Một bài học sâu sắc về công tác dân vận In trang
27/02/2023 09:16 SA

- Có một lần Bác đi thăm nhân dân khu Hồng Quảng (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh) bị bão lụt, nghe các đồng chí lãnh đạo báo cáo việc khắc phục hậu quả chậm, gặp nhiều khó khăn vì nhân dân ở đây chậm giác ngộ, không hợp tác tốt với lực lượng của Trung ương về ứng cứu...

Nghe xong Bác kể cho các đồng chí nghe 2 câu chuyện: Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, ở Thái Nguyên có hai đơn vị bộ đội về đóng quân. Đơn vị thứ nhất bị dân kêu ca, tình hình rất khó khăn, tiền nong thiếu hụt, không mua được gạo, thịt và các nhu yếu phẩm trong dân. Đơn vị thứ hai đến sau cũng đóng quân tại chính địa điểm này nhưng hoàn toàn không có hiện tượng đó. Tình quân dân rất thắm thiết, nhân dân còn mang măng, chuối, trứng gà đến tận đơn vị tặng…

Bác đặt câu hỏi: “Vấn đề là như thế nào?”. Rồi Bác tự trả lời: “Tại vì các chú ở đơn vị trước là “quan” rồi, nên không chịu làm công tác dân vận, vì thế cái gì cũng phải bỏ tiền túi ra mua, khi mua còn bị người ta làm khó cho. Các chú ở đơn vị sau biết cách tổ chức tốt công tác dân vận nên được nhân dân ủng hộ quý mến, chăm lo coi như người thân trong gia đình. Vậy có phải dân ở đó kém giác ngộ và xấu không? Tình hình ở đây cũng vậy thôi, các chú phải xem lại có phải dân chậm giác ngộ, hay là tại các chú chưa làm tốt công tác dân vận?”…

Câu chuyện trên đây có thể coi là một bài học kinh điển về công tác dân vận, không chỉ trong kháng chiến mà còn ở giai đoạn hiện nay, không chỉ đối với cán bộ làm công tác dân vận mà còn với tất cả các cán bộ trong hệ thống chính trị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ trong bài báo Dân vận, viết năm 1948: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Dẫu vậy, không phải cán bộ nào và ở thời điểm nào cũng có nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, vai trò của công tác dân vận và thực hiện tốt công tác dân vận. Có nơi, công tác dân vận chưa thực sự đi vào chiều sâu; sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị còn có mặt thiếu chặt chẽ; việc lồng ghép triển khai nhiệm vụ chính trị với công tác dân vận có nơi chưa hiệu quả. Có nơi, việc đào tạo, bố trí cán bộ làm công tác dân vận chưa được quan tâm thỏa đáng; công tác kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện công tác dân vận đôi khi còn chưa kịp thời. Có nơi, cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban ngành chưa thật sự hiểu rõ về công tác dân vận gắn với sự phát triển của địa phương, đơn vị. Có nơi, việc triển khai các văn bản liên quan đến công tác dân vận còn chậm, chưa cụ thể hóa các văn bản cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị…

Bên cạnh đó, đó đây vẫn còn hiện tượng một số ít cán bộ, đảng viên quan liêu, tham nhũng, xa dân, không lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, ít nhiều làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước… Từ đó, việc tuyên truyền, thuyết phục nhân dân có những khó khăn nhất định nếu không có sự kiên trì…

Cá biệt, có cán bộ còn “đổ” cho dân về ý thức, thái độ, sự hợp tác mà không thấy hạn chế đó (nếu có) phần nhiều xuất phát từ phía tổ chức, cán bộ của hệ thống chính trị. Chẳng hạn, khi khó vận động dân chấp hành việc di dời, giải phóng mặt bằng lẽ ra cần xem lại khung giá đền bù, việc bố trí tái định cư, cách thức vận động thì lại cho rằng người dân chây ì, bất hợp tác… Từ đó, có khi làm lây lan tâm lý “bất phục” đến những người khác, làm việc thu hồi đất trở nên chậm trễ, phát sinh nhiều hệ lụy, nhất là tình trạng lòng dân không yên.

Từ câu chuyện ở trên và bài học về dân vận của Bác Hồ, chúng ta có thể thấy công tác dân vận có thể xem là một nghệ thuật, bởi trong các điều kiện như nhau nhưng nếu tổ chức thực hiện khác nhau thì kết quả có thể khác nhau. Dù vậy, vẫn có những khuôn mẫu, những vấn đề mang tính nguyên tắc để các tổ chức đảng, các đảng viên có thể thực hiện.

Đó là phải thực sự gần dân, gắn bó với dân. Nếu cán bộ tự mình đứng xa dân, cách biệt với dân, bên trên dân thì đó không còn là vận động mà là ra lệnh, sẽ rất khó có sự ủng hộ, đồng lòng, tự giác thực hiện của người dân. Phải tạo ra sự đồng hành của cán bộ với dân và hành động của dân trở thành hành động chung của nhiều người, trong đó có cán bộ, đảng viên.

Đó là phải thực sự chú ý đến lợi ích của nhân dân. Lợi ích là một yêu cầu quan trọng, cần thiết được quan tâm và bảo đảm một cách hài hòa, phù hợp. Trong một số trường hợp, dù về hình thức là kêu gọi sự sẻ chia, hy sinh của người dân nhưng cũng cần thể hiện cho được các ích lợi về mặt tinh thần, về mặt lâu dài của người dân.

Đó là phải luôn tạo điều kiện, khơi gợi tinh thần trách nhiệm, sự hăng hái của nhân dân. Phải luôn xem nhân dân là chủ thể năng động, tích cực, giàu năng lượng, chứ không phải là đối tượng thụ động chịu tác động. Khi người dân thấy rõ vai trò của mình thì mới mạnh dạn, chủ động tham gia, từ đó làm lan tỏa đến các nhóm chủ thể khác.

Đó là có nhiều giải pháp, phương thức linh hoạt với các nhóm đối tượng khác nhau. Do nhận thức, lợi ích, thái độ của các nhóm chủ thể có khác nhau nên cách thức vận động cũng phải khác nhau. Đồng thời, trong từng điều kiện cụ thể cũng cần có các hành động cụ thể khác nhau.

Đó là phải phối hợp nhiều cơ quan, đơn vị và xem công tác dân vận là của cả hệ thống chính trị. Phải tuyệt đối tránh xem công tác vận động nhân dân là việc của cán bộ dân vận hay Mặt trận mà phải xem đó là trách nhiệm chung của các tổ chức đảng, các đảng viên. Trong từng điều kiện, cần có sự phối hợp, phân công cụ thể để bảo đảm công tác dân vận có hiệu quả.

Đó là luôn đề cao sự gương mẫu, tiên phong của cán bộ, đảng viên. Tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” cần được phát huy cao độ, nhất là khi cán bộ, đảng viên cùng với nhân dân có chung bối cảnh, điều kiện, lợi ích… Trong một số trường hợp, cán bộ, đảng viên có thể phải hy sinh lợi ích riêng và chính điều đó sẽ có giá trị thuyết phục các nhóm chủ thể khác.

Ở Lâm Đồng hiện nay, có nhiều phong trào, cuộc vận động đòi hỏi có sự tham gia chủ động, tích cực của người dân, như hiến đất mở rộng hẻm, thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU về môi trường, chương trình giảm nghèo đa chiều… Trong nhiều trường hợp, bên cạnh công tác tuyên truyền cần phải đẩy mạnh hoạt động dân vận để đồng thời tác động cả nhận thức và hành động. Do đó, bài học về công tác dân vận từ câu chuyện của Bác Hồ hiện vẫn còn nguyên giá trị và thực sự có ý nghĩa soi chiếu cho tất cả cán bộ, đảng viên, cho cả hệ thống chính trị.

Hà Ngọc Quang (Sưu tầm)

Lượt xem: 2.567
Liên quan