Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023) In trang
16/03/2023 03:14 CH

Đại tướng Chu Huy Mân tên thật là Chu Văn Điều, là con trai út trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Hòa, TP Vinh, tỉnh Nghệ An). Thuở nhỏ, dù cha mất sớm, mẹ một mình nuôi 9 anh chị em. Cậu bé Chu Văn Điều sớm cảm nhận được nỗi cực khổ, cơ hàn của đồng bào dưới chế độ thực dân nửa phong kiến hà khắc, vô nhân đạo. Lớn lên giữa vùng đất Nghệ An địa linh nhân kiệt, chàng thanh niên Chu Văn Điều đã tiếp thu tinh thần yêu nước thương nòi, nung nấu chí căm thù quân xâm lược, thà chết vinh còn hơn sống nhục, không đội trời chung với thực dân Pháp và bọn phong kiến.

z4186778459695_b8a456c855707398e1ce8377dc068700.jpg
z4186778459695_b8a456c855707398e1ce8377dc068700.jpg

Do đó, khi phong trào cách mạng vừa mới được nhen nhóm, chàng trai trẻ Chu Văn Điều đã nhanh chóng đứng vào hàng ngũ những người yêu nước. Đồng chí Chu Huy Mân được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới hơn 17 tuổi. Trong lễ kết nạp, đồng chí tuyên thệ: “Nguyện chiến đấu trọn đời cho Đảng, cho cách mạng, nếu bị bắt bớ, cực hình tra tấn quyết không cung khai, dù phải chịu tù đày quyết không nản chí, vào sống ra chết quyết không sờn lòng”.

Lời thề sắt son và thiêng liêng khi đứng dưới lá cờ Đảng đêm đó đã theo Chu Huy Mân suốt cả cuộc đời, nó giúp ông vượt qua hàng chục trận đòn roi tàn bạo của bọn tay sai thực dân sau những lần bị bắt giam trong nhà lao Vinh, những năm tháng bị tù đày khổ sai ở nhà ngục Buôn Ma Thuột, Đắc Lay rồi Đắc Tô, Kon Tum “rừng thiêng nước độc”. Trong các nhà tù đế quốc, kẻ thù đã dùng mọi âm mưu thủ đoạn, tra tấn cực hình, rồi mua chuộc dụ dỗ nhưng vẫn không làm Chu Huy Mân sờn lòng nản chí.

Nuôi chí lớn, lòng hướng về tương lai dân tộc, đất nước. Tháng 3/1943, đồng chí Chu Huy Mân cùng Nguyễn Duy Trinh, Huỳnh Ngọc Huệ và Hà Thế Hạnh tổ chức vượt ngục trở về với Đảng, tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1945, đồng chí Chu Huy Mân chỉ huy lực lượng tự vệ vũ trang tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Quảng Nam. Sau đó được phân công đảm nhiệm Chính trị viên Tỉnh đội. Từ đây, tài năng xây dựng lực lượng vũ trang, tổ chức thế trận quốc phòng của đồng chí Chu Huy Mân được phát huy. Với đồng chí Chu Huy Mân, phương châm xây dựng lực lượng vũ trang là lấy giáo dục chính trị và bồi dưỡng cán bộ làm chính, cán bộ trưởng thành về chính trị là cơ sở để học tập, nắm vững và không ngừng sáng tạo nghệ thuật quân sự. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí Chu Huy Mân được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Chủ tịch Ủy ban Quân chính 4 tỉnh Trung bộ, Xứ ủy Trung Kỳ. Khi nước nhà giành được độc lập, đồng chí Chu Huy Mân làm Chủ tịch Ủy ban quân chính Khu C (gồm Quảng Nam, thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Quảng Bình), Chính trị viên Mặt trận đường 9 Đông Hà -Xavanakhẹt.

Tháng 12/1946, sau lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí Chu Huy Mân được Trung ương Đảng điều động ra Việt Bắc làm Trưởng Ban Kiểm tra xây dựng Đảng Quân khu ủy Việt Bắc. Sau đó lần lượt giữ các chức vụ: Trung đoàn trưởng Trung đoàn 72, Bí thư Đảng ủy, Trung đoàn 74 Cao Bằng, Chính ủy Trung đoàn 174 Cao - Bắc - Lạng. Tháng 5/1951, đồng chí giữ chức Phó Chính ủy, rồi Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đại đoàn 316, chỉ huy Đại đoàn tham gia các chiến dịch lớn. Ngày 13/3/1954, trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, đồng chí Chu Huy Mân làm Chính ủy Đại đoàn 316, chỉ huy bộ đội đánh các trận: đồi C1; C2, đồi A1, tiêu diệt cứ điểm Him Lam, tham gia trận đánh cuối cùng bắt tướng Đờ Cát, góp phần lập công vào “Chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu”.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, với âm mưu chia cắt đất nước ta, Việt Nam tạm thời chia cắt làm hai miền, nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được đặt lên hàng đầu. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Giúp bạn chính là giúp mình”, với tinh thần quốc tế cao cả. Đồng chí Chu Huy Mân được giao nhiệm vụ làm Trưởng đoàn cố vấn chuyên gia, giúp cách mạng Lào xây dựng lực lượng vũ trang. Tháng 5/1957, đồng chí Chu Huy Mân đang giữ chức Chính ủy Quân khu 4, Trung ương đã điều động sang Sầm Nưa để giúp cách mạng Lào. Năm 1958, đồng chí Chu Huy Mân được phong quân hàm Thiếu tướng; được Đảng, Quân đội và Nhân dân các bộ tộc Lào yêu mến gọi là “Tướng Thao Chăn”.

Với tài thao lược về quân sự. Năm 1963, đồng chí Chu Huy Mân được Bộ Chính trị cử vào nghiên cứu chiến trường khu 5 làm Phó Bí thư Khu ủy, rồi Chính ủy, Bí thư Quân khu ủy Quân khu 5. Đồng chí Chu Huy Mân là nỗi khiếp đảm của Mỹ ngụy trên chiến trường khu 5, mặt trận Tây Nguyên. Ông cầm quân đến đâu, kẻ thù thua chạy ở đấy, càng đánh càng lớn mạnh, lớp lớp thanh niên các dân tộc trong các sư đoàn chủ lực của khu 5 lập nên nhiều chiến công lớn, tạo thế và lực mới cho toàn chiến trường. Những chiến công thắng Mỹ-ngụy của Mặt trận Tây Nguyên, của Quân khu 5, những bước tiến bộ của bộ đội Pa-thét Lào... đều có dấu ấn của ông trong xây dựng bộ đội về chính trị, tổ chức bộ đội chiến đấu và vận động nhân dân tham gia xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân vững mạnh.

Trong một lần Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc với đồng chí Chu Huy Mân, khi biết ông đang làm cả nhiệm vụ chỉ huy và công tác chính trị, Người đã nói với ông: “Chú chịu khó gánh cả hai vai cho khỏe càng tốt”. Vì câu chuyện này, bộ đội Tây Nguyên gọi ông với bí danh “Hai Mạnh”, mạnh về quân sự và mạnh về chính trị. Năm 1974, với tài giỏi chỉ huy và có nhiều sáng kiến, đa tài, đức độ, đồng chí Chu Huy Mân được thăng quân hàm vượt cấp, từ Thiếu tướng lên Thượng tướng.

Mùa xuân năm 1975, với trận then chốt Buôn Ma Thuột, đã đẩy địch vào thế bị động chiến lược, có được những thay đổi phù hợp với tình hình. Với cương vị tư lệnh Quân khu 5, đoán biết quân địch sẽ bỏ Tây Nguyên, ông bàn với Bộ Tư lệnh nhanh chóng tiến công vào thị xã Tam Kỳ, cắt đứt con đường thoát của chúng, tạo bàn đạp tiến công Đà Nẵng. Sau khi giải phóng Tam Kỳ, Quân khu 5 phối hợp với cánh quân khác vào giải phóng Đà Nẵng, căn cứ liên hợp lớn nhất miền trung của địch. Chiến thắng này đã tạo thế và lực để quân đội ta mở cuộc tổng tiến công, nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước.

Chiến tranh kết thúc, cả nước bước vào thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa trong hòa bình. Tướng Chu Huy Mân đã được bầu vào Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương Đảng trong các kỳ đại hội IV và V. Năm 1980, đồng chí được phong quân hàm Đại tướng, giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng nhà nước (nay là Phó Chủ tịch nước)… Ông từ trần ngày 1/7/2006, thọ 93 tuổi.

Chu Huy Mân, vị Đại tướng đa tài, bản lĩnh, nhạy cảm, trí tuệ và rất tình cảm, được Bác Hồ vinh danh là “Hai Mạnh”. Với  93 tuổi đời, 76 năm tuổi Đảng, 61 năm tuổi quân, chiến đấu, hy sinh trọn đời cho cuộc đấu tranh giành và giữ nền độc lập dân tộc. Đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng, Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân Chương Quân công hạng Nhất; Huân Chương Độc lập hạng Nhất; Huy hiệu Xô viết Nghệ Tĩnh; Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày và nhiều phần thưởng cao quý khác. Suốt cuộc đời ông đã đem hết ý chí, sức lực và trí tuệ của người cộng sản cống hiến cho cách mạng, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Tên của ông đã được đặt cho nhiều đường phố trên cả nước.

Cho đến tận cuối đời, Đại tướng Chu Huy Mân vẫn trăn trở với công tác xây dựng bộ đội về chính trị tư tưởng. Vị tướng “Hai Mạnh” của Quân đội ta luôn mong muốn phát huy vai trò của người chính ủy, chăm lo xây dựng quân đội tinh nhuệ, trước hết phải tinh nhuệ về chính trị, tinh thần là chủ yếu; chú trọng bồi dưỡng cán bộ về các mặt chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, năng lực và tác phong công tác. Ông đúc kết lại:

“Chỉ có người cộng sản chân chính, trung thực, vô tư
mới trồng được con người cộng sản chân chính”

Tuấn Huy

Lượt xem: 665