hồ Chí Minh là phải xây dựng chế độ chính trị dân chủ, tiến bộ, thật sự vì dân, xây dựng đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội văn minh, tiến bộ với những giá trị đạo đức tốt đẹp. Muốn vậy, phải xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc, có kế hoạch thực hiện với sự đồng lòng của Chính phủ và người dân.

- Đất nước giành được độc lập, vấn đề kiến thiết, phát triển kinh tế - xã hội trở nên cấp thiết. Ngày 31/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 78 về việc thiết lập “Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến thiết” của Chính phủ. Phát biểu trong phiên họp đầu tiên của Ủy ban ngày 10/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn mọi người “đem tài năng tri thức lo bồi bổ về mặt kinh tế và xã hội”, “Làm cho dân có ăn. Làm cho dân có mặc. Làm cho dân có chỗ ở. Làm cho dân có học hành”.

- Trong thư gửi các giới công thương Việt Nam, Người viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công-Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công-Thương trong công cuộc kiến thiết này”. Người nhấn mạnh, nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng. Các nhà công nghiệp, thương nghiệp hãy cùng đem vốn vào làm những công cuộc ích quốc lợi dân.

- Trong lĩnh vực nông nghiệp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Nước muốn giàu mạnh thì phải phát triển nông nghiệp”, “Chúng ta phải quý mỗi tấc đất như một tấc vàng”. Người khuyến khích: “Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh. Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh, thì cần phải có hợp tác xã”.

- Theo Người, “muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải phát triển công nghiệp nhưng đồng thời cũng phải phát triển nông nghiệp, vì hai ngành đó khăng khít với nhau... Nếu ngành công nghiệp phát triển mà ngành nông nghiệp không phát triển thì khập khễnh như người đi một chân”. Xuất phát từ điều kiện nước ta, sản xuất nông nghiệp có một vị trí hết sức quan trọng, Người chủ trương phải cải tạo và phát triển nông nghiệp thì mới có cơ sở để phát triển các ngành kinh tế khác, để tạo điều kiện cho việc công nghiệp hóa nước nhà.

- “Nhân dân ta, đặc biệt là công nhân và nông dân ta, phải hăng hái thi đua yêu nước, thực hiện khẩu hiệu: làm nhiều, nhanh, tốt, rẻ”. “Tự lực cánh sinh, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm”. Có sự chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn xã hội, như vậy mới phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày càng thắng lợi.

  Kính thưa toàn thể các đồng chí, nội dung chuyên đề: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc, thực hiện một cách có kế hoạch với sự đồng lòng của Chính phủ và người dân” tuy ngắn, nhưng đã để lại cho chúng ta những bài học sâu sắc về tư duy phát triển kinh tế của Bác, về sức mạnh của sự đồng lòng, đồng thuận của Nhân dân và Chính phủ để xây dựng một nền kinh tế vững chắc, phát triển. Đặc biệt, Bác nhấn mạnh mối quan hệ khăng khít, biện chứng giữa ngành công nghiệp và nông nghiệp để xây dựng một nền kinh tế vững chắc. Theo Bác, “muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải phát triển công nghiệp nhưng đồng thời cũng phải phát triển nông nghiệp. Dựa và đặc điểm nước ta xuất phát điểm sau giải phóng là rất thấp, một đất nước thuần nông, thu nhập bình quân trên đầu người thấp, ngân khố quốc dân chỉ còn lại những đồng tiền rách…

Hiện nay, đất nước ta và cả thế giới đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Kinh tế, xã hội bị ảnh hưởng nặng nề. Thu nhập người dân trong 2 năm liên tiếp đều giảm mạnh. Thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2021 theo giá hiện hành đạt khoảng 4,2 triệu đồng, giảm 73.000 đồng so với năm 2020; tỷ lệ nghèo tiếp cận đa chiều ước khoảng 4,4%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với năm 2020. Khu vực Công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề, tăng trưởng âm. Khu vực nông nghiệp có thể coi là "bệ đỡ" cho nền kinh tế và "tấm nệm" cho công tác an sinh xã hội dù đại dịch Covid-19 đã gây tác động lớn tới mọi mặt của kinh tế, đời sống, xã hội. Đặc biệt trong quý 3, kinh tế suy giảm chưa từng có khi GDP giảm tới 6,02%. Trong bối cảnh nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh tế bị gián đoạn và thiệt hại nặng nề thì sản xuất nông nghiệp vẫn được duy trì góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an ninh lương thực quốc gia cũng như đóng góp vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu.

Đối với tỉnh Lâm Đồng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã nêu trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức mới gay gắt hơn, nhất là đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ tư đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh, tốc độ tăng trưởng và đời sống nhân dân; trước tình hình đó với phương châm thực hiện sáng tạo, linh hoạt “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội; Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã quyết tâm thực hiện đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp về phát triển kinh tế, xã hội.

Năm 2021, GRDP bình quân đầu người đạt từ 66,2 - 67,1 triệu đồng; tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh đạt 10.620 tỷ đồng (kế hoạch 9.300 tỷ đồng) tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài ra, các chỉ số về phát triển kinh tế và sự đồng thuận của người dân với chính quyền đều tăng cao so với các năm trước đó:

- Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2020 đứng hạng 32/63 tỉnh, thành phố; năm 2021 tăng 3 bậc đứng thứ 29/63 tỉnh, thành.

- Chỉ số hài lòng về phục vụ hành chính công (SIPAS) năm 2020 đứng thứ hạng 30/63 tỉnh, thành; năm 2021 tăng 3 bậc đứng thứ 27/63 tỉnh, thành.

- Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 đứng thứ 23/63; năm 2021 tăng 8 bậc lên đứng thứ 15/63 tỉnh, thành.

- Đặc biệt, chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020 đứng cuối hạng tức là 63/63 tỉnh, thành; năm 2021 tăng 45 bậc lên đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Những kết quả về phát triển kinh tế và các chỉ số nêu trên đã thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh và sự đồng thuận của người dân để thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Thực hiện tốt phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Điều đó, thể hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc, thực hiện một cách có kế hoạch với sự đồng lòng của cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân.

Bùi Quang Tuyền

Lượt xem: 1.033