Thực trạng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về nêu gương, kỷ cương trong các cơ quan Nhà nước tỉnh Lâm Đồng (phần thứ nhất) In trang
23/04/2024 03:49 CH

Việc học tập và làm theo Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung và phong cách về nêu gương, kỷ cương của Người nói riêng là việc làm hết sức cần thiết, trở thành một yêu cầu, nội dung quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; là việc làm thường xuyên của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, góp phần làm chuyển biến chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên (CBĐV) công chức, viên chức (CCVC) trên tất cả các mặt công tác; đồng thời, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mãi lan tỏa, thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc trong đời sống xã hội.

Thứ nhất, phong cách nêu gương.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về phong cách nêu gương, nói đi đôi với làm. Người nói: đối với các dân tộc phương Đông thì “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Theo Người, nêu gương thì trước hết phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên, về mọi mặt, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, nói phải đi đôi với làm trên ba mối quan hệ chủ yếu: đối với mình, đối với người, đối với việc.

- Đối với mình phải không tự cao tự đại, tự mãn, kiêu ngạo mà luôn học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân, phải tự phê bình mình như rửa mặt hằng ngày.

- Đối với người phải luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, không dối trá, lừa lọc, khoan dung, độ lượng.

- Đối với việc thì dù trong hoàn cảnh nào phải giữ nguyên tắc “dĩ công vi thượng” (để việc công lên trên, lên trước việc tư), đã phụ trách việc gì thì phải tận tâm, tận lực làm cho kỳ được, không sợ khó khăn, gian khổ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao việc nêu gương và suốt cuộc đời Người luôn làm gương trong mọi công việc. Người thường căn dặn mọi người phải thực hành tiết kiệm, tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thời giờ, tiền bạc. Khi đất nước cực kỳ khó khăn, Người kêu gọi tiết kiệm và thực hiện tự giác, không khiên cưỡng. Để giáo dục bằng nêu gương đạt kết quả cao, Người chủ trương: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.

Thứ hai, phong cách thực hiện kỷ cương.

Theo Bác sức mạnh vô địch của Đảng là ở tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức tổ chức nghiêm chỉnh của cán bộ, đảng viên. Uy tín chung của Đảng và của mỗi đảng viên bắt nguồn từ sự gương mẫu, tự giác tuân thủ kỷ luật Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của các tổ chức, đoàn thể nhân dân mà đảng viên tham gia.

Kỷ luật của Đảng phải chặt chẽ, nghiêm minh, là điều kiện quan trọng để bảo đảm Đảng thật sự là khối đoàn kết, thống nhất trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức; bảo đảm cho đường lối, chủ trương của Đảng được chấp hành nghiêm chỉnh. Kỷ luật của Đảng là kỷ luật dựa trên tình đồng chí, của những người cùng chung lý tưởng, tự nguyện đứng vào hàng ngũ của Đảng, sẵn sàng hy sinh vì lợi ích của giai cấp công nhân, của dân tộc. Kỷ luật đó xuất phát từ ý chí của toàn Đảng nhằm bảo đảm cho sự thống nhất, tập trung cao trong Đảng, đồng thời để phát huy dân chủ, phát huy tính tích cực và sáng tạo của toàn thể đảng viên và các tổ chức đảng. Vì vậy, Hồ Chí Minh luôn khẳng định: Kỷ luật của Đảng là “kỷ luật sắt, nghĩa là nghiêm túc và tự giác”.

Là cán bộ, đảng viên Đảng Cộng sản phải khiêm tốn, không được “tự đặt mình cao hơn tổ chức, tự cho phép mình đứng ngoài kỷ luật”, phải “giữ gìn kỷ luật của chính quyền, của cơ quan, đoàn thể cách mạng, của nhân dân”,  khi nào và ở đâu cũng phải chịu sự phân công, quản lý của tổ chức đảng, phải hành động theo phạm vi kỷ luật của tổ chức, phải báo cáo, phải chấp hành nghị quyết, chỉ thị một cách nghiêm túc, đúng đắn, sáng tạo. Đó là tính Đảng, không có ngoại lệ.

Không chỉ lấy đức trị để giáo dục, răn đe, động viên mọi người, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chú trọng ban hành các quy định pháp luật để xử lý các hành vi sai lệch. Một tháng sau ngày lập nước, ngày 17-10-1945, Hồ Chí Minh đã gửi thư cho UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng, nêu rõ 6 căn bệnh cần đề phòng là: Trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo. Người phê bình: “Lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm. Ông ủy viên đi xe hơi, rồi bà ủy viên, cho đến các cô các cậu ủy viên cũng dùng xe hơi của công. Thử hỏi những hao phí đó ai phải chịu?... Chúng ta phải ghi sâu những chữ công bình, chính trực vào lòng”. Ngày 27-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh ấn định hình phạt tội đưa và nhận hối lộ. Ngày 26-01-1946, Người ký Quốc lệnh khép tội tham ô, trộm cắp của công vào tội tử hình. Trong trả lời chất vấn của Quốc hội vào năm 1946, Người nói: “Chính phủ hết sức làm gương, nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ hối lộ, đã trừng trị, đang trừng trị và sẽ trừng trị cho kỳ hết”. Người rất kiên quyết với những hành vi vi phạm pháp luật và trừng trị nghiêm khắc dù kẻ phạm tội ở cương vị nào. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác từng y án tử hình đại tá quân nhu Trần Dụ Châu vì tội tham ô, lợi dụng xương máu của anh em chiến sĩ để lo việc cá nhân.

Khi kỷ cương, kỷ luật được thực hành nghiêm túc thì chuyển hóa thành sự tin tưởng giữa cấp trên với cấp dưới, giữa nhân dân với chính quyền. Nếu chúng ta còn sự tin yêu đó, chúng ta sẽ chiến thắng tất cả, mất sự tin yêu đó, chúng ta sẽ gặp khó khăn.

Nêu gương, kỷ cương là hai thành tố có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại, hỗ trợ cho nhau; thực hiện tốt vấn đề này là cơ sở, đồng thời cũng là kết quả của vấn đề kia. Mỗi CBĐV CCVC thực hiện tốt việc nêu gương sẽ chấp hành nghiêm kỷ luật, góp phần siết chặt kỷ cương và luôn hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Thực hiện tốt kỷ cương, chấp hành nghiêm điều lệ, quy chế, chỉ thị, quy định… cũng là biểu hiện cụ thể của việc thực hiện nêu gương, đồng thời cũng là cơ sở góp phần cho mỗi CBĐV CCVC hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Mỗi CBĐV CCVC chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương sẽ là những tấm gương sáng cho tập thể noi theo, làm cho việc thực hành nêu gương theo phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày một hiệu quả. Chính vì vậy, mỗi CBĐV CCVC không chỉ thực hiện tốt việc nêu gương mà cần phải đề cao kỷ cương.

Liên hệ thực tiễn công tác dân vận chính quyền

Những năm qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều chủ trương, quy định về kỷ cương, nêu gương nên đã tạo được sự chuyển biến tích cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong làm việc; ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ. Việc thực hiện các chủ trương, quy định về nêu gương của Đảng đã góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của CBĐV CCVC và Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Nhiều CBĐV CCVC đã có ý thức rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, hết lòng, hết sức tận tụy với công việc, được quần chúng yêu mến, tín nhiệm.

Thực hiện Quy định số 07-QĐ/TU, ngày 22/5/2019 của Tỉnh ủy về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh ban hành Quy định số 1717-QĐ/ĐUK ngày 28/6/2019 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên để cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ Khối căn cứ thực hiện. Theo đó, công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao đạo đức công vụ, ý thức phục vụ Nhân dân của đội ngũ CBCCVC, nhất là bộ phận thường xuyên tiếp xúc với Nhân dân đã được lãnh đạo các cơ quan, địa phương, đơn vị chỉ đạo triển khai thực hiện. Trên cơ sở các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước về thực hiện quy chế dân chủ và công tác dân vận, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 26/4/2023 về việc chấn chỉnh lề lối làm việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao vai trò, trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc và tham mưu của các cơ quan, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 968/CĐ-TTg ngày 16/10/2023 về việc tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp; đồng thời, đẩy mạnh tinh thần “năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung” theo Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 9372/UBND-VX2 ngày 26/10/2023 về việc tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 27/10/2023 của UBND tỉnh về chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ của các cơ quan, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, địa phương, đơn vị tổ chức quán triệt cho CBCCVC, người lao động trực thuộc học tập, nắm vững các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở; nâng cao năng lực quản lý nhà nước, sửa đổi lề lối làm việc theo hướng dân chủ hóa, công khai hóa; tích cực tham gia đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, cửa quyền, hách dịch…; đẩy mạnh công tác CCHC theo hướng công khai, rõ ràng, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đến giao dịch; thực hiện tốt các chính sách về dân tộc, tôn giáo. Việc học tập, quán triệt được tiến hành thường xuyên thông qua các cuộc họp, hội nghị, giao ban hoặc lồng ghép, kết hợp với việc quán triệt triển khai nhiệm vụ chính trị, đánh giá thực hiện công tác, tuyên truyền pháp luật, triển khai thực hiện QCDC, CCHC… Qua đó, cho thấy toàn thể đảng viên, CBCCVC của các cơ quan, địa phương, đơn vị đã nhận thức về đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm, kỷ cương, ý thức phục vụ Nhân dân trong thực tiễn công tác; tích cực rèn luyện phong cách theo phương châm “trọng dân, gần dân, học dân”; “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”; “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”…

Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 27/10/2023 của UBND tỉnh về chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ của các cơ quan, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh; các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh đều thành lập tổ thanh tra công vụ nhằm thực hiện việc thanh tra, kiểm tra chế độ công vụ của đội ngũ CBCCVC đối với việc chấp hành giờ giấc làm việc tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2023, cơ quan thanh tra các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện đã tổ chức kiểm tra 78 lượt, nhắc nhở 13 trường hợp CBCCVC vi phạm giờ giấc làm việc, lập biên bản 03 trường hợp; đề nghị xử lý 04 trường hợp vi phạm giờ giấc làm việc theo quy định.

Tuy nhiên, việc thực hiện nội dung nêu gương chưa chuyển biến rõ nét, kỷ luật, kỷ cương ở một số nơi còn hạn chế, vẫn còn một số CBĐV, CCVC trong đó có cán bộ chủ chốt chưa thể hiện hết vai trò nêu gương, nói chưa đi đôi với làm, chưa thật sự phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình; thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao có lúc chưa đạt hiệu quả cao, thiếu gương mẫu trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, thậm chí vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, gây dư luận không tốt trong Nhân dân. Còn tình trạng cán bộ, đảng viên, cấp ủy các cấp sa sút về phẩm chất đạo đức, lối sống, vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật và xóa tên khỏi danh sách đảng viên hoặc khai trừ Đảng. Trong thực thi công vụ, nhất là trong thực hiện cải cách các thủ tục hành chính, một số CBĐV, CCVC cơ quan Nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ thiếu gương mẫu, còn vi phạm kỷ luật, kỷ cương, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho Nhân dân và doanh nghiệp, làm mất lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của Nhà nước (còn tiếp).

                                                                                                      Tư Lê

Lượt xem: 87
Liên quan