Vai trò của đội ngũ doanh nhân được phát huy mạnh mẽ sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị ở Lâm Đồng In trang
14/10/2021 09:16 SA

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị và chương trình hành động số 30-CTr/TU ngày 05/3/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế (gọi tắt là Nghị quyết số 09-NQ/TW) trên địa bàn tỉnh. Nhiều chủ trương, chính sách, cơ chế tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nhân, doanh nghiệp được ban hành; cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh cả về số lượng,  chất lượng và có những đóng góp quan trọng, tích cực cho sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nhà trong thời gian qua.

Công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị được cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm, chú trọng. Các tổ chức trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đúng, đủ về vai trò, vị trí của doanh nhân, doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như tinh thần nội dung Nghị quyết số 09-NQ/TW. Thông qua các nội dung, hoạt động thiết thực đã tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam’’,“đưa hàng Việt về nông thôn’’... Có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, phát huy tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội; khuyến khích các hoạt động sản xuất, kinh doanh tạo ra nhiều của cải cho xã hội; tôn vinh sự cống hiến và bảo hộ thu nhập hợp pháp của doanh nhân, doanh nghiệp.

Doanh nhân tham gia các hoạt động cộng đồng.
Doanh nhân tham gia các hoạt động cộng đồng.

Các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã chú trọng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, tích cực quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW tại địa phương, cơ quan, đơn vị. Quan tâm hơn trong công tác chỉ đạo, tham mưu bổ sung, sửa đổi, ban hành các văn bản giảm bớt các thủ tục hành chính, xây dựng hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Quan tâm, gặp mặt, đối thoại trực tiếp, lắng nghe ý kiến, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng ý thức hơn về tinh thần tự tôn dân tộc, về vai trò, trách nhiệm xã hội của mình; doanh nghiệp, doanh nhân luôn là lực lượng chủ yếu đóng góp tích cực vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giải quyết việc làm cho người lao động, đóng góp vào ngân sách Nhà nước.

Trong 10 năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm ban hành nhiều chủ trương, chính sách, cơ chế thuận lợi nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo cơ hội hợp tác phát triển, cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cụ thể:

Chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, đầu tư..., góp phần giảm thời gian đăng ký kinh doanh; thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” ở tất cả các sở, ngành liên quan đến doanh nghiệp; tổ chức các hội nghị, hội thảo đầu tư, thu hút đầu tư; ứng dụng công nghệ thông tin, trang thông tin điện tử; thực hiện công khai minh bạch các chủ trương, chính sách liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm minh bạch giữa cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức với doanh nghiệp, doanh nhân; quan tâm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, lắng nghe ý kiến đóng góp của doanh nhân, doanh nghiệp về cơ chế chính sách; hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, xây dựng quỹ hỗ trợ khởi nghiệp...

UBND tỉnh đã công khai, minh bạch các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của địa phương, quy hoạch ngành, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn mới; các chương trình, dự án liên quan, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện để cho doanh nghiệp, doanh nhân tiếp cận bình đẳng. Có các chính sách khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn, đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp ở nông thôn phát triển. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới gắn với với việc hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm tăng qua từng năm. Các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư, ứng trước cho các hộ nông dân, liên kết hợp tác với các hộ nông dân có ruộng đất để sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn, kỹ thuật quy chuẩn, làm gia tăng giá trị sản phẩm cung ứng cho thị trường trong nước và quốc tế. Các hình thức này cũng đã kích thích các hộ nông dân mạnh dạn đầu tư hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.

Thành lập các Ban chỉ đạo cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tổ giúp việc; tổ hỗ trợ khởi nghiệp. Thành lập các quỹ hỗ trợ tín dụng, bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo… nhằm hỗ trợ lãi suất vay cho các doanh nghiệp thấp hơn lãi suất vay của các ngân hàng thương mại. Đặc biệt, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành nhiều chính sách, quy định để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.

Doanh nhân tham gia các hoạt động cộng đồng.
Doanh nhân tham gia các hoạt động cộng đồng.

Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng quan tâm, chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng: kỹ năng quản trị doanh nghiệp, kiến thức pháp luật về nội dung các Hiệp định thương mại Việt Nam ký kết với các nước trên thế giới (các chính sách pháp luật liên quan đến hội nhập quốc tế, các kiến thức về WTO, FTA... truy xuất nguồn gốc sản phẩm, quyền sở hữu công nghiệp trí tuệ, xây dựng thương hiệu, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, công nghệ 4.0 …) cho hàng ngàn lượt doanh nhân, doanh nghiệp tham gia. Nâng cao nhận thức chính trị, bản lĩnh, trách nhiệm của đội ngũ doanh nhân đối với cộng đồng, tinh thần tự tôn dân tộc; nâng cao năng lực quản lý, điều hành; thực hiện xây dựng văn hóa doanh nghiệp; xây dựng các nội quy, quy chế, quy định, quy trình thực hiện dân chủ ở cơ sở và đối thoại giữa người sử dụng lao động với người lao động trong doanh nghiệp.

Công tác phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các doanh nghiệp ngày càng được quan tâm. Đến nay, toàn tỉnh có 117/7.034 doanh nghiệp các loại hình đang hoạt động có tổ chức Đảng (23 Đảng bộ cơ sở, 94 Chi bộ cơ sở), với 2.740 đảng viên.

Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 7.034 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm 68,5% tổng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh. Năm 2020, có 1.342 doanh nghiệp đăng ký mới, tăng 97,93% so với năm 2011, vốn đăng ký bình quân/doanh nghiệp là 10 tỷ đồng, tăng 129,88% so với năm 2011. Đến này, số dự án FDI là 101 dự án còn hiệu lực, vốn đăng ký 548,7 triệu USD, vốn thực hiện 431,377 USD. Trong đó, giai đoạn 2011 - 2020 có 49 dự án được cấp, với vốn đầu tư thực hiện tăng 36,93% so với giai đoạn trước. Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn 2011 - 2021, tỉnh Lâm Đồng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khá, bình quân tổng sản phẩm trong nước (GRDP-giá SS 2010) tăng 6,70%.

Chính sự nỗ lực vượt qua khó khăn, chủ động, tích cực phát triển sản xuất, kinh doanh của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong thời gian qua đã góp phần quan trọng trong những kết quả nêu trên. Với nhiều loại hình doanh nghiệp mới được thành lập, các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng quy trình quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, hướng đến sự phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, khai thác lợi thế, tiềm năng của địa phương trong sản xuất các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường. Những điểm tích cực này đã giúp cho doanh nghiệp, doanh nhân Lâm Đồng tăng về số lượng, vốn đăng ký, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Đồng thời, góp phần trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xã hội, tăng ngân sách cho địa phương và ngày càng khẳng định vai trò là lực lượng chủ lực trên lĩnh vực kinh tế tỉnh nhà.

Cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp tỉnh cũng đã tích cực tham gia và thực hiện tốt các hoạt động vì cộng đồng, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của địa phương, nhất là vấn đề an sinh xã hội, người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khó khăn trên địa bàn tỉnh được thụ hưởng nhiều công trình do các doanh nghiệp tài trợ và giúp đỡ.

Hằng năm, tỉnh tổ chức gặp mặt, tôn vinh, biểu dương doanh nhân, doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) gắn với việc biểu dương, khen thưởng đối với các doanh nhân, doanh nghiệp có thành tích xuất sắc đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đóng góp cho các chương trình an sinh xã hội. Bình quân mỗi năm có trên 58 lượt doanh nhân, doanh nghiệp được Tỉnh ủy, UBND tỉnh biểu dương, khen thưởng,  cụ thể: năm 2013 có 40 doanh nghiệp, doanh nhân. Năm 2014 có 38 doanh nghiệp và 38 doanh nhân. Năm 2015 có 01 doanh nghiệp và 39 doanh nhân; năm 2016 có 49 doanh nhân. Năm 2017 có 61 doanh nhân. Năm 2018 có 50 doanh nghiệp. Năm 2019 có 58 doanh nghiệp. Năm 2020 có 34 tập thể và 60 doanh nhân. Từ sự ghi nhận, biểu dương kịp thời này đã động viên, khuyến khích đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân không ngừng nỗ lực hơn nữa cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ngọc Bích

Lượt xem: 1.195