Như chúng ta đã biết, công tác dân vận là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của đất nước ta.Trong bài báo “Dân vận” viết ngày 15/10/1949 Bác Hồ đã khẳng định: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ Ðoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh, vv.) đều phải phụ trách dân vận”. Tại Nghị quyết 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của BCHTW Đảng lần thứ bảy (khóa XI) Đảng ta tiếp tục khẳng định:“Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Trong đó, Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt”; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 16/5/2016 về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới. Như vậy, Bác Hồ, Đảng và Nhà nước ta đã xác định, thực hiện công tác dân vận không chỉ là công tác của Đảng, Mặt trận, đoàn thể mà còn là trách nhiệm của chính quyền, của CBCCVC trong các cơ quan hành chính Nhà nước.
Thực hiện quan điểm của Đảng và lời dạy của Bác Hồ, những năm qua, công tác dân vận của cả hệ thống chính trị trong tỉnh được tăng cường, có những đổi mới, đạt được những kết quả tích cực. Các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã quan tâm hơn đến công tác dân vận. Sự phối hợp giữa Ban Dân vận các cấp với chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội gắn bó, chặt chẽ, đem lại những kết quả thiết thực. Chính quyền các cấp trong tỉnh đã đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác dân vận.
Tuy nhiên, công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như: Việc thực hiện công tác dân vận ở một số nơi chưa thường xuyên, kịp thời, hiệu quả thấp; một bộ phận CBCCVC nhận thức chưa đầy đủ về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận; sự phối hợp giữa một số cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp chưa thường xuyên; một số nơi còn tư tưởng xem nhẹ công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp.
Để thực hiện tốt công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp, tăng cường đổi mới, tạo sự chuyển biến từ nhận thức về công tác dân vận trong tình hình mới, Ban Dân vận Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 27/02/2018 về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới; phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1030/QĐ-UBND ngày 01/6/2018 Ban hành quy định tiêu chí, thang điểm và phương pháp đánh giá công tác dân vận của các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (đã được sửa đổi, bổ sung bằng Quyết định 2372/QĐ-UBND ngày 22/9/2021).
Hàng năm, Ban Dân vận Tỉnh ủy đều phối hợp với UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện công tác dân vận chính quyền. Theo đó, các sở, ban, ngành và địa phương đã xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện phù hợp với tình hình, nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương mình. Cuối năm, hầu hết các sở, ban, ngành, địa phương đều tự chấm điểm công tác dân vận chính quyền theo Quyết định 2372/QĐ-UBND ngày 22/9/2021 gửi về Sở Nội vụ và Ban Dân vận Tỉnh ủy. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức kiểm tra, chấm điểm, đánh giá, tham mưu UBND tỉnh quyết định phân loại công tác dân vận chính quyền hàng năm.
Thực hiện Chương trình phối hợp công tác dân vận giữa Ban Dân vận Tỉnh ủy và UBND tỉnh những năm qua đã đạt hiệu quả và có sức lan tỏa trên các lĩnh vực:
Việc cải cách TTHC trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông đạt 100%; ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách TTHC góp phần tạo sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp; nhiều TTHC đã được áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO, thực hiện theo cơ chế một cửa và một cửa điện tử, đảm bảo việc theo dõi và kiểm soát quá trình giải quyết được chính xác. Việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến và thí điểm giải quyết TTHC thông qua dịch vụ bưu chính công ích đã tạo điều kiện thuận lợi, giúp giảm thiểu thời gian, tiết kiệm kinh phí cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường tính công khai, minh bạch, góp phần cải thiện nhanh các chỉ số PCI, PAPI của tỉnh, tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của tỉnh năm 2021 đạt 86,75 điểm, xếp thứ 29/63 tỉnh, thành, tăng 3 bậc; Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tăng mạnh với 43,54 điểm, xếp thứ 18/63 tỉnh, thành, tăng 45 bậc so với năm 2020; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 đạt 67,17 điểm, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố cả nước, tăng 2,74 điểm và tăng 8 bậc so với năm 2020. Thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, tỉnh Lâm Đồng đã số hóa kết quả giải quyết TTHC tạo thuận lợi cho việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử.
Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, kiến nghị của nhân dân được các cấp chính quyền, các cơ quan nhà nước quan tâm, chú trọng việc tiếp xúc đối thoại trực tiếp với nhân dân nhằm tuyên truyền, vận động, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc ở cơ sở, không để hình thành “điểm nóng” như đối thoại về bồi thường giải phóng mặt, những vấn đề được nhân dân quan tâm liên quan đến đất đai, ô nhiễm môi trường, chế độ, chính sách...
Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở từng bước đi vào nền nếp, các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương thuộc tỉnh đã quan tâm đến việc xây dựng, ban hành, thiết lập hệ thống quy chế cơ quan, đơn vị. Qua đó, khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, trí tuệ, sức sáng tạo, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Bên cạnh đó, chính quyền các cấp đã chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với quy hoạch, kế hoạch sử dụng và có nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức, tạo sự chuyển biến trong tác phong, lề lối làm việc theo phương châm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”; trên tinh thần “Nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, góp phần phòng, chống quan liêu, tham nhũng; đề cao trách nhiệm người đứng đầu và nâng cao chất lượng thực thi công vụ, giảm dần tình trạng quan liêu, mệnh lệnh hành chính. Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường kỷ luật, siết chặt kỷ cương hành chính; thực hiện nếp sống văn minh...
Ngoài ra, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với Ban Dân vận cùng cấp ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức các phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chính quyền các cấp đã chủ động xây dựng quy chế phối hợp hoạt động giữa Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp để thiết lập mối quan hệ công tác, hỗ trợ, phối hợp nhằm hoàn thành nhiệm vụ theo Nghị quyết Đảng bộ cùng cấp đã đề ra. Ủy ban nhân dân các cấp xây dựng quy chế, chương trình phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương, đẩy mạnh cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, phòng chống tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội. Trong năm 2022, các cơ quan nhà nước đã phối hợp chặt chẽ với UBMTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phong trào “dân vận khéo” tại cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới. Các cấp chính quyền đã tích cực vận động nhân dân tự nguyện hiến đất, hiến tài sản, đóng góp tiền, ngày công lao động với giá trị hàng trăm tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu; kịp thời biểu dương, khen thưởng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền.
Từ hiệu quả và sức lan tỏa của công tác dân vận chính quyền thời gian qua có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm:
Một là, cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng đối với công tác dân vận chính quyền.
Hai là, Ban Dân vận cấp ủy phải chủ động nghiên cứu, kịp thời tham mưu cho cấp ủy ban hành văn bản để chỉ đạo; phối hợp với UBND ban hành các văn bản triển khai thực hiện công tác dân vận chính quyền; hướng dẫn cấp ủy cơ sở xây dựng nghị quyết chuyên đề, chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện; chú trọng kiểm tra, đánh giá công tác dân vận chính quyền.
Ba là, cần tập trung cho công tác tập huấn, tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận. Kịp thời sơ, tổng kết, khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền.
Bốn là, đưa tiêu chí thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền vào tiêu chí đánh giá, phân loại thi đua, khen thưởng đối với tập thể và cá nhân cơ quan Nhà nước các cấp.
Tư Lê