Công tác lãnh đạo, chỉ đạo về phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Di Linh In trang
23/08/2023 04:17 CH

Công tác Dân vận chiếm một vị trí hết sức quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của nước ta trong việc xây dựng “Thế trận lòng dân”, là điều kiện quan trọng góp phần bảo đảm sự lãnh đạo thắng lợi của Đảng, Nhà nước; củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Vì vậy, thực hiện tốt công tác dân vận đặc biệt là công tác dân vận trong vùng đồng bào DTTS, vùng tôn giáo là một trong những yếu tố góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tại địa phương nhất là trong giai đoạn hiện nay chúng ta đang triển khai xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Để các chủ trương, của Đảng, chính sách Nhà nước đến với người dân, tác động và làm thay đổi nhận thức, ý thức tự giác của người dân, nhất là người dân trong vùng đồng bào DTTS thì công tác dân vận giữ vai trò hết sức quan trọng, dân vận tốt thì đem lại hiệu quả cao. Do vậy, muốn làm tốt công tác dân vận thì cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ trực tiếp làm công tác dân vận nói riêng, nhất là công tác dân vận chính quyền phải nắm vững quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác dân vận, phải là những người có tinh thần nhiệt huyết, nắm chắc phương châm “trọng dân, gần dân, nghe dân nói, nói dân hiểu và làm dân tin”, đẩy mạnh công tác dân vận theo quan điểm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà” theo phương pháp “Sát dân, gần dân, nắm được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân”.

Ra quân thực hiện công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Ra quân thực hiện công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Di Linh là huyện có số lượng đồng bào dân tộc thiểu số đông nhất trong tỉnh gồm 20 thành phần dân tộc với trên 66.800 người (chiếm 41,5%) dân số, có nhiều xã vùng sâu, vùng xa người đồng bào DTTS chiếm trên 90% dân số; điều kiện kinh tế, xã hội còn có những khó khăn nhất định; vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của nhà nước, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi còn hạn chế. Xác định việc lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS là nhiệm vụ hết sức quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của địa phương. Do đó, để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 25-NQ/TW và Chương trình hành động số 66-CTr/TU của Tỉnh ủy; trong thời gian qua Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung triển khai nhiều giải pháp hết sức cụ thể như sau:

Ngay sau khi có Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chương trình hành động của Tỉnh ủy; Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch và Chương trình với những nội dung cụ thể, sát thực với tình hình thực tế của địa phương để triển khai, thực hiện; kịp thời tổ chức học tập, quán triệt cho cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ công chức của huyện để nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với công tác dân tộc. Thường xuyên củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng toàn diện vùng đồng bào DTTS do đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy trực tiếp phụ trách để giúp cho Ban Thường vụ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số một cách kịp thời, hiệu quả.

Ngày Thứ bảy vì nông thôn mới
Ngày Thứ bảy vì nông thôn mới

Chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền tập trung các nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế, xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thông qua các chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh và ngân sách của địa phương. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, dự án đầu tư trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn để nâng cao hiệu quả. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị ở cơ sở. Tập trung thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ đồng bào dân tộc thiểu số để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Chú trọng kiện toàn đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, đã tăng cường, luân chuyển cán bộ huyện xuống các xã đồng bào dân tộc; lựa chọn, bố trí con em đồng bào DTTS sau khi tốt nghiệp các trường Cao đẳng, Đại học về công tác tại địa phương. Do đó, đến nay đội ngũ cán bộ chủ chốt của các xã vùng đồng bào dân tộc cơ bản đã đạt chuẩn theo quy định.

Chú trọng phát huy tốt vai trò lực lượng cốt cán, già làng người có uy tín, các chức sắc tôn giáo trong vùng đồng bào DTTS để góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tại địa phương. Đồng thời, tổ chức Hội nghị gặp mặt các vị già làng tiêu biểu, người có uy tín trong đồng bào DTTS; gặp gỡ các chức sắc tôn giáo qua đó để tranh thủ công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước và của địa phương. Chú trọng đẩy mạnh công tác phát động phong trào “Toàn dân đấu tranh tố giác tội phạm” nêu cao cảnh giác cách mạng, không tin, không nghe, không làm theo sự kích động, xúi giục của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo, dân tộc nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc chống phá Đảng và Nhà nước. Do đó, trong những năm qua không để xảy ra điểm nóng về chính trị.

Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo Ban Dân vận Huyện ủy tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị về công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua Ban Chỉ đạo xây dựng toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Ban Chỉ đạo 503 của huyện. Trong 10 năm qua đã phối hợp tổ chức 10 đợt công tác dân vận cơ sở  tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số với các nội dung hết sức thiết thực, hiệu quả như: Hỗ trợ làm nhà, làm đường, lắp điện chiếu sáng, vận động bà con đồng bào dân tộc thiểu làm sân bê tông, cổng, hàng rào; đào giếng, tặng quà cho các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ cây con giống; tổ chức các đợt khám chữa bệnh miễn phí; vận động Nhân dân từng bước xóa bỏ các phong tục không còn phù hợp gắn với xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư…

Từ kết quả như trên đời sống, vật chất, tinh thần của người dân ngày được nâng cao, ngày càng có nhiều mô hình sản xuất giỏi trong đồng bào DTTS, thu nhập bình bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối 2022 còn dưới 3,82%, trong đó hộ nghèo đồng bào DTTS còn 6,7% (theo tiêu chí mới), không còn xã đặc biệt khó khăn; kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng; tinh thần đoàn kết dân tộc không ngừng được củng cố và phát huy; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện được giữ vững, không để xảy ra điểm nóng; hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, từ đó góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại hạn chế đó là: một bộ phận nhân dân đời sống còn khó khăn, các phong tục không còn phù hợp vẫn chưa được loại bỏ; vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nhà nước. Việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi của người dân còn hạn chế do đó việc phát triển kinh tế chưa mang lại hiệu quả cao, chưa bền vững. An ninh trật tự vẫn còn tiềm ẩn các yếu tố phức tạp, gây mất ổn định đặc biệt là liên quan đến các vấn đề dân tộc, tôn giáo; cán bộ ở cơ sở là người đồng bào DTTS còn có những hạn chế nhất định chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI); Nghị quyết số 14-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030”; Nghị quyết số 16-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022 - 2030. Trong thời gian tới cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Một là: lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các chương trình mục tiêu, các chính sách, đề án, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào DTTS; các chính sách, dự án thuộc chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững. Khai thác thế mạnh của địa phương, huy động mọi nguồn lực xã hội, lồng ghép các chương trình, dự án để tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS một cách đồng bộ, hiệu quả.

Hai là: tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ nông sản. Thực hiện tốt công tác giao khoán, quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp. Thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các chính sách về giáo dục đào tạo, đào tạo nghề, tạo việc làm; công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho nhân dân trong vùng đồng bào DTTS. Chú trọng các hoạt động bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và xây dựng đời sống mới; tăng cường xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; xóa bỏ dần các phong tục tập quán không còn phù hợp trong đồng bào DTTS.

Ba là: thường xuyên giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào DTTS; kiên quyết không để các thế lực thù địch kích động, xuyên tạc, chống phá, lợi dụng chính sách dân tộc, tôn giáo gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc ngay tại cơ sở, giải quyết tốt những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng, không để phát sinh điểm nóng, khiếu kiện, khiếu nại đông người vượt cấp. Thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát, dân thụ hưởng” trong thực hiện các chính sách, chương trình, dự án đầu tư trong vùng đồng bào DTTS.

Bốn là: Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, hướng các hoạt động về cơ sở, bám vào cơ sở, tập hợp đồng bào dân tộc vào tổ chức, theo hướng bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, của đoàn viên, hội viên; kịp thời nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của để tham mưu, đề xuất với Đảng, chính quyền giải quyết; vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy dân chủ, nội lực để phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Năm là: quan tâm công tác phát triển đảng viên mới; thực hiện quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người đồng bào dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Phát huy vai trò của đội ngũ cốt cán, già làng, người có uy tín trong việc tuyên truyền vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đồng thời vận động đồng bào tham gia giám sát việc thực hiện các chương trình dự án đầu tư trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

(Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”)

                                                                        Phòng dân vận CCQNN, dân tộc và tôn giáo

Lượt xem: 1.913
Liên quan