Hiệu quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong doanh nghiệp theo quy định của Nghị định 145/2020/NĐ-CP trên địa bàn thành phố Bảo Lộc In trang
06/10/2022 08:59 SA

Xác định việc lãnh đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Trong thời gian qua, Liên đoàn Lao động thành phố Bảo Lộc đã chủ động tổ chức phổ biến, quán triệt, triển khai rộng rãi nội dung quy chế dân chủ tới cán bộ, đoàn viên, công nhân lao động thông qua các buổi tuyên tuyền pháp luật lao động, các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cán bộ công đoàn, các buổi ra mắt thành lập công đoàn cơ sở, lồng ghép trong xây dựng chương trình, nội dung hoạt động của công đoàn các cấp; hướng dẫn các công đoàn cơ sở phối hợp tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại tại nơi làm việc. Năm 2022, Liên đoàn Lao động thành phố Bảo Lộc đã tham mưu với Ban chỉ đạo Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố ban hành Chương trình số 20-CTr/BCĐ ngày 28/01/2022 về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở năm 2022 và kế hoạch 22-KH/BCĐ ngày 22/3/2022 kiểm tra thực hiện quy chế dân chủ theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của chính phủ tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Bảo Lộc. Qua đó, đã kiểm tra 7 doanh nghiệp ở các lĩnh vực dệt tằm tơ, sản xuất cà phê, du lịch và xây dựng. Bên cạnh đó, thông qua 01 đợt kiểm tra pháp luật với 09 đơn vị theo chương trình phối hợp liên ngành giữa Liên đoàn Lao động - Phòng Lao động, thương binh và xã hội - Bảo hiểm xã hội thành phố và việc tư vấn pháp luật, hòa giải, giải quyết các tranh chấp lao động tại các doanh nghiệp đã tổ chức tuyên truyền cho các doanh nghiệp và người lao động nắm và hiểu rõ tác động của việc thực hiện tốt quy chế dân chủ với sự phát triển của doanh nghiệp, nâng cao đời sống người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa và tiến bộ trong doanh nghiệp.

Mặc dù trong thời gian vừa qua các Doanh nghiệp trên địa bàn thành phố chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, dẫn đến tình hình sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ tạm ngưng, việc tuyển dụng lao động rất khó khăn trong thời điểm hiện tại… nhưng với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên, đa số các doanh nghiệp duy trì được các hoạt động sản xuất kinh doanh, việc làm và thu nhập tuy có giảm sút nhưng nhìn chung vẫn được đảm bảo, việc thực hiện QCDC cơ sở tại các doanh nghiệp cũng được quan tâm và đạt được một số kết quả nhất định.

Phần lớn các doanh nghiệp có tổ chức CĐCS trực thuộc LĐLĐ thành phố đã xây dựng quy chế dân chủ, tổ chức Hội nghị người lao động, trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 81,2%, đối thoại định kỳ đạt 77,7%; qua đó đã công khai cho công nhân lao động về tình hình sản xuất kinh doanh, việc thực hiện HĐLĐ, Thỏa ước LĐTT, nội quy lao động, quy chế và cam kết, điều kiện làm việc…, trích nộp kinh phí công đoàn, BHXH, BHYT; các khoản tài chính khác và các vấn đề liên quan đến quyền lợi của người lao động một cách rõ ràng; người lao động được thảo luận, đóng góp ý kiến vào nội dung dự thảo thỏa ước lao động tập thể, vào việc sử dụng các quỹ khen thưởng, các quỹ do người lao động đóng góp, những vấn đề liên quan đến quyền lợi người lao động; được đưa ra những ý kiến, những giải pháp hữu ích vào kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện dân chủ trong các  doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Bảo Lộc trong thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế sau:

Một số công đoàn cơ sở chưa làm tốt công phối hợp thực hiện các nội dung, quy trình, thời gian tổ chức hội nghị người lao động, công tác kiểm tra, giám sát chưa kịp thời, đúng quy trình ở một số doanh nghiệp vẫn còn tồn tại trong việc chấp hành chính sách pháp luật lao động, việc công khai các nội dung để người lao động kiểm tra giám sát còn hạn chế...

Một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; nợ đọng BHXH; tình hình lao động không ổn định và làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện QCDC ở sơ sở và việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp.

Để thực hiện tốt Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của chính phủ, trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau:

          1. Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người lao động và người sử dụng lao động nắm vững quan điểm, nội dung, yêu cầu của việc xây dựng và thực hiện QCDC. Từ đó, tự giác, gương mẫu thực hiện và tuyên truyền vận động mọi nguời thực hiện. Phát huy hơn nữa vai trò của công đoàn các cấp, nhất là vai trò của công đoàn cơ sở trong tuyên truyền vận động và giám sát, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở mỗi đơn vị. Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền; nâng cao năng lực BCH công đoàn cơ sở để có đủ kỹ năng tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện QCDC, nhất là kỹ năng tổ chức Hội nghị người lao động, quy trình đối thoại.

2. Xác định trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện dân chủ cơ sở, xác định là công việc thường xuyên và duy trì theo nề nếp; phải xây dựng quy chế phối hợp công tác giữa giám đốc các doanh nghiệp với tổ chức công đoàn, đảm bảo quy chế dân chủ được triển khai thực sự nghiêm túc. Định kỳ 6 tháng, một năm tổ chức kiểm điểm đánh giá tình hình và đề ra các giải pháp kịp thời để thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp đạt kết quả tốt.

3. Xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở các doanh nghiệp phải gắn với  việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các phong trào thi đua yêu nước.

4. Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp hàng năm tổ chức hội nghị người lao động và thực hiện quy trình đối thoại định kỳ theo đúng thời gian, nội dung yêu cầu; nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết, thực hiện và giám sát thỏa ước lao động tập thể trong các doanh nghiệp.

5. Tích cực tham mưu cho Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ thành phố  xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra thực hiện quy chế dân chủ trong các doanh nghiệp với thành phần tham gia, đối tượng kiểm tra, nội dung và thời gian cụ thể. Thông qua các đợt kiểm tra sẽ nắm rõ hơn về tình hình kết quả triển khai thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại các doanh nghiệp, chỉ ra các hạn chế, thiếu sót cần phải khắc phục; hướng dẫn và yêu cầu các doanh nghiệp phải xây dựng và thực hiện QCDC của đơn vị mình theo các nội dung của nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày càng đi vào chiều sâu.

6. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy chế dân chủ gắn với kiểm tra thực hiện pháp luật lao động tại các doanh nghiệp và kiểm tra hoạt động công đoàn, đánh giá phân loại CĐCS hàng năm.

7. Thực hiện tốt công tác tư vấn pháp luật lao động cho người lao động và người sử dụng lao động; nắm bắt các đề xuất, kiến nghị, bức xúc trong công nhân lao động, thực hiện tốt công tác hòa giải, giải quyết các tranh chấp lao động, góp phần xây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

Quang Tuyền

Lượt xem: 723