Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo – người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Lâm Đồng với việc chăm sóc, giúp đỡ người nghèo, người tàn tật và trẻ mồ côi In trang
01/04/2022 03:16 CH

Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Lâm Đồng được thành lập ngày 28/7/2011 theo Quyết định số 1161/QĐ-UBND của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng. Đây là một tổ chức xã hội từ thiện có tư cách pháp nhân, có con dấu và trụ sở riêng.

Hơn 10 năm hoạt động, Hội đã vận động nguồn tài trợ hơn 602 tỉ đồng, giúp gần 1.400 trẻ em và bệnh nhân nghèo ở Lâm Đồng và bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn ở nhiều tỉnh bạn được phẫu thuật tim.Tổ chức phẫu thuật thay thủy tinh thể, đem lại ánh sáng đôi mắt cho gần 11.000 người cao tuổi; tặng 6.000 xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật và bệnh nhân bị tai biến, bại liệt; hơn 2.000 chiếc xe đạp và 1.900 suất học bổng đã được trao cho học sinh mồ côi, học sinh khuyết tật và học sinh nghèo; 311 lượt bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ chi phí chạy thận nhân tạo hàng tháng; 541 trẻ em bị sứt môi, hở hàm ếch, mảng hắc tố, trẻ bị dị tật do bỏng được phẫu thuật chỉnh hình và phẫu thuật thẩm mỹ. Hội đã cung cấp bữa ăn dinh dưỡng miễn phí cho hơn 175.000 lượt bệnh nhân nghèo, người khuyết tật, trẻ mồ côi và người già neo đơn; 12.400 phụ nữ được khám tầm soát ung thư phụ khoa và ung thư nhũ khoa; 179.489 lượt người nghèo được khám bệnh tổng quát, khám mắt, khám tầm soát tim mạch, khám và điều trị các bệnh về răng miệng; 975 bệnh nhân nghèo được hỗ trợ viện phí, chi phí phẫu thuật và chi phí điều trị các bệnh hiểm nghèo;Hội vận động xây dựng 120 ngôi nhà tình thương cho người nghèo; 520 cháu bé bị dị tật cơ xương khớp bẩm sinh được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng; hơn 5.000 lượt học sinh mầm non và học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số được tài trợ nâng cao chất lượng bữa ăn; tặng 9.000 thẻ bảo hiểm y tế cho những gia đình khó khăn; 340 trường hợp được hỗ trợ từ các chương trình Tiếp Sức Hồi Sinh, Vượt Lên Chính Mình, Mở Cửa Tương Lai, Khát Vọng Sống, Thắp Sáng Ước Mơ Xanh, Nhịp Tim Việt Nam, Nâng Cao Chất Lượng Dinh Dưỡng, Phẫu Thuật Đem Lại Nụ Cười, Trợ Vốn Khởi Nghiệp. Nhiều gia đình được hỗ trợ từ 200 triệu đến 490 triệu đồng để chữa bệnh, mua công cụ sản xuất, xây nhà và nuôi con ăn học. Nhiều công trình công cộng như: giếng khoan, hệ thống nước sạch, thư viện trường học, cầu giao thông đã được xây dựng để phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa. Ngoài các chương trình trên, Hội đã hỗ trợ tiền mặt, lương thực và nhu yếu phẩm hàng tháng cho hơn 15.000 lượt người nghèo; Tặng học bổng dài hạn từ 5 đến 7 năm cho 120 học sinh mồ côi, khuyết tật và học sinh nghèo, 30 học sinh được nhận học bổng trị giá từ 50 đến 70 triệu đồng; 239.790 lượt người có hoàn cảnh khó khăn tại các xã vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được Hội hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, áo quần và mền mùng mới; 1.700 máy trợ thính đã được trao cho học sinh khiếm thính và người cao tuổi; 20 học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ được tặng máy vi tính xách tay phục vụ cho việc học tập; Bếp ăn từ thiện ở Trung tâm y tế Cát Tiên được Hội thành lập và tài trợ dài hạn... Tổng số lượt người được Hội trợ giúp trong 10 năm qua là 841.979 người.

Trong các năm miền Trung và vùng Tây bắc bị thiên tai, lũ quét và lụt lội. Anh chị em Hội viên và các Mạnh thường quân của Hội đã đóng góp hơn 3,6 tỉ đồng để Hội tổ chức đoàn đến các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Phú Yên, Bình Định và Yên Bái hỗ trợ cho 1.800 gia đình bị thiệt hại nặng, mỗi gia đình 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Qua đó, đã góp phần giúp bà con các vùng lũ giải quyết những khó khăn sau thiên tai.

Những tháng đại dịch Covid 19 bùng phát tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông nam bộ, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Lâm Đồng và các chi Hội trực thuộc đã mua và vận động ủng hộ 650 tấn rau, củ, quả gửi tặng bà con các vùng giãn cách, các bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. Nhiều anh chị em Hội viên ở các huyện Di Linh, Đơn Dương, Đức Trọng đã tự bỏ tiền mua rau, củ, quả, tự thuê phương tiện chở vào tặng bà con vùng dịch. Các Hội viên ở thành phố Đà Lạt đã cùng gia đình nấu và cung cấp hơn 20.000 suất cơm trưa miễn phí cho những người thất nghiệp, người bán hàng rong, chạy xe ôm, người bán vé số dạo ở Đà Lạt trong những ngày phòng dịch. Chủ tịch Hội Bảo trợ đã dành toàn bộ lương hưu trong 4 tháng và tiền một năm cho thuê mặt bằng tại nhà và vận động các con trong gia đình đóng góp tổng số tiền 322.400.000 đồng để tặng 403 phần quà, mỗi phần trị giá 800.000 đồng, giúp cho 403 hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, người khuyết tật và bệnh nhân nghèo tại Đà Lạt trong những ngày phòng chống dịch.

Hỗ trợ chi phí mổ để những trái tim non tròn nhịp đập, giúp người bệnh sớm hồi sinh; giúp người điếc được nghe, người mù thủy tinh thể được nhìn, trẻ khuyết tật được đứng trên đôi chân của chính mình, lo cho người nghèo có mái nhà, trẻ mồ côi được cưu mang nuôi dưỡng, người khuyết tật có chiếc xe lăn... Tất cả những việc Hội Bảo trợ là tiếng gọi từ đáy lòng của những người làm công tác bảo trợ ở vùng đất Nam Tây nguyên. Và tiếng gọi đó đã được hồi đáp từ nhiều Nhà tài trợ trong và ngoài nước.Nhờ vậy,hoạt động của Hội liên tục được duy trì. Từ 5 chương trình nhân đạo trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, đến nay, Hội đã có 17 chương trình nhân đạo từ thiện hiệu quả và có ý nghĩa thiết thực, góp phần cùng các địa phương trong công cuộc tỉnh an sinh xã hội.

Để có được những kết quả trên, các cấp Hội đã tạo được lòng tin đối với các Nhà tài trợ bằng việc công khai, minh bạch trong sử dụng nguồn tài chính, toàn bộ số tiền tài trợ đã được Hội đề nghị các nhà hảo tâm, các tấm lòng nhân ái, các tổ chức quốc tế trực tiếp hỗ trợ các đối tượng cần trợ giúp bằng cách chuyển tiền mổ tim cho các bệnh viện; hợp đồng phẫu thuật mắt với các đoàn bác sĩ, mua máy trợ thính, đặt xe lăn, xe lắc, xe đạp, lương thực, nhu yếu phẩm, mua thẻ bảo hiểm y tế… chuyển về Lâm Đồng để cùng Hội Bảo trợ tổ chức các chương trình nhân đạo. Vì thế nhà tài trợ biết rõ đồng tiền trợ giúp của họ được trao cho ai, giúp cho đối tượng nào, và họ yên tâm rằng Hội Bảo trợ Lâm Đồng không trích tiền tài trợ và không xin hỗ trợ để chi vào việc quản lý và triển khai các hoạt động nhân đạo. Tất cả các khoản chi tổ chức các chương trình từ thiện đều do anh chị em Hội viên đóng góp; những khoản chi khác Hội đã xin UBND tỉnh hỗ trợ.  Điều đó lý giải vì sao 10 năm qua Hội Bảo trợ Lâm Đồng luôn là đơn vị dẫn đầu hệ thống Hội Bảo trợ toàn quốc về số tiền vận động tài trợ.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện một cửa, một dấu trong hồ sơ tài trợ; phối hợp với các sở: Kế hoạch và đầu tư; Nội vụ; Y tế; Lao động, Thương binh và Xã hội và Công an tỉnh trong việc giải quyết nhanh các thủ tục trình UBND tỉnh cho phép tiếp nhận viện trợ, cấp phép khám chữa bệnh, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức Phi chính phủ quốc tế đến địa phương thăm và giúp đỡ cho bệnh nhân nghèo, hỗ trợ người khuyết tật cũng là những yếu tố giúp Hội Bảo trợ Lâm Đồng thu hút các tổ chức nhân đạo và các nhà tài trợ đến với Lâm Đồng.

Một yếu tố rất quan trọng là lãnh đạo Hội, anh chị em Hội viên luôn có mặt trong các chương trình khám tầm soát tim mạch, khám sàng lọc cho trẻ dị tật, khám bệnh phát thuốc miễn phí, phẫu thuật thay thủy tinh thể cho bệnh nhân nghèo và người cao tuổi ở bất cứ địa điểm và thời gian nào. Khi bệnh nhân nghèo chuyển viện từ Lâm Đồng vào Thành phố HCM để mổ tim, phẫu thuật chỉnh hình, mổ sứt môi… ngoài việc hỗ trợ phương tiện đi lại, lãnh đạo Hội và anh chị em Hội viên đã cùng đi với bệnh nhân để lo thủ tục tài trợ, hỗ trợ bữa ăn hàng ngày, phân công người trực chăm sóc cho đến khi bệnh nhân xuất viện. Nhiều anh chị em Hội viên đã toàn tâm, toàn ý tự nguyện đóng góp, hỗ trợ vật chất cho các hoạt động chăm lo cho bệnh nhân nghèo, người khuyết tật và trẻ mồ côi. Tinh thần trách nhiệm đó cũng góp phần tạo niềm tin đối với các tổ chức xã hội từ thiện trong và ngoài nước. “Mắt thấy, tai nghe” là cách mà Hội hướng các nhà tài trợ, các tấm lòng nhân ái đến với địa phương, tiếp xúc với từng gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tìm hiểu nguyện vọng của từng đối tượng nên đã tạo được sự cảm thông sâu sắc giữa người giúp và người được giúp.

10 năm, một thời gian không dài đối với đời người. Nhưng đó là 10 năm mà anh chị em Hội viên Hội Bảo trợ Lâm Đồng đã biết đau với nổi đau của các bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo, đã cảm thông và khát khao chia sẻ với những thiệt thòi của người khuyết tật, đã thấu hiểu sự trống trãi cô đơn của các cháu bé mồ côi nên từng chi Hội, từng cá nhân Hội viên đã làm hết sức mình để khơi dậy lòng nhân ái trong mỗi con người.

Hoàng Dương

 

Lượt xem: 700