Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở là nhân tố quan trọng trong xây dựng nông thôn mới ở Đơn Dương In trang
12/11/2021 03:14 CH

Đơn Dương là huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng và cả khu vực Tây Nguyên. Để “chinh phục” thành công 100% tiêu chí huyện NTM và hướng tới mục tiêu hoàn thành huyện NTM kiểu mẫu năm 2025, cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở luôn xác định việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở có vai trò và vị trí quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm, có tính quyết định trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị. Thực hiện tốt QCDC ở cơ sở đảm bảo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” đã mở ra những thành công mới, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện.

Trong xây dựng nông thôn mới, người dân nông thôn có vai trò đặc biệt quan trọng bởi họ chính là người trực tiếp thực hiện, trực tiếp hưởng lợi. Việc thực hiện tốt QCDC ở cơ sở đã góp phần phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Điều này được các xã, thị trấn trên địa bàn huyện nghiêm túc thực hiện đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch. Trước hết đó là việc đảm bảo triển khai tốt 11 nội dung cần phải công khai cho nhân dân biết. Hình thức công khai được niêm yết tại UBND các xã, thị trấntại nhà sinh hoạt cộng đồng ở từng thôn, Tổ dân phố, thông báo trên hệ thống truyền thanh tại cơ sở... Nhiều nội dung, quy định về các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước được chính quyền tổ chức họp dân và thông báo rộng rãi. Các nội dung quy định dân được bàn và quyết định trực tiếp như: Việc huy động nhân dân đóng góp để xây dựng cơ sở hạ tầng ở thôn, tổ dân phố; các công trình phúc lợi công cộng vốn do nhà nước và nhân dân đóng góp; các quy định, tiêu chí về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh... Các nội dung nhân dân bàn, biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định như: Việc xây dựng hương ước, quy ­ước của thôn, tổ dân phố; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố; bầu, bãi nhiệm thành viên Ban thanh tra nhân dân (BTTND), Ban giám sát đầu tư cộng đồng (BGSĐTCĐ) đã được thực hiện tốt thông qua cuộc họp cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình theo từng địa bàn từng thôn, tổ dân phố. Chính bầu không khí dân chủ, công khai, minh bạch từ cấp cơ sở được đảm bảo đúng quy trình, cho nên trong quá trình triển khai xây dựng NTM không để phát sinh những khiếu kiện, bức xúc trong người dân; và không chỉ nhận được sự quan tâm mà còn nhận được sự chung tay, góp sức ủng hộ cả về nhân lực, vật lực của người dân, góp phần sớm hoàn thành các chỉ tiêu quan trọng về hạ tầng kinh tế - xã hội, môi trường....

Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng ở các xã, thị trấn tiếp tục được củng cố tổ chức, hướng dẫn, tạo điều kiện hoạt động. Kết quả, Ban Thanh tra nhân dân tổ chức giám sát, kiểm tra được 105 vụ việc ở các địa bàn cơ sở. Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, tổ chức giám sát được 163 công trình dự án đầu tư xây dựng tại các xã, thị trấn với các nguồn vốn do nhân dân đóng góp, vốn nhà nước và nhân dân cùng làm và một số công trình 100% vốn nhà nước đầu tư.

- Công tác hòa giải cơ sở được quan tâm phối hợp thực hiện có hiệu quả, toàn huyện có 104 tổ hòa giải với 623 hòa giải viên, trong thời gian qua số vụ việc tiếp nhận 314 vụ, số vụ hòa giải thành 228 vụ, hòa giải không thành 86 vụ, tỷ lệ hòa giải thành đạt 72,6%. Trong đó số hòa giải viên là cán bộ Mặt trận và các đoàn thể ở cơ sở chiếm gần 50%.

Công tác cải cách thủ tục hành chính cấp huyện, cấp xã được tập trung thực hiện theo cơ chế “Một cửa, một cửa liên thông”; tỷ lệ hài lòng người dân hàng năm đều đạt trên 90%. Các thủ tục hành chính đã được bộ phận một cửa của các xã, thị trấn và huyện công khai đầy đủ, quy trình thủ tục hành chính rõ ràng, đảm bảo các quy định, điều kiện thực hiện. Hàng năm, tại UBND huyện tỷ lệ giải quyết đúng hạn và trước hạn trên 99%; Cấp xã tỷ lệ giải quyết đúng hạn và trước hạn đạt 100%. Về chỉ số cải cách của huyện: (năm 2016, 2017, huyện Đơn Dương xếp thứ nhất, năm 2018 xếp thứ 7, năm 2019 xếp thứ 10, năm 2020 xếp thứ 9).

Trong năm 2016 - 2020, trên địa bàn huyện đã tiếp 295 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, 351 lượt phản ánh, trong đó: Tiếp dân thường xuyên 193 lượt/228 người, tiếp định kỳ 102 lượt/123 người, nội dung khiếu nại, tố cáo chủ yếu tập trung trong lĩnh vực đất đai, môi trường. Đã tiếp nhận phân loại, xử lý trong kỳ là 406 đơn. Trong đó đơn đủ điều kiện xử lý là: 388 đơn. Kết quả xử lý đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện là 252 đơn, đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện là 136 đơn.

Từ năm 2016 đến năm 2020 Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN huyện đã tổ chức 02 Hội nghị đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo huyện với Đại biểu là hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện có hơn 158 đại biểu tham dự. Qua hoạt động đối thoại góp phần tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong quá trình tham gia xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu đô thị văn minh. Ủy ban nhân dân huyện duy trì hoạt động của tổ thanh tra công vụ nhằm thường xuyên kiểm tra chế độ công vụ đối với đội ngũ CBCCVC trong việc chấp hành giờ giấc làm việc tại các cơ quan, đơn vị và thái độ trong thực hiện công vụ.

Những kết quả khả quan trong việc thực hiện tốt QCDC ở cơ sở là yếu tố không thể thiếu trong quá trình triển khai thực hiện thành công chương trình nông thôn mới. Qua đó đã phát huy vai trò chủ động, tích cực và tạo sự đồng thuận trong nhân dân, huy động được sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh và đang trong quá trình tập trung xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở vẫn còn một số hạn chế: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC ở cơ sở của Ban Thường vụ Huyện ủy và Ban Chỉ đạo có lúc, có nơi chưa thường xuyên. Hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở một số xã, thị trấn còn hạn chế; hoạt động giám sát và phản biện của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội ở một số cơ sở còn lúng túng; hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng ở một số nơi hiệu quả chưa cao. Một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong thi hành công vụ; tuy công tác cải cách thủ tục hành chính đã được quan tâm nhưng trên một số mặt, lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Chỉ số xếp loại cải cách hành chính giảm dần so với đầu nhiệm kỳ.

Để việc thực hiện QCDC ở cơ sở trở thành lực đẩy, tiếp tục là nhân tố quan trọng trong quá trình hoàn thành mục tiêu đạt huyện nông thôn mới kiểu mẫu năm 2025. Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền huyện cần đặc biệt quan tâm các nội dung:

- Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức quán triệt, tuyên truyền Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII), Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) và các văn bản của Trung ương, của tỉnh về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn huyện đồng bộ, đi vào chiều sâu, nề nếp trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ đó, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.

- Xác định rõ trách nhiệm của Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện, các cấp ủy cơ sở, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội và của đảng viên, cán bộ công chức, viên chức trong việc thực hiện QCDC ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ và mở rộng dân chủ trực tiếp của nhân dân ở cơ sở. Nâng cao vai trò của cấp ủy cơ sở, chính quyền các cấp và của các tổ chức chính trị - xã hội để phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phòng, chống đại dịch Covid-19 trên địa bàn huyện. Quan tâm công tác bồi dưỡng, tập huấn nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng để cán bộ Mặt trận, đoàn thể thực hiện có hiệu quả nội dung giám sát và phản biện xã hội.

- Lãnh đạo, chỉ đạo việc rà roát các loại quy chế, quy định và các văn bản đã ban hành của cấp ủy, chính quyền các cấp để xem xét bổ sung, sửa đổi, hủy bỏ hoặc ban hành mới cho phù hợp với quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở trên địa bàn huyện bảo đảm thực chất, hiệu quả, vì quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.

- Lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện QCDC cơ sở gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cùng với phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương vững mạnh.

- Hàng năm, Huyện ủy quan tâm chỉ đạo Ban Chỉ đạo QCDC ở cơ sở huyện có kế hoạch kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở các loại hình. Nhất là loại hình quy chế dân chủ tại nơi làm việc trong các doanh nghiệp; tiếp tục đưa vào chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm của cấp ủy về vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở đối với cấp ủy cơ sở, các đảng viên là cán bộ chủ chốt nhằm kịp thời phát huy những ưu điểm, uốn nắn, chấn chỉnh những thiếu sót, hạn chế trong quá trình thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

- Chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Chú trọng việc tổ chức đối thoại, giải thích, giải đáp các kiến nghị, thắc mắc của nhân dân; quan tâm giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân theo các quy định của pháp luật. Đưa việc lãnh đạo thực hiện tốt QCDC ở cơ sở thành một tiêu chí để đánh giá năng lực cán bộ, công chức và phân loại tổ chức Đảng, chính quyền hàng năm./.

Ngọc Bích

Lượt xem: 1.672