Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm thu hút, phát huy vai trò của nguồn nhân lực khoa học và công nghệ tỉnh Lâm Đồng In trang
19/04/2024 09:34 SA

 

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Nhận thức rõ vai trò quan trọng của nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ngay từ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI đến Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, quyết sách, chiến lược, tư duy, tầm nhìn mới và nhiều giải pháp cụ thể trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, đáp ứng yêu cầu của mục tiêu chuyển đổi số, xã hội số, góp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay. 

Lý luận và thực tiễn đã chứng minh, để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ là yếu tố then chốt và như vậy, việc phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Nguồn nhân lực này là tập hợp những người tham gia vào các hoạt động khoa học và công nghệ với các chức năng nghiên cứu, sáng tạo, giảng dạy, quản lý, tác nghiệp. Đây là lực lượng góp phần quyết định tạo nên sự phát triển, tiến bộ của khoa học và công nghệ nói riêng và của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói chung, là lực lượng tiên phong trong việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, thực hiện việc ứng dụng có kết quả vào điều kiện Việt Nam, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hiện nay, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang tác động nhiều mặt đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đồng thời đặt ra những yêu cầu mới, nhiệm vụ mới đối với việc phát triển nguồn nhân lực ở mỗi quốc gia, dân tộc, trong đó tập trung hướng đến việc phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ phù hợp với xu thế thời đại, thích ứng với bối cảnh cạnh tranh, đây là một trong những giải pháp quan trọng được nhiều quốc gia lựa chọn thực hiện và đã mang lại kết quả rất tốt. 

Lâm Đồng là một tỉnh miền núi thuộc Nam Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng, nằm ở hành lang nối Tây Nguyên với các tỉnh ven biển Nam Trung bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có nhiều cơ sở nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực của tỉnh và Trung ương đóng trên địa bàn. Trong những năm qua, đội ngũ trí thức khoa học công nghệ của tỉnh và của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh là lực lượng chủ chốt, đi đầu, đóng góp tích cực vào việc nâng cao nguồn lực, trí tuệ trong quá trình phát triển trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như đóng góp ý kiến tư vấn, phản biện và giám định xã hội liên quan đến một số chủ trương, chính sách của tỉnh về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, giao thông vận tải, quy hoạch và xây dựng, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công nghệ thông tin và viễn thông… Nhìn một cách tổng thể, đội ngũ trí thức khoa học công nghệ Lâm Đồng đã có những bước phát triển và đóng góp to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển địa phương.

Trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW, ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 18/4/2017 về đào tạo, phát triển và nâng cao nguồn nhân lực tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025; Nghị quyết số 20-NQ/TU, ngày 25/7/2022 về đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; gần đây nhất là Kết luận số 69-KL/TW, ngày 11/01/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW được tỉnh Lâm Đồng triển khai thực hiện, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ đã có những bước phát triển và đóng góp to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước cũng như địa phương, trong đó phải kể đến vai trò nòng cốt của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Lâm Đồng trong việc tập hợp, đoàn kết và động viên trí thức khoa học công nghệ, tham gia tích cực giải quyết các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng lòng yêu nước, trách nhiệm công dân và tính tích cực xã hội đối với các hội viên, tạo dựng môi trường tốt để đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học công nghệ.

Hội thảo Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
Hội thảo Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Việc xác định phát triển khoa học, công nghệ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh, bền vững thông qua các phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống xã hội, đặc biệt là đổi mới phương thức quản lý đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã mang lại những kết quả thiết thực trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ đặt ra đối với hoạt động khoa học công nghệ của tỉnh nhà đáp ứng yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương. Bên cạnh đó, nhằm vận động, thu hút, trọng dụng nhân tài trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là đội ngũ trí thức hoạt động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ; ngày 08/12/2023, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 263/2023/NQ-HĐND quy định chính sách thu hút và hỗ trợ phát triển nuồn nhân lực tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030, trong đó có những chính sách ưu đãi quan trọng trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, cụ thể như:

(1) Chính sách thu hút áp dụng đối với những người được tuyển dụng, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức thuộc tỉnh Lâm Đồng có học hàm, học vị, trình độ đào tạo: Giáo sư; Phó Giáo sư; Tiến sĩ, Bác sĩ chuyên khoa cấp II, Dược sĩ chuyên khoa cấp II; Thạc sĩ các ngành, chuyên nành đào tạo phù hợp với lĩnh vực công tác của vị trí việc làm cần thu hút; Bác sĩ chuyên khoa cấp I, Bác sĩ nội trú, Dược sĩ chuyên khoa cấp I; Đại học các ngành, chuyên ngành đào tạo phù hợp với lĩnh vực công tác của vị trí việc làm cần thu hút (Điều 3, Nghị quyết số 263/2023/NQ-HĐND).

(2) Mức hỗ trợ hằng tháng, hỗ trợ bằng tiền một lần và chính sách nhà ở: Các đối tượng nêu trên được hỗ trợ tiền hằng tháng bằng 80% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có), thời gian hưởng không quá 5 năm và mức hỗ trợ tiền một lần như sau :

+ Giáo sư: 500.000.000 đồng/người.  

+ Phó Giáo sư: 400.000.000 đồng/người.     

+ Tiến sĩ, Bác sĩ chuyên khoa cấp II, Dược sĩ chuyên khoa cấp II: 250.000.000 đồng/người.     

+ Thạc sĩ các ngành, chuyên nành đào tạo phù hợp với lĩnh vực công tác của vị trí việc làm cần thu hút; Bác sĩ chuyên khoa cấp I, Bác sĩ nội trú, Dược sĩ chuyên khoa cấp I: 150.000.000 đồng/người.

+ Đại học các ngành, chuyên ngành đào tạo phù hợp với lĩnh vực công tác của vị trí việc làm cần thu hút: 80.000.000 đồng/người.

Ngoài ra, các đối tượng trên còn được giải quyết cho thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội hoặc thuê nhà ở công vụ trên cơ sở quy định của pháp luật có liên quan. (Điều 5, Nghị quyết số 263/2023/NQ-HĐND).

Những chính sách thu hút trên là tiền đề quan trọng giúp các địa phương, cơ quan, đơn vị có điều kiện tuyển dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong giai đoạn hiện nay.     

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, vận động nhằm thu hút, phát huy vai trò của nguồn nhân lực khoa học, công nghệ tại địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế như:

Trí thức có trình độ cao chủ yếu làm việc trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp, giáo dục, y tế (trên 85%) hoặc công tác quản lý, ít tham gia trực tiếp vào các nhiệm vụ khoa học; thiếu cán bộ đầu ngành, chuyên gia giỏi trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, xây dựng, kinh tế, môi trường…; đội ngũ trí thức chưa bảo đảm tính kế thừa và chuyển tiếp giữa các thế hệ; chưa ngang tầm với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; môi trường làm việc của trí thức còn một số bất cập, chưa phát huy năng lực sáng tạo trong các hoạt động.

Chưa có những giải pháp, cách làm năng động, thiết thực để tập hợp và phát huy khả năng của đội ngũ trí thức tham gia giải quyết những vấn đề có tính đột phá phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, công tác xã hội hoá các hoạt động khoa học và công nghệ còn nhiều lúng túng.

Số lượng các giải pháp sáng tạo kỹ thuật hàng năm còn ít; hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội được coi là một trong những nhiệm vụ chủ yếu có tính đặc trưng của đội ngũ trí thức chưa được phát huy đúng mức; việc tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định các chủ trương, chính sách, các dự án phát triển kinh tế - xã hội của đội ngũ trí thức còn hạn chế.

Đội ngũ trí thức của tỉnh phân bổ không đồng đều giữa các ngành, thành phần kinh tế, giữa các địa phương trong tỉnh; phần lớn trí thức làm việc trong các cơ quan đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc Nhà nước quản lý, còn trong các cơ sở sản xuất - kinh doanh thì số lượng còn khá hạn chế; hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh thiếu cán bộ đầu ngành có trình độ và năng lực chuyên môn giỏi, thiếu khả năng tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu, dự án phát triển có tính đột phá phục vụ các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Năng lực tư duy sáng tạo và khả năng nghiên cứu khoa học trên một số lĩnh vực nhất là lĩnh vực công nghệ thông tin, cải cách hành chính, đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, xây dựng nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; một số trí thức bản lĩnh chính trị chưa vững vàng, còn thụ động trước sự biến động của cuộc sống, thiếu kiến thức sâu về nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ hiện đại, trình độ ngoại ngữ, khả năng nắm bắt thông tin trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế còn nhiều hạn chế.

Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, song chủ yếu là do những nguyên nhân sau:

Việc thể chế hóa chưa đầy đủ, đồng bộ; công tác quản lý nhà nước chậm đổi mới, chưa thúc đẩy mạnh mẽ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Năng lực một bộ phận cán bộ khoa học và công nghệ còn hạn chế; tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia còn khoảng cách so với nhóm các nước dẫn đầu khu vực.

Trong thời gian tới, để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhằm thu hút, phát huy vai trò của nguồn nhân lực trong các lĩnh vực nói chung và lĩnh vực khoa học, công nghệ nói riêng, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau đây:

1. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng và chính quyền về vai trò của nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

2. Đổi mới cơ chế xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách đối với hoạt động khoa học và công nghệ phù hợp với đặc thù của lĩnh vực khoa học và công nghệ và nhu cầu phát triển của địa phương.

3. Xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, nhất là các chuyên gia giỏi, có nhiều đóng góp. Tạo môi trường thuận lợi, điều kiện vật chất để cán bộ khoa học và công nghệ phát triển bằng tài năng và hưởng lợi ích xứng đáng với giá trị lao động sáng tạo của mình. Nâng cao năng lực, trình độ và phẩm chất của cán bộ quản lý khoa học và công nghệ ở các ngành, các cấp. Chủ động phát hiện và đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ từ các trường phổ thông, cao đẳng, đại học.

4. Bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của tác giả các công trình khoa học và công nghệ; có chính sách đãi ngộ, khen thưởng đối với tác giả các công trình được công bố quốc tế, các sáng chế được bảo hộ trong và ngoài nước.

5. Ðổi mới công tác tuyển dụng, bố trí, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ khoa học và công nghệ. Có chính sách tiếp tục sử dụng cán bộ khoa học và công nghệ trình độ cao đã hết tuổi lao động có tâm huyết và còn sức khoẻ làm việc vào công tác nghiên cứu khoa học.

6. Có cơ chế, chính sách ưu đãi về đầu tư, đất đai, cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính,... để tạo đột phá trong thu hút các chuyên gia, nhà khoa học và công nghệ Việt Nam ở nước ngoài, các chuyên gia, nhà khoa học và công nghệ nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ ở Việt Nam tham gia đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh Lâm Đồng.

Hoàng Ly

 

Lượt xem: 186