Xác định công tác dân vận luôn là “sợi chỉ đỏ”, là nguyên tắc chiến lược xuyên suốt trong công tác xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị, từ nhiều năm nay, công tác dân vận và phong trào thi đua “dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp ủy Đảng quan tâm chỉ đạo và được hệ thống dân vận triển khai thực hiện khá đồng bộ, có nhiều đổi mới, hiệu quả thiết thực, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị. Trong đó, những thành quả công tác dân vận chính quyền và “dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới” thực sự là những “điểm sáng”, bước phát triển mới về “chất” trong công tác dân vận và phong trào thi đua “dân vận khéo” tỉnh Lâm Đồng.
Công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp
Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 27/02/2018 về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới; phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1030/QĐ-UBND ngày 01/6/2018 Ban hành quy định tiêu chí, thang điểm và phương pháp đánh giá công tác dân vận của các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (đã được sửa đổi, bổ sung bằng Quyết định 2372/QĐ-UBND ngày 22/9/2021).
Hàng năm, Ban Dân vận Tỉnh ủy đều phối hợp với UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện công tác dân vận chính quyền. Theo đó, các sở, ngành và địa phương đã xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện phù hợp với tình hình, nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương. Cuối năm, 100% sở, ban, ngành, địa phương đều tự chấm điểm công tác dân vận chính quyền theo Quyết định 2372/QĐ-UBND ngày 22/9/2021 gửi về Sở Nội vụ và Ban Dân vận Tỉnh ủy. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức kiểm tra, chấm điểm, đánh giá, tham mưu UBND tỉnh quyết định phân loại công tác dân vận chính quyền hàng năm.
Việc cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông đạt 100%; ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách TTHC góp phần tạo sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp; nhiều TTHC đã được áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO, thực hiện theo cơ chế một cửa và một cửa điện tử, đảm bảo việc theo dõi và kiểm soát quá trình giải quyết được chính xác. Đến thời điểm hiện tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã triển khai được 47 dịch vụ công toàn trình và 49 dịch vụ công một phần. Việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến và thí điểm giải quyết TTHC thông qua dịch vụ bưu chính công ích đã tạo điều kiện thuận lợi, giúp giảm thiểu thời gian, tiết kiệm kinh phí cho người dân, tổ chức, cá nhân; tăng cường tính công khai, minh bạch, góp phần cải thiện nhanh các chỉ số PCI, PAPI của tỉnh, tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia tỉnh Lâm Đồng đã số hóa kết quả giải quyết TTHC tạo thuận lợi cho việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử. Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của tỉnh năm 2021 đạt 86,75 điểm, xếp thứ 29/63 tỉnh, thành, tăng 3 bậc; Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tăng mạnh với 43,54 điểm, xếp thứ 18/63 tỉnh, thành, tăng 45 bậc so với năm 2020; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 đạt 67,17 điểm, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố cả nước, tăng 2,74 điểm và 8 bậc so với năm 2020.
Việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội luôn được chính quyền các cấp tổ chức triển khai thông qua việc ban hành các chính sách, cơ chế thuận lợi tạo môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển; tuyên truyền, vận động hỗ trợ người dân mạnh dạn chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng phát triển... Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cũng đặc biệt quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ, chăm lo cho các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu,vùng xa, vùng khó khăn. Nhờ vậy, tất cả các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong những năm qua đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, nhất là các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, thu nhập người dân, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội... đều có sự chuyển biến tích cực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch hợp lý, Lâm Đồng là địa phương đi đầu cả nước về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và phát triển mạnh lực lượng sản xuất nông nghiệp.
Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, kiến nghị của nhân dân được các cấp chính quyền, các cơ quan nhà nước quan tâm, chú trọng việc tiếp xúc đối thoại trực tiếp với nhân dân nhằm tuyên truyền, vận động, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc ở cơ sở, không để hình thành “điểm nóng” như đối thoại về bồi thường giải phóng mặt, những vấn đề được nhân dân quan tâm liên quan đến đất đai, ô nhiễm môi trường, chế độ, chính sách...
Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở từng bước đi vào nền nếp,các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương thuộc tỉnh đã quan tâm đến việc xây dựng, ban hành, thiết lập hệ thống quy chế cơ quan, đơn vị. Qua đó, khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, trí tuệ, sức sáng tạo, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Bên cạnh đó, chính quyền các cấp đã chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và có nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức, tạo sự chuyển biến trong tác phong, lề lối làm việc theo phương châm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”; trên tinh thần “Nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, góp phần phòng, chống quan liêu, tham nhũng; đề cao trách nhiệm người đứng đầu và nâng cao chất lượng thực thi công vụ, giảm dần tình trạng quan liêu, mệnh lệnh hành chính. Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường kỷ luật, siết chặt kỷ cương hành chính; thực hiện nếp sống văn minh... Ngoài ra, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với Ban Dân vận cùng cấp ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức các phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chính quyền các cấp đã chủ động xây dựng quy chế phối hợp hoạt động giữa Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp để thiết lập mối quan hệ công tác, hỗ trợ, phối hợp nhằm hoàn thành nhiệm vụ theo Nghị quyết Đảng bộ cùng cấp đã đề ra. Ủy ban nhân dân các cấp xây dựng quy chế, chương trình phối hợp với các đoàn thể trong việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế -xã hội, quốc phòng-an ninh của địa phương, đẩy mạnh cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, phòng chống tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội.
Phong trào thi đua “dân vận khéo”
Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ động tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua dân vận khéo giai đoạn 2021 - 2025”, đồng thời cụ thể hóa, triển khai hướng dẫn các địa phương, cơ quan, đơn vị xây dựng mô hình và nhân rộng điển hình “dân vận khéo” giai đoạn 2022 - 2025. Theo đó, phong trào thi đua “dân vận khéo” được coi là phương thức quan trọng để tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gắn với nhiệm vụ chính trị của tỉnh, địa phương và từng cơ quan, đơn vị. Cụ thể, trong những năm gần đây, phong trào thi đua “dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới” thực sự đã phát huy tốt vai trò của mình thông qua nhiều mô hình, điển hình có nội dung phong phú, đa dạng với cách làm hay, sáng tạo, sát với thực tiễn, đem lại hiệu quả thiết thực; tập hợp, vận động được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia hoàn thành các chỉ tiêu quan trọng về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị... Điểm nhấn, tạo nên thành công của phong trào thi đua “dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới” đó chính là hiệu quả của các đợt công tác dân vận tập trung của Ban Chỉ đạo Các chương trình phối hợp giữa lực lượng vũ trang với các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh (Ban Chỉ đạo 502 tỉnh) do đồng chí Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy là Trưởng Ban Chỉ đạo. Trong những năm qua, với “sứ mệnh” quan trọng là giúp đỡ các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn sớm hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, Ban Chỉ đạo 502 tỉnh đã phối hợp cùng hệ thống chính trị các cấp, các địa phương, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, huy động mọi nguồn lực tổ chức 9 đợt công tác dân vận tập trung tại 12 xã khó khăn của tỉnh với tổng giá trị trên 31,6 tỷ đồng (trong đó, 2 năm gần đây số kinh phí huy động lên đến gần 4 tỷ/1 đợt). Toàn bộ nguồn kinh phí này được cụ thể hóa bằng các công trình, hạng mục, phần việc, mô hình cụ thể thiết thực đến bà con nhân dân vùng khó khăn. Đó là hỗ trợ xây dựng hơn 85 căn Nhà Tình thương, Nhà đại đoàn kết, Nhà tình nghĩa Quân -Dân…; hơn 50 giếng nước sạch, hệ thống làm sạch nước; lắp đặt các tuyến đường điện “Thắp sáng đường quê”; đường bê tông liên thôn; sân chơi cho em; xây nhà vệ sinh; trang bị cơ sở vật chất cho hội trường thôn; nhà sinh hoạt cộng đồng; là các đợt thăm, khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người nghèo; các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cây trồng cho nông dân...
Chính hiệu quả của các đợt dân vận tập trung do Ban Chỉ đạo 502 tỉnh tổ chức đã lan tỏa đến các huyện, thành phố trong tỉnh. Trong những năm gần đây, Ban Chỉ đạo các huyện, thành phố đều tham mưu cho Ban Thường vụ các huyện, thành ủy tổ chức các đợt dân vận tập trung tại các địa bàn khó khăn thu hút cả hệ thống chính trị địa phương cùng tham gia với sự đồng lòng, quyết tâm cao của nhân dân địa phương. Từ thực tiễn triển khai cho thấy thành công lớn nhất của các đợt công tác dân vận tập trung đó chính là đã phát huy được vai trò, sức dân trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị chung của địa phương; chính người dân đã đồng lòng, tự nguyện góp công sức và tiền của đối ứng cùng Ban Chỉ đạo trong từng công trình, hạng mục, phần việc để có được những kết quả ấn tượng nêu trên. Những kết quả khả quan trên các mặt, những số liệu ấn tượng trong các đợt công tác dân vận tập trung đã tạo nên “thương hiệu” của Ban Chỉ đạo 502 tỉnh, “nâng tầm” công tác dân vận trên địa bàn tỉnh, góp phần ổn định cuộc sống người dân, đổi thay diện mạo nông thôn, giúp các xã vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS khó khăn sớm hoàn thành các tiêu chí quan trọng về xây dựng Nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh có 109/111 xã (98,2%) nông thôn mới (trong đó: có 40 xã NTM nâng cao; 14 xã NTM kiểu mẫu); 07 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
“Dân vận khéo” được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đặc biệt quan tâm, phát huy hiệu quả trong những năm qua. Trong năm 2022, nổi trội và hiệu quả cao là mô hình “hỗ trợ sinh kế người nghèo” thông qua việc trao phương tiện sinh kế các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Mô hình đã hỗ trợ trên 18 tỷ đồng (mức hỗ trợ mỗi hộ từ 06 triệu đồng đến 20 triệu đồng) cho hơn 1.257 hộ nghèo, hộ cận nghèo tại 23 xã, 3 thị trấn thuộc 7 huyện của tỉnh để thực hiện các mô hình sản xuất kinh tế như: trồng chuối laba, trồng chanh dây, trồng dâu nuôi tằm, nuôi heo đen, cải tạo, trồng xen cây ăn trái, hệ thống béc tưới, giống rau... Sự hỗ trợ kịp thời, thiết thực từ mô hình “sinh kế người nghèo” đã tạo động lực, đòn bẩy giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là bà con dân tộc thiểu số từng bước phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Phong trào thi đua “dân vận khéo” đã tác động mạnh mẽ đến các tổ chức, cơ sở tôn giáo trên địa bàn tỉnh; các tổ chức, cơ sở tôn giáo tích cực tham gia phong trào thi đua “dân vận khéo” bằng nhiều hoạt động, mô hình cụ thể như: Giáo xứ sáng, xanh, sạch, đẹp; Giáo xứ kiểu mẫu; Giáo họ an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19... Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, các chức sắc, tín đồ các tôn giáo đã có nhiều đóng góp quan trọng góp phần hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, đồng hành cùng dân tộc, sống “tốt đời, đẹp đạo”; không chỉ tuyên truyền sâu rộng đến các tín đồ thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch mà còn có các hoạt động hỗ trợ các địa phương trong và ngoài tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: vận động, quyên góp trên 3 tỷ đồng; tổ chức quyên góp, vận chuyển gần 11 ngàn tấn rau, củ, quả, nhu yếu phẩm, thiết bị y tế, phương tiện phòng dịch trị giá trên 10 tỷ đồng thông qua các chương trình: chuyến xe không đồng, chuyến xe yêu thương, siêu thị 0 đồng, chợ nhân đạo, tình nguyện ủng hộ cơ sở vật chất làm cơ sở cách ly tập trung hay huy động y sĩ, dược sĩ tham gia chiến dịch tiêm chủng lưu động...
Từ thực tiễn triển khai phong trào thi đua “dân vận khéo”, nhiều mô hình, điển hình đã kịp thời được giới thiệu, lan tỏa và nhân rộng thông qua chuyên mục, chuyên trang “dân vận khéo” trên sóng Đài phát thanh, truyền hình và Báo Lâm Đồng do Ban Dân vận Tỉnh ủy và Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Lâm Đồng phối hợp thực hiện. Từ năm 2017 đến nay, đã có trên 65 phóng sự và hơn 200 bài viết về các tập thể, cá nhân có mô hình tiêu biểu trong phong trào thi đua dân vân khéo trên các lĩnh vực đời sống được giới thiệu trên chuyên mục, chuyên trang “dân vận khéo”.
Có thể thấy, hệ thống dân vận tỉnh đã có sự nỗ lực trong đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận trên tất cả các lĩnh vực, những kết quả tích cực mà công tác dân vận tỉnh đạt được trong thời gian qua đã tạo sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần tích cực xây dựng và củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền các cấp với Nhân dân, động viên, khích lệ nhân dân tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị không ngừng nỗ lực đạt mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, hướng tới mục tiêu chiến lược trước năm 2025 là tỉnh khá./.
Phạm Thị Phúc - UVBTV, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy