Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng do Chính phủ Việt Nam xây dựng và triển khai trên phạm vi nông thôn toàn quốc, căn cứ tinh thần của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Theo đó, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 được phê duyệt ngày 4/6/2010; ngày 22.2.2022 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 bổ sung thêm một số mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và cấp thôn đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng thời, để cụ thể hóa mục tiêu phấn đấu xây dưng nông thôn mới các cấp (tỉnh, huyện, xã) theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu) đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 25/NQ/2021/QH15, Thủ tướng Chính phủ giao mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 cho từng vùng, miền, làm cơ sở để các địa phương xác định mục tiêu cụ thể và triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Quyết định số 800/QĐ-TTg, ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, khẳng định “Phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư địa phương là chính, Nhà nước đóng vai trò định hướng, ban hành các tiêu chí, quy chuẩn, chính sách, cơ chế hỗ trợ, đào tạo cán bộ và hướng dẫn thực hiện. Các hoạt động cụ thể do chính cộng đồng người dân ở thôn, xã bàn bạc dân chủ để quyết định và tổ chức thực hiện”. Như vậy vai trò của người dân là cực kỳ quan trọng quyết định sự thành công của Chương trình và xây dựng nông thôn mới cần phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, vì đây là quá trình nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Thực tế, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng Chương trình nông thôn mới là hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Đảng ta “lấy dân làm gốc”.
Những kết quả bước đầu trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã cho thấy, Nhân dân là lực lượng chính trực tiếp tham gia xây dựng nông thôn mới, làm thay đổi diện mạo của nông thôn theo hướng ngày càng văn minh, tiến bộ. Nhân dân là người chủ - người có quyền trực tiếp tham gia, quyết định, giám sát các hoạt động trong xây dựng nông thôn mới, trực tiếp tổ chức, giám sát các hoạt động và hưởng lợi trong xây dựng nông thôn mới một cách đầy đủ, kip thời.
I. Các nội dung phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới
Vai trò chủ thể của người dân trước hết thể hiện ở việc phát huy quyền làm chủ qua phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, cụ thể:
1. Quyền được biết, tiếp thu, được thông tin về các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới.
Để phát huy được quyền làm chủ của người dân trong xây dựng nông thôn mới, cần gắn việc “dân biết” - tức là quyền lợi, nghĩa vụ và sự hiểu biết của người dân về những kiến thức bản địa có thể đóng góp vào quá trình quy hoạch nông thôn, quá trình khảo sát thiết kế các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Mặt khác, người dân có điều kiện tham gia hiệu quả hơn vào các giai đoạn sau của quá trình xây dựng công trình. Người dân nắm được thông tin đầy đủ về công trình mà họ tham gia như: mục đích xây dựng công trình, quy mô công trình, các yêu cầu đóng góp từ cộng đồng, trách nhiệm và quyền lợi của cộng đồng người dân được hưởng lợi.
2. Nhân dân được thảo luận, bàn bạc và quyết định hoặc gián tiếp quyết định thực hiện các đề án, kế hoạch, quy hoạch gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới.
Để phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới ngay từ cơ sở, việc “dân bàn” - tức là bao gồm sự tham gia ý kiến của người dân liên quan đến kế hoạch phát triển sản xuất, liên quan đến các giải pháp, mọi hoạt động của nông dân trên địa bàn như: bàn luận mở ra một hướng sản xuất mới, đầu tư xây dựng công trình phúc lợi công cộng, các giải pháp thiết kế, phương thức khai thác công trình, tổ chức quản lý công trình, các mức đóng góp và các định mức chi tiêu từ các nguồn thu, phương thức quản lý tài chính,… trong nội bộ cộng đồng dân cư hưởng lợi, trong việc tham gia thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương có vai trò rất quan trọng. Việc góp ý kiến của người dân là kênh thông tin quan trọng, thậm chí đóng vai trò “phản biện”, “thẩm định” các luận cứ khoa học từ đồ án quy hoạch ban đầu. Qua đó, giúp cho các đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới (qua những lần điều chỉnh từ sự góp ý của người dân) bám sát thực tế, có sự phù hợp, tính khả thi cao và khi triển khai thực hiện có được những thuận lợi cùng với đó là những kết quả tốt đẹp.
3. Nhân dân có quyền và có trách nhiệm đầu tư phát triển, bảo vệ kết cấu hạ tầng kinh tế nông thôn; quyền được đầu tư phát triển kinh tế vì mục tiêu nông thôn mới.
Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế nông thôn, nông nghiệp là một tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó người dân là chủ thể thực hiện. Cùng với sự giúp đỡ của Nhà nước và các nguồn lực hỗ trợ đầu tư khác của xã hội, người dân phải tự giác, tích cực thực hiện. Vì vậy, để thực hiện quyền làm chủ, người dân vừa phải thực hiện đóng góp, vừa phải trực tiếp khai thác, sử dụng, tôn tạo, bảo quản hệ thống hạ tầng cơ sở kinh tế - xã hội tại nông thôn. Do điều kiện kinh tế của đất nước còn nhiều khó khăn, nên bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước thì việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở các địa bàn nông thôn cần được xã hội hóa bằng sự chung tay góp sức của cả cộng đồng, trong đó không thể thiếu sự tham gia của cư dân nông thôn. Hơn ai hết, Nhân dân hiểu rằng, tham gia vào quá trình này cũng là đem lại lợi ích thiết thực cho chính bản thân người dân và trên thực tế đang phát triển thành phong trào thi đua sôi nổi, sức lan tỏa rộng lớn, có hiệu quả ở nhiều địa phương.
4. Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ và tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Quyền kiểm tra, giám sát của Nhân dân là hình thức thực hành dân chủ trực tiếp, là nội dung quan trọng nhằm phát huy quyền làm chủ của người dân tại địa phương cơ sở. “Dân kiểm tra, giám sát” có nghĩa là thông qua các chương trình, hoạt động có sự giám sát và đánh giá của người dân, để thực hiện các quy chế dân chủ cơ sở của Đảng và Nhà nước nói chung và nâng cao hiệu quả chất lượng công trình. Ở những công trình có nhiều bên tham gia, sự kiểm tra, giám sát của cộng đồng hưởng lợi có tác động tích cực trực tiếp đến chất lượng công trình và tính minh bạch trong việc sử dụng các nguồn lực của Nhà nước và của người dân vào xây dựng, quản lý và vận hành công trình. Việc kiểm tra có thể được tiến hành ở tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư trên các khía cạnh kỹ thuật cũng như tài chính. Mặt khác, Nhân dân thực hiện quyền kiểm tra, giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị đối với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về thực tế thực hiện các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của chính quyền địa phương.
5. Bên cạnh các nội dung về dân biết, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, trong Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung thêm một nội dung là “dân thụ hưởng”.
“Dân thụ hưởng” nghĩa là người dân có quyền được thụ hưởng những thành quả của sự phát triển. Đồng thời, khi người dân được thụ hưởng, được thỏa mãn các lợi ích chính đáng, sẽ tạo thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy mọi người hăng hái cống hiến, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của xã hội. Mối quan hệ biện chứng giữa thụ hưởng và cống hiến nếu được thực hiện đúng sẽ tạo ra một xung lực mới trong quá trình phát triển đất nước. Từ đó, hoàn thiện và hiện thực hóa thêm một bước tư tưởng phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của Nhân dân.
6. Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong tham gia xây dựng hệ thống chính trị.
Phải làm cho người dân thực hiện đầy đủ và phát huy vai trò tích cực của mình vào đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là biện pháp bảo đảm để tổ chức đảng, bộ máy chính quyền nhà nước và các đoàn thể ngày càng trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất, năng lực phục vụ Nhân dân đúng với bản chất nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.
7. Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh, trật tự ở nông thôn.
Một nội dung quan trọng về phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới là việc nâng cao vai trò của Nhân dân trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa và an ninh, trật tự tại địa phương. Đây là một tiêu chí cơ bản trong bộ tiêu chí nông thôn mới hiện nay. Việc giữ gìn và phát huy văn hóa trước hết là giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa trong phong tục, lối sống của cộng đồng dân cư ở địa phương đã và đang là động lực cho sự phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam hiện nay.
Bên cạnh đó, công tác đấu tranh đẩy lùi các tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh, trật tự, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn nông thôn trong tình hình mới là công việc phức tạp, khó khăn cần có sự kiên trì, xuyên suốt và phải có sự cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội chứ không chỉ là việc riêng của các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng vũ trang. Việc phát huy dân chủ của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới cần thực hiện đầy đủ quyền, trách nhiệm của Nhân dân tham gia giữ gìn an ninh, trật tự ở nông thôn.
(CÒN NỮA)
Ngọc Bích