Công tác tham mưu của Ban Dân vận Tỉnh ủy trong lĩnh vực quản lý nhà nước về tôn giáo In trang
06/04/2023 09:11 SA

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng về tôn giáo và công tác tôn giáo

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tôn giáo có nội dung rất phong phú và chứa đựng giá trị khoa học, nhân văn sâu sắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định tôn giáo là một thành tố của văn hóa, do vậy không chỉ mang bản chất nhân đạo, nhân văn mà còn thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc. Theo Người, giáo lý tôn giáo chân chính dù khác nhau, nhưng luôn đề cao tính nhân đạo, hướng thiện: “Chúa Giêsu dạy: Đạo đức là bác ái. Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi. Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa”. Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đồng bào có tôn giáo hay không có tôn giáo đều giàu lòng yêu nước và đều bị chế độ thực dân, phong kiến thống trị, bóc lộ nặng nề. Đấu tranh giải phóng dân tộc là nhằm làm cho tôn giáo được tự do và khi nước nhà độc lập, tiến hành xây dựng CNXH thì tôn giáo vẫn tiếp tục đồng hành cùng dân tộc”. Sau khi miền Bắc được giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 234/SL ngày 14/6/1955 về vấn đề tôn giáo, quy định chi tiết, cụ thể về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Người chỉ đạo: “Các cấp ủy phải thật sự quan tâm đến phần đời và phần đạo của đồng bào Công giáo”, vì “phần xác” có được ấm no thì “phần hồn” mới thong dong. Nội dung Đoàn kết tôn giáo nằm trong chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc. Đoàn kết tôn giáo trước hết “Phải đoàn kết chặt chẽ giữa đồng bào lương và đồng bào các tôn giáo, cùng nhau xây dựng đời sống hòa thuận ấm no, xây dựng Tổ quốc”. Cùng với bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh phải kiên quyết đấu tranh chống lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch; “bảo vệ tự do tín ngưỡng, nhưng kiên quyết trừng trị những kẻ đội lốt tôn giáo đã phản Chúa, phản nước”.

Đoàn lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, HĐND, MTTQVN tỉnh thăm, chúc mừng Giáng sinh năm 2022
Đoàn lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, HĐND, MTTQVN tỉnh thăm, chúc mừng Giáng sinh năm 2022

Quan điểm của Đảng về tôn giáo và công tác tôn giáo được thể hiện qua luận điểm “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân”. Luận điểm này được Đảng nêu lên lần đầu tiên trong Nghị quyết 24 - NQ/TW, được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam (Cương lĩnh năm 1991), trong các Văn kiện Đại hội VII, Đại hội IX và Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX... khẳng định “Đảng và Nhà nước ta tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân, thực hiện bình đẳng, đoàn kết lương giáo và giữa các tôn giáo”

2. Công tác quản lý quản lý nhà nước về tôn giáo

Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, hệ thống văn bản pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo của nước ta từng bước được hoàn thiện. Điều này được thể hiện rõ trong Hiến pháp 1992, Hiến pháp 2013: “Mọi người có quyền bình đẳng theo hoặc không theo một tôn giáo nào”, “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tôn giáo”. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã tạo sự tương thích với luật pháp quốc tế trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với quốc tế, đã có tác động tích cực trong việc bảo đảm nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của nhân dân, cũng như quản lý các hoạt động tôn giáo theo pháp luật. Đảm bảo các hoạt động tôn giáo diễn ra trong khuôn khổ pháp luật; từng bước phát huy được những mặt tích cực, hạn chế những mặt tiêu cực của hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo...

Tỉnh Lâm Đồng, với dân số khoảng 1,3 triệu người, có các tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận đang hoạt động gồm: Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, Giáo hội Công Giáo Việt Nam, 06 hệ phái Tin Lành[1], 04 hệ phái Cao Đài[2], Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam, Giáo hội Phật đường Nam Tông Minh Sư đạo, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo; Cộng đồng tôn giáo Ba Ha’I Việt Nam. Tổng số tín đồ 796.710 người. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền, công tác tuyên truyền, vận động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, hoạt động của các tôn giáo trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Các chức sắc, nhà tu hành, tín đồ tin tưởng và thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các tôn giáo tích cực hưởng ứng, thực hiện các phong trào thi đua yêu nước; tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đảm bảo an toàn giao thông, làm tốt công tác từ thiện nhân đạo, ủng hộ quỹ vì người nghèo, tích cực hưởng ứng cuộc vận động Chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19... Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về tôn giáo. Tạo điều kiện thuận lợi để chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo hoạt động đúng theo quy định pháp luật. Công tác hướng dẫn, quản lý hoạt động tôn giáo tuân thủ các quy định pháp luật và giải quyết các nhu cầu chính đáng của tổ chức, cá nhân tôn giáo. Nhiều cơ sở tôn giáo được chính quyền giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng đã sửa chữa, nâng cấp, cải tạo cơ sở thờ tự khang trang, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của chức sắc, tín đồ và nhân dân. Bên cạnh đó, các ngành chức năng của tỉnh và các địa phương đã tổ chức triển khai các lực lượng, biện pháp nghiệp vụ để nắm chắc tình hình, phân tích, đánh giá, dự báo những yếu tố tác động, âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, phản động, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo xâm phạm an ninh quốc gia để chủ động đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động nhằm kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về tôn giáo còn một số tồn tại như: Việc triển khai thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 162/NĐ-CP của Chính phủ ở một số địa phương còn lúng túng. Một số thủ tục hành chính liên quan đến giải quyết hồ sơ tôn giáo còn để kéo dài. Tình trạng sang nhượng đất đai, xây dựng công trình tôn giáo, hoạt động tôn giáo trái pháp luật vẫn còn diễn ra nhưng chính quyền địa phương chưa kịp thời nắm bắt, xử lý. Ở một số nơi còn buông lỏng để các tôn giáo hoạt động một cách tự phát và không có biện pháp quản lý, chậm báo cáo cấp trên để xử lý, giải quyết.

Hình ảnh các tu sỹ Phật giáo tham gia Hiến máu tình nguyện
Hình ảnh các tu sỹ Phật giáo tham gia Hiến máu tình nguyện

3. Công tác tham mưu của Ban Dân vận Tỉnh ủy nhằm thực hiện tốt quản lý nhà nước về tôn giáo trên địa bàn tỉnh

Để làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo thực hiện công tác quản lý nhà nước về tôn giáo trên địa bàn tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tập trung triển khai các nội dung:

- Chủ động tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo trong hệ thống chính trị và chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo. Trong đó, nội dung chủ yếu là về Chỉ thị 18-CT/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác tôn giáo trong tình hình mới; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 162/NĐ-CP của Chính phủ; Kế hoạch số 88-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng...

- Tham mưu chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước về tôn giáo. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực: Việc giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo đảm bảo theo đúng thời gian quy định, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của bà con tín đồ các tôn giáo (như: Giải quyết việc xác nhận thông báo danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung, thuyên chuyên chức sắc, tu sĩ; chấp thuận bổ nhiệm, cho tổ chức các cuộc lễ ngoài cơ sở tôn giáo, các khóa bồi dưỡng người chuyên hoạt động tôn giáo, giảng đạo ngoài khuôn viên cơ sở tôn giáo, xây dựng và sửa chữa các công trình tôn giáo, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tiếp nhận, giải quyết các đơn thư kiến nghị liên quan đến tôn giáo...) Tham mưu chỉ đạo việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tôn giáo các giai đoạn 2016-2020. Tạo điều kiện thuận lợi để các tôn giáo làm công tác từ thiện nhân đạo, giáo dục, y tế, dạy nghề.

- Phối hợp mở các lớp bồi dưỡng chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho các chức sắc, chức việc và người đại diện Ban quản lý các cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn.

- Tăng cường tiếp xúc, xây dựng mối quan hệ gắn bó, tạo sự đồng thuận với chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo thông qua việc thường xuyên thăm hỏi, động viên, chúc mừng các tổ chức, chức sắc tôn giáo trên địa bàn nhân ngày Tết cổ truyền của dân tộc và các ngày lễ trọng của các tôn giáo nhằm nắm bắt thông tin tình hình; tâm tư, nguyện vọng của chức sắc, chức việc và đồng bào tôn giáo. Phát huy sự sáng tạo, tự quản của đồng bào các tôn giáo trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh vững mạnh.

- Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong đồng bào các tôn  giáo. Xây dựng và nhân rông các mô hình như “Tiếng kẻng an ninh”, “Tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giữ gìn an ninh trật tự ở khu dân cư”, Giáo xứ “Sáng, xanh, sạch, đẹp”, “Công viên nghĩa trang”... nhằm góp phần bảo vệ môi trường, ổn định an ninh, trật tự xã hội tại địa phương, cơ sở.

- Tăng cường công tác nắm tình hình, phối hợp tổ chức phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch; kịp thời ngăn chặn các hoạt động lôi kéo, kích động quần chúng gây mất ổn định chính trị, xã hội và gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh đã xử lý kịp thời các hoạt động tôn giáo vi phạm pháp luật, xây dựng, sửa chữa công trình tôn giáo không phép, sai phép; hoạt động của các đối tượng cực đoan trong tôn giáo nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, các vấn đề liên quan đến hoạt động mê tín dị đoan. Tham mưu giải quyết hoặc đề xuất, giải quyết đơn, thư kiến nghị liên quan đến các tôn giáo...

Ngoài ra, tham mưu đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội ở địa bàn có đông đồng bào tôn giáo. Tăng cường tuyên truyền, vận động, tập hợp tín đồ các tôn giáo vào các tổ chức chính trị, xã hội tại địa phương. Qua đó, góp phần giáo dục, lan tỏa tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết dân tộc; ổn định trật tự xã hội tại địa bàn dân cư.

4. Nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới nhằm thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tôn giáo trên địa bàn tỉnh

4.1. Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nói chung và chủ trương, chính sách liên quan đến tôn giáo nói riêng cho chức sắc, nhà tu hành, chức việc, tín đồ; cán bộ, công chức, viên chức và đảng viên.

4.2. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân hoạt động theo Hiến chương, Điều lệ của giáo hội và đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật. Kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước, gây mất ổn định an ninh trật tự tại địa phương. Các ngành, các cấp và địa phương cần có sự phối hợp chặc chẽ trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, đảm bảo đúng pháp luật, hiệu quả, đồng bộ, không chồng chéo. 

4.3. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, trong đó có phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo tham gia phát triển kinh tế - xã hội, sống “tốt đời, đẹp đạo” đồng hành cùng dân tộc, tích cực tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, phát huy nguồn lực của tôn giáo; phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo cho sự phát triển của địa phương, đất nước.

4.4. Làm tốt công tác vận động quần chúng, tranh thủ chức sắc, chức việc, trí thức tôn giáo. Thường xuyên gặp gỡ chức sắc để thăm hỏi, động viên tạo sự gắn bó, hiểu biết lẫn nhau. Phát huy tinh thần yêu nước của đồng bào có đạo, đấu tranh làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc để phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, chống đối chế độ. Làm tốt công tác xây dựng và phát huy vai trò của cốt cán trong tôn giáo.

4.5. Tiếp tục tăng cương nắm bắt thông tin, tâm tư nguyện vọng của chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo nhằm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội có trọng tâm, trọng điểm để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các tôn giáo, gắn với việc đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân.

Đoàn Tòa Giám mục Đà Lạt thăm và chúc Tết Ban Dân vận Tỉnh ủy
Đoàn Tòa Giám mục Đà Lạt thăm và chúc Tết Ban Dân vận Tỉnh ủy


[1] Hội thánh Tin Lành Việt Nam (MN), Tổng hội Báp tít Việt Nam, Giáo hội Báp tít Việt Nam, Hội thánh Liên hữu Cơ đốc Việt Nam, Hội thánh Tin Lành Trưởng lão Việt Nam, Giáo hội Phúc âm ngũ tuần Việt Nam

[2] Cao Đài Tây Ninh, Cao Đài Ban Chỉnh đạo, Truyền giáo Cao Đài và Cao Đài Câu Kho Tam Quan

Lượt xem: 2.247
Liên quan