Thực trạng và giải pháp xây dựng và nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố Đà Lạt In trang
04/12/2023 08:50 SA

Trong thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân từ thành phố đến cơ sở đã đẩy mạnh tuyên truyền công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng “Đơn vị học tập, Công dân học tập”. Triển khai tốt công tác tập huấn thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập, các mô hình học tập ở cơ sở giai đoạn 2021 - 2030” tại địa phương. Vận động các tổ chức, cá nhân, các mạnh thường quân hỗ trợ, trao học bổng cho học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Triển khai tốt việc xây dựng các mô hình học tập, thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong liên kết, phối hợp, thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời trong Nhân dân. Phối hợp với các tổ chức, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, doanh nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức, tích cực tham gia các hoạt động khuyến học, khuyến tài… từ đó, phong trào học tập suốt đời đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong cộng đồng.

Trên địa bàn các phường, xã, cơ quan, đơn vị, trường học đồng bộ triển khai kế hoạch đăng ký xây dựng các mô hình học tập: Công dân học tập, Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập và Đơn vị học tập lồng ghép, phối hợp việc đăng ký thực hiện các mô hình học tập gắn với “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”. Kết quả: xây dựng Gia đình học tập có 44.631/45.913, đạt 97,21%; Dòng họ học tập có 6/6, đạt 100%; Cộng đồng học tập (cấp xã: 16/16, đạt 100%, cấp tổ thôn 204/204, đạt 100%), Đơn vị học tập thuộc xã (76/77, đạt 98,70%), Công dân học tập (70.317/108.000, đạt 65,11%); Hội đồng hương học tập cấp xã (6/12, đạt 50%).

Khối dân vận các phường, xã phối hợp tốt với các trường học trên địa bàn làm tốt công chăm lo cho học sinh và gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn để không có trường hợp vì lý do khó khăn mà phải bỏ học (vận động nhà hảo tâm, doanh nghiệp hỗ trợ thường xuyên cho một số em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi tháng từ 200.000 đến 1.000.000đồng/học sinh cho đến khi học xong lớp 12). Tổ chức các hoạt động nhân kỷ niệm Ngày khuyến học Việt Nam và tích cực hưởng ứng phong trào thi đua do Thủ tướng phát động “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030”.

 Từ những kết quả đạt được đã khẳng định việc triển khai thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư khóa XII và Quyết định số 1373/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030bước đầu đã đạt được những kết quả cao và thực sự đi vào cuộc sống. Dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, hệ thống chính trị từ thành phố đến các phường, xã nghiêm túc triển khai thực hiện các Kết luận, Đề án, đặc biệt là việc cụ thể hóa thành bằng các chương trình hành động kế hoạch đã làm chuyển biến quan trọng nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, Nhân dân thành phố về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Công tác dân vận đã góp phần tích cực, hiệu quả trong tuyên truyền, vận động thực hiện xã hội hóa để mọi người tham gia hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, nổi bật là: Tuyên truyền nâng cao nhận thức về sự học, học thường xuyên, học suốt đời ở người lớn. Phối hợp, triển khai xây dựng, phát hiện, nhân rộng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực (xây dựng hệ thống chính trị; quốc phòng, an ninh; kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng văn minh đô thị, xây dựng nông thôn mới...); trong đó nhiều mô hình “Dân vận khéo” khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được xây dựng, nhân rộng có sức lan tỏa rộng rãi như mô hình “Gia đình hiếu học”, “Gia đình học tập”, “Dòng họ khuyến học”, “Cộng đồng học tập”... việc đẩy mạnh các hình thức vận động giáo dục luôn được quan tâm. Đặc biệt là việc vận động xây dựng quỹ khuyến học ở các cấp đạt được những kết quả tích cực, nhất là ở các phường xã, trường học. Việc xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” và các hình thức vận động giáo dục đến nay trở thành phong trào quần chúng rộng lớn, đem lại hiệu quả thiết thực. Mỗi cán bộ, hội viên Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và hội khuyến học ở các cấp đã làm tốt công tác dân vận, vận động nhân dân tham gia học tập nâng cao dân trí, nghề nghiệp chuyên môn; đưa khuyến học, khuyến tài gắn với việc phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương, đơn vị, cơ sở.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng và nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng xã hội học tập còn có những hạn chế đó là: Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc triển khai Đề án xây dựng xã hội học tập, các mô hình học tập có lúc, có nơi còn chưa đồng bộ chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc học tập suốt đời, một số mô hình triển khai còn lúng túng, hiệu quả chưa cao. Công tác củng cố tổ chức Hội khuyến học ở cơ sở còn gặp khó khăn về nhân sự, đặc biệt là ở các chi hội tổ dân phố, thôn. Cán bộ hội khuyến học các cấp phần lớn kiêm nhiệm, thiếu ổn định, thiếu sự đầu tư cho công tác hội.  Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ học tập suốt đời còn thiếu thốn, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả của việc học tập. Một số tổ chức, cơ quan, đơn vị chưa thật sự quan tâm đến việc thành lập tổ chức khuyến học tại đơn vị; mặt khác việc phối hợp giữa Hội Khuyến học thành phố với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể để triển khai kế hoạch xây dựng các mô hình học tập còn hạn chế. Nguồn kinh phí để tổ chức triển khai Đề án xây dựng xã hội học tập và các Chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị giai đoạn 2021 - 2030”, Chương trình “Xây dựng mô hình công dân học tập giai đoạn 2021 - 2030” tại cơ sở rất hạn chế.

Để công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố tiếp tục phát triển nâng tầm hơn nữa, bền vững, có sức lan tỏa và đạt được các mục tiêu đề ra, công tác dân vận của hệ thống chính trị trên địa bàn thành phố cần tăng cường hơn nữa, cùng với các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị tích cực triển khai thực hiện tốt một số giải pháp, cụ thể như sau:

Một là, Tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. Xác định khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần thực hiện khâu đột phá phát triển nguồn nhân lực. Tập trung công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, tăng cường giám sát, đẩy mạnh thi đua khen thưởng, tạo điều kiện về cơ chế, kinh phí, cơ sở vật chất cho việc xây dựng và nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” để thực hiện tốt  Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư khóa XII và Quyết định số 1373/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”, Chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị giai đoạn 2021-2030” và Chương trình “Xây dựng mô hình Công dân học tập giai đoạn 2021-2030”.

Hai là, Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác “Dân vận chính quyền” về khuyến học, khuyến tài xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị, từng cá nhân thực sự có tính điển hình dễ thực hiện và nhân rộng.

Ba là, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến phường xã tập trung tuyên truyền về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh việc phát hiện những nhân tố điển hình, những cách làm hay, sáng tạo của đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Phối hợp với Hội khuyến học cùng cấp tiếp tục củng cố, phát triển tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội. Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và toàn xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập trong điều kiện phát triển nền kinh tế số, xã hội số; thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời gắn với việc triển khai các nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Bốn là, Xây dựng và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương, đơn vị. Các mô hình “Dân vận khéo” cần bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ của xây dựng xã hội học tập, mô hình cần được triển khai một cách sáng tạo, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Năm là, Các cấp hội khuyến học tiếp tục chủ động xây dựng kế hoạch triển khai các mô hình học tập hàng năm của cơ sở mình, bám sát các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục đánh giá, khen thưởng; duy trì nền nếp hoạt động, đổi mới phương thức tổ chức hoạt động hiệu quả. Tăng cường xã hội hóa các nguồn lực, xây dựng Quỹ khuyến học các cấp, duy trì công tác trao học bổng khuyến học, khuyến tài cho các học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi, học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế, tổ chức tôn vinh cán bộ khuyến học, nhà hảo tâm tiêu biểu… Phát huy vai trò quan trọng của gia đình và dòng học trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Tiếp tục tổ chức tập huấn xây dựng mô hình “Công dân học tập”, xây dựng “Đơn vị học tập” của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, trường học, các phường, xã và tập huấn việc tổ chức, triển khai Đề án “Xây dựng xã hội học tập, các mô hình học tập ở cơ sở giai đoạn 2021-2030”. Phát huy vai trò của Hội khuyến học trong thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội.

Sáu là, Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp giữa Hội Khuyến học các cấp với các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, trường học, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố tổ chức, triển khai phong trào thi đua “Hai tốt”. Tăng cường các giải pháp để phòng, chống tình trạng học sinh bỏ học. Tổ chức ký kết Chương trình phối hợp với ban, ngành và đoàn thể để đẩy mạnh hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030, nhất là huy động đa dạng nguồn lực để thúc đẩy các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời trong Nhân dân.

Bảy là, Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả của các mô hình “Dân vận khéo” kịp thời phát hiện, nhân rộng các mô hình hiệu quả, đồng thời rút kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế, tồn tại.

Phòng Dân vận các cơ quan nhà nước, dân tộc và tôn giáo

Lượt xem: 866