Nhìn lại kết quả 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các hội quần chúng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng In trang
26/05/2022 03:19 CH

Hiện nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có 676 tổ chức Hội quần chúng, trong đó, Hội có phạm vi hoạt động cấp tỉnh là 62 hội, Hội có phạm vi hoạt động cấp huyện là 139 hội và Hội có phạm vi hoạt động cấp xã là 475 hội.

Thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các hội quần chúng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động các Hội quần chúng trên địa bàn như: Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 15/10/2012 “về tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các hội quần chúng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”, Công văn số 4392-CV/TU, ngày 01/10/2014 về việc thực hiện Kết luận số 102-KL/TW của Bộ Chính trị về hội quần chúng, Kế hoạch số 121-KH/TU ngày 05/3/2020 về tiếp tục thực hiện Kết luận 102-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) và Thông báo Kết luận số 158-KL/TW của Ban Bí thư về hội quần chúng trong tình hình mới.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hội quần chúng. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ một số tổ chức hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về trụ sở làm việc, cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí tổ chức đại hội nhiệm kỳ, kinh phí hoạt động; chỉ đạo một số sở, ngành liên quan hướng dẫn giúp đỡ chuyên môn về một số hoạt động Hội trên một số lĩnh vực hội hoạt động. Để tạo điều kiện hỗ trợ cho các hội quần chúng hoạt động, trong 10 năm qua, UBND tỉnh đã hỗ trợ cho các hội với tổng số tiền hơn 97 tỷ đồng.

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 17, các Hội quần chúng đã đạt được nhiều kết quả như:

1. Tuyên truyền, vận động hội viên tham gia xây dựng nông thôn mới bằng các hình thức hiến đất, đóng góp công sức, tiền của… tham gia xây dựng nông thôn mới.

2. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện các hoạt động khuyến học, khuyến tài góp phần tích cực vào xây dựng gia đình học tập, cộng đồng học tập lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được các cấp hội quần chúng quan tâm, trở thành hoạt động thường xuyên của một số hội quần chúng với những hoạt động phong phú như tuyên truyền giáo dục sức khỏe phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, dân số kế hoạch hóa gia đình, phòng chống HIV/AIDS, sơ cấp cứu, phòng chống tai nạn thương tích, khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam/ dioxin. Các hội quần chúng phối hợp với các đoàn y, bác sĩ trong và ngoài tỉnh tổ chức các đợt khám, chữa bệnh cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, tổ chức khám sàng lọc cho hàng ngàn bệnh nhân da cam, người khuyết tật, vận động các nhà tài trợ để các đối tượng được phẫu thuật miễn phí…

3. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phát triển mạnh trong các tổ chức Hội, là sân chơi lành mạnh giúp hội viên phát huy năng khiếu, sở trường, đáp ứng nhu cầu, sở thích của hội viên, góp phần vào việc giáo dục đạo đức, lối sống, rèn luyện sức khỏe cho hội viên và nhân dân, cùng địa phương phát triển văn hóa, giáo dục, thể thao.

4. Các hội quần chúng có nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ hội viên sản xuất kinh doanh, vận động hội viên chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, tổ chức dạy nghề, tạo việc làm nâng cao đời sống cho hội viên và nhân dân.

5. Hoạt động từ thiện, nhân đạo và khắc phục hậu quả thiên tai luôn được sự quan tâm, chú trọng của các hội quần chúng. Hoạt động tiêu biểu nhất là Hội chữ thập đỏ tỉnh, Hội người khuyết tật tỉnh, Hội người mù tỉnh, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo và trẻ em mồ côi…. Các tổ chức Hội vận động hội viên tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, công tác từ thiện nhân đạo, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em mồ côi, người tàn tật, người nghèo, người già cô đơn góp phần thực hiện an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.

6. Công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được các hội quần chúng quan tâm, tích cực tham gia đóng góp nhiều ý kiến xây dựng chính sách pháp luật liên quan đến lĩnh vực. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh,  Hội Luật gia tỉnh đóng vai trò nòng cốt trong công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội, là thành viên Hội đồng tư vấn, giám sát và phản biện xã hội tỉnh.

7. Hội quần chúng các cấp trong tỉnh đã thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, tổ chức tuyên truyền, quán triệt, học tập đến cán bộ, hội viên và nhân dân về đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại. Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài tỉnh Lâm Đồng, Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia, Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào là cầu nối giữa bà con kiều bào nước ngoài với quê hương, đất nước; tạo điều kiện giúp kiều bào nắm thông tin, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời, giới thiệu nền văn hóa, văn minh và con người Việt Nam đến các nước sở tại.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định như: Việc thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên hội quần chúng. Nội dung và phương thức hoạt động của một số Hội còn nghèo nàn, lúng túng, biểu hiện xơ cứng. Một số Hội tương đồng về tính chất, chức năng, nhiệm vụ nên hoạt động còn chống chéo. Số lượng hội viên được tập hợp trong các hội còn thấp...

Để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 17-CT/TW trong thời gian tới, cần thực hiện tốt một số nội dung, nhiệm vụ như sau:

1. Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị 17-CT/TW và các chủ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hội quần chúng, Chỉ thị 19-CT/TU ngày 15/10/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các hội quần chúng, Kế hoạch 121-KH/TU ngày 05/3/2020 về tiếp tục thực hiện Kết luận 102-KL/TW và Thông báo Kết luận số 158-KL/TW của Ban Bí thư về hội quần chúng trong tình hình mới.

2. Làm tốt công tác quản lý nhà nước đối với các hội quần chúng.

3. Tăng cường công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội với các hội quần chúng trong việc tập hợp, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tham gia các cuộc vận đọng, phong trào thi đua yêu nước.

4. Các hội quần chúng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự đảm bảo kinh phí, hoạt động theo điều lệ và tuân thủ pháp luật.

Hoàng Dương

Lượt xem: 1.549