Sự vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đưa Lâm Đồng phát triển nhanh, toàn diện và bền vững góp phần phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc In trang
13/07/2022 02:52 CH

Lâm Đồng là tỉnh nằm ở phía Nam Tây Nguyên, có vị trí chiến lược quan trọng, địa bàn sinh sống của 47 dân tộc anh em. Là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Nhân dân các dân tộc Lâm Đồng một lòng tin theo Đảng, Bác Hồ, anh hũng kiên cường, làm nên những chiến thắng oanh liệt.

Ngày 06/01/1976, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định hợp nhất tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Tuyên Đức và thành phố Đà Lạt thành tỉnh Lâm Đồng. Cả 3 kỳ đại hội đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đều ở giai đoạn đầu xây dựng đất nước, với nhiều khó khăn và thách thức mới.

Trên cơ sở đánh giá một cách nghiêm túc kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV, quán triệt và vận dụng tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII phù hợp với đặc điểm tình hình của tỉnh Lâm Đồng; Đại hội lần thứ V Đảng bộ tỉnh đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ của Đảng bộ trong 5 năm 1991-1995. Nghị quyết Đại hội nêu mục tiêu tổng quát: “Tăng cường đoàn kết thống nhất toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong tỉnh, phát huy tinh thần độc lập tự chủ, ý chí tự lực tự cường, vượt qua mọi khó khăn thử thách, khai thác có hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của địa phương đi đôi với mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế với nước ngoài, tỉnh ngoài, từng bước ổn định và phát triển kinh tế-xã hội; ổn định và cải thiện đời sống nhân dân, tạo được tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế; đảm bảo ổn định chính trị, giữ vững an ninh và trật tự an toàn xã hội; phát huy hơn nữa dân chủ xã hội chủ nghĩa, kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực, chống tham nhũng, khắc phục bất công xã hội; đồng thời chuẩn bị đủ điều kiện để tranh thủ mọi thời cơ phát triển nhanh chóng nền kinh tế-xã hội của tỉnh trong những năm sau”.

 Trong từng giai đoạn cách mạng, nhất là trong những năm đầu đầy khó khăn thử thách, Đảng bộ Lâm Đồng đã lãnh đạo Nhân dân không ngừng phát huy truyền thống cách mạng, tự lực tự cường, nhanh chóng thiết lập, xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, vừa  khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa kiến thiết xây dựng quê hương, từng bước ổn định đời sống Nhân dân.

Từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V đến nay (Đảng bộ tỉnh trải qua 07 kỳ Đại hội), tinh thần tự lực, tự cường, khát vọng phát triển luôn được Đảng bộ tỉnh quan tâm, phát huy, lãnh đạo chính quyền, Nhân dân các dân tộc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị qua các giai đoạn cách mạng.

Hiện nay, kinh tế tiếp tục phát triển, quy mô và chất lượng nền kinh tế được nâng lên. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt khá cao, bình quân 5 năm (2015-2020) tăng 8,0%, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Quy mô GRDP tăng 1,6 lần; chất lượng tăng trưởng nhiều mặt được nâng lên, năng suất lao động tăng 1,5 lần so với năm 2015. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 71 triệu đồng, cao hơn bình quân chung của cả nước, năm 2021 đạt 66-67 triệu đồng (do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19). Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tiếp tục là thế mạnh của tỉnh; chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện đồng bộ, đạt kết quả tích cực.Đến 6/2022, tỉnh Lâm Đồng đã có 107/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 04 huyện (Đơn Dương, Đức Trọng, Đạ Tẻh, Cát Tiên) và 2 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đến cuối năm 2021 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 còn khoảng 9.731 hộ, chiếm2,87%; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS còn 6.739 hộ, chiếm 8,55%.

Các lĩnh vực văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, được quan tâm phát triển đồng đều; an sinh và phúc lợi xã hội đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng, Đảng bộ tỉnh không ngừng lớn mạnh về mọi mặt; đời sống Nhân dân các dân tộc được cải thiện rõ rệt…

Tuy nhiên, đến nay Lâm Đồng vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa thật bền vững; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển; đầu tư cho văn hóathiếu đồng bộ, dàn trải; xã hội hoá trên lĩnh vực văn hoá, xã hội còn chậm; đầu tư cho khoa học - công nghệ hạn chế; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi nhưng việc dự báo tình hình, đấu tranh ngăn chặn có lúc chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao; kết quả giảm nghèo ở một số địa phương chưa bền vững, đời sống một bộ phận nhân dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn...

Nguyên nhân chủ yếu là do: Việc nghiên cứu, cụ thể hoá chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước chưa kỹ nên dẫn đến triển khai thực hiện nghị quyết Trung ương, Tỉnh ủy còn lúng túng, chưa quyết liệt, thiếu sáng tạo. Việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để ban hành các cơ chế, chính sách và quản lý, điều hành chưa kịp thời, chưa theo kịp yêu cầu phát triển; bản lĩnh và vai trò người đứng đầu ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu.Khả năng nắm bắt, xử lý tình huống phát sinh của lãnh đạo một số ngành, địa phương chưa linh hoạt, kịp thời; sự phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương có lúc, có nơi còn chưa thường xuyên, đồng bộ, chặt chẽ. Lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành một số cấp ủy, chính quyền chưa năng động, sáng tạo, quyết liệt; cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính chưa theo kịp yêu cầu thực tế. Một bộ phận cán bộ, công chức chưa mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện, phát hiện, xử lý vi phạm trên một số mặt chưa kịp thời, kiên quyết, triệt để; tư tưởng trông chờ, thụ động, ỷ lại vào cấp trên của một số tổ chức đảng và một bộ phận cán bộ, đảng viên, thiếu ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển và quyết tâm vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Hiện nay, trong bối cảnh khoa học, công nghệ đang phát triển mạnh mẽ, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu, ... đòi hỏi mỗi quốc gia, dân tộc phải chớp thời cơ để đẩy mạnh đổi mới sáng tạo. Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế kéo theo các vấn đề cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại diễn ra gay gắt... làm cho thế giới phát triển phụ thuộc lẫn nhau, lợi ích quốc gia, dân tộc là nhân tố quyết định để mỗi quốc gia, dân tộc tham gia vào các mối quan hệ quốc tế, hội nhập quốc tế thành công. Ngoài tiềm lực kinh tế thì ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển của toàn dân tộc chính là sức mạnh tinh thần và điều kiện căn bản, cốt lõi, là nguồn lực nội sinh quý báu cần phải biết khơi dậy một cách mạnh mẽ đưa đất nước. Để bắt kịp với sự phát triển chung của đất nước, việc học tập và làm theo Bác, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đưa Lâm Đồng phát triển nhanh, toàn diện và bền vững là việc làm hết sức cần thiết, cấp bách và quan trọng của toàn Đảng bộ, chính quyền và sự đồng lòng của Nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng.

Hoàng Dương

Lượt xem: 1.073